Tôi dạy con tiêu tiền qua "lọ nước mắm, củ dưa hành"

09/04/2017 06:40
Phúc Lai
(GDVN) - Dạy con tiêu tiền từ sớm, nên hay không nên? Thực sự chính tôi cũng băn khoăn và cảm thấy khó có thể khẳng định được rằng nên hay không.

LTS: Bày tỏ nỗi băn khoăn về cách giáo dục con cái, tác giả Phúc Lai đặt vấn đề có nên dạy con cách tiêu tiền hay không? Có nên dạy con tập kinh doanh từ bé hay không?

Qua những chia sẻ của tác giả, hi vọng các bậc phụ huynh sẽ tìm ra câu trả lời thích hợp nhất cho riêng mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Vợ tôi có cô bạn đồng nghiệp, cô ấy có hai đứa con nhỏ sinh đôi học lớp ba, còn hai chú bé đó lại có một cậu bạn khác học cùng… Hết đoạn con tằm nhả ra tơ.

Một ngày cả ba chú bé đi cùng nhau ra cổng trường, chú bé học cùng kia đi mua quà có hai bạn tháp tùng.

Chú mua mấy món gì đó rất nhỏ, chỉ tính bằng nghìn đồng hay chục nghìn, nhưng chú ta trả bằng tờ 500 nghìn đồng (chắc là tiền mừng tuổi).

Người bán đương nhiên là ỉm đi luôn, còn chú bé thì không biết mà đòi. Chỉ hôm sau gia đình phát hiện ra, đi cùng con đến trường, có cả hai bạn sinh đôi làm chứng nhưng vẫn không ăn thua, người bán hàng kiên quyết không nhận có chuyện đó.

Tất nhiên, chuyện cầm 500 nghìn đồng đi chắc chắn là có thật, và chuyện người bán hàng khởi tâm tham cũng là có thật và nó làm dấy lên trong mấy gia đình chúng tôi câu chuyện có nên dạy con biết tiêu tiền hay không?

Có nên dạy con cách tiêu tiền? (Ảnh: Trulyrichclub)
Có nên dạy con cách tiêu tiền? (Ảnh: Trulyrichclub)

Ở mức độ cao hơn, tôi có nghe một số quan điểm cho rằng ngoài việc dạy con biết tiêu tiền, còn nên định hướng cho con biết cách kinh doanh, làm thế nào để sử dụng vốn hiệu quả, tạo ra lợi nhuận.

Mục đích của những quan điểm này là tốt đẹp: có đủ tiền làm tiền đề cho hạnh phúc, tạo ra công ăn việc làm và có khả năng giúp đỡ người khác, đóng góp có ích cho xã hội. Những ý tưởng như vậy rất đáng được ủng hộ.

Vậy dạy con tiêu tiền từ sớm, nên hay không nên? Thực sự chính tôi cũng băn khoăn và cảm thấy khó có thể khẳng định được rằng nên hay không.

Như trong trường hợp mua quà trên đây, đúng là rất cần phải cho các cháu biết rõ về giá trị của đồng tiền, tiền thế nào là to là nhỏ, ở phạm vi các cháu được mua quà, thì mua bao nhiêu… và đã là trẻ nhỏ, không được cầm tiền to!

Cầm đồng tiền to quá như thế mua món quà nhỏ, trong khi chưa nhận thức rõ ràng và đầy đủ về giá trị của nó, thì vô hình trung đẩy người khác khởi tâm tham, như thế là có hại.

Tôi dạy con tiêu tiền qua "lọ nước mắm, củ dưa hành" ảnh 2

Tham khảo cách dạy con kiếm tiền và tiêu tiền từ một ông bố

Mất tiền là hại nhỏ, đẩy người khác vào tình cảnh hớ hênh biến người ngay thành kẻ gian mới là hại lớn.

Đương nhiên khi câu chuyện được nói trong phạm vi gia đình, với con cái… thì chúng tôi cũng phân tích rằng tờ 500 nghìn đồng là tờ tiền mệnh giá lớn nhất của Việt Nam, nó đủ để cho một gia đình như chúng ta đi chợ mua thức ăn trong vài ngày, và bố mẹ thì rất vất vả để kiếm ra được nó… y như sách, nghĩa là ai cũng cần phải nói với con như thế.

