Thầy Nguyễn Phú Cường: “Trường tôi không biết cầm cự được bao lâu”

13/03/2020 06:10
Tùng Dương
(GDVN) - Trong khi chờ đợi trợ giúp từ các cấp chính quyền, các ban ngành, thì các nhà đầu tư trường tư thục đang phải nỗ lực tự xoay sở khi không có nguồn thu.

Trong gần ba tháng qua, nhiều nhà đầu tư giáo dục ngoài công lập đã phải gồng mình chịu đựng những tác động xấu từ dịch Covid-19. Học sinh phải liên tiếp nghỉ học tránh dịch nên các trường cũng không có nguồn thu.

Trong khi chờ đợi sự trợ giúp các cấp chính quyền và các cơ quan ban ngành, các nhà đầu tư trường tu thục đã và đang phải nỗ lực tự xoay sở.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường: "Không biết trường ngoài công lập như chúng tôi cầm cự được bao lâu nữa thì phá sản”. Ảnh: Tùng Dương.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường: "Không biết trường ngoài công lập như chúng tôi cầm cự được bao lâu nữa thì phá sản”. Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng quản trị Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội), cho biết: “Chúng tôi đã cho thống kê lại những thiệt hại về kinh tế trong đợt nhà trường phải tạm nghỉ phòng chống dịch này, đồng thời tiến hành họp cổ đông, thống nhất cổ tức của các thành viên phải giảm đi, tất cả phải ưu tiên cho người lao động và cụ thể ở đây là cán bộ, công nhân viên, giáo viên của Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp.

Về mức lương trả cho các nhân viên, giáo viên của nhà trường trong những tháng nghỉ tiếp theo này thì chúng tôi thống nhất không thấp hơn mức lương cơ bản của Chính phủ quy định, đó là việc đầu tiên mà chúng tôi làm.

Còn với phương án cho phép học sinh đi học từng cấp với nhiều thời gian khác nhau như tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thì chúng tôi cũng đang gặp khó trong việc đưa đón học sinh của trường.

Thứ nhất là về ô tô đưa đón: Cụ thể là nếu chỉ cho phép học sinh trung học cơ sở được đi học sẽ dẫn tới việc là cả một chuyến xe 45 chỗ đưa đón học sinh nhưng chỉ có 1 đến 2 em trên 1 xe, vì xe đưa đón là ghép tất cả học sinh của trường trong nhiều cấp học nhưng các em đó cùng một tuyến đường.

Hơn nữa chúng tôi có 54 chiếc xe đưa đón học sinh hàng ngày thì việc sắp xếp lại để tiện việc đưa đón là cả một vấn đề, không thể để 1 xe chỉ đưa đón 1 học sinh, việc này sẽ gây thiệt hại kinh tế cho chủ chiếc xe đó, mà để nhà trường gánh phần thiệt hại này thì cũng không được vì suốt cả thời gian qua nhà trường đã có quá nhiều thiệt hại về kinh tế.

Nhà trường không nhận đưa đón học sinh cũng không được vì đây là dịch vụ của nhà trường đã thông báo với phụ huynh học sinh từ đầu năm học rồi, vậy nên chúng tôi cũng đang tính toán để làm sao nhà xe không bị thiệt quá, mình đã cộng tác với họ thì cũng nên tạo điều kiện cho họ chứ.

Còn phương án để cha mẹ học sinh tự đưa đón thì theo tôi là hoàn toàn không được, mọi người đều phản đối vì có nhiều học sinh gia đình ở rất xa trường tới 15 - 20 km, không phải các em ở gần để nhà trường nói một câu buông trách nhiệm được.

Phụ huynh còn bao công việc khác nữa mà trong khi nhà trường đã công báo có xe đưa đón trong lúc tuyển sinh, vậy nên chúng tôi thống nhất là phải phục vụ dù sẽ thiệt hại lớn về kinh tế.

Việc tổ chức cho học sinh ăn trưa ở trường cũng là một điều đáng bàn trong thời điểm này, số lượng các em đi học có thể không khớp với dự toán của nhà trường mặc dù đã có thông báo cho nhà bếp.

Mấy lần tưởng đi học lại nên nhà trường cũng đã chuẩn bị một số lượng khá nhiều thực phẩm, nhưng sau lại không đi học thì số thực phẩm đó phải bỏ đi, ngay như gạo nếu để quá lâu cũng phải bỏ hoặc đổi gạo mới hơn để đảm bảo được chất lượng.

Tất cả những việc đó ban giám hiệu nhà trường vẫn động viên nhau và cố gắng khắc phục, tất cả vì sự an toàn của học sinh cũng như cán bộ, công nhân viên và giáo viên của nhà trường”.

Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội) tại khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, vắng lặng khi học sinh nghỉ học. Ảnh: Tùng Dương.
Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội) tại khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, vắng lặng khi học sinh nghỉ học. Ảnh: Tùng Dương.

