Những yêu cầu vô lý, bất khả thi cho người viết sách giáo khoa mới

03/09/2017 13:00
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Chúng ta không nên bày vẽ ra chuyện “kết nối”, “cộng hưởng”, “tích hợp” thuần túy cơ học nữa mà làm rối giáo viên và các em học sinh.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết mới của nhà giáo Nguyễn Trọng Bình nhằm trao đổi với Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng về vấn đề làm sách giáo khoa mới.

Vấn đề này được thầy Hùng chia sẻ trong bài “Phó giáo sư - chuyên gia chương trình mới bày cách viết sách giáo khoa”.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và cảm ơn thầy Nguyễn Trọng Bình!

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Ngày 26/8/2017, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng bài viết của Phó giáo sư -  Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng nhan đề: “Phó giáo sư – chuyên gia chương trình mới bày cách viết sách giáo khoa” [1].

Tôi đã đọc đi đọc lại bài viết này không dưới 10 lần, do không biết mình đã lĩnh hội hết những gì thầy Hùng nói (sau đây xin phép được xưng hô như vậy cho gọn) nên có một vài băn khoăn, rất khó hiểu và khó thông suốt. 

Vì lẽ đó, tôi mạo muội xin được trao đổi vài vấn đề với thầy Hùng như sau:

Vấn đề thứ nhất: 

Được biết quan điểm chung của những người phụ trách việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa tổng thể lần này là:

Hướng đến mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của người học; tiến đến xóa bỏ cách dạy và học theo kiểu nhồi nhét kiến thức một chiều hiện nay. 

Cá nhân tôi hoàn toàn thống nhất và ủng hộ quan điểm và cách làm này. 

Tuy vậy, đọc bài viết của thầy Hùng thú thật tôi không thấy được quan điểm trên được thế hiện ở phương diện nào. 

Hình minh họa: Báo Nhân Dân.
Hình minh họa: Báo Nhân Dân.

Ngược lại, tôi thấy nếu việc biên soạn các sách giáo khoa theo quan điểm của thầy Hùng trở thành hiện thực, thì sắp tới đây không những các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp dạy học mà các em học sinh có nguy cơ bị… “tẩu hỏa nhập ma”.

Bởi vì học theo chương trình mới, sẽ có quá nhiều tri thức, kiến thức (tự nhiên lẫn xã hội) các em phải tiếp thu, lĩnh hội dựa trên quan điểm dạy học “tích hợp” mà các thầy đang triển khai. 

Trước hết, về quan điểm chung, trong bài viết của mình, thầy Hùng đã đề ra yêu cầu cho người biên soạn sách giáo khoa nói chung và với môn Ngữ văn nói riêng như thế này:

“Để làm được điều này, các tác giả sách giáo khoa, nhất là sách Tiếng Việt ở Tiểu học, khi lựa chọn văn bản thông tin để dạy đọc hiểu và tạo kiến thức nền cho học sinh viết, nói và nghe, cần tham khảo nội dung dạy học của các môn Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội để có một số văn bản “đồng hướng” về đề tài, thể loại, giúp tăng cường khả năng kết nối, tích hợp giữa môn Tiếng Việt (Ngữ văn) với các môn khác. 

Ngoài ra, trong các tác phẩm văn học thường có những nhân vật, sự kiện, tình huống có liên quan đến những vấn đề thuộc phạm vi quan tâm của các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, chẳng hạn ước mơ của nhân vật về cuộc sống ở một hành tinh xa xôi;

Bi kịch của nhân vật sau một thảm họa thiên nhiên; quan niệm của nhân vật, một tay buôn động vật hoang dã, về thế giới loài vật,…

Những vấn đề “đồng hướng” như vậy tạo ra cơ hội cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên mở rộng, liên hệ câu chuyện trong tác phẩm văn học với những kiến thức, thông tin mà học sinh có được từ các môn học khác.”