Nhưng với người lớn, sẽ dấy lên những mối lo sâu sắc hơn, là làm thế nào để dạy con tiêu tiền, hoặc dạy con cách kiếm tiền?

Hiện nay, trong gia đình tôi mới chỉ dừng lại ở việc sai một chú bé lớp 5 cầm chút tiền ra cửa hàng tiện ích gần nhà mua một số đồ lặt vặt: lọ xì-dầu, chai tương ớt…

Cháu cần phải biết là được giao bao nhiêu tiền cầm đi, mua hết bao nhiêu và được trả lại bao nhiêu tiền. Cửa hàng quen, nên không đặt vấn đề là sợ bị lừa hay không sợ.

Khi được hỏi ý kiến về việc có nên dạy con tập kinh doanh, như tôi đã viết trên đây hay không, thì câu trả lời của tôi là “Còn tùy”.

Câu trả lời sẽ là “nên” với hầu hết những chuẩn mực của xã hội hiện nay, khi mà ra hiệu sách tràn lan (và chiếm nhiều chỗ trên các giá nhất) là sách "Dạy làm giàu", “Dạy con làm giàu”…

Bản thân những mong muốn đó là chính đáng, thực sự tiền vẫn là một phương tiện cực kỳ quan trọng để đạt được những cái khác. Người ta khó có thể thoải mái và hạnh phúc được khi lúc nào cũng túng thiếu.

Nhưng với gia đình tôi thì có lẽ chúng tôi muốn tìm một câu trả lời khác. Giàu là tốt, nhưng làm giàu cho đến cỡ nào, lúc nào… tức đâu là điểm dừng.

Xin đừng nghĩ rằng điểm dừng ở đây theo kiểu một barie mang tính vật lý, làm giàu đến từng này từng này tỷ đồng là đủ, có thể dừng lại.

Tôi dạy con tiêu tiền qua "lọ nước mắm, củ dưa hành" ảnh 3

Vì sao nên giáo dục trẻ em “quản lý tài chính” ngay từ khi còn bé?

Nếu hiểu như vậy thì chúng ta sẽ không bao giờ dừng lại được cả.

Giới hạn ở đây có thể về thời gian, không gian, hoàn cảnh… chứ không cố định phải thế này, phải thế khác.

Xin đưa một ví dụ hay một câu hỏi, rằng liệu chúng ta có dám bỏ đi cơ hội ký một hợp đồng rất lớn, chỉ vì nó có thể dẫn chúng ta tới ranh giới giữa phạm pháp hay không phạm pháp?

Hoặc đơn giản hơn, chúng ta có dám bỏ hợp đồng đó chỉ để đến dự một buổi biểu diễn của con mình, mà cháu đã dày công chuẩn bị bấy lâu nay?

Xem phim Mỹ tình huống này nhiều lắm: cha chạy đến nơi thì buổi diễn đã kết thúc, chỉ còn những giọt nước mắt tủi thân trên má và rơi cả trên chiếc đàn của cô con gái.

Chắc là sẽ bị cười, nhưng tôi chọn dạy cho con cách tiêu tiền ở mức độ rất thấp, sơ đẳng “lọ nước mắm, củ dưa hành” vậy thôi, cốt làm sao chăm sóc con khỏe mạnh, được học hành và sau này cháu có thể có được một nghề nghiệp tốt, đủ để nuôi sống bản thân và chăm sóc gia đình riêng của mình.

Sẽ là lý thuyết suông nếu nói, tôi dạy con hiểu “tiền chỉ là phương tiện, không phải là mục đích của cuộc sống…” nhưng thực sự tôi muốn dạy con “thiểu dục, tri túc” (ham muốn ít thôi, biết như thế nào là đủ).

Vì tôi muốn con mình được hạnh phúc, được an lạc. Dạy con tránh được cái tham, biết vui với những gì mình đang có… thì đảm bảo hơn, chắc chắn hơn cho cháu sau này được hạnh phúc và an lạc.

