Thầy Hiệu trưởng quyết định cho 22 học sinh lưu ban, không để ngồi nhầm lớp

17/11/2019 07:51
AN NGUYÊN
(GDVN) - Nếu như nhiều nơi còn nâng điểm, tạo điều kiện cho học sinh được lên lớp thì ngay giữa lòng thành phố Đà Nẵng có một ngôi trường quyết định cho 22 em lưu ban.

Trong năm học 2018-2019, Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) có 22 trường hợp học sinh phải ở lại lớp (19 học sinh lớp Một; 2 học sinh lớp Hai và 1 học sinh lớp Ba).

Để làm được điều này, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thái Phong đã cùng các thầy cô thực hiện đổi mới rất nhiều từ trong cách nghĩ, cách làm.

Vượt qua căn bệnh ngụy thành tích

Thầy Nguyễn Thái Phong từng có nhiều năm đi dạy rồi được bổ nhiệm vào vị trí quản lý giáo dục, sau đó được điều động phụ trách quản lí chuyên môn bậc Tiểu học của phòng giáo dục quận Hải Châu.

Những cơ chế cũ kỹ, những căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục khiến thầy day dứt.

Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng trường tiểu học Võ Thị Sáu. Ảnh: AN
Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng trường tiểu học Võ Thị Sáu. Ảnh: AN

Trong câu chuyện với thầy, lối quản lí chất lượng giáo dục theo chỉ tiêu thành tích trong những năm trước đây của các cấp quản lí còn khá phổ biến.

Theo đó, tỉ lệ phần trăm học sinh lên lớp, tỉ lệ học sinh khá giỏi, tỉ lệ học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi đều tính vào thành tích thi đua của nhà trường.

Thậm chí có nơi còn xét thi đua của giáo viên theo tỉ lệ số điểm 9, 10 mà học sinh của lớp đạt được qua các kì kiểm tra, có thời kì còn chỉ đạo không cho phép để học sinh ở lại lớp...

Đã ngoài 80, thầy vẫn say mê với giáo dục

Đó là nguyên nhân chính góp phần đẩy tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp trở nên trầm trọng.

“Theo mình biết, nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn quản lí chất lượng giáo dục theo chỉ tiêu thành tích. 

Tuy nhiên, trong các quy định về chỉ đạo quản lí chất lượng của giáo dục bậc tiểu học hiện hành thì không còn việc giao các chỉ tiêu như tỉ lệ học sinh lên lớp, học sinh ở lại lớp.

Không còn những chỉ tiêu này nữa nhưng vấn đề là nó đã tồn tại mang tính chủ quan trong ý thức nhiều cấp quản lí”, thầy Phong chia sẻ.

Với mong muốn thay đổi suy nghĩ của giáo viên, vì quyền lợi của học sinh, từ năm 2018 khi được phân công về làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu, thầy Phong đã thực hiện kế hoạch “đổi mới”.

Qua rà soát thực tế chất lượng học tập của học sinh thì số lượng học sinh khó khăn về việc học khá lớn.

Tuy nhiên, những trẻ này không được thống kê và cập nhật đầy đủ hồ sơ về các chỉ số y tế để phân loại chi tiết: trẻ khuyết tật, tự kỷ, tăng động, rối loạn hành vi, rối loạn ngôn ngữ... để xây dựng chương trình riêng và phương dạy học phù hợp với năng lực các em.

Phụ huynh của những học sinh này cũng không phối hợp với nhà trường trong việc đưa trẻ đi khám để xác định tình trạng sức khỏe cũng như điều trị bệnh cho con.

"Với những trẻ có vấn đề về y tế, nếu có xác nhận là trẻ khuyết tật thì trẻ phải được đánh giá theo sự tiến bộ của học sinh trong quá trình giáo dục chứ không thể đánh giá như những học sinh bình thường khác.

Và thực tế hầu hết những học sinh này đều có mức khả năng tiếp thu kiến thức dưới mức yêu cầu của khung chuẩn kiến thức kĩ năng do Bộ ban hành”.