Từ đây, thầy Hùng tiếp tục đặt ra yêu cầu đối với giáo viên là phải biết “tích hợp”, “cộng hưởng”, “kết nối” các môn khoa học xã hội và tự nhiên lại với nhau để từ đó giải thích chính xác các “thuật ngữ” khoa học vì lẽ:

“Trong mỗi chuyên ngành khoa học còn có những đặc trưng về cấu trúc ngữ pháp và cấu trúc văn bản, về cách sử dụng các phương tiện giao tiếp đa phương thức như hình ảnh, kí hiệu, biểu đồ, đồ thị, bản đồ, số liệu thống kê,…để biểu đạt các thông tin và ý tưởng”. 

Riêng với môn Ngữ văn thì giáo viên còn phải có kiến thức để “tích hợp”“cộng hưởng” với cả môn… Mĩ thuật nữa. 

Thầy Hùng nói: 

“Việc mở rộng mục tiêu môn học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, bao gồm cả năng lực giao tiếp đa phương thức còn là cơ hội để tích hợp việc phân tích ngôn ngữ trong môn Ngữ văn với hình ảnh, đường nét, màu sắc trong môn Mĩ thuật”. 

Còn về phía học sinh, Thầy Hùng yêu cầu: 

Những yêu cầu vô lý, bất khả thi cho người viết sách giáo khoa mới ảnh 2

Phản ứng trước thông tin nhập khẩu chương trình, sách giáo khoa Phần Lan

“Khi học các môn khoa học, học sinh cần có khả năng tìm kiếm và đánh giá các nguồn thông tin, dữ liệu; biết phân biệt nguồn thông tin, dữ liệu nguyên cấp và thứ cấp (primary and secondary sources).

Và biết tổ chức, sử dụng, thể hiện các thông tin và dữ liệu trong một báo cáo khoa học hay bài thuyết trình;

Biết mô tả, giải thích, tường thuật hay trình bày qui trình thực hiện và kết quả của một thí nghiệm hay khảo sát.

Học sinh cũng cần hiểu và sử dụng chính xác các thuật ngữ."

Từ những vấn đề trên, xin phép hỏi thầy Hùng, nếu sách giáo khoa được viết theo yêu cầu và quan điểm trên của thầy, thì chỗ nào là thể hiện sự “giảm tải về kiến thức” cho học sinh ở cấp độ phổ thông?

(Tôi xin nhấn mạnh đối tượng ở đây là các em học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12).

Quan trọng hơn, tinh thần nào, quan điểm nào trong sách giáo khoa để các thầy cô giáo thông qua việc dạy học, giúp các em học sinh đạt được “5 phẩm chất và 10 năng lực” mà các thầy đã đặt ra trong mục tiêu của Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này? 

Chỗ nào thể hiện quan điểm mà ít nhiều do chính các thầy đã đề cập và xã hội hiện cũng đang đòi hỏi và yêu cầu: với giáo dục phổ thông cần phải chú trọng đến việc dạy làm người hơn dạy chữ (kiến thức nói chung)?  

Vấn đề thứ hai:

Xin nói riêng về quan điểm của thầy Hùng liên quan đến việc biên soạn sách giáo khoa môn Ngữ văn. 

Trước hết, theo chỗ tôi biết thầy Hùng vốn là một chuyên gia về ngôn ngữ, nên có thể thấy quan điểm thiết kế sách giáo khoa của thầy, đặc biệt là với môn Ngữ văn là:

Thầy muốn nhấn mạnh đến vấn đề “phát triển năng lực giao tiếp, bao gồm cả năng lực giao tiếp đa phương thức” cho học sinh thông qua việc đọc hiểu các loại văn bản. 

Về điểm này tôi ủng hộ thầy Hùng, vì nhìn chung đây là vấn đề mà các thế hệ học sinh (kể cả sinh viên) của chúng ta hiện nay còn nhiều hạn chế. 

Vì thế, định hướng này của thầy Hùng là rất đúng đắn và phù hợp với thực tế. 