Tôi dạy con tiêu tiền qua "lọ nước mắm, củ dưa hành" ảnh 4

Những quy tắc đơn giản nuôi dạy con nên người

Vậy có cần dạy các cháu phấn đấu để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn hay không?

Có chứ - nhưng hoàn toàn không hẳn sự phấn đấu đó được đồng nhất với năm nay làm ăn lãi 1 tỷ đồng và sang năm phải lãi được 1,5 tỷ đồng.

Điều quan trọng đầu tiên là sự phấn đấu hướng nội, hướng tới sự tu dưỡng và hoàn thiện bản thân.

Các cháu cần phải có được tâm hồn cao đẹp, trung thực với đời, với người, với bản thân mình.

Các cháu phải biết yêu thương cuộc đời và yêu thương những người sống xung quanh. Sự phấn đấu là hôm nay tôi thấy tôi tốt đẹp hơn ngày mai.

Các cụ bảo “có đức thì không có sức mà ăn” lo gì chuyện không có tiền hay thiếu thốn.

Lại “vậy,” có nên dạy các cháu tập kinh doanh từ sớm không? Nên và cũng có thể là không nên.

Em trai tôi, tôi phát hiện ra em có năng khiếu mỹ thuật từ nhỏ và tôi định hướng cho chú ấy từ rất sớm để theo nghề vẽ, dù sự định hướng đó chỉ là những việc làm rất đơn giản như cho đi học vẽ phong trào ở nhà văn hóa thiếu nhi, nhưng luôn luôn cố gắng gợi và giữ cảm hứng cho chú ấy, để nó không bị thui chột hay phai nhạt đi.

Đến nay chú ấy là một họa sỹ, không phải là đại tài gì, nhưng có nghề nghiệp vững vàng và đủ nuôi sống bản thân, gia đình. Như thế là đủ.

Nếu tôi cứ mù quáng ép em mình tập kinh doanh, thì chắc gì bây giờ đã có được một Steve Jobs, mà thế giới sẽ mất đi một Picasso (hi hi) và có khi lại được một ông vật vờ, không khéo sa vào nghiện hút thì… dở hơi.

Nhưng ông em họ con bà dì ruột tôi thì khác: hắn ta buôn bán từ hồi còn đi học, mua chỗ này, bán chỗ kia, mua đầu chợ, bán cuối chợ… thế nào cũng được, miễn là có lãi.

Tôi dạy con tiêu tiền qua "lọ nước mắm, củ dưa hành" ảnh 5

Dạy con làm giàu hay dạy con keo kiệt?

Hôm đọc status cậu ta viết trên Facebook, đúng là tôi thán phục vì mình không thể làm được thế: buôn cả những cái nhỏ tí như đồ chơi, dụng cụ học tập… bán cho bạn học.

Và bây giờ thì cậu ta buôn đến loại hàng hóa là các “siêu xe” và cũng là người rất giàu. Xét về các tiêu chí bình thường của xã hội, như thế là thành công.

Nếu ép cậu này phải học để trở thành Albert Einstein thì chắc là… “khoai,” vì cậu ta không thích học theo sách vở. Bố cậu ta cũng đã từng thử rồi, và thất bại rồi ấy chứ.

Nghĩa là, không có một hình mẫu chung cho tất cả mọi người. Ấy không, có, có hình mẫu chung.

Làm gì cũng tốt, mọi định hướng đều tốt, nhưng tất cả đều phải dựa trên một nền tảng chung là “đạo đức”.

Giàu mà không có đạo đức, thì cái giàu ấy liền với tai họa. Những “đại án kinh tế” trong thời gian gần đây chính là thể hiện cái lẽ tự nhiên ấy đấy.

Mọi sự định hướng của cha mẹ cho con cái, vẫn cứ nên làm, nhưng xin hãy cứ làm tự nhiên như trò chơi con trẻ, làm sao các cháu vừa học, vừa chơi…

Và có một điều là bất cứ điều gì chúng ta làm cho con xuất phát từ sự thành tâm của cha mẹ, cũng là một tình yêu thương rất lớn dành cho chúng. Đó là tài sản lớn nhất để sau này chúng mang vào đời.

Vậy thì cứ làm đi, tại sao không?

Phúc Lai