Thứ trưởng Bộ Giáo dục tâm tư về chuyện phát triển năng lực người học

24/04/2015 07:03
Xuân Trung
(GDVN) - Có nhiều việc cần nhận thức sâu sắc để đổi mới giáo dục, trong đó có việc đổi mới tư duy và từng bước phát triển năng lực người học trong giai đoạn mới.

Nói chuyện với các nhà giáo, nhà khoa học, các quan khách quốc tế tới Việt Nam tham dự Hội thảo quốc tế “Phát triển năng lực người học trong bối cảnh hiện tại” được tổ chức trong hai ngày 23-24/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Vinh Hiển đã có lời chia sẻ về những điều cần đổi mới để phát triển năng lực người học trong giai đoạn hiện nay.

Tư duy và nhận thức phải nghĩ khác

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, muốn đổi mới giáo dục trong đó để phát triển năng lực người học thì lâu nay cái khó nhất để thay đổi nhận thức là giải đáp được câu hỏi tại sao phải đổi mới, và đổi mới phải tiếp cận như thế nào?

Chúng ta lâu nay có thói quen cái gì yếu kém thì phải sửa, chính thói quen này gây nên khó giải quyết vấn đề về sau. Ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, khi giải quyết một việc gì cũng phải nhìn nó trong một bối cảnh mới, nếu chỉ giải quyết được việc trước mắt thì sẽ gặp ngay một rào cản khác.

Do đó, yêu cầu đổi mới đầu tiên trước khi nói tới khắc phục những hạn chế yếu kém là phải tính tới cơ hội, yêu cầu và thách thức mới.

“Thực ra những yếu kém hiện tại đã xuất phát từ trước đó, mà tới bây giờ hoàn cảnh đã thay đổi, nếu chúng ta chỉ nhằm giải quyết yếu kém hiện tại thì chỉ là giải quyết cái quá khứ.  Vấn đề này phải thay đổi đầu tiên” ông Hiển nói.

Đổi mới tiếp theo là tiếp cận mục tiêu giáo dục, cái quan trọng nhất là đổi mới từ truyền thụ kiến thức sang tiếp cận năng lực người học. Cũng có ý kiến, chương trình cũ cũng đã góp phần phát triển năng lực người học, vì không phát triển năng lực thì tại sao lại có một đội ngũ hùng hậu như hiện tại?

Thứ trưởng Bộ Giáo dục tâm tư về chuyện phát triển năng lực người học ảnh 1

“Chúng ta đang nói tới giáo dục toàn diện, trong giáo dục phổ thông có tên gọi là Đức, Trí, Thể, Mĩ, mỗi con người không ai giống ai, do đó phát triển năng lực riêng của từng người, điều này còn ít được chú ý” ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết. Ảnh minh họa của Xuân Trung

Ông Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, thực ra không phải thay đổi mục tiêu giáo dục, nếu trước đây nghĩ đơn giản cứ có kiến thức thì có năng lực, nên tập trung nhiều vào truyền thụ kiến thức, truyền được nhiều kiến thức tốt nhất chỉ là đọc cho trò chép. Bây giờ nhận thấy, năng lực không phải chỉ có kiến thức, kiến thức đồng ý là cơ bản nhưng ngoài ra còn nhiều yếu tố khác.

Một nhóm yếu tố đó tạm được gọi như ông Hiển nói là “giá trị con người, niềm tin, đạo đức, động cơ, hứng thú…”.

Năng lực để giái quyết vấn đề trong một hoàn cảnh cụ thể để thành công  thì phải có quá trình hình thành, quá trình vận dụng kiến thức, tập luyện, cũng phải có con đường để hình thành ra năng lực. Từ kiến thức, từ kĩ năng và từ giá trị bản thân.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục tâm tư về chuyện phát triển năng lực người học ảnh 2

Xúc động lá thư tiết lộ "bà em chưa bao giờ được uống sữa"

(GDVN) - "Có em nói sẽ mang về cho bà vì bà em chưa bao giờ được uống sữa...", nội dung bức thư đã vô tình tiết lộ điều này.

“Chúng ta đang nói tới giáo dục toàn diện, trong giáo dục phổ thông có tên gọi là Đức, Trí, Thể, Mĩ, mỗi con người không ai giống ai, do đó phát triển năng lực riêng của từng người, điều này còn ít được chú ý” ông Hiển cho biết.

Từ mục tiêu phát triển năng lực người học phải được quán triệt vào toàn bộ các thành tố của chương trình, của quá trình giáo dục. Nếu hiểu thay đổi chương trình và nội dung giáo dục thì nên hiểu chương trình là mục tiêu giáo dục, mục tiêu đó được định ra yêu cầu cần đạt của người học, cấp học.

Tiếp theo là quán triệt tới cơ cấu và nội dung giáo dục (chọn gì để dạy), nhưng cơ cấu như thế nào?

Theo ông Hiển, chúng ta vẫn hay nói nội dung giáo dục kiến thức cơ bản liên hệ với thực tiễn, đảm bảo tính hiện đại, điều này nói nhiều nhưng chưa làm được. Lí do, ông Hiển nhận định có thể do nhận thức, vì muốn truyền đạt được nhiều nội dung nhưng lại không chọn được nội dung cơ bản.

