Trường công lập và NCL top giữa, top dưới đều thấp thỏm chờ "cứu"

12/08/2011 23:43
(GDVN) - Điểm sàn không hạ: NCL "lụt cả làng", "trông vào may rủi" "ngắc ngoải",... trước thực tế đó, đâu mới là giải pháp tháo gỡ vấn đề?

(GDVN) - Điểm sàn không hạ: NCL "lụt cả làng", "trông vào may rủi" "ngắc ngoải",... trước thực tế đó, đâu mới là giải pháp tháo gỡ vấn đề?

Nhà nước và các trường NCL đều phải có biện pháp khắc phục

Nhiều thí sinh tìm đến NV2
Nhiều thí sinh bắt đầu tìm thông tin NV2,3

'Đối tượng của các trường ngoài công lập phải là những người có điều kiện kinh tế cao, yêu cầu khắt khe về chất lượng giáo dục - dịch vụ" - GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trả lời câu hỏi của PV VOV.

Trước tình trạng nhiều trường ĐH ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu, theo GS Thi giải pháp tháo gỡ vấn đề này phải đến từ cả hai phía.

“Giải pháp để tháo gỡ vấn đề này thì thứ nhất, về uy tín chất lượng không ai khác mà chính các trường ngoài công lập phải phấn đấu khẳng định mình trong quá trình đào tạo. Trước mắt, chấp nhận điểm sàn để đương đầu với thử thách, khẳng định rằng đầu vào của mình cũng tương đương với các trường khác. Đó cũng là yếu tố để đánh giá chất lượng của mình. Thứ hai, Nhà nước cũng cần quan tâm đến các chính sách hỗ trợ cho các trường ngoài công lập như thuế, đất đai hoặc tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập có hành lang pháp lý thông thoáng. Cùng với sự phấn đấu từ phía các trường ngoài công lập thì xã hội cũng nên có sự đánh giá công bằng chất lượng của các trường ngoài công lập. Chúng ta không nên có định kiến chung mà nên có sự xem xét từng trường hợp cụ thể”. GS. Đào Trọng Thi cho biết.

Trong bài phỏng vấn của mình, giáo sư Đào Trọng Thi cũng đề cập đến những bất cập trong phát triển, thu hút người học của các trường NCL.

Theo phân tích của GS.Thi:  “Thời gian qua, chúng ta cũng đã có nhiều tiến bộ trong việc phát triển khu vực ngoài công lập trong giáo dục ĐH nhưng cũng phải công nhận một thực tế là còn nhiều bất cập trong định hướng phát triển khu vực này. Một số trường gần như thiếu sự đầu tư lớn và chạy theo quy mô mà chưa quan tâm đến chất lượng. Bởi vậy, sau một thời gian uy tín không còn như hiện nay là gặp khó khăn. Tại sao có người vẫn đủ điểm sàn mà vẫn không chịu vào học, tại sao có những trường ngoài công lập mà thủ khoa cũng lo không đủ điểm sàn để vào. Hiện tượng ấy cũng đã đến mức yêu cầu chúng ta phải giải quyết.

Tôi cho rằng, các trường ngoài công lập nếu nhìn ra kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì chính những trường này phải nhằm vào đối tượng không phải là đối tượng của các trường công lập. Các trường công lập được hỗ trợ của Nhà nước, bởi vậy học phí thấp hơn. Đối tượng của các trường công lập là phục vụ cho số đông, đại trà. Còn các trường ngoài công lập phải lấp vào chỗ trống, tức là những đối tượng có khả năng chi trả cao, có điều kiện kinh tế cao, người ta yêu cầu chất lượng cao không chỉ về chuyên môn mà cả về dịch vụ, phục vụ nữa.

Chính các trường ngoài công lập phải đáp ứng được đối tượng đó. Ở các nước đều thế cả, nhưng ở nước ta thì tôi thấy là một số trường ngoài công lập lại tập trung vào những đối tượng học yếu không đủ khả năng vào các trường công lập. Xảy ra hiện tượng như hiện nay chính là vì như vậy. Nếu các trường ngoài công lập xác định lại chiến lược phát triển, từng bước khẳng định uy tín, chất lượng, thương hiệu của mình thì đấy là con đường phát triển tốt”. GS khẳng định.

