LTS: Quý độc giả đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, một nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ.
Tác giả cho rằng việc giáo dục một con người chịu ảnh hưởng lớn từ phía gia đình, đặc biệt là sự quan tâm đến giáo dục phổ thông từ các bậc phụ huynh.
Theo đó, tác giả chỉ ra 2 trường hợp điển hình là Steve Jobs và Bill Gates đều rất thành công mà bỏ qua giáo dục bậc đại học.
Qua đó bày tỏ ước mơ tương lai sẽ sớm có Steve Jobs và Bill Gates Việt.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Chúng ta đang nói nhiều đến một khái niệm “khởi nghiệp” ở Việt Nam, mặc dù đây là khái niệm đã khá quen thuộc ở Mỹ từ những năm 1980-90: khởi nghiệp và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trong năm 2016, khi nghe Tổng thống B. Obama nói về niềm tin của ông đối với sự phát triển của Việt Nam, về những năng lực tiềm ẩn trong con người Việt, trí tuệ Việt, chúng ta đều cảm thấy “hứng khởi” và mong muốn được thực hiện giấc mơ khởi nghiệp đang ẩn đâu đó trong đất nước mình.
Tôi thầm cảm ơn Obama, vì những chia sẻ đầy cảm hứng đã thôi thúc những thế hệ Việt vượt lên những giới hạn về tầm nhìn, về địa lý, về năng lực của bản thân.
Để có thể hiểu rõ hơn về việc tại sao Mỹ lại có những con người như Steve Jobs hay Bill Gates, tôi muốn chia sẻ một số câu chuyện đằng sau sự thành công của những con người vĩ đại này, nhằm minh chứng một điều khá hiển nhiên, con người không thể tự dưng sinh ra đã tài, mà họ cần có một nền giáo dục phổ thông tốt, nền tảng gia đình, xã hội đủ tốt để khích lệ họ sáng tạo vượt ra ngoài những gì mà những người khác (dù là số đông) có thể hình dung.
Steve Jobs: “Máy tính cho tất cả chúng ta”
Trong bài phát biểu về sự nghiệp của mình tại Stanford 2005 [1], Steve Jobs, phù thủy của Apple đã chia sẻ cuộc đời mình qua ba câu chuyện.
Steve Jobs từng bỏ học đại học. Ảnh: pinterest.com. |
Câu chuyện đầu tiên ông đề cập là việc kết nối giữa những sự kiện khi ông quyết định bỏ học đại học. Sự thực là Jobs chưa bao giờ tốt nghiệp đại học.
Bản thân Jobs không thấy giá trị của đại học đối với tương lai của ông, khi tiền học đại học đã “ngốn” gần hết tiền tiết kiệm cả đời của cha mẹ ông. Chính vì vậy, ông đã quyết định bỏ học đại học.
Trong thời gian lang thang kiếm việc, sống nhờ tại nhà bạn bè, nằm dưới sàn nhà, đi nhặt các vỏ hộp để đổi lấy ít thức ăn, ông đăng ký học một khóa học về cách viết các loại chữ “cách điệu”.
Sau này, nhờ có kinh nghiệm và hiểu về cách viết, ông đã đưa mẫu chữ đẹp nhất vào máy tính của Apple và làm cho Apple - Mac trở nên một trong những máy tính được yêu thích nhất kể từ khi ra đời đến nay.
Việt Nam có đào tạo được công dân toàn cầu trong thời đại 4.0 không? |
Bất chấp việc Jobs đã không tốt nghiệp đại học, câu hỏi khá thú vị là làm sao với kiến thức của phổ thông (khi Jobs và bạn bè thành lập Apple năm 1976 [1]) và 1 kỳ của đại học đã có thể giúp Jobs cùng bạn mình thiết kế ra Apple I, cùng với những sáng chế về máy tính và font chữ tuyệt đẹp mà chỉ Apple có sau này?
Dưới góc độ nghiên cứu giáo dục và năng lực cá nhân người học, tôi luôn suy nghĩ về yếu tố này trong quan hệ giữa giáo dục phổ thông và giáo dục sau phổ thông (dù ở cấp độ giáo dục nghề nghiệp hay đại học).
Một điều nữa rất quan trọng, và cũng đã được chứng minh qua các nghiên cứu nhiều năm của Mỹ, đó là quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa cha mẹ có nền tảng học vấn hay có ý thức cho con học tập, với những khả năng phát triển của đứa trẻ, của học sinh và cuối cùng, là mối tương quan giữa việc học – thực hành và môi trường sáng tạo mà hệ thống xã hội hướng đến thông qua những khích lệ, những cơ chế và pháp luật điều chỉnh (ý thức từ trong gia đình, nhà trường và xã hội).
