Sinh viên sập bẫy với những chiêu lừa mới

20/01/2013 07:00
Theo VNN
Khi vừa phải chi phí cho tiền vé tàu xe leo thang, tiền sinh hoạt đắt đỏ, tiền học cuối kì thì nhiều sinh viên còn phải đối mặt với nạn trộm cắp đang hoành hành tại các khu trọ. Nhiều sinh viên đã mất “trắng” toàn bộ gia tài chỉ sau một đêm.
Một phút lơ đễnh, của không cánh mà bay

Thường ngày nhiều sinh viên vẫn cẩn thận để ý tới các đồ dùng, vật dụng của mình. Tuy nhiên, chỉ một chút sơ hở là họ đã mất đi những đồ vật đáng giá chỉ trong nháy mắt.

Bình (trọ ở Đám Mạ, Cổ Nhuế) đã mất đi chiếc máy tính cây cùng với hai chiếc điện thoại và ví tiền chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Bình cho biết, vì học bài khuya, chiếc chốt của cửa phòng mới bị hỏng nên chỉ khép cửa hé rồi đi ngủ. Sáng ra thức dậy, cậu hoàn hồn vì cánh cửa phòng mở toang, với lấy chiếc điện thoại thì đã không còn. Nhìn lên chỗ bàn học thì chiếc máy tính và ví đựng tiền ăn cho cả tháng cũng đã không cánh mà bay. 

Chỉ một chút sơ ý không đóng cửa là cơ hội cho những tên đạo chích hành nghề.
Chỉ một chút sơ ý không đóng cửa là cơ hội cho những tên đạo chích hành nghề.

Phòng trọ của Bình nằm trong dãy nhà tự quản, có một chiếc cổng chung cho bốn phòng. Tuy nhiên, chiếc cửa này lại ít khi được khóa. Bởi vậy, những tên trộm đã được cơ hội lẻn vào phòng cậu để trộm đồ.

Còn Hoa (trọ Yên Hòa, Cầu Giấy) đã khóc sưng mắt khi mất cùng một lúc hai chiếc laptop. Một chiếc máy acer giá 11 triệu của Hoa mới mua được 5 ngày và một chiếc loại HP 13 triệu của anh trai mới mua được 1 tháng.

Hoa cho biết: “Mình chỉ đi mua thức ăn ở ngay ngoài ngõ, cách nhà chừng 500m. Vì có anh trai đang ngủ ở nhà đã tỉnh nên mình yên tâm, chỉ cài cửa phía ngoài mà không khóa. Nhưng đi chỉ chừng 15 phút về thì phát hiện cửa bị mở, anh trai thì ngủ thiếp đi lúc nào, còn hai chiếc máy tính đặt ở trên gác xép đã biến mất, chỉ còn lại chiếc cặp đựng lap và bộ sạc pin”.

“Khi mình hô hoán mất thì một chị phòng bên cạnh bảo có hai kẻ vừa vào hỏi xóm trọ nhưng cũng không rõ là ai. Vì cửa cổng chính không khóa nên không kiểm soát được người qua lại” – Hoa nói trong tiếng nấc.

Mất đồ vì…chiếc cửa sổ

Nhiều sinh viên nghĩ rằng, chỉ cần khóa cửa chính là có thể yên tâm bảo vệ tài sản của mình. Nhưng ít ai biết rằng, với một chiếc cửa sổ không được che chắn cẩn thận thì việc mất đồ cũng dễ…như trở bàn tay.

Nga (trọ ở Đông Ngạc, Từ Liêm) cũng khóc lên khóc xuống bởi sau một đêm toàn bộ gia tài gồm một chiếc laptop và chiếc máy ảnh dùng để học tập đã bị kẻ gian lấy mất. Nga kể lại: “Hôm đấy mình làm bài tập đến gần sáng nên để chiếc máy tính và máy ảnh trên bàn rồi đóng cửa sổ đi ngủ. Nhưng tên trộm đã dùng những chiếc móc phơi đồ uốn thành những chiếc móc nhỏ để cạy cửa. Đến hôm sau mình mới phát hiện ra thì đã quá muộn. Giờ mình không biết phải nói sao với bố mẹ bởi chiếc laptop và máy ảnh có giá hơn 15 triệu đồng”.

Tương tự, trường hợp của Hoàng (Xuân Đỉnh, Từ Liêm) cũng bị mất chiếc laptop bởi đi ngủ mà chiếc cửa sổ vẫn mở toang. Những tên “đạo chích” đã tìm cách “câu” chiếc máy tính trong nháy mắt khi chủ nhân vẫn còn đang say giấc nồng.

Cửa sổ phòng trọ bị bẻ cả chấn song sắt
Cửa sổ phòng trọ bị bẻ cả chấn song sắt

Sập bẫy với chiêu lừa mới

Không ít sinh viên đã bị những tên “đạo chích” lợi dụng lòng thương người để mặc cả với những món đồ có giá trị. Và khi phát hiện ra mình đã bị lừa thì những kẻ gian cũng đã “cao chạy xa bay”.

Trang (trọ ở đường Hồ Tùng Mậu) đã mếu máo khi kể lại câu chuyện bị mất laptop cho bạn bè. Trang cho biết: “Mình đang đi ngoài đường thì có một chú nhờ mình chuyển đồ cho một chị trong chợ. Mình đã nghi ngờ nhưng vẫn đồng ý giúp.

Vì món đồ có giá trị nên chú sợ mình mang vào rồi đi mất nên đòi để lại gì đó làm tin. Lúc ấy mình đang mang chiếc laptop trên vai nhưng không chịu để lại. Chú ấy rút ngay chìa khóa xe đưa cho mình, bảo coi như hai chú cháu ràng buộc nhau. Mình đã để lại laptop cho chú, đi vào chợ đưa đồ. Nhưng đứng một lúc không thấy có người lấy đồ, mình chạy vội ra thì chú kia đã đi mất”.

Còn đối với Tiến (trọ ở khu vực Chùa Láng) vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ bị lừa mất laptop vì chính sự dễ tin người của mình.

Tiến kể lại: “Có một thanh niên cao ráo hỏi mình đường ra siêu thị Trần Anh. Hắn còn nhờ mình đi theo ra đấy, đưa đồ cho một chị ở trong siêu thị và nhận giúp hóa đơn 13 triệu đồng. Hắn sợ mình lấy mất tiền nên đòi để lại chiếc laptop làm tin. Mình đi lên tầng 2 siêu thị, thấy bác bảo vệ lớ ngớ không hiểu mình đang hỏi ở chỗ nào nên mình đã vội chạy xuống nơi đứng chờ hắn. Chỉ sau 3 phút chiếc laptop của mình đã không cánh mà bay”.

Tiến cho biết đã ra công an ngay gần nhà để khai báo.

Được biết Tiến không phải là trường hợp đầu tiên. Nhưng việc mất laptop của Tiến cũng là bài học cho những sinh viên còn “gà mờ” và có chút tốt bụng thì việc “sập bẫy” những chiêu lừa này là điều dễ dàng xảy ra.

Theo VNN