LTS: Tiếp tục tranh luận về vấn đề sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều, hai tác giả là Phan Thế Hoài và Trần Quang đã gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phản biện Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Để rộng đường dư luận, Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết này đến quý bạn đọc và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến trao đổi từ các bên liên quan để làm sáng tỏ vấn đề.
Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của các tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.
Bài viết này, chúng tôi phản biện hai nội dung mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã trả lời báo chí liên quan đến phương ngữ và truyện ngụ ngôn được sử dụng sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành (2020).
Ngày 10/10/2020, Báo điện tử Zing.new.vn dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều cho biết, sách phải dùng từ “chả” vì không thể dùng các từ “không” hay “chẳng” để biểu thị ý phủ định vì đến giai đoạn này, học sinh chưa học các vần “ông”, “ăng”.
Dạy từ “nhá” mà không dạy từ “nhai” vì học sinh chưa học vần “ai” và từ “nhá” là từ phổ thông có trong Từ điển tiếng Việt.
Bàn về phương ngữ được sử dụng trong cuốn sách này, cụ thể là từ “nhá”, chúng tôi xin hỏi, căn cứ vào đâu các tác giả phải chọn các văn bản có câu phủ định để dạy ngay những bài đầu, khi nó chưa hợp với âm và vần?
Nếu bắt buộc như thế sao các sách Tiếng Việt 1 xưa nay không bắt đầu với việc dạy câu phủ định có từ “chả”?
Còn nếu đã dạy câu phủ định thì theo nguyên tắc phải dạy câu phủ định với “không” (chung, trung tính) trước câu phủ định với “chẳng”, “chả” (có sắc thái tiêu cực).
Chọn dạy câu phủ định với “chả” trước là dạy cho học sinh nói kiểu nói thông tục, không trang trọng trước cách nói bình thường, trung tính.
(Ảnh chụp minh họa sách Tiếng Việt, bộ Cánh Diều) |
Tiếp đến, Giáo sư Thuyết cho rằng phải dạy từ “nhá” mà không dạy từ “nhai” vì học sinh chưa học vần “ai” và từ “nhá” là từ phổ thông có trong Từ điển tiếng Việt, theo Zing.
Vì sao các tác giả phải chọn văn bản trong đó có câu biểu thị hành động nhai (nhá) để bắt buộc phải dùng động từ “nhá”? Hơn nữa, có phải từ nào có trong Từ điển tiếng Việt cũng đưa vào dạy ngay cho học sinh lớp 1 được?
Từ điển tiếng Việt tập hợp từ ngữ từ nhiều nguồn khác nhau (toàn dân với phương ngữ, văn học với khẩu ngữ, trang trọng với thông tục, bản ngữ với ngoại lai...), dạy cho học sinh các cấp, phải lựa chọn từ ngữ theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ thông dụng đến ít thông dụng, từ phong cách trang trọng đến ít trang trọng...
Chọn từ ngữ theo nguyên tắc ngược lại (phương ngữ trước toàn dân, khẩu ngữ trước văn học, thông tục trước trang trọng, ngoại lai trước bản ngữ) là phản khoa học và phi sư phạm.
Tiếp đến, ngày 12/10/2020, trả lời Báo điện tử VnExpress câu hỏi vì sao sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều sử dụng phương ngữ, nhiều truyện ngụ ngôn không phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 1, đơn cử như các bài “Lừa và ngựa”; “Ve và gà”; “Cua, cò và đàn cá”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho nói rằng, hầu hết các truyện này đều phỏng theo tác phẩm của các tác gia lớn như Lev Tolstoy, La Fontaine…
“Không bài học nào thiếu tính giáo dục, vấn đề là hiểu các bài học đó như thế nào, hiểu đúng hay cố tình hiểu theo cách khác. Chẳng hạn bài “Hai con ngựa”, bài học đưa ra là xui người khác làm bậy thì sẽ chịu hậu quả”, Giáo sư Thuyết nói với Báo VnExpress.
Cần hiểu rằng, truyện ngụ ngôn là truyện kể có tính chất đối nhân xử thế, dùng cách nói ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, con vật hay kể cả con người để thuyết minh cho một chủ đề luân lí, triết lí, một quan niệm nhân sinh hay một nhận xét về thực tế xã hội hay thói hư tật xấu của con người.
Trong khi đó, học sinh lớp 1, nhiều em mới chỉ hơn 5 tuổi, tay cầm chén cơm ăn, bưng ly nước uống chưa vững, năng lực sử dụng ngôn ngữ rất hạn chế vì thiếu vốn từ và chưa hiểu hết nghĩa của từ thì làm sao có thể biết được ẩn ý sâu xa của hàng loạt truyện ngụ ngôn được đưa vào sách giáo khoa như vậy?
Cá nhân tôi cho rằng, việc đưa truyện ngụ ngôn vào dạy cho học sinh lớp 1 sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, bởi các truyện này đều có nguồn gốc từ nước ngoài nên rất khó chuyển ngữ sao cho phù hợp với đặc trưng văn hóa, tư duy và cách nói năng của người bản ngữ (người Việt).