Tất cả sẽ tạo nên một môi trường mà con người như Jobs luôn hứng khởi sáng tạo, thiết kế và lập nghiệp.
Bill Gates: “Những khách hàng khó tính chính là những người thầy mang đến nhiều bài học cho chúng ta”
Nhìn lại lịch sử, Bill Gates đã trưởng thành trong một gia đình trung lưu của Mỹ rất chú trọng vào việc học tập và sinh hoạt cộng đồng cho con cái.
Bill Gates đã học cấp 1 và cấp 2 ở trường công, nhưng đến lên cấp 3, ông chuyển vào học trong một trường “dành riêng”, nơi ông đã gặp và kết bạn với đối tác sau này của mình, Paul Allen, để cùng thành lập nên Microsoft.
Việc học tập ở cấp 3 và sau này ở đại học đối với Bill Gates là câu chuyện khá đặc biệt, vì với năng lực vượt trội về trí tuệ, ông thấy các giờ học thật “nhàm” và rất dễ dàng thấy chán.
Chính vì vậy, ông đã từ bỏ Harvard vào năm thứ 2 để cùng với Paul Allen tập trung vào viết phần mềm và phát triển kinh doanh của Microsoft vào năm 1975, khi ông và Paul mới bước vào tuổi 20.
Quá trình hình thành, phát triển vượt bậc và mở rộng kinh doanh thành công ra toàn cầu của Microsoft có rất nhiều sách báo đã viết.
Trong hầu hết các chia sẻ, những dấu ấn tuổi thơ được học và sống trong môi trường gia đình mẫu mực đã là điều quan trọng tạo ra sức mạnh sáng tạo cho Bill Gates và sau này, noi theo gương cha mẹ hoạt động vì cộng đồng.
Ông hiến tặng gần hết tài sản của mình cho Quỹ từ thiện, nơi giúp ông tập trung vào giải quyết những thách thức toàn cầu về giáo dục và y tế.
Tương tự như Steve Jobs, Bill Gates đã bỏ học đại học, dù đấy là Harvard.
Mặc dù sau này, khi nói chuyện với sinh viên và công chúng, ông đều khuyên rằng học đại học là một nền tảng không nên bỏ qua, nhưng cũng có một thực tế phải ghi nhận là nếu Bill Gates không bỏ học đại học vào năm 1975, liệu chúng ta có Microsoft và Windows để “dùng”?
Giống như Steve Jobs, tôi chưa hiểu được là tại sao, với những kiến thức của phổ thông và 2 năm đại học, nền tảng nào cho Gates và Allen đã dựng được đế chế công nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực phần mềm và máy tính?
Liệu, câu hỏi về nền tảng giáo dục của gia đình và xã hội Mỹ có là một yếu tố thúc đẩy để Bill Gates phát huy tối đa năng lực và trí tuệ của mình, mặc dù mới ở lứa tuổi 20?
Steve Jobs và Bill Gates đã và sẽ là mẫu “học sinh” đặc biệt cần nghiên cứu, hoặc họ chỉ có thể “xuất hiện” trong một số thời điểm của lịch sử như những nhà sáng chế lừng danh (Anhxtanh), hoặc về nguyên lý của giáo dục, chúng ta có thể “ươm mầm” để những học sinh có khả năng đặc biệt trong một số lĩnh vực như STEMM (Khoa học, Kỹ thuật, Kỹ sư, Toán và Y học) phát triển hơn nữa.
Nếu giả thuyết là, để có thể tạo ra Steve và Bill Gates Việt, giáo dục phổ cập, giáo dục về tin học và máy tính, giáo dục về kinh doanh và khởi nghiệp, là một điều kiện X nào đó, liệu Việt Nam chúng ta, trong bối cảnh giáo dục như hiện nay, sẽ mất bao lâu để tạo ra được một chương trình phổ cập và cơ bản đủ để những tiềm năng như Steve Jobs và Bill Gates Việt nảy mầm?
Và ngoài những điều kiện này ra, còn điều kiện nào chúng ta cần phải tạo dựng để có một cộng đồng khởi nghiệp mà Steve và Bill Gates đã làm từ những năm 1980-90?
Để có thể hiện thực hóa được phần nào chương trình giáo dục từ phổ thông và sau phổ thông dành cho những con người sáng tạo và khởi nghiệp, học từ lịch sử nền tảng của giáo dục Mỹ những năm 1970-1980, có mấy vấn đề sau chúng ta cần lưu tâm:
Diệt giặc dốt tiếng Anh của người Việt và giấc mơ giáo dục thời 4.0 |
1. Giáo dục phổ thông cần có những người thầy giỏi, có khả năng sáng tạo và nghiên cứu như những nhà nghiên cứu tại các trường đại học.
