Sinh viên Sư Phạm: Thiếu cả "linh hồn" lẫn nội dung

28/08/2011 08:07
Xuân Trung
(GDVN) -Nhiều vấn đề của ngành Sư phạm được mổ xẻ tại Hội nghị toàn quốc các trường Sư phạm tổ chức tại Hà Nội với 6 điểm cầu từ 6 tỉnh thành trong cả nước.

6 điểm cầu gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ.

Nguy cơ mất đi “linh hồn” sư phạm

Hiện nay, có không ít các trường ĐH, CĐ trước đó mang tính chất sư phạm chuyên đào tạo giáo viên cho các địa phương từ cấp Tiểu học cho tới THPT, gọi là đơn ngành. Tuy nhiên, do nhu cầu xã hội, do thực tế cuộc sống đòi hỏi cấp bách cần có thêm nhiều chuyên ngành khác để phục vụ, chính vì thế nhiều trường Sư phạm trước đó đã đổi tên với mục đích đào tạo được đa ngành, đa nghề để thu hút thêm nhiều sinh viên.

Việc các trường ĐH, CĐ đào tạo đa ngành từ yếu tố trường sư phạm có nguy cơ mất đi "linh hồ" của sư phạm truyền thống. Ảnh minh họa Xuân Trung
Việc các trường ĐH, CĐ đào tạo đa ngành từ yếu tố trường sư phạm có nguy cơ mất đi "linh hồ" của sư phạm truyền thống. Ảnh minh họa Xuân Trung

Trường ĐH Đồng Tháp là một tiêu biểu. Trước kia, ĐH Đồng Tháp có tên là ĐH Sư phạm Đồng Tháp với chuyên  môn là đào tạo các chuyên ngành sư phạm cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

TS Nguyễn Văn Bảng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Đồng Tháp cho biết, trong quá trình đào tạo, trường ĐH Đồng Tháp có đào tạo một số chuyên ngành khác để phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Những ngành đào tạo sư phạm của trường được đầu tư từ cấp trung cấp tới đại học. Hiện trường có 14 khoa với 32 chuyên ngành đào tạo ĐH (trong đó có 17 ngành đào tạo giáo viên), 19 ngành CĐ (14 ngành đào tạo giáo viên) và 5 ngành trung cấp (1 ngành đào tạo giáo viên).

“Từ mô hình đào tạo giáo viên là chủ yếu, nhưng để đáp ứng cho sự phát triển của trường trong tương lai, trường đã thêm vào đào tạo một số ngành khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lấy đào tạo giáo viên là cốt lõi” TS Bảng cho biết.

Theo lí giải của TS Bảng, trường ĐH Đồng Tháp không hợp nhất các ngành đào tạo như một số trường CĐ được nâng cấp lên ĐH, hoặc một số trường ĐH đa ngành khác để tạo sự khác biệt. Ngoài ra, theo chúng tôi được biết, sự đa ngành không chỉ ở cấp trường mà các khoa trong ĐH Đồng Tháp cũng được Ban giám hiệu cho tự chủ đào tạo ngoài ngành sư phạm (ngoài đào tạo giáo viên, các khoa còn được chủ động đào tạo thêm các ngành học khác).

Về sự “nở rộ” các trường đào tạo đa ngành như hiện nay, lo lắng mất đi tính chất sư phạm truyền thống. Trao đổi với chúng tôi GS, TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đây là điều đáng báo động, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo sư phạm.

Theo GS, TS Thịnh, trước hết phải tìm được căn nguyên vì sao các trường này muốn chuyển sang đa ngành. “Họ chuyển sang đa ngành vì họ không có lối thoát nào khác, nếu như chỉ có một số lượng thí sinh thi tuyển sinh vào các ngành sư phạm để đào tạo giáo viên cho yêu cầu địa phương thì nguồn kinh phí của trường bị bó hẹp.

Nếu trường để ở loại hình đơn ngành sẽ không tuyển được cho giáo viên sư phạm (vì nhiều nguyên nhân như lương thấp, đầu ra khó…). 

GS, TS Nguyễn Viết Thịnh cho rằng, các trường từ đơn ngành sang đa ngành có thể bây giờ chưa nhìn thấy tác động không xấu, nhưng chỉ 10 năm nữa sau khi sinh viên được học  trong cơ chế của người hiệu trưởng mới, mang tính chất đa ngành lãnh đạo, lúc đó quan điểm sư phạm có thể khác.