Chúng ta cũng ít chú trọng quá trình sư phạm để chuyển nội dung khoa học sang nội dung dạy học, do đó không làm được nội dung giáo dục để đáp ứng yêu cầu mục tiêu.

Trước đó có nhiều nhà khoa học mong muốn tham gia để xây dựng chương trình, ông Nguyễn Vinh Hiển thì cho rằng, các nhà khoa học thuần túy không thể xây dựng được chương trình, không thể viết được sách giáo khoa. Các nhà sư phạm không giỏi về khoa học sư phạm, không giỏi về nội dung mình định dạng thì cũng không viết được chương trình, sách giáo khoa.

Do đó, người làm chương trình, viết sách giáo khoa phải là người 2 trong 1, vừa giỏi về khoa học vừa giỏi về sư phạm.

Không nhầm lẫn giữa kĩ thuật và phương pháp dạy học

Nói thêm về nội dung giáo dục, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng lâu nay chúng ta thiết kế các hoạt động đều thành môn học, nếu cứ coi giáo dục thể chất là môn thể thao, giáo dục công dân là giáo dục đạo đức thì chưa hẳn đã phải.

Ông Hiển cho biết, mỗi một lĩnh vực được gọi là Đức, Trí, Thể, Mĩ còn bao gồm nhiều môn học, nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có những môn học, những hoạt động chủ yếu, và nó phải được thiết kế phù hợp với tính chất, phù hợp với mục tiêu của lĩnh vực giáo dục đó.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục tâm tư về chuyện phát triển năng lực người học ảnh 3

Cấm thi, ngành giáo dục Hà Nội nêu các tiêu chí xét tuyển vào lớp 6

(GDVN) - Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, tuyển sinh các lớp đầu cấp diễn ra từ 1/7 – 15/7.

Liên quan tới vấn đề này là hình thức và phương pháp giáo dục, hiện chúng ta coi trọng giáo dục kiến thức nên ngồi trong phòng là dạy được nhiều, ít kết hợp với các hoạt động khác, vẫn nói giáo dục kết hợp với gia đình và nhà trường nhưng thực tế đều quy về cho nhà trường.

Do đó, học sinh ít được trải nghiệm, bởi nhiều thứ không thể thầy dạy được mà chỉ có thể trải nghiệm.

Ông Hiển lấy ví dụ, không ai có thể dạy được chuyện bắt mạch, kê đơn, mà phụ thuộc nhiều vào trải nghiệm. Liên quan tới đó là các phương pháp dạy học, chúng ta vẫn nói dạy phải phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học, hiện có nhiều phương pháp và giáo viên đang kêu trong quá trình tập huấn. Điều này các nhà sư phạm cũng phải tính đến.

Nhưng theo quan điểm riêng của ông Nguyễn Vinh Hiển, nên chia ra các phương pháp như lâu nay vẫn triển khai như “Bể cá”, “Khăn trải bàn”, những phương pháp đó chỉ là kĩ thuật dạy học, còn dạy theo mô hình VNEN, theo mô hình dự án, theo mô hình nghiên cứu khoa học, theo mô hình hợp đồng, theo mô hình giải quyết vấn đề - đó mới gọi là phương pháp.

“Muốn tập huấn được giáo viên thì tất cả phương pháp đó phải có cái gì chung, lâu nay chúng ta chỉ chú ý tới cái chung là tính chất, ý nghĩa, muốn cho giáo viên làm quen được thì phải thiết kế thành quy trình, có quy trình mới dễ tập huấn” lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Ông Hiển còn cho biết thêm, trong vấn đề phát triển năng lực người học có yếu tố kiểm tra,đánh giá. Lâu nay chúng ta làm theo cách chờ có kết quả mới kiểm tra kết quả học tập như thế nào, đó là một điều hạn chế.

Kiểm tra, nhưng chủ yếu vẫn kiểm tra kiến thức học thuộc được bao nhiêu, trong khi chúng ta vẫn nói tiếp cận mục tiêu và phát triển năng lực, phẩm chất người học thì rõ ràng phải thay đổi.

“Kiểm tra, đánh giá xem năng lực, phẩm chất thay đổi như thế nào. Muốn kiểm tra phải đưa học sinh vào trong những tình huống cụ thể, tình huống đó có thể là thật, có thể là giả định. Chính quá trình kiểm tra, đánh giá phải làm ra chất lượng (đánh giá vì sự học), động lực bên trong để làm cho các em học thành công, thành công là thích học, giúp cho học sinh từng bước vượt qua khó khăn” ông Hiển cho hay.

Ngoài ra, kiểm tra đánh giá cũng được xem là một quá trình học, phải biết giúp cho học sinh thấy được tại sao học như vậy sẽ thành công.

Những tâm tư của ông Nguyễn Vinh Hiển- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục được giới thiệu ở bài sau khi ông bộc bạch về điều cần thiết phải đổi mới là xây dựng hệ thống giáo dục mở, xã hội học tập và học tập suốt đời.

Xuân Trung