Lễ khai giảng là để lan tỏa yêu thương nhân ái

26/08/2019 06:42
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Học sinh không cần ngồi giữa nắng để nghe bài phát biểu “lê thê” của người lớn, thực chất thuật ngữ trong bài phát biểu, học trò chẳng hiểu được bao nhiêu.

Phần lớn các địa phương trên cả nước đã nhập học trước, khai giảng sau. Vì thế, khai giảng trong suy nghĩ của rất nhiều người, chỉ còn là… hình thức.

Thế nhưng, “bệnh hình thức” vẫn là bệnh nặng nề trong các loại “bệnh học đường” của giáo dục Việt Nam. 

Vẫn còn không ít người, muốn ngày khai giảng thật “hoành tráng”, xứng đáng “tầm vóc”, “bản lĩnh” của mình!

Niềm vui của các em học sinh trong ngày lễ khai giảng. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Niềm vui của các em học sinh trong ngày lễ khai giảng. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Lễ hoành tráng, cái khổ đổ đầu học sinh, phụ huynh

Ngay từ ngày đầu tựu trường, học sinh đã bắt đầu có kế hoạch, tập dượt lễ khai giảng. Nào là đi đứng thế nào, cờ quạt ra sao; cuộn vòng theo chữ, theo hình sao cho có “phong thủy”.

Các lớp đầu cấp phải đi theo nhịp trống ra sao, vẫy cờ đuôi nheo chiều nào, miệng phải cười tươi… dù trời mưa hay nắng.

Cứ thế, học trò tập dượt, thầy cô chủ nhiệm cũng chẳng thua; mưa to coi như mưa nhỏ, mưa nhỏ coi như không mưa; nắng sớm hay trưa đều … tốt cho sức khỏe.

Đồng phục cả trường phải là y nhau, thể hiện cả trường một lòng, thế là phải thuê, tiền có … phụ huynh đóng.

Để độc đáo, vui vẻ, nhiều trường còn “mời” đội lân nổi tiếng, có khi tốn dăm bảy triệu bạc.

Trăm dâu đổ đầu tằm, người nhận lời khen ngợi chỉ có một, cái khổ đổ … đầu học sinh!

Đã đến lúc lễ khai giảng đã đến lúc cần … tinh giản

Hà Nội yêu cầu ngày khai trường phải thực sự là ngày hội của học sinh
Hà Nội yêu cầu ngày khai trường phải thực sự là ngày hội của học sinh

Vì học sinh, hãy cho cái học sinh cần. Học sinh không cần những cái “hoành tráng” mà không ít học trò tập luyện dưới mưa gió đã đổ bệnh.

Học sinh không cần ngồi giữa nắng để nghe bài phát biểu “lê thê” của người lớn, thực chất các “thuật ngữ” trong bài phát biểu, học trò chẳng hiểu được bao nhiêu.

Vì thế, tinh giản nội dung chương trình khai giảng, ngắn gọn, ý nghĩa, là cái học sinh cần.

Trước năm học mới, Bộ đã có văn bản chỉ đạo, khai giảng tinh gọn, thế nhưng “bệnh hoành tráng” đã “ăn sâu” vào tư duy không ít người, coi trọng hình thức.

Khai giảng thế nào cho phù hợp?

Bỏ bệnh hình thức, ngay từ lễ khai giảng, góp phần xây dựng môi trường giáo dục vì học sinh thân yêu thực sự.

Khởi đầu năm học vì học sinh thân yêu, khởi đầu thực hiện từ lễ khai giảng.

Thời gian khai giảng, chỉ cần một giờ là đủ, làm sớm cho học sinh bớt nắng. Nội dung đơn giản, ngắn gọn, không cần báo cáo thành tích; thành tích đã nói trong lễ tổng kết cuối năm rồi.

Lãnh đạo có cần phát biểu chỉ đạo không? Không cần, có phát biểu, học sinh cũng có biết đâu? Chỉ cần đọc thư của Chủ tịch nước, đã nói lên tất cả.

Mọi phương pháp dạy học, dù ưu việt đến đâu, cũng không bằng phương pháp khơi gợi yêu thương, nhân ái con người.

Hãy dành cho lễ khai giảng, lễ phát động tình thương yêu, nhân ái đến học trò. Bài học nhân ái, bài học yêu thương không gì hơn nhà trường dành yêu thương cho học trò ngay từ lễ khai giảng.

Sơn Quang Huyến