Nữ sinh Vĩnh Phúc đạt điểm 10 Sử: Em không 'cày' ngày đêm như nhiều người nghĩ

27/07/2021 06:03
Vân Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lê Thị Phương Anh là học sinh Chuyên Sử của trường Trung học Phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc.

Ngày 26/7/2021, điểm thi Trung học phổ thông 2021 chính thức được công bố trên toàn quốc. Được đánh giá là môn thi có phổ điểm thấp nhất nhưng thí sinh Lê Thị Phương Anh đã nỗ lực học tập và đạt điểm 10 truyệt đối môn Lịch sử.

Lê Thị Phương Anh là học sinh Chuyên Sử của trường Trung học Phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc.

Điểm 3 môn khối C00 của Phương Anh lần lượt là Lịch Sử: 10 điểm, Địa lý 9,5 điểm và môn Ngữ Văn: 9 điểm. Tổng điểm đạt 28,5 điểm.

Với số điểm trên, Phương Anh đang phân vân giữa ngành báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và ngành Luật của trường Đại học Luật Hà Nội.

Thí sinh Lê Thị Phương Anh chia sẻ bản thân rất bất ngờ khi đạt điểm tuyệt đổi ở môn Lịch sử. Ảnh: NVCC

Thí sinh Lê Thị Phương Anh chia sẻ bản thân rất bất ngờ khi đạt điểm tuyệt đổi ở môn Lịch sử. Ảnh: NVCC

Khi nhận được kết quả điểm thi, Phương Anh chia sẻ cũng rất bất ngờ khi đạt được điểm tuyệt đối môn Sử: “Khi tra cứu được điểm em cảm thấy rất bất ngờ vì đạt điểm tuyệt đối là 10 với môn Sử. Khi thi Sử thì em có phân vân 1 câu hỏi và khi nhận điểm 10 khiến em khá xúc động vì trước đó em chưa từng đạt tuyệt đối môn Sử trong các lần thi thử ở trường mà chỉ dừng lại ở điểm 9,5 hoặc 9,75”.

Chia sẻ với phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về kinh nghiệm đạt điểm tuyệt đối, Phương Anh cho hay: “Theo em, điều quan trọng nhất khi thi Sử bên cạnh việc học thuộc bài thì cần kỹ năng xâu chuỗi kiến thức và phải rất cẩn thận. Trong bài làm cần phải đọc kỹ câu hỏi của đề bài, không được nhanh ẩu nếu không rất dễ mất điểm đáng tiếc. Do có những lần mất điểm không đáng có ở lần thi thử nên khi đi thi em cực kì cẩn trọng với từng câu hỏi, từng đáp án”.

Nói về phương pháp học tập, Phương Anh cho rằng việc học thuộc sử là điều cần thiết nhưng không nên học vẹt, từng câu từng chữ và quan trọng là học hiểu, học nhớ.

“Ban đầu khi học Sử em sẽ học qua từng bài rồi học theo giai đoạn rồi hệ thống lại kiến thức theo cách hiểu của mình. Sau khi hệ thống kiến thức, em sẽ nắm được các giai đoạn đấy có những sự kiện gì và diễn ra như thế nào. Khi học theo từng giai đoạn, em có thể nhìn thấy được lịch sử trên thế giới có sự kiện gì và có ảnh hưởng hay tác động đến Việt Nam hay không, tác động như thế nào và ngược lại. Từ đó, em hiểu được vì sao các sự kiện lại diễn ra trong giai đoạn này, xâu chuỗi các sự kiện, giai đoạn để học một cách có hệ thống”.

Phương Anh cũng chia sẻ thêm, bản thân là học sinh chuyên Sử nhưng không chưa bao giờ có ý định học hết sách giáo khoa và nhiều đoạn trong sách giáo khoa em còn không học chỉ đọc qua lấy ý chính và tự học.

“Em chưa từng có ý định học hết cả quyển sách cũng như thuộc từng câu, từng từ. Em nghĩ khi học hiểu và nhớ được các sự kiện, giai đoạn thì nhiều đoạn trong sách chỉ cần đọc qua là có thể biết ở mục nào. Bởi lẽ, bản chất của từng sự kiện sẽ có những câu nói, chỉ thị khác nhau, nếu học và để ý sẽ nhận thấy và tìm được đáp án đúng.

“Về thời gian ôn thi môn Sử, em không học Sử ngày đêm mà chỉ học khoảng thời gian bản thân minh mẫn, tỉnh táo nhất. Nếu học quá khuya hoặc quá sớm sẽ khiến não bộ tiếp thu kiến thức trong trạng thái lơ mơ nhưng không nhớ được đầy đủ, lẫn các sự kiện với nhau. Như vậy, khi đi thi sẽ thấy câu hỏi, đáp án rất quen nhưng không thể khoanh chính xác được do nhớ mang máng”.

Ngoài ra, học sinh cũng chia sẻ rằng để có được phương pháp học tập này là do được truyền từ các thầy cô giáo đã giảng dạy môn Lịch sử tại trường cấp 3 từng theo học.

“Bản thân em thấy cũng rất may mắn khi được học tập ở trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc với cô Phùng Thị Bích Ngọc và thầy Lê Đăng Thành. Hai thầy cô đã truyền cho em sự nhiệt huyết, tình yêu Lịch sử cũng như cách học đúng đắn. Ngay từ cách dạy của các thầy cô đều chỉ cho chúng em về phương pháp hiểu bài, học ý chính chứ không phải là học thuộc câu từ sách giáo khoa”.

Bên cạnh có những thí sinh đạt điểm tuyệt đối thì môn Lịch sử trong kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông lại là môn có nhiều điểm dưới trung bình nhất. Phương Anh cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi nhiều học sinh chưa tìm được sự hứng thú ở môn học. Bởi lẽ theo Phương An, môn Sử là môn rất thú vị, không hề khô khan hay khó học như mọi người vẫn nghĩ.

“Năm nào môn Sử cũng có nhiều điểm thấp nhất khiến em thấy buồn và có chút tiếc cho các bạn. Trước khi học Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc, em cũng từng học 4 năm môn Văn cấp 2 và định hướng theo môn Văn nhưng chính từ học Văn khi tìm hiểu về bối cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm em thấy Lịch sử rất hay và quyết định theo chuyên Sử. Điều đó có nghĩa là môn Sử không phải môn cần có quá nhiều tố chất mà bản thân cần sự yêu thích và học hiểu, chăm chỉ là được”.

Thêm nữa, theo Phương Anh: "Việc môn Lịch sử khiến nhiều bạn không thấy hứng thú có thể là do cách truyền tải của giáo viên chưa thực sự hấp dẫn. Bởi lẽ em biết nhiều thầy cô chỉ cho các bạn học theo sách kể ra sự kiện và học sự kiện. Như vậy, học sinh vừa không hiểu được gốc rễ vấn đề vừa khiến học sinh thấy khô khan. Em nghĩ không phải học sinh không thích Lịch sử mà học sinh không thích cách truyền tải cứng nhắc”.

Vân Ánh