8 vấn đề của giáo dục gửi đến email của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:

"Tiếp tục chắp vá hay đổi mới toàn diện nền giáo dục?"

10/08/2013 06:00
TS Lương Hoài Nam
(GDVN) - Ngày 15/7, hưởng ứng lời kêu gọi góp ý cho nền giáo dục Việt Nam của ông Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận, TS Lương Hoài Nam có gửi một bức Thư ngỏ cho ông Bộ trưởng (qua email ông Bộ trưởng công bố trên báo chí). Trong thư, TS Nam đã phân tích, kiến nghị về 8 vấn đề của giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn của một người dân - khách hàng của giáo dục Việt Nam

"Có thể do công việc bận bịu, ông Bộ trưởng GD-ĐT chưa có thời gian nghiên cứu, phản hồi?!" TS Lương Hoài Nam cho hay.


Với mong muốn đóng góp ý kiến cho ngành giáo dục nước nhà, và nhất là hiến kế trong công cuộc "Chấn hưng nền giáo dục" mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kêu gọi. Trong bức thư của TS Lương Hoài Nam cũng đề cập và nhìn nhận một cách toàn diện về việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không.
Nhận thấy các vấn đề của giáo dục Việt Nam đã và đang được lãnh đạo Nhà nước, giới chuyên môn và đông đảo người dân quan tâm, TS Lương Hoài Nam đã gửi bức Thư ngỏ này mong muốn báo Giáo dục Việt Nam đăng tải đến độc giả của báo Giáo dục Việt Nam. Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung bức thư đến với độc giả. (Do nội dung của bức thư này khá dài nên chúng tôi sẽ đăng tải liên tục nhiều kỳ để quý vị tiện theo dõi):