Cũng theo thầy Cường: “Vừa qua có 150 trường ngoài công lập đã kiến nghị và cá nhân tôi thấy họ đều có lý, có thể Chính phủ giảm thuế, hỗ trợ bằng cách nào đó còn nếu không thì trên tinh thần nhà trường phải chịu thôi, tính ra tháng 2 vừa qua thì trường chúng tôi đã thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng rồi, trong khi nghỉ không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả lương cho hơn 400 cán bộ công nhân viên, giáo viên của nhà trường.

Tháng này vẫn nghỉ tiếp nên chúng tôi phải đi vay ngân hàng để lấy tiền chi trả lương cho mọi người trong trường. Chúng tôi quán triệt là phải công bằng và rõ ràng mọi chuyện với người lao động, nhưng cũng phải nói thật là cứ nghỉ kéo dài như thế này thì không biết nhà trường ngoài công lập như chúng tôi cầm cự được bao lâu nữa thì phá sản”.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội), đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: “Về vấn đề tài chính của các trường ngoài công lập thì qua đợt nghỉ học dài này đều rất khó khăn vì tất cả đều trông vào học phí của học sinh, nghỉ học là không có nguồn thu nào khác mà các trường không dạy theo đúng nghĩa thì không thể cứ thu học phí được.

Những trường ngoài công lập phải đi thuê địa điểm là rất khó khăn trong thời điểm này, không có học sinh và nguồn thu nhưng vẫn phải trả tiền thuê địa điểm và lương giáo viên, các trường vẫn phải chi.

Nếu nghỉ học trong thời gian ngắn thì các trường có thể chịu được, còn nếu nghỉ lâu quá thì nguồn dự trữ tài chính của các trường này sẽ cạn, từ đó gây nên muôn vàn khó khăn dẫn đến những hệ lụy không lường trước được".

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.
Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.

Thầy Quân cho biết: "Hiện nay, Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ban ngành nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị tác động từ dịch Covid - 19 gây ra, các trường công lập thì không nói vì họ không phải đóng thuế, còn đối với các trường ngoài công lập thì được coi là doanh nghiệp và phải đóng thuế.

Tôi được biết là Bộ Tài chính đã có chính sách miễn giảm một số loại thuế cho các doanh nghiệp, vậy đối với các trường ngoài công lập thì chúng tôi kiến nghị với Chính phủ nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2020, vì tính đến thời điểm này đã tháng 3 rồi mà hệ lụy của nó chắc chắn còn kéo dài.

Theo tôi đây cũng là giải pháp để hỗ trợ các trường, và tôi tin chắc tất cả các trường ngoài công lập cũng đồng tình với kiến nghị này. Tuy nhiên đó chỉ là về trước mắt, còn về lâu dài thì yêu cầu Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để các trường ngoài công lập được hưởng đầy đủ các ưu đãi về thuế đối với việc xã hội hóa giáo dục”.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội), trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội), trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị H - Hiệu trưởng một trường Tiểu học ngoài công lập tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: “Đối với trường của chúng tôi thì tháng 2 vừa qua mọi cán bộ công nhân viên, giáo viên của trường vẫn được nhận lương đầy đủ cùng các khoản phụ cấp theo quy định.

Nhưng trong tháng 3 này chắc chắn chúng tôi sẽ phải trao đổi với nhân viên, giáo viên để họ cùng chia sẻ khó khăn với nhà trường và chắc cũng phải cắt giảm bớt lương một chút, còn cắt giảm cụ thể ra sao thì chúng tôi phải họp hội đồng quản trị nhà trường để thông qua.

Mặc dù trường nghỉ học nhưng vẫn có hàng nghìn đầu việc vẫn phải chi, từ tháng 3 này là mọi khoản chi của nhà trường chúng tôi đều trông vào tiền từ nguồn vay ngân hàng vì học sinh nghỉ dài nên nhà trường không có nguồn thu nào khác.

Thầy Nguyễn Phú Cường: “Trường tôi không biết cầm cự được bao lâu” ảnh 5Nghị quyết 35 của Chính phủ về thu hút đầu tư giáo dục còn nhiều nơi thờ ơ

Nhưng trên tinh thần là có cắt giảm nhưng không để người lao động quá thiệt thòi, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ".

Theo bà H: "Tôi thấy đây là tình hình khó khăn chung của cả nước, nên tôi nghĩ mỗi người dân và các doanh nghiệp cần có ý thức chia sẻ đối với nhà nước.

Còn trong phạm vi nếu Chính phủ thay đổi được chính sách thuế thì cũng nên hỗ trợ cho các trường ngoài công lập, có thể miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm bớt hoặc giãn thời gian đóng thuế…

Tôi nghĩ Chính phủ cũng đang rất khó khăn chứ không phải chỉ riêng doanh nghiệp và trường ngoài công lập, tôi được biết vừa qua có 150 trường ngoài công lập kêu cứu nhưng tôi nghĩ nói thế nào để hợp lý và Chính phủ có thể đáp ứng được, chứ nói để Chính phủ không thực hiện được thì nói làm gì”.

Tùng Dương