Điều này sẽ giúp rất nhiều trong việc khơi gợi sáng tạo và phát triển kỹ năng tư duy tìm tòi, thiết kế, từ những năm học cấp 2 – cấp 3 cho học sinh.
2. Có thể còn có nhiều ý kiến khác nhau về trường chuyên lớp chọn. Riêng cá nhân tôi thì tin là việc sàng lọc, tìm kiếm những cá nhân xuất sắc trong một số môn, ngành, để hỗ trợ phát triển vượt bậc luôn là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, dù là ở Mỹ hay ở Singapore.
Ở Mỹ, họ có chương trình dành cho học sinh ở những lớp tài năng, và ở Singapore, chính phủ họ thực hiện chương trình lớp học tài năng, không chỉ cho học sinh của họ mà thu hút cả học sinh nước ngoài, từ cấp 3 như chương trình rất nổi tiếng A Star.
Bill Gates trong lần thăm Việt Nam năm 2006, ông tới Bắc Ninh và được mời ăn trầu. Ảnh Internet |
3. Trong bối cảnh chuyên sâu hóa vào thế giới công nghệ hiện nay, khi chúng ta càng sớm định vị vị thế cạnh tranh của quốc gia dựa trên những ngành công nghiệp nào, những mặt hàng nào, các chương trình đào tạo chuyên gia mà anh Nam và FUNIX, hay nhiều đại học hàng đầu đang làm, nên tập trung vào những ngành đấy.
Lấy ví dụ, hiện nay chúng ta nói nhiều đến nông nghiệp công nghệ cao, về xuất khẩu những mặt hàng đặc trưng nông nghiệp Việt.
Vậy, những ngành học và nghiên cứu (bao gồm cả công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ biến đổi gen…) đang ở đâu trong các hoạt động này?
Nếu chúng ta muốn phát triển và cạnh tranh với thế giới, ai có thể là thầy dạy chúng ta? Và chúng ta muốn học gì, để đạt được mục tiêu gì, trong thời gian bao lâu? Đầu tư về tiền, nhân lực và các hệ thống công nghệ phụ trợ sẽ ở mức nào?
Việc lựa chọn phát triển về nông nghiệp công nghệ cao, thực ra ở Việt Nam không phải là quá mới mẻ, vì những gì chúng ta đang bàn thảo hôm nay, đã được đề cập đến từ những năm 1990 (do GS. Võ Tòng Xuân đề xuất).
Hoàn toàn tương tự như vậy, trong lĩnh vực về đào tạo nhân sự phần mềm hay công nghệ thông tin vào những năm đầu 1990-1997, do GS Chu Hảo và Chủ Tịch FPT – Trương Gia Bình khởi xướng.
Liệu những chăn bò lập trình của anh Nguyễn Thành Nam/FUNIX [4] và các đại học Việt Nam có thể giúp GS Võ Tòng Xuân giải được bài toán cho phát triển nông nghiệp với công nghệ mà ông đã kêu gọi từ những năm 1990 và gần đây được nhắc lại trong tâm thư ông gửi cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn [5]?
Chúng ta còn quá nhiều câu hỏi cần có câu trả lời, mà sẽ không thể chỉ có một vài người hay một vài công ty có thể tìm ra được lời giải.
Việc đề xuất đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao rất nên đi cùng với đào tạo nhân lực, với lập trình, với khởi nghiệp, với hợp tác quốc tế, và nhiều, rất nhiều các nguồn khác nữa.
Tất cả những công việc này đều đòi hỏi phải có chiến lược dài hạn, kế hoạch lớn – kế hoạch từng bước (giai đoạn) và hành động thống nhất, kiên định.
Với tất cả tấm lòng mình, tôi mong những ước mơ của anh Nam về nông dân chăn bò lập trình, một hình ảnh đẹp về việc phát triển nông nghiệp kết hợp với công nghệ cao, sẽ sớm thành hiện thực.
Hy vọng là, một ngày không xa, chúng ta sẽ có Steve Jobs và Bill Gates Việt.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.youtube.com/watch?v=UF8uR6Z6KLc; https://www.entrepreneur.com/article/197538;
[2]http://www.biography.com/people/bill-gates-9307520#philanthropic-efforts; https://www.gatesnotes.com/
[3] http://www.biography.com/people/sergey-brin-12103333
[4]http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/nong-dan-lap-trinh-3543525.html