Sau tết, sinh viên đau đầu vì giá nhà trọ, thực phẩm tăng

01/02/2012 12:00
Kim Ngân

(GDVN) - Lên Hà Nội từ mồng 6 nhưng Lê Thị Nga (SV Cao đẳng Kinh tế CN HN) vẫn khốn đốn vì nhà trọ mất điện, không dám ra ngoài ăn vì sợ “bị chém”.

Nghẹt thở vì… xe nhồi nhét

Rút kinh nghiệm năm ngoái đi ô tô bị nhồi nhét đến tắc thở, Lê Thị Nga (SV trường Cao đẳng KTCN Hà Nội) khăn gói từ Triệu Sơn, Thanh Hóa ra Hà Nội từ mùng 6 Tết. 8 tiếng ngồi trên xe ô tô đông nghịt người, lại còn tắc đường, chưa hết bàng hoàng, Nga kể lại: “Giá vé thì đắt gấp đôi, người cũng gấp đôi, thời gian đi cũng gấp đôi bình thường”.

Kết quả là gần 10h đêm Nga hoàn hồn lại khi đặt chân đến bến xe Giáp Bát, bến xe vẫn đông người. Hỏi xe máy, tắc xi đều ào ào thách giá cao khiến Nga ngậm ngùi chọn bắt 2 tuyến xe buýt về nhà trọ ở Văn Điển với một đống đồ lích.

Nhiều sinh viên bị chặt chém tiền tàu xe khi từ quê lên Hà Nội. Giá vé tăng gấp đôi trong những ngày này (ảnh Dân trí)
Nhiều sinh viên bị chặt chém tiền tàu xe khi từ quê lên Hà Nội. Giá vé tăng gấp đôi trong những ngày này (ảnh Dân trí)

Lấy lý do ngày tết, nhiều hãng xe “chém” giá từ 80 nghìn đồng lên 150 – 200 nghìn đồng/ 1 người đi từ thành phố Thanh Hóa.Chưa kể ghế 2 thì ngồi 3 – 4 người là chuyện bình thường trong những ngày sau tết này. “Không nhanh, không đi sớm là chẳng bắt được xe ấy. Bạn em vẫn còn mắc kẹt ở quê chưa ra được kia kìa”, Nga bộc bạch.

Còn Hoàng Văn Tuấn ở Thanh Hóa (SV năm 3, ĐH Hà Nội) nghe bạn bè kháo nhau khó bắt xe lên Hà Nội.  Để chắc chắn lên được Hà Nội mồng 8 cho kịp học, Tuấn lên kế hoạch lên từ mồng 6 để tránh tắc đường, chen chúc, Tuấn phải dậy sớm từ 3h30 phút và có mặt ở bến xe lúc 4h30 phút để có chỗ ngồi.

“Xe ngày Tết nhét người gấp rưỡi bình thường. 50 chỗ mà “nhồi” được 75 người. Nhưng cũng vì thế mà xe không bắt khách dọc đường nữa, mà đi nhanh hơn”, Tuấn cho biết.

Nỗi lo tăng giá… đủ thứ

Nhiều sinh viên lo lắng, chóng mặt vì tiền nhà, tiền điện và các loại tiền khác cứ tăng vòn vọt sau tết. Trước khi về nghỉ tết, Minh (ĐH năm 5 Cơ khí, ĐH BK) đã có trận cãi nhau nảy lửa với bà chủ nhà trọ vì tăng giá nhà trọ lên 1 triệu 2. Minh cùng cô em gái trọ trong căn phòng 12 m2 ở ngõ Gốc đề, Minh Khai vẫn phải cam chịu mặc dù giá điện là 4.500 đồng/ số.

“Ngại chuyển đi vì đầu năm tìm nhà khó như mò kim đáy bể. Mà cũng lích kích nhiều đồ đạc nên hai anh em đành cắn răng chịu đựng với cái giá như thế”, Minh chia sẻ.

Đã 2 ngày nay từ lúc lên Hà Nội, Tuấn đều “chén” mì tôm, bánh chưng và nem nướng từ Thanh Hóa lên, chứ chưa dám ra chợ bởi nghe nói thực phẩm sẽ đắt hơn trước tết, đồ ăn tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. “Bình thường mua mớ cải xoong là 3 nghìn đồng, hôm nay ra hỏi đã lên 5 nghìn đồng rồi, thịt cũng đắt hơn 20 nghìn/1 kg”, Tuấn tặc lưỡi.

Theo khảo sát của PV trong mấy ngày gần đây giá thực phẩm tăng từ 10 – 20 %, đặc biệt giá cả loại rau xanh được đẩy lên cao hơn từ 5 – 10 nghìn/kg.

Để đối phó với việc tăng giá hàng loạt vào đầu năm, Tuấn đã “thủ” 2 kg miến từ quê ra để nấu vào bữa sáng tiết kiệm được mấy nghìn lót dạ. Tuấn còn nhờ mẹ rang cho ít muối lạc, ruốc để ăn dăm bữa, nửa tháng. “Nếu tăng giá thì đành phải bảo bố mẹ gửi thêm tiền, hoặc không thì tiết kiệm bằng việc cắt giảm chi tiêu trong bữa ăn hàng ngày thôi”, Tuấn chia sẻ.

Vẫn uể oải… hậu Tết

Mặc dù đã học được vài buổi, nhưng nhiều sinh viên vẫn cảm thấy uể oải, buồn ngủ và chưa lấy lại được tinh thần học tập sau kỳ nghỉ tết dài 2 tuần.

Sinh viên vẫn chưa quen dậy sớm đi học, nên đành...ngủ trên lớp (ảnh minh họa)
Sinh viên vẫn chưa quen dậy sớm đi học, nên đành...ngủ trên lớp (ảnh minh họa)

Nguyễn Văn Sỹ (SV năm thứ 4 ĐH Bách Khoa) đã quá quen cái cảnh tuần đầu tiên đi học sau tết, nhưng năm nay Sỹ vẫn thấy chưa quen được lịch đi học buổi sáng nên ngày nào cũng đi học muộn, thậm chí là nghỉ học ngay buổi thứ 2. Bởi mấy ngày nghỉ tết, 9h sáng Sỹ mới dậy nên giờ phải đi học lúc 6h khiến Sỹ ngồi giảng đường mà vẫn gật gù và ngáp liên tục.

Nhiều bạn sinh viên nhất là các bạn nữ còn mang cả không khí tết đến giảng đường bằng việc tụ tập ngồi liên hoan bánh kẹo, cắn hướng dương, lì xì và xôm xả buôn chuyện đầu năm và bàn tính đi chơi xa dịp cuối tuần. Nhóm bạn trường ĐH Kinh tế đang í ới rủ nhau đi chơi Tuyên Quang vào dịp cuối tuần để thay đổi không khí.

Trời lạnh ngại đi học. Tâm lý chơi bời vẫn còn, “bùng” học, thậm chí là nghỉ một tuần để du hí đầu xuân…phổ biến ở sinh viên sau kì nghỉ tết.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Kim Ngân