Quảng Trị phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh

11/12/2019 11:23
Trần Phương
(GDVN) - Mối quan hệ giữa gia đình, xã hội, nhà trường ngày càng lỏng lẻo bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song do cả 2 phía giáo viên và phụ huynh học sinh

Thực hiện Kế hoạch năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã có văn bản Số 1761/HD-SGDĐT hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện chủ đề năm học “Nâng cao trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh”.

Một trong nhiệm vụ được xác định trọng tâm chính là việc tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội với công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên dựa trên sự cộng hưởng trách nhiệm và niềm tin.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng trị đã xác định Vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên trong bối cảnh hiện nay là sự quan tâm chung của toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc tiếp cận vấn đề ở góc độ nào, phân tích thực trạng, thấy rõ nguyên nhân và tìm hướng giải quyết hiệu quả, bền vững…là cả một câu chuyện lớn, phức tạp.

Ông Hoàng Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị phát biểu tại Hội thảo khoa học của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị. Ảnh: Sở GDDT Quảng Trị
Ông Hoàng Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị phát biểu tại Hội thảo khoa học của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị. Ảnh: Sở GDDT Quảng Trị

Theo, ông Hoàng Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, gia đình là nơi trẻ được sinh ra, lớn lên. Gia đình là môi trường đầu tiên, trường học đầu tiên và sớm nhất, và mãi mãi ảnh hưởng đến đời sống đạo đức của con người.

Cha mẹ sinh con, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái, điều ấy không chỉ xuất phát từ tình yêu thương mà đó còn là bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của những bậc làm cha, làm mẹ.

Nếu một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình hòa thuận, hạnh phúc, được sống trong tình yêu thương, sự chăm sóc của đấng sinh thành, có niềm tin tưởng, sự tự hào khi cha mẹ luôn là gương sáng để con cái noi theo thì nhất định hạt mầm thiện trong đứa trẻ như cây xanh sẽ bén rễ, đâm chồi.

Giáo dục và cách hành xử của chúng ta
Giáo dục và cách hành xử của chúng ta

Giáo dục gia đình giúp trẻ tiếp cận, làm quen và lĩnh hội được một thế giới văn hóa hiện thực.

Những chuẩn mực của nền văn hóa xã hội được đứa trẻ tiếp nhận thông qua giáo dục từ gia đình.

Nếu gia đình là chiếc nôi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức cho con người, thì nhà trường đóng vai trò trung tâm trong việc  định hướng, nối kết,  phối hợp tổ chức thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục giữa gia đình và các lực lượng xã hội.

Với trách nhiệm của một tổ chức giáo dục được Đảng và Nhà nước trực tiếp lãnh đạo, với sự tham gia của một đội ngũ thầy cô giáo có tri thức, có năng lực và tâm huyết, nhà trường không chỉ là nơi dẫn dắt học sinh khám phá, chiếm lĩnh kho tàng tri thức phong phú của nhân loại, mà nhà trường còn là nơi giáo dục, rèn luyện các chuẩn mực đạo  đức, ý thức công dân cho học sinh, khơi dậy trong các em ngọn lửa đam mê, khát vọng, ý thức  hướng về Chân – Thiện – Mĩ, những giá trị cao đẹp, vĩnh hằng.

Nhà trường là một thiết chế xã hội chuyên biệt thực hiện chức năng  phát triển nhân cách con người theo hướng duy trì, phát triển xã hội. Với vai trò và chức năng của mình, nhà trường đóng vai trò chủ đạo trong các thành tố tham gia vào quá trình giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.

Bởi lẽ, “nhà trường đã có định hướng về phẩm chất đạo đức cần giáo dục cho thế hệ trẻ”.

Đông đảo thầy cô giáo, phụ huynh học sinh tham gia hội thảo của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng trị phối hợp tổ chức. Ảnh: Sở GDDT Quảng Trị
Đông đảo thầy cô giáo, phụ huynh học sinh tham gia hội thảo của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng trị phối hợp tổ chức. Ảnh: Sở GDDT Quảng Trị

Đó chính là mục tiêu giáo dục đạo đức đã được vạch ra. Giáo dục đạo đức trong nhà trường có sự thống nhất về mục đích, mục tiêu cụ thể, được thực hiện bởi đội ngũ các nhà sư phạm, tiến hành theo kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đạo đức, lối sống của con người.

Với mục tiêu hình thành những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho thế hệ trẻ, nhà trường tác động đến thế hệ trẻ một cách hiệu quả nhất, vì nó dựa trên các thành tựu của nghiên cứu khoa học, các quy luật nhận thức, quy luật tâm lý xã hội…

Trong giáo dục đạo đức ở nhà trường, các nhà giáo dục nghiên cứu về mặt lý thuyết, mặt hành vi và phương pháp giáo dục.

Để cụ thể hóa nhiệm vụ, ngày 6/12/2009, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã phối hợp  với Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nhà trường, gia đình và xã hội với công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay”.

Hội thảo đã có 52 tham luận gửi đến Ban Tổ chức; cùng với đó là một Kỷ yếu dày 270 trang của 40 tác giả công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có nhiều hướng tiếp cận và giải quyết vấn đề đa dạng.

Hội thảo thực sự thu hút sự quan tâm của giáo giới và của dư luận xã hội, có sự lan tỏa lớn và sẽ có những tác động nhất định đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên trong bối cảnh hiện nay.

Trần Phương