Năm 2018, Trương Thanh Trà My (sinh năm 2000) từng thu hút sự quan tâm đặc biệt khi là một học sinh Việt Nam hiếm hoi năm nay trúng tuyển cùng lúc 5 trường đại học thuộc khối các trường danh giá về nghệ thuật của Mỹ, trong đó có đại học Denison với gói hỗ trợ tài chính lên tới 3,7 tỉ đồng.
Được biết, đến học kỳ 2 vừa qua, Trà My đã chuyển sang trường Savannah College of Art and Design (SCAD) ở Atlanta và cũng dành được 2 bổng từ trường.
Trường SCAD được đánh giá là một trong top các trường đại học về chuyên ngành thời trang tốt nhất nước Mỹ.
Nhân dịp Trà My đang có kỳ nghỉ tại Việt Nam, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện xung quanh bí quyết Trà My chuẩn bị để có được thành công trên.
Trà My biết ơn 9 năm học tập tại trường Tiểu học, Trung học cơ sở Lê Quý Đôn đã giúp mình có được nền tảng kiến thức và giúp My biết mình có năng khiếu về hội họa. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Môi trường giúp em thích học tiếng Anh chứ không phải bị bắt học
+ Chọn ngành nghệ thuật để du học là một trong điều ít thấy với du học sinh Việt Nam. Có điểm gì đặc biệt mà My có thể chia sẻ với những học sinh đang có ý định tương tự?
Thực tế, ở Việt Nam chưa có nhiều thông tin về các trường nghệ thuật ở Mỹ ngay cả các trung tâm tư vấn du học cũng vậy. Họ cũng ít thông tin chính xác về các trường liên quan khối ngành nghệ thuật.
Bản thân em khi tìm hiểu thông tin du học về ngành nghệ thuật cũng vậy. Để có thông tin chính xác nhất, bản thân em đã chủ động vào website của chính các trường đào tạo bên Mỹ để tìm hiểu.
Họ sẽ có mục riêng về các mức học bổng khi apply vào trường. Tùy mỗi trường sẽ có mức học bổng, yêu cầu riêng.
Khi muốn theo học một trường nghệ thuật ở Mỹ, ứng cử viên phải có portfolio (hồ sơ năng lực) ghi lại các tác phẩm, bức tranh mình từng vẽ để nộp, cùng điểm thi tiếng Anh đạt yêu cầu.
Một điểm lợi thế khi nộp hồ sơ vào các trường nghệ thuật là tiếng Anh chỉ cần vừa đủ để giao tiếp. Các trường họ không yêu cầu quá cao. Phần quan trọng nhất trong hồ sơ là ở portfolio.
Các trường rất muốn biết bạn mang gì đến cho trường. Kỳ 1 em có theo học trường Denison. Tuy nhiên, trường này không quá chuyên sâu về nghệ thuật vì thế vào kỳ 2 em đã chuyển sang trường chuyên về nghệ thuật hơn.
Ở các trường nghệ thuật, họ rất muốn biết cá tính của sinh viên thế nào. Ngay lần đầu em đến trường, em đã rất ấn tượng với cá tính của sinh viên ở đây.
Mỗi người đều có một màu rất riêng. Người theo học ngành thời trang ăn mặc rất phong cách. Người theo học ngành thiết kế đồ họa cũng có những cá tính riêng.
Nhà trường muốn biết là mình mang đến cái gì khác so với học sinh họ từng có. Mình thể hiện điều đó như thế nào và có quyết tâm theo đuổi ngành đó không.
Đã kinh qua một học kỳ, em nhận thấy việc học trong một trường nghệ thuật ở Mỹ không quá khó nhưng để khác biệt, đẹp, tạo ra sản phẩm độc đáo thì phải do quyết tâm của người học. Tất cả những cái đó phải thể hiện được qua portfolio, bài luận.
