Nút thắt cần tháo gỡ để dạy văn hóa trong các trường nghề hiệu quả

19/02/2021 06:24
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ông Trường, giá trị của tấm bằng Trung học phổ thông khi học sinh đó học ở trường nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn còn nhiều bất cập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đồng ý cho các trường nghề được dạy văn hóa Trung học phổ thông dành cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở học trung cấp nghề.

Tuy nhiên, để triển khai thực hiện được chủ trương này, các trường nghề vẫn đang chờ các hướng dẫn cụ thể để chủ động trong việc chuẩn bị các điều kiện đáp ứng.

Rút ngắn thời gian, giúp người học sớm gia nhập thị trường lao động

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo và sẽ sớm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa Trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Lâu nay các trường nghề vẫn thực hiện việc đào tạo các môn văn hóa cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở theo Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng việc liên kết với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Trong 2,5 năm, các em sẽ được học các môn chuyên ngành, đồng thời được học 4 môn văn hóa theo quy định gồm: Toán, Văn, Lý, Hóa, hoàn thành 4 môn này và có bằng trung cấp là các em đã có thể học liên thông lên bậc cao hơn.

Còn học sinh nào muốn dự thi tốt nghiệp thì có thể đăng ký học 7 môn văn hóa thay vì học 12 môn như ở trường trung học phổ thông.

Ghi nhận của chúng tôi từ những trường cao đẳng nghề đang áp dụng phương thức liên kết đào tạo này cho thấy, chương trình này giúp học sinh rút ngắn thời gian và rèn được kỹ năng nghề.

Trong thời gian học nghề, học sinh được thực hành với khối lượng 70% số giờ học, được đi thực tập đúng với ngành nghề đào tạo.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp, các em được xét tuyển học thêm 1 năm cao đẳng theo đúng chuyên ngành đã học và được tiếp tục liên thông lên nếu có nhu cầu.

Ông Nguyễn Mạnh Trường - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường cao đẳng xây dựng Nam Định (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Ông Nguyễn Mạnh Trường - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường cao đẳng xây dựng Nam Định (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Trường – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định cho biết: “Ngoài những thuận lợi có thể nhìn thấy trước khi chương trình này chính thức được cấp phép thì nó vẫn còn một số vướng mắc mà đa số các trường cao đẳng nghề như chúng tôi cũng đang phải căng não ra tìm hướng giải quyết.

Đầu tiên đó chính là việc phần lớn các em tốt nghiệp Trung học cơ sở năng lực học tập còn hạn chế, nay phải học các nội dung kiến thức mang tính lý thuyết, rất dễ gây tâm lý chán nản, thậm chí không học được thì bỏ học.

Điều này dẫn đến việc chúng tôi có thể mất đi một lượng lớn sinh viên trong tương lai.

Nếu điều này diễn ra thường xuyên chúng tôi còn ảnh hưởng về kinh tế vì không có nguồn thu từ việc dạy học, trong bối cảnh tự chủ ở các trường nghề đang đến gần.

Đó là chưa kể đến việc các đơn đặt hàng với các đối tác bị hủy nếu không có đủ chỉ tiêu để đào tạo theo yêu cầu.

Thực tế, trước đây Trường chúng tôi cũng đã tổ chức liên kết để dạy văn hóa cho các học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở rồi.

Một hình thức chúng tôi vẫn áp dụng chính là việc cho giáo viên của Trung tâm giáo dục thường xuyên cắt cử người sang tại trường để giảng dạy.

Kinh phí chi trả cho các giáo viên đó dựa trên hợp đồng của trường với trung tâm.

Chủ yếu chúng tôi sẽ tính bình quân học phí của mỗi học sinh đó hàng tháng là bao nhiêu rồi chuyển toàn bộ khoản thu đó từ học sinh sang cho các giáo viên của trung tâm”.

Tuy nhiên, theo ông Trường, giá trị của tấm bằng Trung học phổ thông khi học sinh đó học ở trường nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn còn nhiều bất cập.

