Tiền học phí của thầy giáo cũ

19/11/2016 06:52
Phan Tuyết
(GDVN) - Có lẽ do quá xúc động nên T. đã nghẹn lời thổn thức: “Trước đây, thầy đóng học phí cho trò, giờ lại phải đóng học phí cho con của trò…”

LTS: Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô giáo Phan Tuyết có gửi đến tòa soạn một câu chuyện cảm động về tình thầy trò.

Câu chuyện kể về người thầy giáo cũ, sau 30 năm, vẫn âm thầm giúp đỡ học trò có hoàn cảnh khó khăn để có tiền đóng học cho con trai.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Cũng như mọi năm, sau tiệc mặn gặp nhau của hội bạn lớp 9C năm học 1984, chúng tôi lại “tám” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, hết chuyện giá xăng đang hạ, giá vàng đang lên, lại đến chuyện nhà từng người.

Khi hỏi đến T. - cậu bạn trông tướng lam lũ và già trước tuổi ai cũng đoán được gia cảnh nhà bạn không khá giả gì. Đứa nào đứa nấy đang nói cười hồ hởi, bỗng lặng đi vì những lời chia sẻ hết sức chân tình.

Câu chuyện của T.

T. nói gia đình mình gặp nhiều biến cố trong cuộc sống, vợ liên tục đau yếu, làm ăn lại thất bại triền miên, vì thế kinh tế trong nhà cứ thiếu trước hụt sau.

Không có gì khổ bằng con cái đi học mà không có tiền nộp. Nghe con nói mà nhói lòng: “Lớp con ai cũng đóng tiền hết rồi, chỉ còn mình con thôi ba ạ. Ngày nào, cô cũng nhắc tên con trước lớp. Con xấu hổ và muốn nghỉ học…”.

Tôi thường an ủi và động viên cháu, nói với cô thư thư ít bữa rồi ba sẽ đóng. Còn con phải cố gắng học tập cho tốt… có lẽ thương ba mẹ, cậu bé không nỡ nài nỉ thêm nhưng trông nó rất buồn.

Tiền học phí của thầy giáo cũ ảnh 1

Suy nghĩ về "cái phong bì" của một người thầy!

(GDVN) - Không phải những phong bì hay món quà xa xỉ với thầy, cô món quà vô giá lớn nhất là sự biết ơn chân thành của học trò dành cho mình.

Biết vậy, trong lúc này, tôi biết lo ở đâu số tiền hơn một triệu đồng để đóng cho con trong khi vừa đi vay nóng 5 triệu đồng mua thuốc thang cho mẹ?

Bẵng đi vài tuần, tôi không thấy cháu về đòi như trước, cũng ngỡ cô giáo đã thông cảm cho hoàn cảnh gia đình tôi nên cho khất lại. 

Ngày kiếm đủ số tiền, tôi hăm hở mang đến trường để nộp. Tôi vô cùng bất ngờ khi nghe cô chủ nhiệm nói: “Em V. đã đóng đầy đủ các khoản tiền trước đây 2 tuần rồi em ạ”.

Chưa tin, tôi đề nghị cô xem lại... Thấy cô giáo lúng túng, nửa như muốn nói điều gì đó, nửa chần chừ rồi thôi, tôi đã nài nỉ, yêu cầu cô giáo cho biết người đã nộp tiền cho con. “Nếu cô không nói, tôi vẫn sẽ đóng tiền cho cháu”.

Em cương quyết thế, chị đành nói cho em biết, người đó là thầy C.B, thầy đã dặn chị nhất định phải giữ kín chuyện này mà không cho gia đình em biết… Nhưng em là gì của thầy mà thầy phải giấu?

Tôi lặng người đi, quên trả lời câu hỏi của cô giáo. 

Vì không muốn con bị nhắc nhở trên trường, tôi đã chạy sang cả nhà bà con thân thích vay mượn đỡ, nhưng gặp ai cũng nhận được lời từ chối khéo. Tôi biết họ sợ cho tôi mượn thì lấy đâu tiền mà trả, nên thà người ta cho dăm ba chục là xong.

Còn thầy chỉ là thầy giáo cũ, chủ nhiệm tôi một năm học lớp 9 cách nay gần 30 năm rồi. Hàng năm, thầy trò chỉ gặp nhau một ngày họp lớp. Tôi cũng không hiểu nổi vì sao thầy lại biết V. là cậu con trai của tôi?

Sau này, tôi nghe thầy nói, trong một lần tình cờ lên danh sách học sinh phổ cập, thầy đã phát hiện ra V. là con của cậu học trò cũ.

Thầy tìm hiểu và biết gia cảnh khốn khó của gia đình em và ra tay âm thầm mà không muốn cho ai biết: “Chỉ sợ em nặng lòng lại suy nghĩ thì tội”. 

Trước đây, khi đang là cậu học trò lớp 9, thầy cũng đã nhiều lần giúp đỡ tôi rất nhiều. Ngoài việc mua cho tôi bộ đồ mới, thầy còn đi xin của các bạn nhà giàu những bộ quần áo, đôi giày cũ, để tôi có cái thay đổi.

Thầy còn thường xuyên đóng tiền học phí cho tôi mỗi khi gia đình chưa đóng kịp.

Tình cảm thầy trò trong sáng cảm động, đáng trân trọng. (Ảnh minh họa từ Infonet)
Tình cảm thầy trò trong sáng cảm động, đáng trân trọng. (Ảnh minh họa từ Infonet)

Luôn san sẻ cho học trò về vật chất, trong khi cuộc sống của gia đình thầy cũng có dư giả gì đâu. Hai vợ chồng nhà giáo, sống bằng đồng lương “chay”, còn nuôi em nhỏ và một cụ già…

Tôi nợ thầy nhiều quá mà không có cách gì báo đáp…”, đang nói, có lẽ do quá xúc động nên T. đã nghẹn lời thổn thức: “Trước đây, thầy đóng học phí cho trò, giờ lại phải đóng học phí cho con của trò…”.

Sau câu chuyện của T., tôi còn được nghe nhiều đồng nghiệp kể, thầy C.B luôn san sẻ cho những học trò nghèo khi thì tập sách vở, bút thước rồi từng tấm áo, lúc thì bao gạo để các em duy trì việc đến trường.

Tìm gặp thầy C.B hiện là phó hiệu trưởng ở một trường trung học của thị xã. “Thầy chia sẻ câu chuyện với em vì em đã nghe T. kể lại, thầy không muốn em nêu tên mình và trường nơi thầy đang dạy học. Việc mình làm cũng có gì lớn đâu, giúp đỡ được ai điều gì thì nên giúp, cuộc đời ngắn ngủi quá em…”.

Phan Tuyết