Về portfolio, ở Việt Nam hiện giờ chưa có nhiều nơi tư vấn nhưng nếu cần có thể mang đến các thầy giáo dạy vẽ đề nhờ họ hỗ trợ hoàn thiện portfolio đẹp, thống nhất, có style.
Về ngành học nào cụ thể, em nghĩ các bạn nên tự tìm hiểu hoặc email thẳng cho trường để có câu trả lời chính xác nhất.
Hiện tại em đang theo học ngành quảng cáo truyền thông và thiết kế đồ họa của trường SCAD.
Một tác phẩm của Trà My. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
+ Được biết, tại Mỹ, Trà My tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa như vẽ tranh từ thiện, các cuộc thi vẽ tranh và giành giải thưởng cao. Chắc hẳn để tự tin tham gia các sự kiện, hoạt động như vậy, Trà My phải có vốn tiếng Anh rất tốt?
Thực sự để tự tin học chuyển tiếp 2 năm trung học tại Mỹ, tham gia các hoạt động cùng học sinh Mỹ em phải cảm ơn 9 năm học tập tại trường Tiểu học, Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Hà Nội).
9 năm đó, nhà trường đã cho em vốn tiếng Anh, sự tự tin và nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật.
Em là thế hệ học sinh đầu tiên của hệ thống trường liên cấp Lê Quý Đôn.
Với sĩ số mỗi lớp chỉ có khoảng 30 học sinh, em và các bạn đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chú ý từ các thầy cô, cán bộ trong trường.
Học sinh trên lớp thế nào, lực học ra sao, các thầy cô đều nắm bắt rõ ràng, cụ thể từng thế mạnh của chúng em.
Điểm nào mạnh có thể phát huy tốt nhất, thầy cô đều chuyên tâm tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ cho từng học sinh.
Ngày đó, trường Lê Quý Đôn có kết nối với trường Presbyterian Ladies College bên Úc.
Ngay từ năm đầu tiểu học, chúng em đã được giáo viên trường Presbyterian Ladies College trao đổi, giảng dạy. Việc tiếp xúc tiếng Anh ngay với em từ lớp 1 rất tự nhiên như học tiếng mẹ đẻ.
Ở lớp chúng em được tăng cường học tiếng Anh, được giáo viên nước ngoài dạy nên phát âm, giao tiếp đều rất tự nhiên.
Em tự tin trong giao tiếp tiếng Anh hằng ngày. Không những thế, ngôi trường em theo học suốt 9 năm nền tảng đầu đời thường xuyên tổ chức các cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh.
Bốn thật khi dạy và học ở trường Lê Quý Đôn |
Mỗi tuần đều có giấy khen động viên khuyến khích học sinh đạt thành tích tốt. Bên cạnh đó, nhà trường còn có rất nhiều hoạt động, các lễ hội chỉ sử dụng ngôn ngữ là tiếng Anh. Điều đó tạo nên sự hứng thú với chúng em.
Nhà trường giúp em thích học tiếng Anh chứ không phải là bị ép học tiếng Anh. Tất cả đều rất tự nhiên để phát triển chứ không phải là gò ép. Từ bé, em đã thích học tiếng Anh chứ không phải bị bắt học.
Đến khi học cấp 2, em vẫn tiếp tục học tại trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn.
4 năm đó với các lợi thế về cơ sở vật chất, thầy cô chuyên tâm, các kiến thức tiếng Anh ở mức cao hơn. Đó là tập trung vào ngữ pháp, các kiến thức để tham gia các kỳ thi. Dù thế, chúng em học cũng không quá vất vả.
Em nhớ, năm lớp 9 đi thi tiếng Anh, em cũng đạt giải Nhì cấp Thành phố.
Không chỉ em, nhiều bạn bè cùng trường cũng giành các giải cao về tiếng Anh trong các kỳ thi.
Được học văn hóa và nghệ thuật tại trường phổ thông, theo Trà My, nó giúp mỗi con người phát triển toàn diện hơn. Ảnh nhân vật cung cấp |
Năng khiếu nghệ thuật được nuôi dưỡng nhờ “có đất dụng võ”
+ Học tốt tiếng Anh, vậy từ khi nào Trà My biết là mình có năng khiếu về nghệ thuật?
