Thầy Sông Trà bàn về đề thi

17/06/2018 08:13
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Tôi hy vọng các đề thi năm 2018 sẽ thật sự chuẩn hóa, có tính phân hóa tốt, bám sát nội dung, chương trình, kiểm tra, đánh giá đúng năng lực của thí sinh.

LTS: Bàn về công tác ra đề thi, thầy giáo Sông Trà tổng hợp những ý kiến về việc ra đề thi, đồng thời bày tỏ mong muốn nguyện vọng về việc ra đề thi trung học phổ thông quốc gia.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Các đề thi tuyển sinh vào lớp 10 và các đề thi Trung học phổ thông quốc gia ở mức độ khó, dễ, có phù hợp với trình độ của học sinh hay không luôn là đề tài được quan tâm, bàn tán, tranh luận không ít sau mỗi mùa thi kết thúc.

Tôi còn nhớ, cách đây 9 năm, đề thi môn Toán của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Quảng Ngãi được các thầy, cô giáo dạy toán đánh giá là ra bám sát chương trình.

Thế nhưng đến khi công bố kết quả các môn thi thì riêng môn Toán có đến cả ngàn bài thi bị điểm liệt (điểm 0) khiến cho công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập năm ấy gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đề thi quốc gia cần được chuẩn hóa, có tính phân hóa tốt, bám sát nội dung, chương trình. Ảnh minh hoạ: Vtv.vn
Đề thi quốc gia cần được chuẩn hóa, có tính phân hóa tốt, bám sát nội dung, chương trình. Ảnh minh hoạ: Vtv.vn

Rút kinh nghiệm năm ấy, các năm sau này, đề thi môn Toán cũng như các môn thi khác trong tuyển sinh vào lớp 10 đều có một đến hai câu thật dễ (mức độ nhận biết) nhằm chống điểm liệt.

Nhận xét về đề thi tiếng Anh để tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông chuyên năm nay, ông Nguyễn Bá Trường Giang, người sáng lập một trung tâm ngoại ngữ có tiếng ở Hà Nội, tỏ ra rất bức xúc trên báo Thanh niên ra số mới đây về các kiểu bài tập tiếng Anh đánh đố luyện chuyên mà theo ông “mấy cái dạng bài tập đó chả liên quan gì đến cái tiếng Anh hiện đại cả”.

Ví dụ, bài tập biến đổi từ (word formation), rất phi thực tế và vượt quá sức học của bất kỳ một người học tiếng Anh nào, kể cả giỏi nhất.

Không ai có thể nghĩ nổi ra cách biến đổi từ “cry” thành từ “lachrymose” vì hai từ này là khác biệt, không cùng gốc về từ loại, và không thể có phái sinh của nhau, mặc dù nghĩa của chúng là có liên quan.

“Lachrymose” nghĩa là đầy nước mắt (tính từ) còn “cry” là một danh từ và động từ.

Thầy Sông Trà bàn về đề thi ảnh 2Cả thầy và trò cùng viết tay cam kết Thi quốc gia nghiêm túc

Tại kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội vừa qua, ví dụ với Trường Trung học phổ thông Chuyên ngoại ngữ, nhiều ý kiến cho rằng đề thi môn Văn quá khó.

Một giáo viên dạy chuyên văn của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam còn cho rằng, đề văn điều kiện để tuyển sinh vào lớp 10 mà lại phù hợp với đề thi dành cho kỳ thi chọn… học sinh giỏi văn lớp 12.

Giáo viên này chỉ ra rất cụ thể về việc thiếu tính khoa học, tính thực tiễn của đề thi so sánh với trình độ của một học sinh mới hoàn thành chương trình lớp 9 ở trường trung học cơ sở.

Ví dụ đề thi yêu cầu khả năng về lý luận văn học của học sinh, trong khi cả chương trình học sinh không hề được học (Báo Thanh niên).

Kết quả điểm thi đại học năm 2013 có đến hàng ngàn bài thi đại học bị điểm 0, tập trung vào môn Toán và Lịch sử.

Nhiều thí sinh mất cơ hội trong kỳ tuyển sinh năm nay do bị điểm liệt (0 điểm).

