"Trường quốc tế - nhu cầu, thực trạng, quản lý và chính sách"

29/08/2019 16:15
Trinh Phúc
(GDVN) - Nếu một người Mỹ, Úc hoặc Anh… đến đầu tư 100% vốn nhưng sau đó chuyển nhượng cho cá nhân người Việt Nam thì trường đó có còn là trường quốc tế hay không?

Ngày 29/8, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm: "Trường quốc tế - nhu cầu, thực trạng, quản lý và chính sách".

Đến dự buổi tọa đàm có Phó Trưởng ban dân nguyện Quốc hội - ông Lưu Bình Nhưỡng;

Phó giáo sư Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo;  

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO.

Báo cũng gửi lời mời đến đại diện các trường quốc tế tại Hà Nội và nhiều phóng viên báo đài trung ương, địa phương.

Quanh cảnh buổi Tọa đàm: "Trường quốc tế - nhu cầu, thực trạng, quản lý và chính sách" - ảnh Trinh Phúc.
Quanh cảnh buổi Tọa đàm: "Trường quốc tế - nhu cầu, thực trạng, quản lý và chính sách" - ảnh Trinh Phúc.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết: Sáng nay, Báo điện tử giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết về một phụ huynh trường Kinderworld ở Đà Nẵng kiện trường quốc tế này vì lạm thu; Và ngay bây giờ, xã hội vẫn chưa hết bàng hoàng vì cái chết của một học sinh trường nhận mình là quốc tế Gateway ở Hà Nội...

Chẳng lẽ trường quốc tế chỉ có tin buồn như vậy sao?

Thực tế hiện nay, trường quốc tế đang được hiểu là những trường có vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài; hoặc các trường áp dụng chương trình giáo dục nhập từ nước ngoài, sát hạch, thẩm định, cấp bằng...nước ngoài.

Tuy nhiên, trong quản lý thì chúng ta đang có các chế tài mà ở đó quy định, cứ trường có vốn nước ngoài thì được gọi là trường quốc tế.

Nếu một người Mỹ, Úc hoặc Anh… đến nước ta đầu tư 100% vốn mở trường, nhưng sau đó chuyển nhượng cho cá nhân người Việt Nam thì trường đó có còn là trường quốc tế hay không?

Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có những trường vừa có chương trình đào tạo hoàn toàn từ nước ngoài, vừa được đầu tư 100% vốn từ nước ngoài.

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (bên phải) và Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phạm Quang Hưng (ảnh Trinh Phúc).
Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (bên phải) và Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo -  ông Phạm Quang Hưng (ảnh Trinh Phúc).

Theo thống kê, trong những năm qua, mỗi năm các bậc phụ huynh đã chi 3 – 4 tỉ USD cho học sinh đi du học nước ngoài.

Điều này cho thấy nhu cầu rất lớn được học các trường quốc tế.

Điều này phản ánh một nhu cầu có thật của xã hội.

Chính vì vậy, các yếu tố quốc tế trong giáo dục đang tìm cách len lỏi vào môi trường giáo dục của Việt Nam. Song bằng ở Hà Nội, hay đào tạo Cambridge ở thành phố Hồ Chí Minh minh chứng cho điều đó.

Video: Cần có cơ chế kiểm tra các dịch vụ giáo dục thu phí cao trường công lập

Vậy chúng ta quản lý vấn đề này như thế nào? Có nên khuyến khích trường quốc tế không? Tiêu chí nào để được coi là trường quốc tế? Vấn đề chương trình, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất hay kết quả đào tạo ra được học sinh như thế nào cần được ưu tiên?

Cuộc tọa đàm hôm nay sẽ bàn thảo về những vấn đề này và những ý kiến sẽ được tập hợp gửi lên các cơ quan quản lý trong xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến giáo dục có yếu tố nước ngoài.

Trinh Phúc