“Việc này phải giành cho thực tiễn, tôi cho rằng đây là một xu hướng có thể tốt cho xã hội, nhưng riêng đào tạo giáo viên thì hoàn toàn không có lợi chút nào. Yếu tố “linh hồn” của sư phạm sẽ bị ảnh hưởng” GS Thịnh cảnh báo.

Thiếu trường thực hành cho sinh viên sư phạm

Liên quan tới các khâu đào tạo trong các trường sư phạm hiện nay, nhiều nhà giáo là nhà quản lí cho rằng, sinh viên sư phạm năm cuối chuẩn bị đi thực tập thường thiếu nơi thực hành. Hoặc một lúc “ồ ạt” kéo về các trường phổ thông gây quá tải và chất lượng thực tập chắc chắn sẽ  không cao.

Sinh viên các trường sư phạm hiện nay thiếu chỗ thực tập. Ảnh minh họa Xuân Trung
Sinh viên các trường sư phạm hiện nay thiếu chỗ thực tập. Ảnh minh họa Xuân Trung

Chính điều bất cập này, Cục Nhà giáo và  Cán bộ quản lí cơ sở Giaó dục (Bộ GD&ĐT) đã ban hành QĐ số 30/2001/QĐ-BDG&ĐT của Bộ trưởng và Quy chế thực hành sư phạm  cho các trường sư phạm đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và THCS.

Thực trạng cho thấy, số trường thực hành cho sinh viên sư phạm ra trường vẫn thiếu nhiều so với thực tế lượng sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp. Hiện nay, theo thống kê cả nước chỉ có 65 trường thực hành sư phạm (22 trường mầm non, 15 tiểu học, 16 THCS, 7 THPT, 4 các cấp học và 1 trường trung cấp kĩ thuật thực hành).

GS, TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) cho biết, việc kiến tập, thực tập trong các trường sư phạm là điều kiện sống còn trong công tác đào tạo giáo viên. Theo GS, TS Lộc thực tế các trường thực hành để triển khai nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường sư phạm.

Ngoài hệ thống trường thực hành còn phải có thêm các trường thực tập cho sinh viên: “Hiện nay, các trường phổ thông chưa có một cơ chế nào để đảm bảo. Phần lớn, các trường sư phạm phải tự đàm phán với các trường phổ thông để kí kết với trường một nhu cầu trên tình thần thỏa mãn nào đó. Thực tế, chưa có một chế tài nào quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các trường phổ thông trong vấn đề đào tạo các lớp giáo viên tiếp theo” bà Lộc cho biết.

Một sự bất cập nữa, theo GS, TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nếu duy trì hình thức thực tập, kiến tập của sinh viên sư phạm hiện nay thì không có  một trường phổ thông nào gánh được (133 trường đào tạo giáo viên trong cả nước đồng loạt, cùng thời gian xuống các trường phổ thông thực tập), đó là một áp lức lớn, quá tải, giống như chúng ta làm việc cho xong” GS, TS Lộc nêu ý kiến.

Theo GS, TS Lộc, hiện nay chúng ta đang đào tạo theo hình thức tín chỉ,  việc cho các em xuống các trường cùng một lúc như thế không còn phù hợp nữa. Cần phải có một bộ phận đánh giá về năng lực, kĩ năng    của từng em.

Sau khi thẩm định xong năng lực và kiến thức, các em được đăng kí chuyên môn theo tín chỉ: “Số thời gian thực tập ở trường có thể kéo dài 10 tháng chứ không 6 tuần như trước đây. Sinh viên sẽ được xuống thường xuyên trong từng tháng, từng năm, chứ không phải cùng một lúc như trước kia. Như vậy sẽ giải quyết được áp lực cho từng trường phổ thông” GS, TS Lộc đề xuất.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết trong vấn đề thực tập, thực hành cho sinh viên sư phạm phải làm sao cho các trường phổ thông là “vệ tinh” cho các trường sư phạm, mối quan hệ này phải được khăng khít hơn.“Chúng ta phải có quy hoạch các trường phổ thông trở thành những “vệ tinh” của hệ thống các trường sư phạm trong cả nươc. Để tiếp nhận phản ánh thực tiễn, trường phổ thông có vấn đè gì, chương trình nào thì các trường sư phạm phải biết để kịp thời đưa vào chương trình đào tạo. Để khi nào các trường phổ thông thấy được niềm vui khi nhận sinh viên về thực tập, đó mới là triết lí  giáo dục” Phó Thủ tướng chỉ đạo.

 
Xuân Trung