Nhiều thí sinh đi thi về từng than: "Đề thi đại học môn toán và môn lịch sử năm đó toàn là câu khó, từ mức độ thông hiểu trở lên.” 

Kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2017 khiến dư luận xôn xao, tốn nhiều bút mực vì có những môn thi "mưa" điểm 10 (trên 4200 điểm 10).

Thầy Sông Trà bàn về đề thi ảnh 3Sắp thi quốc gia, thí sinh cần lưu ý những điều gì?

Giới chuyên môn từng nhận xét một số đề thi năm ngoái chưa phân hóa được năng lực, trình độ của thí sinh.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo từng thừa nhận có một số hạn chế trong đề thi Trung học phổ thông quốc gia.  

Đến năm 2018, các đề giới thiệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi theo hướng nhiều câu hỏi phân hóa, có những câu ở mức độ rất khó.

Các đề thi Trung học phổ thông quốc gia sắp tới sẽ tương đương như các đề thi giới thiệu ở năm nay.  

Nhiều nhà giáo bày tỏ nỗi băn khoăn: "Những đề thi như vậy sẽ không khuyến khích được việc đổi mới phương pháp dạy học, thay vào đó các em và các trường trung học phổ thông sẽ chỉ lao vào học theo kiểu luyện thi như trước kia”

Từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn khá cụ thể và tập huấn cho các Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề thi và từng ban hành một công văn nhắc nhở về việc vẫn còn một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm túc quy định về việc ra đề và tổ chức kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học, như ra đề kiểm tra còn lắt léo, đánh đố, thiếu tính chính xác, vượt quá yêu cầu của chương trình… khiến học sinh và phụ huynh bức xúc, kêu than.

Tiến sỹ Sái Công Hồng Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:

"Quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa được thực hiện theo 8 bước nghiêm ngặt.

Mỗi bước lại bao gồm rất nhiều quy trình nhỏ để chuẩn hóa câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi thi.

Việc thử nghiệm đề thi là một bước không thể thiếu trong quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

Quy trình này giúp cho các chuyên gia có căn cứ để tinh chỉnh hoặc loại bỏ các câu hỏi thi chưa đúng mục tiêu cần đo trước khi thực hiện chọn lọc các câu hỏi thi đưa vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.”

Thầy Sông Trà bàn về đề thi ảnh 4Đình chỉ công tác 30 ngày với giáo viên làm lọt đề thi để phục vụ điều tra

Trả lời trước một số ý kiến của đại biểu Quốc hội mới đây về quy trình ra đề thi Trung học phổ thông quốc gia và băn khoăn về đề thi liệu có quá dễ hoặc quá nặng, quá ôm đồm kiến thức mà không đánh giá được thực chất năng lực của người học, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, cho rằng:

Năm 2017 do là năm đầu tiên thực hiện thi trắc nghiệm ở hầu hết các môn nên độ phân hóa của các câu hỏi, bài thi chưa được như mong muốn.

Khắc phục điều này, theo ông Nhạ, năm 2018 Bộ chỉ đạo nhóm tác giả và các giáo viên xây dựng đề thi làm sao các câu hỏi chuẩn xác, xây dựng bộ câu hỏi đánh giá kiến thức, năng lực của học sinh phân hóa tốt hơn.” (Báo Thanh niên).

Hiện nay, các Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành việc in sao đề thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018.

Khoảng 10 ngày nữa, các thầy cô giáo và trên 920 ngàn thí sinh tham gia thi Trung học phổ thông quốc gia sẽ được biết các đề thi lần này có những điều chỉnh, đổi thay như thế nào, có đúng với tinh thần mà lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai, trả lời báo chí và các đại biểu Quốc hội hay không.

Tôi hy vọng các đề thi năm 2018 sẽ thật sự chuẩn hóa, có tính phân hóa tốt, bám sát nội dung, chương trình, kiểm tra, đánh giá đúng năng lực của thí sinh giúp cho các trường đại học tuyển chọn được những thí sinh phù hợp với trường của mình nhất.  

SÔNG TRÀ