Tuy vậy theo quan điểm của tôi, do tính chất đặc thù của môn Ngữ văn cũng như vai trò quan trọng của môn học này trong việc góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách (cảm xúc, tình cảm, thẩm mỹ, nhận thức về con người và cuộc sống…) cho học sinh trong tương lai, tôi cho rằng:

Thầy Hùng đã rất chủ quan khi đưa ra cái nhìn về việc “tích hợp” môn ngày với các môn học khác (mà thầy đã phân tích qua một ví dụ cụ thể là bài thơ “Bơi vào đi” của tác giả Hoàng Hải Lý, kèm theo bức ảnh về chú chó ở Trường Sa của cựu binh Lê Bá Dương). 

Những yêu cầu vô lý, bất khả thi cho người viết sách giáo khoa mới ảnh 3

VNEN vô hiệu hóa người thầy, càng sửa càng rối

Chỗ này xin phép được trao đổi với thầy Hùng cụ thể như sau:

Thứ nhất, theo tôi ở đây thầy Hùng đã cố tình lựa chọn và sắp đặt một tác phẩm văn chương (bài thơ “Bơi vào đi”) với một bức ảnh rất tình cờ, ngẫu nhiên và rất không phổ biến để minh họa cho quan điểm “tích hợp” của mình một cách rất khiên cưỡng. 

Vì trên thực tế, ai cũng biết hoạt động sáng tạo văn chương nghệ thuật rất hiếm những trường hợp tương tự như vậy. 

Có thể thấy, trước đó suy nghĩ này của thầy Hùng cũng thể hiện qua một yêu cầu rất vô lý và không khả thi.

Thầy yêu cầu người biên soạn sách giáo khoa môn Ngữ văn phải lựa chọn “các tác phẩm văn học thường có những nhân vật, sự kiện, tình huống có liên quan đến những vấn đề thuộc phạm vi quan tâm của các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, chẳng hạn ước mơ của nhân vật về cuộc sống ở một hành tinh xa xôi; 

Bi kịch của nhân vật sau một thảm họa thiên nhiên; quan niệm của nhân vật, một tay buôn động vật hoang dã, về thế giới loài vật,…”. 

Xin hỏi Thầy Hùng chúng ta tìm đâu ra những tác phẩm văn chương ở Việt Nam có nội dung như trên (nhất là nội dung về “một tay buôn động vật hoang dã”) để đưa vào sách giáo khoa cho học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông học đây? 

Và cứ cho là có những tác phẩm đáp ứng được yêu cầu nội dung mà Thầy muốn đi nữa nhưng tác phẩm ấy không đáp ứng được yêu cầu về tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật (vẻ đẹp, sự độc đáo…) thì có nên lựa chọn đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học không? 

Cá nhân tôi cho rằng, bài thơ “Bơi vào đi” nói về chú chó ở Trường Sa mà thầy Hùng lấy ra phân tích là một tác phẩm như vậy. 

Nghĩa là, nếu tách bạch ra để nói thì về nội dung, bài thơ ít nhiều cũng có ý nghĩa tích cực nhằm giáo dục học sinh.

Nhưng về nghệ thuật, theo tôi bài thơ còn rất vụn về nếu không muốn nói là không có gì đặc sắc.  

Thứ hai, tôi cho rằng việc phân tích bài thơ trong sự kết hợp với bức ảnh về chú chó ở Trường Sa nhằm cho thấy sự “cộng hưởng” về màu sắc, đường nét, hình ảnh giữa môn Ngữ văn và môn…Mĩ thuật của thầy Hùng, suy cho cùng vẫn là cách làm mang tính chủ quan và áp đặt. 

Nếu giáo viên dạy cho học sinh như cách của thầy, theo tôi, vẫn là sự “nhồi nhét” kiến thức một chiều, một sự “đóng khung” suy nghĩ, nhất là khả năng liên tưởng, tưởng tượng của học sinh khi tiếp cận tác phẩm văn chương; 

Làm như thế sẽ chẳng thể nào phát huy được tinh thần sáng tạo, tư duy độc lập của các em. 

