Trăm người không thể chung một chiếc áo

30/03/2014 06:56
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Xung quanh câu chuyện khó khăn trong việc chuyển đổi loại hình trường từ dân lập sang tư thục, nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định: “Chuyển đổi các trường đại học, cao đẳng dân lập sang tư thục là một chủ trương lớn của Nhà nước. Nhưng khi chuyển đổi Nhà nước hãy để cho các trường được quyền lựa chọn cho mình hướng chuyển đổi theo kiểu này hay kiểu khác, chứ không chuyển đổi theo kiểu “chỉ có một cái áo duy nhất”.
Một chiếc áo không thể cho nhiều người

Từ khi có quyết định 122/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính  phủ về việc chuyển đổi loại hình trường đại học từ dân lập sang tư thục, đã qua 8 năm rồi mà mới chỉ có 4 trường hoàn thành việc chuyển đổi. Theo  ông vì sao chậm như vậy?

Ông Lê Viết Khuyến: Tôi được biết tại Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai mô hình trường đại học ngoài công lập (1993-2013) Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có nói rằng nhiều trường thực hiện việc chuyển đổi gặp khó khăn do ở đó nội bộ không thống nhất được sự phân chia tài sản, dẫn đến các xung đột không thể thỏa hiệp.

Ông Lê Viết Khuyến. Ảnh Xuân Trung
Ông Lê Viết Khuyến. Ảnh Xuân Trung

Tôi không hoàn toàn đồng ý với cách giải thích như vậy. Tại hội nghị này, chính Bộ trưởng cũng thừa nhận các trường dân lập có nguồn gốc xuất phát, lịch sử hình thành rất khác nhau: có trường được đầu tư từ tiền bạc của một vài cá nhân, của gia đình, nhưng cũng có trường được thành lập trên cơ sở đóng góp chủ yếu từ công sức, trí tuệ của các nhà giáo dục, nhà khoa học, còn đóng góp từ tiền bạc không đáng kể. 

Tuy nhiên theo Thông tư số 20/2010/TT-BGDĐT ngày 16/7/2010 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc chuyển đổi loại hình trường thì sau khi chuyển đổi tất cả các trường dân lập đều phải chuyển qua khoác cùng một “tấm áo” duy nhất có chung một “kích cỡ”. Theo Thông tư này, tiêu chí duy nhất để xác định “chủ” mới của các trường dân lập là phần tiền góp của các cá nhân: “chủ” nào không có tiền thì phải chuyển ghế từ vị trí “chủ” qua vị trí “người làm thuê”, trường nào không có đủ vốn góp cá nhân từ 50 tỷ đồng trở lên (cho dù có vốn tích lũy lớn gấp nhiều lần) thì phải “bán” trường cho các “chủ” mới.

Rõ ràng cách quy định chuyển đổi như vậy ở Thông tư 20 được các trường dân lập thuộc nhóm đầu (do các cá nhân, gia đình đầu tư) có thể ủng hộ, còn các trường dân lập thuộc nhóm sau (do các nhà giáo dục, nhà giáo đầu tư chủ yếu bằng trí tuệ, công sức) phần đông phản đối.

Tuy nhiên gần đây nhóm trường dân lập thuộc nhóm đầu cũng ít mặn mà hơn với Thông tư 20 về chuyển đổi loại hình trường do sự xuất hiện ở Luật giáo dục đại học và Quy chế (sửa đổi) tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục, các khái niệm về “vốn thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia”, về “đại diện cơ quan quản lý địa phương trong hội đồng quản trị”,...

Như vậy Thông tư số 20 hướng dẫn chuyển đổi là không thể áp cho tất cả các trường dân lập, thưa ông?

Đúng vậy. Thông tư 20 chỉ thiết kế ra một kiểu “kích cỡ” duy nhất cho “chiếc áo tư thục” và bắt tất cả các trường dân lập đều phải khoác chiếc áo đó. Thật quá vô lý!

Trên thế giới đâu phải chỉ có 1 loại hình trường tư thục duy nhất mà có tới 2 loại hình: trường tư thục lợi nhuận và trường tư thục phi lợi nhuận. Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và TDTT cũng khẳng định các cơ sở ngoài công lập có thể hoạt động theo cả 2 cơ chế lợi nhuận và phi lợi nhuận; Nhà nước khuyến khích các cơ sở phi lợi nhuận. 

Quy chế tổ chức, hoạt động của các trường đại học tư thục hiện hành được soạn thảo dựa trên mô hình công ty cổ phần, rõ ràng mang đậm sắc thái trường tư thục lợi nhuận. Tại sao Bộ GD&ĐT lại không thiết kế trình Thủ tướng ban hành một “chiếc áo” thứ 2 khác là trường tư thục phi lợi nhuận, để các trường dân lập dễ lựa chọn hơn khi chuyển đổi.
Một số trường dân lập từ lâu đã hoàn thành mọi thủ tục để chuyển đổi, nhưng khi thực hiện lại vướng mắc chính sách. Gần đây có lãnh đạo trường đã thẳng thắn kêu rằng vì sao bao nhiêu năm trường phải ra “đứng đường” như vậy? Lên Bộ GD&ĐT hỏi thì được biết đã phân cấp, lý do vì sao?