Đa số các trường phổ thông ở Việt Nam không chuyên sâu về nghệ thuật. Trường liên cấp Lê Quý Đôn cũng vậy.
Tuy nhiên, vì đây là trường tư thục nên các môn năng khiếu cũng được nhà trường rất chú trọng.
Chúng em được học các môn chính và các môn phụ như âm nhạc, hội họa…. Với thời gian học ở trường cả ngày, các môn học được nhà trường xen lẫn giữa chính và phụ.
Từ bé, em và gia đình không nghĩ là mình có năng khiếu về hội họa. Em chỉ nghĩ mình vẽ được thôi. Nếu em không theo học hệ thống trường liên cấp Lê Quý Đôn thì chưa chắc em đã nhận thức được mình có năng khiếu về nghệ thuật hội họa.
+ Nhận ra mình có năng khiếu về hội họa nhưng làm sao để Trà My duy trì để có thể theo đến đại học?
Đúng là biết mình có năng khiếu hội họa nhưng nếu không có cơ hội thể hiện, không có đất “dụng võ” thường xuyên thì nó cũng sẽ bị thui chột.
Rất may, ở trường, có rất nhiều sự kiện trong năm diễn ra như tết Trung thu, lễ hội Halloween, các ngày lễ khác…đều cần trang trí, làm họa báo.
Những dịp đó, thầy cô đều rất tin tưởng giao cho em trọng trách thiết kế, trang trí…Rồi các hoạt động trang trí lớp, làm bưu thiếp, nhà trường tổ chức thi đua giữa các lớp và có trao giải thưởng nho nhỏ. Điều đó động viên, khuyến khích bản thân em rất nhiều.
Từng năm, từng năm một, nó giúp em có cơ hội thực hành về nghệ thuật nhiều hơn.
Dù chỉ là thi với các bạn trong trường nhưng nó giúp em có cơ hội nhận ra mình có khả năng về nghệ thuật, vẽ được. Tất cả những điều đó giúp em sau này tự tin hơn khi tham gia các cuộc thi bên Mỹ.
+ Như lúc đầu Trà My chia sẻ, trường nghệ thuật ở Mỹ họ cần cá tính, màu sắc riêng của mỗi sinh viên đến với họ. Và bạn đã chứng minh được mình có điều đó để được nhận và còn giành học bổng của trường. Vậy một cô bé Trà My ở tuổi “ẩm ương” thời cấp 2 chắc cũng rất cá tính?
Câu hỏi này làm em nhớ đến một kỷ niệm về cô giáo dạy cấp 2 tại trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn. Một lần trước lớp em có cãi cô với lời lẽ khó chấp nhận.
Lúc đó, cô chỉ nhìn em và buồn thôi. Cô không mắng, không dọa gì cả. Sau đó cô nói với em, cô rất buồn vì cô coi em như con nhưng hôm nay con lại hỗn với cô thế.
Sau đó em suy nghĩ rất nhiều. Bởi cô không mắng, không gửi giấy về cho phụ huynh. Nếu em học ở một ngôi trường các lớp đông học sinh, thầy cô không có đủ kiên nhẫn, bố mẹ em phút mốt sẽ biết chuyện và la mắng.
Nhưng cô đã không làm thế. Đây là lần đầu tiên mà một người ngoài có tác động lớn đến cảm xúc của em như thế.
Sau giờ nghỉ trưa, em tự động đến xin lỗi cô. Cô ôm em, hai cô trò có tâm tình với nhau và em có hứa sẽ không để tái diễn câu chuyện trên.
Đến bây giờ, 2 cô trò luôn giữ mối quan hệ cô trò thân thiết. Các thầy cô thực sự là một người bạn lớn trong suốt quãng thời gian 9 năm em theo học ở đây.
+ Cảm ơn Trà My về cuộc trò chuyện!