Vì sao như vậy? Vì mọi phân tích diễn giải của thầy Hùng hoàn toàn là sự ghán ghép nội dung từ bức ảnh sang nội dung bài thơ.

Nói cách khác, ở đây thầy Hùng đã dùng nội dung bức ảnh để “minh họa” cho nội dung bài thơ một cách rất khiên cưỡng.

Những yêu cầu vô lý, bất khả thi cho người viết sách giáo khoa mới ảnh 4

Phó giáo sư - chuyên gia chương trình mới bày cách viết sách giáo khoa

Trong khi đó ai cũng biết tư duy nghệ thuật trong phẩm văn chương là tư duy bằng hình tượng thông qua chất liệu duy nhất là ngôn ngữ (ở đây là lời văn nghệ thuật).

Nghĩa là, lẽ ra theo quan điểm ngôn ngữ học khi phân tích một tác phẩm văn chương, việc đầu tiên là người đọc phải trải qua quá trình đọc hiểu nhằm “giải mã văn bản”

chuyên gia ngôn ngữ, hơn ai hết thầy Hùng biết rõ chuyện này.

Vậy ở đây có lẽ vì muốn chứng mình sự “tích hợp” của môn Ngữ văn, nên thầy Hùng mới dùng bức ảnh (cái ngoài văn chương) để giải thích nội dung và ý nghĩa bài thơ.

(Dù rằng thầy cũng có đề cập đến “cấu trúc ngữ pháp” của bài thơ, nhưng không thấy phân tích cấu trúc đó như thế nào, nhất là về phương diện thẩm mỹ). 

Trong suốt quá trình phân tích, thầy Hùng chỉ tìm mọi cách để chứng minh nhằm khẳng định sự “hòa quyện” giữa nội dung bài thơ và bức ảnh.

Thầy hoàn toàn không đề cập gì đến cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của bài thơ (hình thức nghệ thuật, tính thẩm mỹ…) ở góc độ ngôn từ nghệ thuật. 

Thế nên, sau khi phân tích, diễn giải, thầy Hùng chỉ đi đến kết luận duy nhất: 

“Nội dung bài thơ và các chi tiết trong bức ảnh hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau như các thành tố của một chỉnh thể. 

Khó có thể nói bài thơ giải thích cho bức ảnh hay ngược lại, bức ảnh minh họa cho bài thơ”. 

Từ đây, xin hỏi thầy Hùng vậy mục tiêu, ý nghĩa cuối cùng và quan trọng nhất của bài học mà giáo viên môn Ngữ văn dạy cho học sinh về bài thơ “Bơi vào đi” là gì? 

Và với những tác phẩm văn học mà hoàn toàn không có bức ảnh nào kèm theo thì giáo viên phải dạy như thế nào?

Cuối cùng, theo tôi được biết chuyện dạy học môn Ngữ văn trong nhà trường hiện nay là vấn đề vẫn còn có những ý kiến, quan niệm chưa thống nhất. 

Đặc biệt là liên quan câu hỏi tưởng dễ nhưng cực kỳ khó trả lời: “cuối cùng thì dạy văn là dạy cái gì”? 

Ở góc nhìn cá nhân, liên quan đến vấn đề này tôi cho rằng chúng ta cần đặc biệt chú ý đến quan điểm của Giáo sư Trần Đình Sử trong bài viết nhan đề “Môn văn dạy cái gì, hay là quan niệm của tôi về dạy văn” [2] của ông. 

Hình minh họa: VTV.vn.
Hình minh họa: VTV.vn.

Theo đó, Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: 

“Nếu hiểu các môn học đều phải dạy phẩm chất con người thì mối môn phải dạy một phương diện của phẩm chất con người ấy, như thế môn văn học dạy cho được con người biết tư duy bằng ngôn ngữ, văn bản, biết đọc hiểu, biết viết văn, biết nói năng, biết truyền thống văn học dân tộc và qua đó biết văn hoá dân tộc. 