Theo tôi Bộ không nên đùn đẩy trách nhiệm cho địa phương. Nếu Bộ đã ban hành Thông tư 20 mà thấy Thông tư đó đúng thì Bộ phải kiên quyết chỉ đạo các địa phương nghiêm túc triển khai nó. 

Còn nếu thấy Thông tư 20 không phù hợp thì Bộ phải điều chỉnh lại ngay Thông tư đó cho phù hợp với sự đa dạng về nguồn gốc của các trường dân lập. Bộ không thể nào một mặt cứ khẳng định Thông tư 20 là “chuẩn” nhưng khi thực hiện, vận dụng lại linh hoạt theo kiểu của cơ chế “xin-cho”.
Ông vừa nói tới các khái niệm trường tư thục lợi nhuận và phi lợi nhuận nhưng các khái niệm này đã được giải thích ở Luật Giáo dục đại học?
Đúng vậy. Điều 4 Luật Giáo dục đại học đã giải thích sự khác biệt giữa 2 loại hình trường tư thục này chỉ ở chỗ lợi tức hàng năm của các cổ đông, thành viên góp vốn có vượt hay không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ. Nhưng đó chỉ là một tiêu chí, còn phải xem những người đó có độc quyền nắm quyền lực quản trị và quản lý nhà trường hay không nữa.
Để xây dựng mô hình trường tư thục phi lợi nhuận cho Việt Nam Bộ GD&ĐT ngoài nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế nên lưu ý đến quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị TW8 về loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư.
Cần cơ chế hợp lý

Vừa qua có quan điểm Nhà nước nên khuyến khích đại học tư vì lợi nhuận, bởi không có nhà đầu tư nào lại đi bỏ một đống tiền vào mà không thu lợi? 

Quan điểm này chỉ đúng một phần. Xu hướng chung của thế giới là khuyến khích các trường phi lợi nhuận. Nghị quyết 05 cũng nói khuyến khích loại hình trường phi lợi nhuận. 
Tuy nhiên cũng phải tính tới một thực tế là các nhà đầu tư không phải ai cũng là “mạnh thường quân”, do đó Nhà nước cũng nên có hình thức khuyến khích đối với họ.  Kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhà nước chấp nhận cho nhà đầu tư được hưởng một lãi suất không cao lắm, có thể cao hơn lãi suất ngân hàng một chút, và không coi đó là lợi tức mà chỉ coi đó là phần thưởng của xã hội trao cho họ vì có công đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

Ngay cả các trường tư lợi nhuận cũng cần được Nhà nước xem như doanh nghiệp đặc biệt để thuế cũng phải thấp hơn so với thuế của các loại doanh nghiệp khác. Còn trường tư phi lợi nhuận đương nhiên được miễn thuế.

Như vậy, hướng giải quyết câu chuyện chuyển đổi này có phải chỉ cần sửa đổi Thông tư 20?

Chuyển đổi các trường đại học, cao đẳng dân lập sang tư thục là một chủ trương lớn của Nhà nước. Nhưng khi chuyển đổi Nhà nước hãy để cho các trường được quyền lựa chọn cho mình hướng chuyển đổi theo kiểu này hay kiểu khác, chứ không chuyển đổi theo kiểu “chỉ có một cái áo duy nhất”.

Do có hai loại trường: trường tư phi lợi nhuận và trường tư lợi nhuận nên cần phải có hai hệ thống văn bản pháp lý. Hiện nay căn cứ pháp lý cho sự tồn tại của các trường tư lợi nhuận đã có thông qua hàng loạt các văn bản (Quy chế 61, 63 Luật giáo dục đại học…), tuy vẫn còn nhiều vết sượng. Nhà nước cần khẩn trương xây dựng tiếp một hệ thống văn bản thứ hai cho mô hình trường đại học tư thục phi lợi nhuận. Vừa qua NQ 29 đã định hướng cho việc hình thành các trường do cộng đồng đầu tư, đó có thể chính là hình mẫu của đại học tư phi lợi nhuận sắp tới. 

Sau khi làm rành mạch cả hai loại trường tư này thì Nhà nước hãy để cho tập thể các trường dân lập (vì thuộc sở hữu tập thể) tự quyết định đi theo hướng nào sau khi có chuyển đổi. Nếu như vậy sẽ không có chuyện va vấp xung đột trong các trường sau chuyển đổi. Theo tôi nghĩ đó là cách giải quyết tốt nhất mà sắp tới nhà nước nên làm.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Xuân Trung (thực hiện)