Cần có những quy chuẩn riêng về đào tạo và cấp bằng văn hóa Trung học phổ thông cho học sinh theo học tại trường nghề (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Cần có những quy chuẩn riêng về đào tạo và cấp bằng văn hóa Trung học phổ thông cho học sinh theo học tại trường nghề (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Ông Trường chia sẻ: “Cho dù học sinh học xong bằng ở trong trường của chúng tôi nhưng thực chất nó vẫn là thuộc hai nơi quản lý.

Bên trung tâm sẽ nhận nhiệm vụ dạy văn hóa và thu học phí, còn trường nghề thì bản chất chỉ được dạy nghề và thu học phí nghề.

Vì thế, khi giao việc dạy học văn hóa Trung học phổ thông hoàn toàn cho các trường, xét về năng lực thì không vấn đề gì, nhưng cơ chế về thi và đánh giá năng lực của học viên lại cực kỳ khó khăn.

Vì vậy việc tiếp cận mục tiêu, xu hướng rồi tổ chức các cuộc thi sát hạch để cấp bằng cho các học viên thì chúng tôi vẫn chưa có căn cứ nào để thực hiện”.

Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông lấy ở trường nghề có giá trị đến đâu?

Ông Trường cho rằng, nếu cho phép các trường nghề dạy văn hóa thì cần bổ sung một số quy định riêng về đào tạo và cấp bằng với những trường hợp không theo học Trung học phổ thông ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên để khi học xong ở trường nghề các em có thể dễ dàng có được trong tay cả tấm bằng Trung học phổ thông và bằng cao đẳng nghề.

Hiểu nôm na là bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông lấy ở các trường nghề cũng phải có giá trị như bằng tốt nghiệp các em có được từ những cơ sở giáo dục khác do ngành giáo dục địa phương quản lý cấp”.

Ông Trường chia sẻ, nhiều học sinh vẫn còn tâm lý coi trọng giá trị của bằng Trung học phổ thông khi được lấy từ các Trung tâm giáo dục thường xuyên hơn việc lấy từ các trường nghề.

Bởi từ sâu trong suy nghĩ của nhiều học sinh, các trường nghề chỉ có chức năng đào tạo nghề chứ không có chức năng cấp bằng về dạy văn hóa.

Để làm tốt việc vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cần có trang thiết bị thực hành đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu ngành nghề (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Để làm tốt việc vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cần có trang thiết bị thực hành đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu ngành nghề (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Ông Trường bày tỏ: “Những điều đó vô tình cũng khiến học sinh ngần ngại theo học chương trình văn hóa Trung học phổ thông trong các trường nghề.

Bên cạnh đó, khi học xong chương trình dạy văn hóa tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên suy nghĩ của các em về việc học nghề cũng sẽ khác.

Có thể, trước đó các em tính đến việc học bổ túc văn hóa rồi sau đó chuyển sang học trường nghề để đi làm kiếm tiền luôn, nhưng có một thực tế sau khi học văn hóa ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên, ở đó thiếu đi các định hướng về nghề khiến các em rẽ theo các hướng khác cũng là điều dễ hiểu.

Chúng tôi khẳng định rằng, nguồn nhân lực hiện có của nhà trường để phục vụ cho việc dạy văn hóa luôn sẵn có, thậm chí là còn có cả đội ngũ chuyên dạy về các môn khoa học tự nhiên như: Toán, Lý, Hóa v.v...

Nếu cần thì chúng tôi chỉ hợp đồng bổ sung thêm giáo viên dạy các môn khoa học xã hội là đủ đáp ứng.

Hầu hết các Trung tâm Giáo dục thường xuyên hiện nay còn được sáp nhập với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp trong khi việc chính của họ chỉ là dạy văn hóa còn năng lực định hướng nghề nghiệp và trang thiết bị thực hành ở những nơi này còn rất hạn chế.

Điều đó khiến không ít học sinh sau khi học xong chương trình văn hóa phổ thông ở các trung tâm này vẫn còn rất mơ hồ về định hướng nghề nghiệp, chúng tôi lại phải đi định hình lại từ đầu cho các bạn ấy, rất mất thời gian và công sức”.

Trung Dũng