Vậy sát nhất với nhiệm vụ của bộ môn Ngữ văn (trước quen gọi là môn văn, văn học, văn học và tiếng Việt), và  là điều có thể kiểm tra được, theo tôi, dạy văn là dạy đọc văn và dạy làm văn. 

Môn văn là môn học cơ bản trong nhà trường, có nhiệm vụ đào tạo cho người học năng lực đọc hiểu các văn bản và viết được các văn bản thông dụng, từ đó hoàn thiên năng lực tư duy, năng lực đọc hiểu và năng lực viết, nắm bắt chính xác các thông tin qua các văn bản, tích cực tham gia vào quá trình giao tiếp xã hội. 

Trong nhà trường phổ thông học tốt môn văn là điều kiện để học tốt tất cả các môn khác, bởi tiếng Việt là nền tảng để tiếp nhận mọi tri thức trong nhà trường. 

Đó chính là cái năng lực người cực kì quan trọng mà không bộ môn nào có thể thay thế được môn văn. Không phải vô cớ mà nhà nước đã cấp cho môn văn một vị trí quan trong trong chương trình phổ thong, từ tiểu học đến trung học.”         

Đồng tình với quan điểm trên của Giáo sư Trần Đình Sử, từ đây tôi mạo muội cho rằng:

Sắp tới đây cho dù thầy Hùng có muốn “kết nối”, “cộng hưởng” hay “tích hợp” như thế nào đi nữa giữa môn Ngữ văn với các môn học khác (tự nhiên lẫn xã hội), thì trước hết cũng không thể bỏ qua tính đặc thù của môn học này; 

Phải đảm bảo quan điểm “dạy văn là dạy đọc văn và dạy làm văn” mà trong bài viết của mình, Giáo sư Trần Đình Sử đã phân tích rất cụ thể và thuyết phục. 

Hơn nữa, về chuyện “tích hợp”, cá nhân tôi cho rằng tự thân môn học này đã thể hiện trong đó những tri thức, kiến thức liên quan đến vấn đề “tích hợp” rồi. 

Chúng ta không nên bày vẽ ra chuyện “kết nối”, “cộng hưởng”, “tích hợp” thuần túy cơ học nữa mà làm rối giáo viên và các em học sinh.  

Tôi cho rằng, đối với môn Ngữ văn trong nhà trường chỉ cần giáo viên giúp cho học sinh biết cách “đọc văn và làm văn” trên tinh thần khách quan, khoa học thì tự khắc khi đó các em sẽ phát triển về năng lực giao tiếp, khả năng ngôn ngữ, năng lực tư duy và nhận thức về cuộc sống nói chung.

Trên đây, là những suy nghĩ và băn khoăn của tôi sau khi đọc bài viết của thầy Hùng.

Và như đã nói ở trên, do sự hiểu biết còn hạn hẹp của bản thân nên tôi đã không lĩnh hội hết quan điểm của thầy Hùng. Vì thế, rất mong thầy và bạn đọc xa gần chỉ giáo thêm. 

Tài liệu tham khảo:      

[1]. “Phó giáo sư – chuyên gia chương trình mới bày cách viết SGK” . Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Pho-giao-su--chuyen-gia-chuong-trinh-moi-bay-cach-viet-sach-giao-khoa-post179226.gd

[2]: “Môn văn dạy cái gì, hay là quan niệm của tôi về dạy văn”. Xem tại: https://trandinhsu.wordpress.com/2017/08/03/mon-van-day-gi/

[3]“Cần chuyển lối dạy học “nghiên cứu văn học” sang lối dạy “phát hiện thẩm mĩ”. Xem tai: https://trandinhsu.wordpress.com/2017/07/13/can-chuyen-loi-day-hoc-nghien-cuu-van-hoc-sang-loi-day-phat-hien-tham-mi/

Nguyễn Trọng Bình