TS Lương Hoài Nam
TS Lương Hoài Nam


6. Tiếp tục chắp vá hay đổi mới toàn diện hệ giáo dục?
Trong phạm vi hiểu biết của một người ngoài ngành, tôi nghĩ rằng thế giới thật ra cũng chỉ có mấy nền giáo dục lớn (có người gọi triết lý, hệ giáo dục), đó là Pháp, Anh, Mỹ, Liên-xô (cũ)... Hệ giáo dục của các quốc gia khác là kết quả của việc ứng dụng, pha trộn các hệ giáo dục lớn qua các thời kỳ chiếm đóng thực dân và xâm nhập văn hoá trong xu thế toàn cầu hoá hiện đại.
Cách ứng dụng, pha trộn có liên quan đến các yếu tố kinh tế, văn hoá, tôn giáo địa phương, cái mà ta có thể gọi là "tiếp thu và phát triển một cách sáng tạo". Do bối cảnh lịch sử, hệ giáo dục của ta chịu ảnh hưởng và có sự pha trộn của nhiều hệ giáo dục lớn: Pháp, Liên-xô (cũ), Mỹ (ở miền Nam trước đây), Anh (do ảnh hưởng của thời kỳ hội nhập). Đã đến lúc cần có sự nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn một hệ giáo dục có tính đồng bộ, tính liên kết cao hơn. Nếu nhìn ra các nước lân cận, có thể thấy Singapore, Malaysia, Thái Lan có hệ giáo dục rất gần với hệ của Anh.Ở các nước thuộc Liên-xô (cũ), kể cả Nga, sự ảnh hưởng của nền giáo dục Anh cũng đang ngày càng lớn. Tôi nghĩ, việc đổi mới toàn diện giáo dục ở nước ta nên đoạn tuyệt với cách tiếp cận "ứng dụng và phát triển sáng tạo" theo kiểu làm lâu nay. Nên chọn một hệ giáo dục tốt làm cơ sở tham chiếu để xây dựng hệ giáo dục mới. Tôi nghĩ đó nên là hệ giáo dục Anh. Về đại cương, hệ giáo dục này bao gồm 6 năm tiểu học và 5 năm trung học (cho phép thực hiện chương trình trung học "nén" với 4 năm). Sau khi kết thúc trung học, tuỳ thuộc kết quả một kỳ thi chung, học sinh được chọn theo học hệ cao đẳng học nghề (polytechnic) 3 năm, hoặc dự đại học 2 năm để thi vào các trường đại học (university) với thời gian học 3 năm (ngoại trừ một số ngành đặc biệt). So với chương trình PTTH hiện nay, học sinh có thể tiết kiệm 01 năm (hoặc 02 năm nếu theo chương trình trung học "nén"). Ngoài ra, số môn học ở các lớp trung học cũng ít hơn và học sinh được chọn các môn học (ngoài 3-4 môn học bắt buộc).Như vậy, học sinh trung đã bắt đầu được hướng nghiệp qua việc lựa chọn các môn học mình yêu thích và có thế mạnh. Số môn học các năm cuối cấp trung học chỉ khoảng 7-8 môn (thay vì 12-13 môn theo chương trình hiện nay), cho phép các em học sâu hơn các môn này. Chương trình dự bị đại học 2 năm (chương trình "nén" 1,5 năm) cũng cho phép học sinh chọn học 7-8 môn học phù hợp với định hướng ngành học đại học, tuy nhiên, học sinh cũng có quyền chọn học nhiều môn hơn. Giáo dục Anh là một trong những hệ giáo dục tốt nhất trên thế giới và có khả năng thích ứng với điều kiện địa phương của các nước. Nhiều quốc gia thuộc địa cũ của Anh áp dụng hệ giáo dục này và nhìn chung phát triển thuận lợi hơn so với các nước khác. Hệ giáo dục Anh cho phép học sinh phát hiện và có điều kiện lựa chọn, tập trung cho các lĩnh vực kiến thức mà học sinh có năng khiếu sớm hơn nhiều so với các hệ giáo dục mang tính đổ đồng, cào bằng như hệ giáo dục Việt Nam hiện nay. Các nhà giáo dục có thể có những quan điểm khác. Điều tôi muốn nói là chúng ta nên tránh phát triển một hệ giáo dục có tính chắp vá, pha trộn quá nhiều. Để có thể "áp dụng sáng tạo" kinh nghiệm giáo dục của các hệ giáo dục khác nhau, cần phải hiểu tường tận chúng. Một công trình kiến trúc chắp vá vẫn có thể là một công trình đẹp, nhưng nó đòi hỏi những kiến trúc sư tài ba.Với những gì đã và đang tích tụ trong một hệ giáo dục như ta đang có, việc tiếp tục chắp vá để có một hệ giáo dục tốt hơn là quá khó. Kể cả khi có sự đồng thuận lấy hệ giáo dục Anh làm cơ sở để xây dựng một hệ giáo dục mới, việc chuyển đổi cần có lộ trình thời gian để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh.Có thể cần 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn.Nhưng nếu không đặt ra mục tiêu, lộ trình thay đổi để bắt đầu chuẩn bị thì các bất cập của giáo dục Việt Nam có thể kéo dài và gây thiệt thòi cho nhiều thế hệ nữa.
7. Dạy thêm - học thêm.
Vấn đề dạy thêm - học thêm đã được mổ xẻ, bàn luận rất nhiều. Mặc dù rất băn khoăn, thông cảm với thu nhập và điều kiện sống của các giáo viên, tôi cho rằng cần chấm dứt dứt điểm, càng sớm càng tốt, tình trạng dạy thêm - học thêm như hiện nay vì sự lành mạnh, chất lượng của nền giáo dục. Việc dạy thêm - học thêm không chỉ gây tốn kém công sức, tiền bạc của các gia đình cho việc học hành của con em, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự cân bằng học hành - nghỉ ngơi và phát triển toàn diện trí-lực của học sinh. Nó phá vỡ sự công bằng giữa các học sinh với điều kiện gia đình chênh lệch và thiệt thòi cho con em các gia đình có khó khăn kinh tế. Nó làm xấu đi hình ảnh thầy cô trong con mắt học trò và các phụ huynh học sinh. Thế hệ chúng tôi không phải học thêm, nhưng chắc gì chất lượng học đã kém so với hiện nay? Các học sinh Việt Nam được gửi ra nước ngoài học trong những năm 70-80 vẫn học rất giỏi so với học sinh của các nước khác, thường chiếm các vị trí đứng đầu về kết quả học tập. Nhìn ra các nước xung quanh, học sinh phổ thông cũng không phải học thêm các môn chính khoá. Tình trạng học sinh học thêm ở Việt Nam, thậm chí ngay từ lớp 1, là một thực tế độc nhất vô nhị và khó có thể biện minh được, ngoại trừ lý do thu nhập của đội ngũ giáo viên nước ta quá thấp so với nhu cầu cuộc sống. Nếu lấy việc dạy thêm - học thêm để giải quyết vấn đề thu nhập của giáo viên, nền giáo dục khó mà tốt lên được. Chương trình giáo dục phải được xây dựng để học sinh có thể nắm vững những kiến thức được dạy ở lớp và các bài tập về nhà. Đối với các em học sinh có khả năng tiếp thu yếu hơn, nhà trường cần tổ chức các lớp phụ đạo miễn phí để giúp các em có điều kiện đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, thu hẹp khoảng cách với các học sinh khá, giỏi. Ở Singapore và nhiều nước khác người ta làm như thế, không bao giờ có việc giáo viên hoặc nhà trường thu tiền phụ đạo các học sinh kém hơn.
Còn nữa...
TS Lương Hoài Nam