Trung học cơ sở Ngoại ngữ là trường công, tư, bán công hay loại mới ngoài Luật?

28/06/2019 07:15
Hồng Thủy
(GDVN) - So với các quy định hiện hành, Trung học cơ sở Ngoại ngữ không phải trường công, không phải trường tư, không phải bán công hay dân lập.

Trong bài viết trước, Đại học Ngoại ngữ mở Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ có trái luật?, chúng tôi đã phân tích xu hướng trường đại học mở trường phổ thông trái Luật Giáo dục.

Theo đó, Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục sửa đổi không cho phép trường đại học công lập mở trường phổ thông không chuyên, làm trái điều này sẽ phá hỏng chính sách xã hội hóa của Đảng và Nhà nước.

Ở bài viết này, chúng tôi xin tiếp tục phân tích mô hình Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ mà Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa mới mở thuộc loại hình nào theo Luật Giáo dục.

Quyết định ghi trường công lập, học phí và tuyển sinh như tư thục

Quyết định số 668/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy ngày 26/3/2019 về việc thành lập Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ ghi rõ:

Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh trao Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ cho Tiến sĩ Nguyễn Phú Chiến, ảnh minh họa, nguồn: vnu.edu.vn.
Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh trao Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ cho Tiến sĩ Nguyễn Phú Chiến, ảnh minh họa, nguồn: vnu.edu.vn.

Điều 1. Thành lập Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ, trực thuộc trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trụ sở của Trường: Khu giảng đường C1, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, tại số 2 đường Phạm Văn Đồng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Điều 2. Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ là cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong hệ thống các trường phổ thông của quận Cầu Giấy; có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ được tổ chức và hoạt động tuân thủ các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường trung học cơ sở; Trường chịu sử quản lý trực tiếp, toàn diện của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận và chịu sự quản lý nhà nước trên địa bàn của UBND quận Cầu Giấy.

Điều 4. Biên chế viên chức của Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ được xác định theo quy định hiện hành của pháp luật về định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong tổng biên chế viên chức của Đại học Ngoại ngữ được Đại học Quốc gia Hà Nội phân bổ hàng năm. [1]

Muốn huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục, cần dẹp bỏ các mô hình này
Muốn huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục, cần dẹp bỏ các mô hình này

Tuy nhiên, tại Kế hoạch tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020, số 17/KH-GD ngày 8/5/2019 của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu giấy, phần giao chỉ tiêu và phân tuyến tuyển sinh lớp 6 cho thấy:

Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ thuộc loại hình trường "ngoài công lập", số thứ tự 11, được tuyển 4 lớp với 100 chỉ tiêu. [2]

Các trường trung học cơ sở công lập đều phân tuyến tuyển sinh, còn Trung học cơ sở Ngoại ngữ thì không phân tuyến, tuyển sinh toàn thành phố.

Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 5/7/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức thu học phí năm học 2018-2019 đối với bậc trung học cơ sở:

Ở địa bàn thành thị là 155 ngàn đồng / tháng / học sinh, ở địa bàn nông thôn là 75 nghìn đồng / tháng / học sinh và địa bàn miền núi là 19 nghìn đồng / tháng / học sinh. [3]

Mức thu học phí đối với bậc trung học cơ sở công lập năm học 2018-2019 được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội dự kiến sẽ giữ nguyên trong năm học 2019-2020. [4]

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ Nguyễn Phú Chiến, học phí của trường đặt ra trong năm học đầu tiên là 3,2 triệu đồng/tháng, chưa kể một số khoản nhà trường thu hộ như tiền ăn nghỉ trưa, xe đưa đón, tiền tham quan, dã ngoại hàng tháng,…[5]

Khu giảng đường C1, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội được lấy làm cơ sở vật chất cho Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ, là tài sản nhà nước. Ảnh minh họa, nguồn: ulis.vnu.edu.vn
Khu giảng đường C1, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội được lấy làm cơ sở vật chất cho Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ, là tài sản nhà nước. Ảnh minh họa, nguồn: ulis.vnu.edu.vn

Những khoản thu khác ngoài học phí của Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ bao gồm 700 ngàn đồng/tháng cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo, 56 ngàn đồng/tiết tiếng Anh quốc tế;

40 ngàn đồng/bữa ăn bán trú, 250 ngàn đồng/tháng tiền bán trú và nước uống, 2,2 triệu đồng đồng phục, 2 triệu đồng/năm hỗ trợ cơ sở vật chất, tiền xe đưa đón theo tuyến đường, các câu lạc bộ thể thao hay sở thích thu theo đăng ký.

Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ không phải trường công lập, tư thục hay bán công

Điểm a), Khoản 1, Điều 48, Luật Giáo dục hiện hành quy định: Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.

Điểm a), Khoản 1, Điều 4, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011, quy định:

Trường công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và Nhà nước trực tiếp quản lý.

Giáo dục tư thục không vì lợi nhuận thì vì cái gì?
Giáo dục tư thục không vì lợi nhuận thì vì cái gì?

Đối chiếu với quy định trên, Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ không phải trường công lập. 

Quyết định số 668/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy ngày 26/3/2019 là để cho phép thành lập trường theo đề án của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, theo Điều 51 Luật Giáo dục hiện hành.

Quyết định số 668/QĐ-UBND nói trên cũng ghi rõ, Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ "chịu sử quản lý trực tiếp, toàn diện của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội", chứ không phải Nhà nước theo Luật Giáo dục đối với trường công lập.

Điểm c), Khoản 1, Điều 48, Luật Giáo dục hiện hành quy định:

Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Đại học Ngoại ngữ là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, không phải "tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân" như quy định trong Bộ Luật Dân sự, để có thể thành lập Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ.

Loại hình trường dân lập, Khoản 2, Điều 18, Nghị định 76/2006/NĐ-CP đã quy định rõ: Không thành lập cơ sở giáo dục dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

Giáo dục tư thục có bị kỳ thị?
Giáo dục tư thục có bị kỳ thị?

Vậy Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ mà Đại học Ngoại ngữ thành lập thuộc loại hình nào? Có phải loại hình trường bán công mà Luật Giáo dục hiện hành đã loại bỏ từ 2005?

Điểm b), Khoản 1, Điều 13, Nghị định 43/2000/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 1998 định nghĩa:

Cơ sở giáo dục bán công: do Nhà nước thành lập trên cơ sở huy động các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế cùng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Nhưng trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ đang sử dụng tài sản nhà nước giao cho Đại học Ngoại ngữ (Khu giảng đường C1), sử dụng biên chế nhà nước phân bổ cho Đại học Ngoại ngữ, thu học phí và các chi phí khác như trường tư thục mà không có bất kỳ cá nhân nào góp vốn, thì cũng không thể gọi là trường bán công.

Nói cách khác, Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ không nằm trong bất kỳ loại hình nhà trường nào quy định trong Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục 1998 cũng như Luật Giáo dục sửa đổi.

Số tiền học phí và các chi phí khác Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ thu được từ người học sẽ được sử dụng như thế nào, thuộc sở hữu của ai, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích trong các bài viết tới.

Nhưng rõ ràng loại hình trường ngoài Luật Giáo dục này nếu để tự do phát triển không có kiểm soát của Nhà nước, sẽ phá hỏng chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng cũng như Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, kêu gọi xã hội đầu tư vào giáo dục.

Bởi lẽ các trường tư thục làm sao cạnh tranh được với loại hình trường này khi họ không phải bỏ chi phí xây dựng trường, có sẵn cơ sở vật chất và biên chế nhà nước, lại được tuyển sinh và thu học phí như trường tư?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://ulis.vnu.edu.vn/quyet-dinh-ve-viec-thanh-lap-va-cho-phep-hoat-dong-truong-thcs-ngoai-ngu/

[2]http://caugiay.edu.vn/upload/26928/20190519/Ke_hoach_tuyen_sinh_nam_hoc_2019-2020_Ban_dau_do.pdf

[3]https://vanban.hanoi.gov.vn/vanbanphapquy/-/vb/nsGpxUlb7ddQ/2759571.html;jsessionid=FukNBM+QLjVYVAQbhocTOSYU.undefined

[4]https://www.thudo.gov.vn/newsdetail.aspx?NewsID=d672e8c8-0dde-5e4e-8e67-0e3d7cb697b0&CateID=b1110b33-7986-0846-90cf-844c6626854d

[5]http://ulis.vnu.edu.vn/thay-nguyen-phu-chien-su-ra-doi-cua-truong-thcs-ngoai-ngu-la-thanh-qua-cua-su-quyet-tam/

Hồng Thủy