Nghỉ phòng dịch Covid-19, thầy cô trường tư chỉ biết thở dài!

23/02/2020 06:39
Ánh Dương
(GDVN) - Học sinh nghỉ dài ngày, thầy cô các trường tư thục không được trả lương đang sống lay lắt qua ngày.

Khi thầy cô thất nghiệp

Nếu như giáo viên trường công lập được nhận đầy đủ các khoản lương và phụ cấp trong những ngày nghỉ chống dịch Covid-19 thì thầy cô ở trường tư thục lại khác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số giáo viên bộ môn các trường tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh không được nhận lương trong những ngày nghỉ này.

Kể cả thời gian thầy cô nghỉ hè (thường nghỉ 1 tháng) cũng không được nhận tiền lương, nhà trường chỉ đóng bảo hiểm cho giáo viên có hợp đồng lao động đầy đủ.

Lí do, giáo viên bộ môn không được trả lương theo tháng mà được tính trên tiết dạy. Giáo viên giảng dạy bao nhiêu tiết thì hưởng bấy nhiêu tiền lương tùy vào sự chi trả của từng trường. Và khi học sinh nghỉ học, thầy cô không còn tiết dạy nào nên dĩ nhiên tiền lương cũng không có.

Riêng giáo viên cơ hữu (hợp đồng dài hạn) thì có thể nhận được một ít tiền trợ cấp tùy theo điều kiện của từng trường.

Giáo viên cơ hữu chủ yếu là quản nhiệm (làm công tác chủ nhiệm kiêm giảng dạy bộ môn, hoặc quản lí nội trú) gắn bó quanh năm suốt tháng với trường – ngày làm việc 8 tiếng.

Chẳng hạn như một trường có 45 lớp, với 2000 học sinh (trong đó có khoảng 500 em ở nội trú) thì có khoảng 60 giáo viên diện cơ hữu.

Trường nào có mặt bằng riêng (rất ít), không phải thuê mướn thì có thể giáo viên cơ hữu được hỗ trợ một khoản tiền lương. Tuy vậy, mức hỗ trợ cho giáo viên cũng chỉ bằng mức lương cơ sở, gần 1.500.000 đồng/tháng.

Nghỉ học phòng dịch Covid-19, nhiều giáo viên trường tư gặp khó khăn. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Nghỉ học phòng dịch Covid-19, nhiều giáo viên trường tư gặp khó khăn. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Còn trường nào phải thuê mướn mặt bằng thì gần như giáo viên không được nhận khoản tiền nào. Nhà trường lấy lí do không thu được học phí, lại còn phải chi phí thuê mướn mặt bằng, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đóng thuế cho Nhà nước… nên số tiền bị âm.

Theo Bộ luật Lao động hiện hành thì đây là quãng thời gian người lao động nghỉ làm việc do dịch bệnh được xác định là quãng thời gian ngừng việc.

Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. (Bộ luật Lao động)

Như vậy, theo luật thì giáo viên nghỉ việc trong trường hợp này do nguyên nhân khách quan dịch bệnh, vẫn được hưởng lương.

Thế nhưng, trường tư thục hoạt động theo kiểu doanh nghiệp, không có nguồn thu từ học phí nên thầy cô cũng chỉ biết ngậm ngùi chia sẻ với chủ trường lúc này.

Và sống lay lắt qua ngày

Chúng tôi ghé thăm cô Trần Thị Minh Trang, giáo viên dạy mầm non một trường tư thục ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh thì thấy hoàn cảnh cô giáo thật thương cảm.

Cô Trang quê ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị vào Sài Gòn dạy học đã được 4 năm. Cô được trả 6,7 triệu đồng/tháng với thời gian làm việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối (hoặc hơn nếu phụ huynh đón con trễ).

Không thể chấp nhận giáo viên tổ chức dạy thêm trong dịch Covid-19
Không thể chấp nhận giáo viên tổ chức dạy thêm trong dịch Covid-19

Căn phòng cô Trang thuê ở chỉ vỏn vẹn 12 mét vuông (có gác xép) cho cả gia đình, gồm chồng và 3 đứa con đang tuổi ăn học.

“Tôi có hai cháu học cấp hai ở quận Tân Phú và một cháu đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian nghỉ việc này, tôi chẳng nhận được một đồng lương nào cả, trong khi phải trả tiền nhà, tiền điện, nước và lo cho con ăn học nên tối tăm mặt mày. Chủ trọ lấy tiền điện, nước không theo giá Nhà nước mà áp giá gấp đôi khiến tôi phải tiết kiệm hết mức.

Hiện tại chồng tôi đi làm bảo vệ cho một công ty, ngày làm 12 tiếng nhận lương tháng 6 triệu. Chồng tôi tính đi bán thêm vé số và cháu sinh viên cũng đang tìm việc làm thì mới có thể đắp đổi qua giai đoạn này”, cô Trang trải lòng.

Cùng cảnh ngộ, thầy Nguyễn T.T., giáo viên một trường trung học phổ thông tư thục ở quận Tân Phú, nói rằng trường thông báo không trả lương vào những ngày giáo viên nghỉ, mặc dù thầy là giáo viên cơ hữu.

“Một tháng tôi phải trả 5 triệu cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng trước đó vay mua nhà chung cư. Con gái tôi 3 tuổi bị bệnh về não, có tháng chi phí tiền thuốc men đến vài ba triệu.

Hiện tại tiền lương tôi được khoảng 10 triệu, bao gồm tiền quản nhiệm và tiền dạy theo tiết. Nếu thành phố cho học sinh nghỉ hết tháng 3, tôi sẽ tạm thời đem con về quê chờ ngày đi dạy trở lại”, thầy T. chia sẻ.

Cay đắng hơn cả là trường hợp của thầy Lê Văn Q., hiện đang giảng dạy một trường trung học phổ thông tư thục ở quận Tân Phú.

Thầy Q. cho biết, hiện tại nhà trường còn nợ lương thầy từ tháng 1/2020 khoảng 7 triệu đồng. Thầy Q. đã năm lần bảy lượt đi đòi nhưng chủ cứ hẹn rày hẹn mai vì trường thu học phí không đủ tiền trả mặt bằng.

“Tôi viết đơn xin nghỉ việc rồi. Cũng may một trường khác ở quận 12 đã đồng ý nhận tôi vào làm. Tôi đang ở Bình Thuận chờ hết thời gian nghỉ dịch thì lên lại Sài Gòn”, thầy Q. nói qua điện thoại.

Ánh Dương