Phân hóa như … chọn sách giáo khoa mới

19/02/2020 07:09
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Để tránh lãng phí, tăng cường khai thác sách giáo khoa cũ, không gì hơn các trường trong tỉnh có chung một bộ sách giáo khoa lớp 1 ngay trong năm học 2020-2021

Bên cạnh dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid-19), việc chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 đang nhận được sự quan tâm của thầy cô giáo được phân dạy khối 1 nói riêng và giáo viên tiểu học nói chung. 

Có nhiều lo ngại việc tác động của quyền lực… đến chọn sách giáo khoa, chọn vì quan hệ, chọn vì gợi ý… của cấp trên.. 

Khi tâm thế chọn sách vì phù hợp với mình và học trò, phù hợp thực tế giáo dục địa phương, đã có sự phân hóa lớn trong kết quả chọn sách của các trường hiện nay. 

Người viết lấy số liệu tổng hợp của một địa phương, vì lý do tế nhị nên không có tên địa phương, tên sách giáo khoa, chỉ có tên bộ sách viết tắt.

Bảng tổng hợp kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 của một số trường tiểu học (Ảnh do tác giả cung cấp)
Bảng tổng hợp kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 của một số trường tiểu học (Ảnh do tác giả cung cấp)

Trong cùng địa phương, có điều kiện kinh tế xã hội khá tương đồng, cơ sở vật chất rất tốt; đều chọn sách theo tiêu chí của địa phương quy định, thế nhưng kết quả không hề giống nhau.

Kết quả chọn sách nói lên không có sự tác động của “thế lực” nào lên các hội đồng chọn sách; không có trường nào chọn các đầu sách cùng một bộ; không có trường nào giống nhau hoàn toàn.

Kết quả chọn sách phân hóa như vậy có thuận lợi gì? 

Thuận lợi đầu tiên phải nói đến là bộ sách được chọn phù hợp với giáo viên sẽ dạy lớp 1, học sinh và điều kiện cụ thể của trường học. 

Kết quả chọn sách giáo khoa kịp thời để thông báo cho phụ huynh, học sinh chuẩn bị cho năm học mới.

Kết quả chọn sách phân hóa cũng thể hiện tính dân chủ của quá trình chọn sách, không bị ai tác động hay điều khiển.

Kết quả chọn sách phân hóa như vậy có khó khăn gì? 

Chọn sách giáo khoa lớp 1 cũng cần phải tính đến việc mua sách của phụ huynh
Chọn sách giáo khoa lớp 1 cũng cần phải tính đến việc mua sách của phụ huynh

Năm học 2021-2022, mỗi tỉnh sẽ chọn 1 bộ sách giáo khoa chung, tất nhiên sẽ dẫn đến khả năng sách khoa năm 2020-2021 không trùng với bộ sách mới, chắc chắn sẽ xảy ra sự lãng phí. 

Bộ sách năm học 2021-2022 sẽ khó lòng thỏa mãn, phù hợp với tất cả giáo viên và học sinh các trường trong tỉnh. 

Giải pháp nào tránh lãng phí, đáp ứng nhiều nhất cho giáo viên, học sinh?

Để tránh lãng phí, tăng cường khai thác sách giáo khoa cũ, không gì hơn các trường trong tỉnh có chung một bộ sách giáo khoa lớp 1 ngay trong năm học 2020-2021.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 cũng là bộ sách lớp 1 năm học 2021-2022.

Muốn vậy phải có sự đồng thuận cao nhất của giáo viên, hội đồng chọn sách trong các trường học hiện nay.

Để làm được điều này, Sở Giáo dục và Đào tạo cần thống kê kết quả chọn sách lớp 1 của các trường trên toàn tỉnh; lấy kết quả chung nhất của cả tỉnh về mỗi đầu sách dựa trên lựa chọn nhiều nhất của các trường tiểu học trong tỉnh làm bộ sách lớp 1 của tỉnh vào năm học 2021-2022. 

Vì năm học 2021-2022 tỉnh cũng phải chọn 1 bộ sách lớp 1 chung, làm như thế vừa giảm công tác phải chọn lựa sách giáo khoa lớp 1, vừa khai thác tận dụng được trí tuệ tập thể của rất nhiều giáo viên trong địa phương trong chọn sách giáo khoa. 

Thông báo kết quả chọn lựa bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2021-2022 đến từng trường, đề nghị các trường tham khảo; nghiên cứu lại bộ sách 2021-2022 đã được chọn lựa; nếu vẫn phù hợp với trường mình thì chọn lựa, trên cơ sở tuyệt đối tôn trọng quyết định chọn sách của trường học. 

Nếu giáo viên, nhà trường thấy chưa phù hợp với mình nhưng khắc phục được, nên chọn bộ sách chung này, vì học trò, vì phụ huynh.

Năm học 2021-2022 khi tiến hành chọn sách giáo khoa theo luật giáo dục mới, hội đồng chọn sách của tỉnh chỉ phải chọn sách giáo khoa lớp 2.

Làm như thế sẽ giảm thiểu tối đa sự lãng phí sách năm học 2020-2021; kết quả chọn sách giáo khoa 2021-2022 đáp ứng tiêu chí phù hợp với giáo viên trên địa phương nhiều nhất.   

Sơn Quang Huyến