Trình độ cao vì sao vẫn thất nghiệp?

20/06/2017 06:45
Nhật Duy
(GDVN) - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục thống kê vừa công bố cả nước còn khoảng 138.800 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp.

 LTS: Tỉ lệ thất nghiệp của người có trình độ từ đại học trở lên còn quá lớn, vấn đề này đã và đang đặt ra những khó khăn, thách thức đối với toàn xã hội.

Nhìn nhận thực trạng trên, tác giả Nhật Duy đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam những suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những năm qua, cụm từ “thất nghiệp” đối với những người có trình độ đại học và trên đại học đã dần trở nên quen thuộc với mọi người.

Hàng trăm nghìn người có trình độ cao mà vẫn thất nghiệp là một sự lãng phí lớn về chất xám của toàn xã hội.

Hình ảnh minh họa về vấn đề thất nghiệp, cần tìm kiếm việc làm. (Ảnh: ndh.vn)
Hình ảnh minh họa về vấn đề thất nghiệp, cần tìm kiếm việc làm. (Ảnh: ndh.vn)

Chúng ta đã nói rất nhiều đến nguyên nhân của vấn đề này từ các chính sách dự báo, đào tạo tràn lan hay nhu cầu của thị trường lao động dư thừa...

Tất cả đều đúng, nhưng với những người được đào tạo bài bản, kiến thức sâu rộng mà vẫn thất nghiệp thì nguyên nhân chủ quan nhất vẫn nằm ở trình độ, khả năng của chính người lao động.

Để có một tấm bằng cử nhân trở lên, ít nhất mỗi người học cũng phải trải qua 18 năm học tập ( từ mầm non đến đại học), có nhiều ngành như: y học, kỹ thuật được đào tạo từ 5-6 năm ở bậc đại học.

Nhiều trường hợp sau khi tốt nghiệp đại học nhưng chưa xin được việc làm, họ lại tiếp tục học lên cao để hy vọng tăng thêm trình độ sẽ có cơ hội hơn khi xin việc nhưng rồi vẫn thất nghiệp.

Những năm tháng học hành với bao nhiều công sức, thời gian, tiền bạc của cha mẹ, người thân và chính bản thân người học nhưng rồi cuối cùng tấm bằng tốt nghiệp vẫn để nguyên trong góc tủ.

Tìm việc làm trong thời buổi ngày nay có khó không? Câu trả lời chắc chắn là khó, rất khó, nhất là quan niệm xin vào biên chế nhà nước đã thấm sâu vào một bộ phận người dân và chính bản thân những người học.

Nhiều người ra trường vẫn quyết tâm xin vào các cơ quan nhà nước cho dù phải tốn kém hay nhờ cậy nhiều mối quan hệ, rồi quan niệm không vào biên chế coi như đã thất nghiệp.

Trình độ cao vì sao vẫn thất nghiệp? ảnh 2

Cả nước còn 138.800 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp

Trong những năm tháng học đại học, rồi cao học, ít nhất bản thân mỗi người đã được tiếp xúc với môi trường năng động ở các thành phố, nghe các thông tin tuyên truyền qua báo đài, truyền hình, mạng xã hội...

Vậy tại sao, ngay từ đầu không lo lắng hay trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết để khi ra trường những người học có thể chủ động đảm nhiệm mọi công việc.

Thị trường lao động hiện nay, có hàng ngàn các công ty trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập ở tất cả các địa phương. 

Những khu công nghiệp được xây dựng ở khắp các tỉnh thành, đa dạng trên mọi lĩnh vực hoạt động. Vậy tại sao nhiều người không dám dấn thân, không dám thử sức?

Chuyện học một ngành ra làm một ngành không liên quan là chuyện phổ biến trong thời đại  hiện đại.

Suy cho cùng trong quá trình học tập, tất cả sinh viên không chỉ được học các môn chuyên ngành mà còn được trang bị kiến thức của nhiều môn cơ bản khác. 

Những kiến thức chuyên môn sâu rộng, cùng với việc đào tạo về tin học, ngoại ngữ ở các trường trong vài năm gần đây được yêu cầu rất khắt khe. 

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục thống kê vừa công bố cả nước còn khoảng 138.800 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp. 

Mặc dù, con số này có giảm trong thời gian gần đây nhưng nó vẫn còn quá lớn và thực sự đáng báo động. 

Trình độ cao vì sao vẫn thất nghiệp? ảnh 3

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn còn nguyên ý nghĩa!

Số lượng lớn những người có trình độ cao thất nghiệp là một sự  lãng phí vô cùng lớn đối với đất nước và toàn xã hội.

Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân những người thất nghiệp mà còn trở thành gánh nặng cho cả gia đình và xã hội. 

Nếu những lao động này chấp nhận làm các công việc không đúng chuyên môn hoặc không nhất thiết phải vào biên chế nhà nước thì mỗi năm số lượng người thất nghiệp đã giảm đi con số đáng kể.

Nhiều sinh viên ra trường khi các kĩ năng còn yếu kém, cùng với tư tưởng không chịu phấn đấu, học hỏi, ngại phải đi xa hoặc làm những công việc có áp lực.

Chúng tôi đã từng chứng kiến rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp trở về quê nhà, xin làm những công việc lặt vặt ở ủy ban xã, phường với đồng lương hợp đồng ít ỏi chỉ nhằm mục đích chờ cơ hội xin  làm hợp đồng không thời hạn hoặc biên chế.

Thế nhưng, chúng tôi cũng được chứng kiến nhiều em có những công việc rất tốt sau khi tốt nghiệp. Các em chấp nhận đi xa, chấp nhận đến các khu công nghiệp hoặc làm ở các công ty tư nhân để học hỏi và phấn đấu. 

Cơ hội thăng tiến nhanh, chế độ bảo hiểm, đãi ngộ cao, áp lực công việc tạo cho họ sự năng động, mà đặc biệt không phải đầu tư cho khoản “ngoại giao” xin việc lúc đầu. 

Khi có công việc sẽ tạo cho con người sự tự tin và thoải mái, sự chần chừ sẽ làm lỡ cơ hội vào đời của mỗi người, khiến con người ta buông xuôi, yếu đuối.

Vì vậy, mỗi bạn sinh viên sau khi ra trường hãy chủ động, tích cực, đừng quá nặng nề, trách móc bản thân hay xã hội.

Đi làm sẽ giúp chúng ta khơi gợi được các khả năng tiềm tàng của bản thân, hoàn thiện những kĩ năng thiếu, tạo sự tự tin, mở rộng các mối quan hệ, cũng như đảm bảo kinh tế tăng thêm thu nhập.

Điều quan trọng là phải biết chấp nhận, nhìn thẳng vào thực tế, chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực lao động cho dù làm những việc không đúng chuyên môn đào tạo. 

Nhật Duy