Chưa kể, truyện ngụ ngôn của nước ngoài thường sắp xếp tuyến nhân vật là con vật theo mối quan hệ giống loài một cách hợp lí, logic, ví như con ve và kiến (côn trùng), cáo và quạ (động vật)… thì các tác giả sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều lại xào xáo một cách vô tội vạ, khiên cưỡng không theo một nguyên tắc nào cả, đó là ve và gà (côn trùng và động vật), quạ (loài chim) và chó (động vật nuôi)…
Cần biết rằng, cả người phương Tây và người Việt đều có cách tư duy giống nhau về con cáo, là một loài động vật ranh ma, xảo quyệt (Cáo già giả nai tơ, Khôn như cáo, Tháo láo như cáo trông trăng…).
Nhưng tác giả của cuốn sách này lại thay nhân vật “cáo” bằng “chó” ở bài học “Quạ và chó”, biến con chó thành kẻ lọc lừa, gian ác là không hiểu gì về hình ảnh con chó trong văn hóa người Việt.
Với người Việt, chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, mang đến thuận lợi và nhiều niềm vui (mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang). Bên cạnh đó chó cũng là đối tượng bị khinh rẻ, coi thường, nó được xem như một con vật bẩn thỉu, ngu dốt và đáng khinh.
Vì vậy người ta hay thóa mạ nhau bằng những câu chửi, tiếng lóng, thuật ngữ, có nhắc đến con chó như: “đồ chó”, “ngu như chó”, “mèo đàng chó điếm”… Như thế, con chó không hề thủ đoạn như văn bản “Quạ và chó” do đội ngũ tác giả sách Cánh Diều tưởng tượng ra.
Không chỉ truyện ngụ ngôn mà các loại văn xuôi hay thơ của nước ngoài cũng không nên đưa vào dạy cho học sinh ở bậc tiểu học chứ không chỉ là lớp 1.
Học sinh học những ngữ liệu dịch như thế này dần dần sẽ mất đi cảm thức ngôn ngữ của tiếng mẹ đẻ, trở thành người nói tiếng Việt ngọng nghịu, vô hồn, vô cảm.
Hàng loạt kiểu câu trong sách Cánh Diều như sau là một minh chứng: Bể có cá, có cỏ. Hà có ghế gỗ. Ba Hà có ghế da. Bờ Hồ có ghế đá. Cỗ có giò, có gà. Hồ có cá mè, ba ba. Nhà có na, nho, khế. Nhà bà có gà, có nghé. Gà có ngô. Nghé có cỏ, có mía. Bi có phở. Bé Li có na. Bố có cà phê...
Tiếp đến, Báo VnExpress dẫn lời một độc giả chất vấn Giáo sư Thuyết rằng, trong kho tàng văn học Việt Nam có nhiều câu ca dao, truyện ngụ ngôn rất hay, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, vậy sao sách Cánh Diều không lựa chọn mà lại dùng của nước ngoài?
Đáp lại, ông Thuyết cho biết, sở dĩ sách không dạy ca dao, tục ngữ vì học sinh độ tuổi lớp 1 khó tiếp thu nội dung thể loại này.
Chúng tôi cho rằng, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện dân gian đều giúp học sinh dễ tiếp thu hơn rất nhiều lần so với truyện ngụ ngôn của nước ngoài hay các tài liệu dịch khác, bởi các thể loại này có vần có điệu, hình ảnh giản dị, quen thuộc và nội dung phù hợp với nhận thức, lối sống của người Việt Nam.
Hơn nữa, ngôn ngữ, văn hóa và tư duy là ba yếu tố không thể tách rời khi con người ở bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào khi tri nhận về sự vật hiện tượng hay thế giới khách quan. Vậy nên, Giáo sư cho rằng trẻ lớp 1 khó tiếp thu ca dao, tục ngữ là một quan điểm hoàn toàn sai lạc, không thể chấp nhận được.
Ngày 12/10/2020, Báo Người lao động nêu quan điểm, “nhưng trước quá nhiều “sạn” được đông đảo người dân chỉ ra, thay vì bình tĩnh tiếp nhận, lắng nghe với thái độ cầu thị, thậm chí làm rõ những khác biệt để thấu tình đạt lý, thì Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách Cánh Diều đang cố chống chế chẳng mấy thuyết phục, như “thêm dầu vào lửa” làm nhiều người cảm thấy bức bối thêm.
Chúng tôi nhận thấy, với tư cách là Tổng Chủ biên biên và Chủ biên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hãy lắng nghe dư luận, nhất là đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất cho quyển sách đầy tai tiếng này, bởi sách giáo khoa dạy cho trẻ em lớp 1 không thể thích viết gì thì viết…
Tài liệu tham khảo:
[1] //zingnews.vn/tong-chu-bien-noi-ve-tranh-cai-quanh-sach-tieng-viet-1-post1140349.html?
[2]//vnexpress.net/chu-bien-nguyen-minh-thuyet-giao-duc-dang-bi-dinh-kien-4174184.html?
[3] //nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-chu-bien-sach-giao-khoa-lop-1-bot-bon-cot-du-luan-20201011205041647.htm?