Quặn lòng gia cảnh đôi bạn đánh nhau tới chết

08/12/2011 06:00
Ngọc Khánh
(GDVN) - Khi “con dại cái mang”, dù là nạn nhân hay thủ phạm thì đó cũng là nỗi đau chung của những bậc sinh thành.
Như báo GDVN đã đưa tin, sự việc em Bùi Phú Hoàn, học sinh lớp 8B, trường THCS Tiên Động (Tứ Kỳ, Hải Dương) tử vong do bị lớp phó Nguyễn Văn Đạt đánh dập lá lách đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo lực học đường, sự coi thường pháp luật và sự phát triển của xã hội.

Về Tiên Động tìm hiểu vụ việc này, chúng tôi mới thấu hiểu được sự giằng xé của nỗi đau trong lòng cha mẹ, người thân của hai học sinh tuổi “nhất quỷ, nhì ma” này.
Từ hôm Hoàn ra đi, bố mẹ em ra ngẩn vào ngơ, lặng lẽ như những cái bóng. Hàng cây cảnh vẫn xanh tươi trên tường hoa, quả bóng vẫn nằm im ở góc nhà như chờ em mang đi trong những trận cầu của tụi trẻ trong làng.
Chân dung cậu học trò khéo tay nhưng đoản mệnh Bùi Phú Hoàn
Chân dung cậu học trò khéo tay nhưng đoản mệnh Bùi Phú Hoàn
Lo tang cho em xong, 2 chị gái Hoàn lại phải trở lại công ty làm việc. Anh Bùi Phú Đương, bố của Hoàn bỏ dở công việc ở Quảng Ninh về nhà một thời gian cho bớt lạnh lẽo, hiu quạnh. Anh như chực khóc khi nhắc lại chuyện “hòn vàng” của mình khéo tay, nhanh nhẹn, thích tìm tòi, sửa chữa đồ đạc trong nhà. Những nếp nhăn theo nhau co rúm, dồn về khóe mắt thâm quầng vì mất ngủ, hằn lên nỗi vất vả, lam lũ của cuộc sống gia đình anh. “Cháu Hoàn nhà tôi nó chỉ thích sau này làm nghề sửa chữa đồ điện. Mấy ngày nay, nghe tiếng trẻ con ríu rít đi học qua nhà, tôi lại giật mình nhớ cháu”, anh Đương nói nhát gừng.

Được biết, gia đình đã được trường THCS Tiên Động hỗ trợ 30 triệu đồng tiền mai táng Hoàn. Sau tang lễ, gia đình không nhận được một lời nói gì từ phía nhà em Đạt. Theo phản ánh của gia đình, khi đi hỏi nhóm bạn học cùng lớp 8B về việc Đạt đánh Hoàn nhưng phụ huynh của các em không cho nói vì “một số em lỡ miệng kể lại cho bố mẹ Hoàn đã bị nêu tên trong buổi chào cờ”. 

Những điều như vậy càng làm cho nỗi đau mất con trai độc nhân lên gấp bội, biết bao giờ mới nguôi ngoai. Ngẫm tưởng, đó là nỗi đau riêng của gia đình người mất, nhưng không, nỗi đau ấy cũng lan sang những người thân trong gia đình em Nguyễn Văn Đạt. Dù niềm đau âm ỉ nhưng cũng đủ giày vò những tấm thân vốn đã gầy mòn bởi bệnh tật và nghèo đói trong căn nhà cấp 4 tạm bợ.

Ở làng Đồng Bào, cách nhà Hoàn ở làng Đoàn Khê gần 2 cây số, khi nghe tin con trai đánh bạn dẫn đến tử vong, bố Đạt là anh Nguyễn Văn Tát (sinh năm 1959) cho biết đại diện gia đình có sang thăm hỏi, chia buồn lúc phát tang Hoàn. Về việc gia đình Đạt không có động thái gì với bố mẹ Hoàn, anh Tát cho biết “Thực sự, gia đình tôi cũng hiểu được sự mất mát của nhà anh Đương, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, huống chi chúng tôi sống cùng quê. Gia đình tôi cũng muốn cho bố mẹ cháu Hoàn nguôi ngoai rồi mới sang thưa chuyện”.

Nhắc lại câu chuyện thời thanh niên, trong một lần đến đám tang của bạn liền bị vu oan là kẻ giết người, anh Tát đã bị đánh đập và bắt giam 1 tuần nhưng rồi được minh oan. Chính vì vậy, anh rất sợ lại tái diễn như điều đó.

Hoàn cảnh của gia đình Đạt cũng rất éo le. Anh Tát bị bênh lao phổi từ lâu nên vợ anh là chị Phạm Thị Chữ (sinh năm 1962) là trụ cột trong gia đình. Đứa con trai đầu tiên của anh chị bị bệnh thần kinh đã mất từ lúc 4 tuổi. Người con trai thứ 2 cũng không khá hơn khi bị bệnh thần kinh, phải có người chăm sóc. Tiếp đó là 2 cô con gái phải bỏ học giữa chừng để đi làm công nhân may trên TP Hải Dương. 
Bố và bà nội học sinh Nguyễn Văn Đạt cũng rất đau lòng khi sự việc đáng tiếc xảy ra. Ảnh: Ngọc Khánh
Bố và bà nội học sinh Nguyễn Văn Đạt cũng rất đau lòng khi sự việc đáng tiếc xảy ra. Ảnh: Ngọc Khánh
Người con trai cuối là niềm hi vọng của cả gia đình về tương lai tốt đẹp, vì vậy đã đặt tên là Đạt. Hiện nay, mọi thứ chi tiêu trong nhà đều trông vào 6 sào ruộng mà chị Chữ chăm sóc. Sự việc đáng tiếc của Đạt là một chuỗi những vận đen tới nhà chị. Sau khi anh Tát đi viện gần tháng trời vì thổ ra máu, cô con gái sinh năm 1994 lại bị tai nạn nằm viện 10 ngày. Nay đến việc Đạt đánh bạn khiến chị Chữ như muốn gục xuống vì quá sức. Đến bữa ăn chị không thể nuốt cơm không trôi, nghĩ đến số phận, gia đình lại ứa nước mắt.

Anh Tát cho biết “Cháu Đạt có nói rằng, cháu làm lớp phó lao động nên rất muốn phong trào thi đua của lớp tiến lên, được biểu dương trong giờ chào cờ. Bạn Hoàn nói chuyện trong lớp ảnh hưởng đến cả lớp”. 

Mặc dù đã 91 tuổi nhưng bà nội Đạt khi biết đứa cháu nội bị bắt tạm giam, cũng khóc vì thương cháu. Bà bảo “Thằng Đạt nó trẻ con lắm chú à! Tôi nhớ nó quá nhưng không biết làm sao được”. 

Bản thân mỗi người làm cha làm mẹ không ai mong muốn con cái để xảy ra những việc đáng tiếc. Khi “con dại cái mang”, dù là nạn nhân hay thủ phạm thì đó cũng là nỗi đau chung của những bậc sinh thành. Sự việc đáng buồn này xảy ra vào những số phận đáng thương hơn đáng trách, dòng đời khéo xô đẩy con người ta vào những nghịch cảnh, trớ trêu. Nếu không vững vàng trước sóng gió và được cộng đồng sẻ chia thì biết đâu, ngày mai lại đẩy một nghịch tử ra xã hội, điều đó thật xót xa! 
Ngọc Khánh