Nghỉ hưu nhưng vẫn đóng dấu, ký giấy tờ như ngày đương nhiệm

27/12/2011 10:13
Xuân Hòa
(GDVN) - Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng cho đến nay nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An vẫn phải đi làm không công.
Nghịch lý làm hiệu trưởng trường chuẩn Quốc gia nhưng không có lương

Mặc dù đã được công nhận là trường chuẩn Quốc gia từ năm 2005, tuy nhiên gần một tháng nay Trường tiểu học Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An như “rắn mất đầu” vì không có hiệu trưởng. 

Để ngôi trường mà bao năm nay mình gắn bó không vì thế mà đi xuống nguyên Hiệu trưởng trường tiểu học Thanh Hà thầy giáo Phan Văn Kháng đã phải làm hiệu trưởng một cách bất đắc dĩ. Mặc dù từ ngày 1/12/2011 thầy Kháng đã có quyết định nghỉ hưu để hưởng lương chế độ bảo hiểm theo quy định.

Đáng bất ngờ hơn nữa là thầy phải làm việc không được nhận lương nhưng công việc thì không khác gì ngày đang đương chức. 
Nghỉ hưu nhưng vẫn đóng dấu, ký giấy tờ như ngày đương nhiệm ảnh 1
Đã gần một tháng nay tiểu học Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An lại không hề có hiệu trưởng
Nguyên nhân dẫn đến nghịch lý trên là do từ khi có quyết định nghỉ hưu cho đến nay Phòng giáo dục huyện Thanh Chương cũng không hề có công văn hay văn bản nào để xuất người thay hoặc tạm thời thay thầy Phan Văn Kháng để giữ chức hoặc tạm quyền hiệu trưởng.

Trong khi đó theo thầy Kháng thì do phòng chưa có chỉ đạo nên thầy cũng không biết giao quyền quản lý tạm thời cho ai trong khi trường. Trong khi đó 2 hiệu phó của trường cũng vì không có chỉ đạo của Phòng giáo dục huyện nên không dám thay quyền hiêu trưởng. 

“Tôi già rồi nhà nước cho tôi nghỉ hưu tôi cũng muốn nghỉ cho khỏe nhưng vì tôi không biết giao quyền điều hành lại cho ai nên tôi vẫn phải đi làm. Tôi chỉ mong cấp trên nhanh chóng có quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng mới, hoặc tạm quyền hiệu trưởng để tôi thoải mái về nghỉ ngơi an nhàn không phải lo lắng như thế này nữa”, Thầy Kháng bộc bạch.  
Nghỉ hưu nhưng vẫn đóng dấu, ký giấy tờ như ngày đương nhiệm ảnh 2
Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng chỉ vì trường không có hiệu trưởng và sợ ngôi trường mình bao năm dạy học đi xuống nên hàng ngày thầy Phan Văn Kháng - nguyên hiệu trưởng trường Thanh Hà vẫn phải đi làm không lương và ký, đóng dấu hầu hết các loại văn bản giấy tờ liên quan đến trường như ngày đương nhiệm
Để ngôi trường gắn bó với mình bao nhiêu năm không chỉ vì thiếu người “cầm cương” mà thành tích của trường đi xuống nên thầy hàng ngày vẫn đến trường làm việc không công. 

Trao đổi vấn đề này ông Hoàng Cao Phơn – Chủ tịch UBND xã Thanh Hà thừa nhận: “Việc thầy Kháng đã nghỉ hưu mà vẫn phải đi làm không có lương là có thật. Hiện nay thầy cũng đã có danh sách trong những người hưởng lương hưu trí tại xã Thanh Hà”.

Một số giáo viên tại trường tiểu học Thanh Hà cũng khẳng định việc thầy Kháng đã nghỉ hưu nhưng vẫn đi làm không công là có thật và thầy đi làm chỉ vì tình yêu nghề, mến trường không vì mục đích cá nhân nào. Việc thầy Kháng đã nghỉ hưu nhưng gần một tháng nay đi làm không công giống như ngày thầy còn đương nhiệm và việc này Phòng giáo dục huyện Thanh Chương cũng đã biết.

Hình ảnh người thầy giáo đầu bạc trắng đã đến có quyết định của nhà nước để được “nghỉ ngơi” nhưng hàng ngày dưới thời tiết lạnh giá vẫn phải đến trường làm hiệu trưởng bất đắc dĩ như ngày còn đương nhiệm đã trở thành quen thuộc với các thầy, cô và học sinh  trong trường tiểu học Thanh Hà.

Nghỉ hưu nhưng vẫn đóng dấu, ký giấy tờ như ngày đương nhiệm 

Điều trái ngoáy nữa là mặc dù đã nghỉ hưu và hết quyền hạn của một hiệu trưởng gần một tháng nay nhưng cho đến nay hàng ngày thầy Kháng vẫn phải ký tên, đóng dấu vào hầu hết các giấy tờ văn bản của trường như ngày đương nhiệm.

