Từ đạo đức cá nhân đến đạo đức cộng đồng, dân tộc: Triết lý Fukuzawa Yukichi

06/06/2019 06:00
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Thế hệ trẻ biết rõ, chúng cần học với tinh thần nào để chúng ta có được một Việt Nam mới, một tinh thần mà người Nhật đã từng làm được vào thế kỷ 19 – 20.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được bài viết "Từ đạo đức cá nhân đến đạo đức cộng đồng, dân tộc: Triết lý Fukuzawa Yukichi"của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Chúng ta luôn ngạc nhiên về nước Nhật, người dân Nhật bởi họ luôn có gì đó rất “Nhật”!

Hình ảnh người Nhật từ già đến trẻ, xếp hàng trật tự sau những trận động đất, sóng thần (tsunami) thời gian mới đây hay ảnh hưởng lớn bởi những nhà máy nguyên tử…họ bình thản chấp nhận thực tế và tìm những phương thức phù hợp để đối mặt! 

Nhìn lại lịch sử cận đại của Nhật và sự vươn lên của họ (dù có những thời kỳ nước Nhật vươn lên, vượt quá giá trị nhân loại trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2), triết lý của Fukuzawa Yukichi [1] về đạo đức cá nhân – đạo đức dân tộc, một nhà tư tưởng lớn về “đổi mới” nước Nhật thật sự đáng để những người Việt chúng ta suy ngẫm và học hỏi.

Khái lược văn minh luận (Ảnh: tác giả cung cấp).
Khái lược văn minh luận (Ảnh: tác giả cung cấp).

4 tháng ở Boston làm tình nguyện viên quốc tế giúp đỡ những người Mỹ vô gia cư, tôi có đọc được một câu hỏi: “Làm thế nào thế giới học được cách chung sống một cách hòa hợp, bình yên và chia sẻ?”.

Xin thưa, câu trả lời là triết lý từ rất xưa, có lẽ không chỉ là Fukuzawa, nhưng trong quá trình đổi mới nước Nhật, từ thời phong kiến lạc hậu sang một thời đại “phát triển theo khoa học hiện đại”, ông không quên nhắc nhở người Nhật và đất nước của ông về “từ đạo đức cá nhân, đến đạo đức cộng đồng” và có lẽ, điều đó tạo nên kỷ luật của người Nhật, danh dự của đất nước và tạo nên đạo đức của nước Nhật chăng?

Thế giới này, chúng ta sẽ sống chung một cách hòa hợp, tử tế và cùng chia sẻ, nếu từng cá nhân, từng cộng đồng, từng dân tộc biết sống với đạo đức làm người của mình!

Đạo đức cá nhân là gì?

Đạo đức cộng đồng là gì?

Đạo đức một dân tộc và một đất nước, với chính nhân dân mình, với các nước láng giềng và thế giới là gì?

Nền tảng giáo dục nào để giáo dục con trẻ, giáo dục nhân dân mình và trước hết, giáo dục những nhà lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo thế giới, hãy lãnh đạo với tư cách một con người có đạo đức và vì con người?

Xin được điểm vài nét chính tư tưởng của Fukuzawa về đạo đức cá nhân cần rèn luyện để chúng ta cùng suy nghĩ về đạo đức cộng đồng và đạo đức dân tộc nên được truyền dạy và xây dựng như thế nào cho phù hợp.

(i) Trong mọi điều phát triển đất nước, không gì bằng phát triển trí lực và đạo đức làm người: luôn học hỏi và học không ngừng nghỉ.

Từ đạo đức cá nhân đến đạo đức cộng đồng, dân tộc: Triết lý Fukuzawa Yukichi ảnh 2Marugoto - Sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản

(ii) Độc lập quốc gia dựa trên tri thức khoa học, học hỏi tri thức hiện đại của phương Tây và tư duy độc lập.

(iii) Những hạn chế về văn hóa – phong tục – hành xử của người Nhật trong quá trình phát triển năng lực cá nhân và năng lực cạnh tranh của nước Nhật.

(iv) Tình hình thế giới và “ngoại giao”: bang giao với tất cả.

Trong hai cuốn cơ bản thể hiện tinh thần Fukuzawa, Khái lược Văn Minh Luận và Khuyến học, một cuốn dành cho những tư duy về đất nước, dân tộc và đi vào chi tiết với từng cá nhân trong cuốn Khuyến học, ông luôn nhắc đến vai trò quan trọng của việc học, tự học và học không ngừng nghỉ. 

Tinh thần luôn học hỏi, luôn biết đặt câu hỏi và nghi vấn, từ những cá nhân đến những nhà cải cách, lãnh đạo đất nước, từ thế kỷ 19 đến nay, sang thế kỷ 21, đâu có khác gì với nguyên lý “Học suốt đời” và học dựa trên nguyên tắc phát triển trí tò mò, sáng tạo và tư duy phản biện những gì đang học?  

Fukuzawa, một mặt luôn khuyến khích và xác định rõ việc phải học hỏi triệt để tinh thần khoa học hiện đại của Phương Tây, nhưng ông khuyến cáo về việc “cái gì Tây cũng đúng” một cách lố bịch trong mọi hành xử, vứt bỏ giá trị nguồn cội về văn hóa và con người Nhật bản. 

