Nữ giảng viên Đại học Cần Thơ là Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú Y - Thủy sản

11/01/2021 13:20
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Đỗ Thị Thanh Hương đã công bố 130 bài báo khoa học, trong đó 61 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín và được cấp 1 bằng độc quyền sáng chế.

Bà Đỗ Thị Thanh Hương là 1 trong 4 ứng viên được chính thức công nhận Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy Sản năm 2020.

Giáo sư Đỗ Thị Thanh Hương sinh năm 1962, quê ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phồ Cần Thơ. Hiện bà là giảng viên Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.

Bà cũng là cựu sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ, tốt nghiệp ngành Thủy sản, chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản và nhận bằng Đại học năm 1989.

Năm 36 tuổi, bà Đỗ Thị Thanh Hương nhận bằng thạc sĩ ngành Khoa học thủy sản của Đại học Thủy sản. Sau đó, bà theo đuổi con đường nghiên cứu, trở thành nghiên cứu sinh của Đại học Tokyo, Nhật Bản ngành Khoa học Sinh học thủy sản và nhận bằng tiến sĩ năm 2006.

Bà đã được công nhận chức danh Phó giáo sư ngành Thủy sản vào ngày 9 tháng 11 năm 2010

Giáo sư Đỗ Thị Thanh Hương (Ảnh: Hội đồng Giáo sư Nhà nước)

Giáo sư Đỗ Thị Thanh Hương (Ảnh: Hội đồng Giáo sư Nhà nước)

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Giáo sư Đỗ Thị Thanh Hương thực hiện ba hướng nghiên cứu chính

Thứ nhất, bà nghiên cứu về sinh lý học động vật thủy sản, đặc biệt là sinh lý hô hấp, sinh lý sinh trưởng và sinh lý sinh sản của tôm và cá.

Thứ hai, những nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố môi trường nước (nhất là các yếu tố liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu) lên thay đổi sinh lý của tôm và cá, đặc biệt là cá hô hấp khí trời.

Thứ ba, bà nghiên cứu về độc tố học của thuốc kháng sinh, hóa chất, thuốc trừ sâu lên thay đổi các chỉ tiêu sinh lý và sinh hoá động vật thủy sản.

Giáo sư Đỗ Thị Thanh Hương hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (trong đó hướng dẫn chính 3 nghiên cứu sinh của Trường Đại học Cần Thơ, đồng hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh của Trường Đại học Aarhus (Đan Mạch) và hướng dẫn phụ 3 nghiên cứu sinh của Trường Đại học Cần Thơ.

Bà cũng hướng dẫn 39 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và hoàn thành 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

Giáo sư Đỗ Thị Thanh Hương đã công bố 130 bài báo khoa học, trong đó 61 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Đồng thời, bà được cấp 01 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích.

Giáo sư cũng tham gia biên soạn 3 cuốn sách phục vụ đào tạo trình độ đại học trở lên, trong đó 3 cuốn sách đều thuộc nhà xuất bản có uy tín.

Trong hơn 30 năm giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt là 14 năm sau nhận bằng tiến sĩ và 10 năm được công nhận là Phó Giáo sư, bà Đỗ Thị Thanh Hương đã luôn cố gắng rèn luyện để trở thành nhà giáo giỏi trong hoạt động giảng dạy.

Giáo sư Đỗ Thị Thanh Hương còn là một nhà nghiên cứu năng động, trung thực có uy tín trong và ngoài nước để góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Giáo sư cũng đã tích cực tham gia xây dựng và giảng dạy chương trình đào tạo cho bậc đại học, sau đại học.

Trong khoa học, Giáo sư Đỗ Thị Thanh Hương đã luôn cố gắng học hỏi và đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan.

Bà đã và đang tham gia nhiều dự án hợp tác quốc tế, cùng với đồng nghiệp trong và ngoài nước công bố nhiều công trình khoa học (130 bài) trên các tạp chí trong nước và quốc tế uy tín; nhiều kết quả đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế góp phần phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản, nhất là các loài thủy sản có giá trị kinh tế.

Trong giảng dạy và nghiên cứu, bà đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là đưa các kết quả nghiên cứu vào giảng dạy và thực hiện thành công phương thức đào tạo tiến sĩ trên cơ sở nghiên cứu (research-based education).

Giáo sư Đỗ Thị Thanh Hương luôn rèn luyện về đạo đức và tác phong của người thầy chuẩn mực, là tấm gương được sinh viên,học viên yêu mến và tôn trọng về tư cách giảng dạy và uy tín trong nghiên cứu khoa học.

Sau 32 năm tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên, bà Đỗ Thị Thanh Hương được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư ngành Thủy sản năm 2020.

Một số bài báo khoa học, báo cáo khoa học đã công bố của Giáo sư Đỗ Thị Thanh Hương:

1.Renal acid excretion contributes to acid–base regulation during hypercapnia in air - exposed swamp eel (Monopterus albus) (Journal of Experimental Biology)

2.Effects of temperature on acid–base regulation, gill ventilation and air breathing in the clown knifefish, Chitala ornata (Journal of Experimental Biology)

3. Screening and comparative study of in vitro antioxidant and antimicrobial activities of ethanolic extracts of selected Vietnamese plants (International Journal of Food Properties)

4. Ảnh hưởng của nhiệt độ lên hoạt tính enzyme tiêu hóa, tăng trưởng và tỷ lệ sống của cua biển (Scylla paramamosain) giai đoạn giống (Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ)

5. Ảnh hưởng của độ mặn lê n chỉ tiêu sinh lý, tăng trưởng và hoạt tính men tiêu hóa của cá lóc (Channa striata) giai đoạn cá bột lên cá hương (Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ)

Phạm Minh