Thầy Bùi Minh Thảo, người ươm mầm tài năng nghiên cứu khoa học

Do đó, thầy thuyết phục gia đình đưa trẻ đi giám định để có giấy chứng nhận học sinh khuyết tật nhằm áp dụng giảm tải chương trình học so với khung chuẩn kiến thức kĩ năng do Bộ Giáo dục ban hành. Qua đó, giúp trẻ có cơ hội học hòa nhập đúng với mục tiêu giáo dục.

Từ ngày về trường, thầy Phong yêu cầu công tác đánh giá học sinh đi vào thực chất thông qua thực hiện nghiêm túc và đánh giá công bằng trong các đợt kiểm tra định kì.

Quan trọng nhất là loại bỏ các yếu tố đánh giá thi đua giáo giáo viên thông qua thống kê tỉ lệ học sinh ở lại lớp để giáo viên mạnh dạn đánh giá học sinh đúng với năng lực đạt được của các em.

“Để một sinh lưu ban thì em đó phải trải qua 3 lần kiểm tra và kết quả kiểm tra đều không đạt yêu cầu: 2 lần vào cuối năm học và một lần kiểm tra lại vào cuối hè”, thầy Phong chia sẻ.

Học lại để đảm bảo quyền lợi học sinh

“Thà để học sinh chậm một năm còn hơn để học sinh chậm một đời” là quan điểm đánh giá chất lượng giáo dục được thầy đưa ra trong cuộc họp Hội đồng sư phạm nhà trường. 

Dù là trường nằm ở quận trung tâm Đà Nẵng nhưng năm học vừa qua có 22 em học sinh lưu ban, điều này cho thấy "chỉ tiêu thành tích" đã ảnh hưởng đến chất lượng thực sự của giáo dục như thế nào. Ảnh: AN
Dù là trường nằm ở quận trung tâm Đà Nẵng nhưng năm học vừa qua có 22 em học sinh lưu ban, điều này cho thấy "chỉ tiêu thành tích" đã ảnh hưởng đến chất lượng thực sự của giáo dục như thế nào. Ảnh: AN

Thầy luôn động viên giáo viên phát hiện và báo cáo những học sinh học yếu, chậm tiếp thu, hoặc có biểu hiện bất thường về sức khỏe...

Sau đó, nhà trường cùng với cha mẹ học sinh phối hợp rà soát để hoàn thiện hồ sơ cá nhân và lập phương án kèm cặp thêm.

“Đây là việc làm hoàn toàn tự nguyện của giáo viên chứ không ép buộc, nhà trường cũng không áp công việc này vào thành tích thi đua nên giảm gánh nặng cho giáo viên.

Các thầy cô của trường hầu hết đều trẻ, nhiệt tình và yêu nghề đã làm rất tốt công việc này trong suốt thời gian qua”, thầy Phong nói.

Cô giáo cắm bản, xóa mù chữ cho dân Kỳ Thượng

Chia sẻ về câu chuyện thành tích trong ngành giáo dục, thầy Phong nói:

“Việc để học sinh lưu ban cũng chỉ vì mục đích là đảm bảo quyền lợi cho các em.

Nhà trường xác định là đi vào đánh giá thực chất dạy và học nên dù có bị ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường thì nhà trường vẫn đặt quyền lợi học sinh lên cao nhất.

Bởi không phải ai cũng hiểu hết bản chất của tất cả những vấn đề về giáo dục.

Đối với các em vướng phải vấn đề khó khăn về học, kinh nghiệm cho thấy tình trạng này sẽ giảm dần theo thời gian khi độ tuổi các em tăng lên.

Nếu được can thiệp kịp thời và đúng phương pháp, tình trạng khó khăn về học của các em còn giảm nhanh hơn nữa.

Do vậy cha mẹ đừng quá vội vàng bằng mọi cách để con lên lớp để rồi các em bị mất gốc sẽ rất khó hòa nhập với cuộc sống sau này”.

AN NGUYÊN