Quảng Ninh sẵn sàng các điều kiện khai giảng năm học mới

28/08/2019 07:32
LÃ TIẾN
(GDVN) - Ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh tích cực đầu tư xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và chuẩn bị mọi điều kiện để khai giảng năm học mới.

Chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học

Những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục.

Cụ thể, cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và từng bước hiện đại, xóa bỏ các phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ.

Riêng năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 1.024 phòng học, phòng chức năng được xây mới; cải tạo, sửa chữa 1.198 phòng học, phòng chức năng và các hạng mục khác với tổng kinh phí 814 tỷ đồng.

Trang thiết bị dạy học các cấp cũng được đầu tư mạnh với kinh phí 120 tỷ đồng (trong đó Sở chi 86 tỷ đồng, các huyện chi 34 tỷ đồng).

Nhờ đó, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 534/637 trường đạt chuẩn quốc gia các cấp, đạt tỷ lệ 83,83%.

Các phòng học của Trường Mầm non Cẩm Sơn 1 (phường Cẩm Sơn, thành phố Cẩm Phả) được xây mới khang trang (Ảnh: CTV)
Các phòng học của Trường Mầm non Cẩm Sơn 1 (phường Cẩm Sơn, thành phố Cẩm Phả) được xây mới khang trang (Ảnh: CTV) 

Trước thềm năm học mới, nhiều địa phương trong tỉnh như: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Hoành Bồ, Tiên Yên Đông Triều, Quảng Yên... cũng đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho năm học mới.

Năm học 2019-2020, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đón khoảng 51.000 học sinh ở các bậc học, tăng hơn 3.000 học sinh so với năm học trước.

Trên cơ sở rà soát, xác định cơ sở vật chất của từng cơ sở giáo dục, thành phố Hạ Long đã trích ngân sách gần 100 tỷ đồng đầu tư sửa chữa, xây mới 54 công trình trường học và mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu dạy và học.

Một số nhà trường được đầu tư xây mới, sửa chữa các phòng học như: Trường tiểu học Quang Trung xây mới dãy nhà gồm 16 phòng học; Trường tiểu học Cao Thắng..

Các trường học tại Hạ Long đều được trang bị lớp học thông minh và điều hòa lắp đặt trong các phòng học.

Lễ khai giảng là để lan tỏa yêu thương nhân ái
Lễ khai giảng là để lan tỏa yêu thương nhân ái

Ngoài thành phố Hạ Long, tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Quảng Ninh đều được đầu tư xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, năm học 2019-2020, toàn tỉnh tăng hơn 10.000 học sinh ở các bậc học so với năm học trước.

Để đáp ứng yêu cầu dạy và học, Ủy ban nhân dân tỉnh, các địa phương đã đầu tư xây mới, sửa chữa hơn 2.000 phòng học và các phòng chức năng ở các bậc học với tổng kinh phí hơn 800 tỷ đồng.

Các công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày khai giảng năm học mới đáp ứng cơ bản yêu cầu về quy mô trường, lớp học tại các địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chỉ đạo phòng giáo dục tích cực rà soát cơ sở vật chất.

Trong đó, chú trọng đến việc đầu tư, bổ sung thiết bị dạy học, bổ sung các phòng học chức năng, và các phòng học không đảm bảo an toàn trong thời tiết mưa bão.

Sẵn điều kiện cho chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, trước thềm năm học mới, mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

Toàn tỉnh hiện có 655 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, trong đó có 218 trường mầm non, 173 trường tiểu học, 1 trường liên cấp mầm non - tiểu học, 187 trường có cấp Trung học cơ sở;…

…59 trường có cấp Trung học phổ thông, 13 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện, 1 trung tâm hướng nghiệp- Giáo dục thường xuyên tỉnh, 2 trường đại học, 1 phân hiệu đại học.

Quảng Ninh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để khai giảng năm học mới (Ảnh: CTV)
Quảng Ninh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để khai giảng năm học mới (Ảnh: CTV)

Hệ thống giáo dục ngoài công lập hiện có 49 trường (gồm 25 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường liên cấp mầm non – tiểu học, 23 trường có cấp Trung học phổ thông).

Cùng với đó, toàn tỉnh còn có 411 cơ sở mầm non độc lập tư thục, 6 cơ sở Giáo dục thường xuyên thuộc các trường đại học, cao đẳng, 186 trung tâm hỗ trợ cộng đồng ở đơn vị cấp xã, 79 trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục, 35 cơ sở ngoại ngữ thuộc trung tâm ngoại ngữ tư thục, 21 trung tâm kĩ năng sống.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được củng cố, tăng cường, cơ bản đủ về số lượng, chất lượng được nâng lên đáng kể.

Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 21.276 người, trong đó, 99,58% cán bộ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, 60,67% đạt trên chuẩn.

Đáng chú ý, công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên được triển khai thường xuyên, liên tục, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục.

Chuẩn bị đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Chuẩn bị đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành giáo dục ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng phương án bố trí cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên, nhân viên trường học một cách linh hoạt để tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả biên chế.

Cùng với đó, ở các địa phương đã tích cực rà soát hiện trạng đội ngũ, tính toán, dự báo nhu cầu sử dụng, nhu cầu đào tạo giáo viên để chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từng bước khắc phục tình trạng thừa/thiếu cục bộ.

Theo bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, năm học 2019-2020, toàn ngành sẽ tập trung xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương;

Tăng cường an ninh, an toàn trường học; nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; phát triển phẩm chất, năng lực người học;

Chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên...

Đặc biệt, ngành sẽ tham mưu phân bổ, quản lý sử dụng kinh phí chi thường xuyên năm 2019 bảo đảm hiệu quả, bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo;

Tích cực, chủ động đề xuất nguồn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục.

LÃ TIẾN