Điểm sàn không hạ, ĐH ngoài công lập chờ "may rủi”
 
Dù lãnh đạo Bộ GD&ĐT công bố còn hơn 200.000 thí sinh trên điểm sàn không trúng tuyển NV1 nhưng các trường ĐH ngoài công lập vẫn lo lắng cho nguồn tuyển sinh năm nay. Đó là thực tế được đăng tải trên VTC News.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, các trường ĐH ngoài công lập đều tỏ ra khá thất vọng vì yêu cầu của Hiệp hội không được Bộ GD&ĐT để ý. Bên cạnh đó, nỗi lo về chỉ tiêu ngày càng tăng khi thời điểm nộp hồ sơ NV2 đang đến gần.

Năm nay, đề thi được đánh giá là khó hơn năm trước trong khi điểm chuẩn vẫn không giảm đã khiến nhiều trường ĐH ngoài công lập khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tuyển sinh (Ảnh: VTC news)

Trao đổi với phóng viên, ông Văn Bá Thanh, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hà Hoa Tiên tỏ ra khá lo lắng: “Cả trường có 1 thí sinh khối A và 2,3 thí sinh khối D đỗ NV1. Rất may, thủ khoa khối A được cộng thêm 1 điểm khu vực nên tổng cộng là 13,5, đủ điểm đỗ vào trường”.
 
Càng chuẩn bị đến thời điểm thí sinh nộp hồ sơ NV2, trường ĐH Hà Hoa Tiên lại càng tích cực quảng bá thông tin về trường đến tận các vùng quê ở các tỉnh thành nhằm thu hút một số lượng đông đảo thí sinh trên điểm sàn vào học tại trường. “Việc truyền thông hiện nay vẫn chưa cho thấy kết quả cụ thể. Phải đợi thí sinh nộp NV2 như thế nào mới biết những việc làm đó có hiệu quả hay không. Chúng tôi cũng chỉ biết trồng chờ vào may rủi mà không thể tự quyết định được cho mình”. Ông Thanh buồn rầu chia sẻ.

Lo lắng không thể tuyển  được thí sinh cũng là tâm trạng chung của nhiều trường ĐH ngoài công lập. Ông Nguyễn Văn Duy, Trưởng phòng đào tạo ĐH Chu Văn An cho biết, với điểm sàn đã công bố, nhà trường chỉ tuyển được khoảng 80 chỉ tiêu trong 1400 chỉ tiêu mà Bộ giao.

Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng phòng đào tạo ĐH Đại Nam cho biết, nhà trường cũng chỉ trông chờ vào NV2,3 vì điểm thi của các thí sinh vào trường cũng không cao. Toàn trường chỉ có 340 có tổng điểm từ 10 trở lên. Vì vậy, ĐH Đại Nam đã công bố điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT đồng thời cũng xét NV2 từ điểm sàn trở lên.


Ông Lê Công Huỳnh, hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây cho rằng mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT không giảm đang đẩy các trường ĐH ngoài công lập “đứng trước nguy cơ tan rã”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thông báo, nnay có 415.282 thí sinh có điểm thi đại học trên điểm sàn, trong khi đó chỉ tiêu là 266.631. Trong số trên có 206.302 thí sinh trúng tuyển NV1; 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn nhưng trượt NV1.
 
Lãnh đạo nhiều trường ĐH Ngoài công lập cho rằng, việc Bộ GD&ĐT khẳng định nguồn tuyển NV2 dồi dào chỉ là trên lý thuyết

Ông Văn Bá Thanh, phó hiệu trưởng ĐH Hà Hoa Tiên chia sẻ: “Đấy chỉ là trên lý thuyết, tuy số thí sinh dồi dào nhưng năm ngoái chúng tôi vẫn khó tuyển. Năm nay, nhiều trường ĐH công lập cũng chỉ lấy điểm chuẩn và điểm xét tuyển NV2 bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT nên các thí sinh sẽ chọn các trường công lập chứ không chọn trường dân lập như chúng tôi. Ngoài ra, nhiều trường công lập còn xin chỉ tiêu ngoài ngân sách nên càng làm nguồn tuyển ngày càng eo hẹp”.