Có những giấy tờ hết sức quan trọng như bảng lương, giấy tạm ứng kinh phí tiền đi thi hội khỏe phù đổng, biên bản thẩm định trường Quốc gia mức độ 1 … chỉ có hiệu trưởng đang đương chức mới có thể ký và đóng dấu nhưng thầy Kháng vẫn phải ký và đóng dấu để quyết định.
Nghỉ hưu nhưng vẫn đóng dấu, ký giấy tờ như ngày đương nhiệm ảnh 3
Quyết đinh nghỉ hưu từ ngày 1/12/2011 của thầy Phan Văn Kháng
“Cho đến nay một số giấy tờ tôi vẫn đang phải ký và đóng dấu mặc dù tôi đã nghỉ hưu. Kể như tháng lương vừa qua giáo viên nhân viên trong trường đã chậm mất gần 20 ngày vì lúc đầu tôi không dám ký nhưng chỉ vì thương giáo viên nên sau tôi cũng đành chấp nhận ký để cho kế toán đi nhận tiền về phát cho các anh em trong trường. Không chỉ vậy mà một số giấy tờ quan trong ký gửi cho Phòng giáo dục như biên bản thẩm định trường Quốc gia mức độ 1 tôi cũng mới vừa ký, đóng dấu và trực tiếp đưa nộp cho phòng giáo dục huyện Thanh Chương ngày 21/12 vừa qua”, thấy Kháng cho biết.

Có lẽ hiếm có nơi nào mà một vị hiệu trưởng đã nghỉ hưu gần một tháng vẫn có quyền đóng dấu, ký tên vào các văn bản giấy tờ có tính chất quan trọng quyết định đến trường mình như tại trường tiểu học Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Giả sử như trong thời gian này thầy Kháng ký một văn bản giấy tờ bất lợi cho trường tiểu học Thanh Hà ai sẽ chịu trách nhiệm?

Đưa vấn đề này trao đổi với thầy Nguyễn Hoài Nam – Trưởng phòng giáo dục huyện Thanh Chương chúng tôi nhận được cấu trả lời hết sức vô trách nhiệm : “Việc thầy Kháng nghỉ hưu chúng tôi đã biết nhưng việc thầy vẫn đi làm và vẫn ký tên, đóng dấu vào các văn bản liên quan đến trường chúng tôi không hề hay biết. Nếu thầy Kháng làm thế là sai và thầy đã nghỉ hưu thì cứ việc nghỉ. Và từ ngày thầy Kháng nghỉ hưu chúng tôi không nhận được giấy tờ văn bản nào thầy đóng dấu, ký tên liên quan đến trường gửi lên phòng. Nếu có chúng tôi cũng kiên quyết trả lại không nhận”.
Nghỉ hưu nhưng vẫn đóng dấu, ký giấy tờ như ngày đương nhiệm ảnh 4
Cho đến nay các loại giấy tờ liên quan đến trường như thế này thầy Kháng vẫn đang phải ký và đóng dấu
“Việc khuyết hiệu trưởng tại trường tiểu học Thanh Hà hiện nay là do đang còn vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm nhân sự. Còn việc bổ nhiệm tạm thời khi thầy Kháng chuẩn bị nghỉ hưu không báo lên cho phòng biết nên cái này là sai do thầy Kháng và lãnh đạo trường tiểu học Thanh Hà”, ông Nam cho biết thêm.

Tuy nhiên ông Phạm Việt Hải - Chuyên viên phòng giáo dục huyện Thanh Chương lại cho biết: “Việc thầy Kháng đi làm chúng tôi có biết và cho đến nay việc trường khuyết hiệu trưởng gần một tháng mà vẫn phải để thầy Kháng làm việc là vì do có vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm hiệu trưởng. Cùng với đó chúng tôi nghĩ chỉ vài ba ngày sẽ bổ nhiệm được hiệu trưởng nên mới xảy ra tình trạng đến nay trường tiểu học Thanh Hà vẫn chưa có hiệu trưởng”.

Như vậy việc một trường chuẩn quốc gia đã gần một tháng nay không có hiệu trưởng mà mọi giấy tờ văn bản vẫn được nguyên hiệu trưởng cũ là một điều hết sức trái khoáy.

Đặc biệt nữa là sự vô trách nhiệm của lãnh đạo phòng giáo dục huyện Thanh Chương khi kẻ bảo biết người bảo không trong việc thầy hiệu trưởng cũ đã về hưu những vẫn đi làm.

Vậy còn những uẩn khúc gì và những việc làm sai trái gì từ phía lãnh đạo đàng sau sự việc ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia khuyết hiệu trưởng này chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến quý độc giả ở các kỳ sau. 
Xuân Hòa