Cũng có cùng chia sẻ như trên, ông Nguyễn Hữu Kiều trưởng phòng đào tạo ĐH Lương Thế Vinh nhận định: “Lãnh đạo Bộ cho rằng còn hơn 200.000 thí sinh trên điểm sàn, chúng tôi vẫn lo vì đó chỉ là mặt lý thuyết, thực tế không phải như vậy”.

Ông Kiều cũng cho biết thêm, trên địa bàn thành phố Nam Định có tới 3 trường đại học công lập và những trường đại học này đều xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ. Ngoài ra, với nhiều thí sinh trên điểm sàn, các em cũng có rất nhiều lựa chọn như việc đi du học hoặc ở nhà đợi năm sau thi lại vào trường ĐH mình ưng ý  và quyết tâm không nộp NV2,3.

Giải pháp của trường ĐH Lương Thế Vinh là xin Bộ GD&ĐT cho chuyển chỉ tiêu sang hệ liên thông, vừa học vừa làm để có thể tuyển được nhiều chỉ tiêu.

Khi trách nhiệm các trường ĐH ngoài công lập đều đẩy về phía Bộ GD&ĐT, thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh: Lập trường đại học không đơn giản như thành lập doanh nghiệp. Nếu không đủ uy tín thì khó thu hút được người đến học. Cần phải thay đổi chiến lược đào tạo, lấy uy tín từ từ, phải có quá trình đào tạo như thực hiện đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng rồi mới đào tạo đại học.

Để thành lập được một trường đại học ngoài công lập, không biết bao nhiêu tiền của đổ vào, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, ký túc xá đến việc thuê các giảng viên giỏi. Nếu Bộ GD&ĐT không có biện pháp hỗ trợ các trường ngoài công lập trong việc tuyển sinh, sẽ không ít trường đứng trước nguy cơ phá sản cũng như chủ trương xã hội hóa bậc học này sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

a
 
Thấp thỏm chờ... cứu (!)

Dù có kiến nghị của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ về phương án xóa bỏ điểm sàn nhưng Bộ vẫn công bố điểm sàn với mức điểm tương đương năm ngoái.  

Trước quyết định đó, GS.Quân chia sẻ: “Kiến nghị của chúng tôi không chỉ dành cho những trường ngoài công lập mà còn là ý kiến của những trường công lập “top” giữa và “top” dưới. Bây giờ Bộ quyết là quyền của Bộ. Nhưng quyết định đó khiến chúng tôi lo ngại nhiều.
Có một thực tế, bài thi càng khó thì sự phân hóa vùng miền càng lớn, thí sinh ở các vùng sâu vùng xa sẽ có điểm thấp hơn các thí sinh ở thành phố lớn. Và không phải thí sinh trên điểm sàn nào cũng có điều kiện chuyển đến một nơi xa để học. Vì thế, có những em trên điểm sàn nhưng vẫn không có nơi để học. Có nơi thừa nguồn, có những nơi lại thiếu nguồn tuyển trầm trọng.

Đáng lý Nhà nước phải nâng đỡ nó…

Trước việc các trường NCL kêu gọi sự “dễ dãi” hơn trong tuyển sinh so với thời trước, GS. Quân chia sẻ: “Ngày xưa có cái khó... Thứ nhất là quy mô giáo dục hạn chế, nên thi cử vào khó. Thi cử và học hành căng thẳng là bởi vì cánh cổng trường ĐH hẹp. Cái đó cũng là cái trăn trở của tôi chứ không phải là tôi thích như vậy.

Tôi băn khoăn mãi và muốn tìm cách mở rộng quy mô giáo dục ra. Hiện nay chúng ta có khả năng mở rộng nhiều trường. Đáng lý, Nhà nước phải nâng đỡ nó (các trường ngoài công lập - PV) về đất đai và nhiều thứ khác. Ta không nên căng thẳng cái đó và kìm hãm nó”.

Hải Hà (tổng hợp)

{iarelatednews articleid='10445,10214,10103,10163,9964,9753,9457'}