Điều đó đâu khác gì tinh thần của một thế giới, hướng đến giá trị toàn cầu nhưng cơ bản phải được xây dựng trên giá trị nhân văn và tính cách của từng cá nhân và dân tộc hiện nay?

Thú thật, khi đọc những trang viết về “cải cách” ở Nhật thời Minh trị với tinh thần sùng bái quá độ về “Tây cái gì cũng đúng”, tôi lại nhớ đến cùng một thực trạng của giáo dục Việt Nam, không phải thế kỷ 19 đâu mà ngay thời đại này, thế kỷ 21 này. 

Chúng ta, người Việt, theo Phan Chu Trinh viết, có lịch sử chậm hơn thế giới 3 thế kỷ về học vấn, giáo dục và khoa học, không phải bởi chúng ta “chậm” mà bởi tư tưởng “lệ thuộc”, “lười nghĩ”, luôn đi sau và ăn theo cho chắc…nên không dám và không muốn nghĩ đến điều gì của thế giới, những người chúng ta đang đi học theo, có gì đúng và có gì chưa đúng, cho người Việt!

Điều nhận xét này không phải tôi nghĩ ra mà do Nguyễn Hiến Lê bình luận trong cuốn Tự học – Một Nhu cầu Thời đại xuất bản năm 1954.

Với Fukuzawa, dân tộc độc lập khi và chỉ khi vững mạnh về trí lực và đạo đức, từ cá nhân đến cộng đồng. 

Trí tuệ và trí lực là giá trị được thể hiện bên ngoài, đạo đức cá nhân và đạo đức cộng đồng, giá trị nội tại bên trong và tạo nên sức mạnh của đất nước. 

Tất cả đều được xây dựng từ mỗi cá nhân, mỗi quá trình phấn đấu học hành của từng cá nhân, rồi mới đến cộng đồng và đất nước. 

Đây là một quan điểm rất đáng suy ngẫm cho giáo dục mới thời đại thế kỷ 21 này, bởi từ thế kỷ 19, Fukuzawa đã ý thức rõ, học và học suốt đời là một quá trình phát triển năng lực cá nhân, phải từ cá nhân và vì lợi ích cá nhân đó trước, rồi mới nói đến cộng đồng, đất nước và tập thể được. 

Từ đạo đức cá nhân đến đạo đức cộng đồng, dân tộc: Triết lý Fukuzawa Yukichi ảnh 3Chính thức khai mạc lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội

Điều này minh chứng rõ cho những khẩu hiệu phát triển giáo dục hiện đại ngày nay đang hướng đến tôn trọng và phát triển giáo dục cho phù hợp với từng cá nhân, thay vì chúng ta “đồng phục” hóa tư tưởng và năng lực học của tất cả học sinh.  

Một trong những điều thú vị trong quá trình đọc Fukuzawa đó là thái độ tự phê phán những thói quen - hành xử - phong tục - văn hóa trong xã hội Nhật Bản, con người Nhật Bản, trong quá trình học hỏi để phấn đấu trở thành con người có trí tuệ và đạo đức phù hợp với thời đại. 

Tinh thần “tự phê phán” dân tộc mình mà ở Việt Nam chúng ta có những thời kỳ văn học “hiện thực phê phán” suốt bao thế kỷ [2], cùng với tinh thần “Người Việt xấu xí” [3], hy vọng cũng học được người Nhật đôi điều, về làm sao, chúng ta yêu thương người dân của mình, nhưng chúng ta cũng tự nhấc được tri thức và tinh thần phấn đấu vì một đất nước tiến bộ, dựa trên tinh thần phê và tự phê của Hồ Chí Minh/Đảng Cộng sản hiện kêu gọi suốt hơn 70 năm qua [4].  

Tôi chỉ mong, những tinh thần phê và tự phê của chúng ta được phản ánh rõ trong tinh thần cải cách giáo dục mới sắp tới, không phải bởi chúng ta tự ti về Việt Nam, mà chúng ta mong, con cháu chúng ta học được kỹ năng “tư duy phản biện” dựa trên việc học đánh giá đúng về vai trò của người Việt trong quá trình phát triển đất nước và của nhân loại.

Theo đó, thế hệ trẻ biết rõ, chúng cần học với tinh thần nào để chúng ta có được một Việt Nam mới như thế nào, một tinh thần mà người Nhật đã từng làm được vào thế kỷ 19 – 20.

Điều đầu tiên, người Việt có thể học từ Nhật trong giáo dục, liệu có phải là từ câu giáo dục con trẻ của Nhật: “Đất nước Nhật không có tài nguyên, không có ưu thế về bất kỳ điều gì, trừ tri thức của con người”.

Chúng ta, người Việt, nên học tinh thần giáo dục cho con trẻ về một Việt Nam không có bất kỳ tài nguyên và lợi thế gì trên thế giới này, trừ tri thức khoa học tiến bộ của thế giới, mà chúng ta còn đang ở một khoảng cách rất xa để tiếp cận. 

Phải học và giữ tư duy, Dân tộc – Khoa học, như Nguyễn Hiến Lê đề xuất chăng? [5]  

Và chúng ta luôn nhớ đến triết lý của Fukuzawa, phải dạy và giữ đạo đức con người, từ cá nhân đến dân tộc, để làm một dân tộc tử tế và đoàn kết, đúng với trách nhiệm làm người và làm một đất nước độc lập, dù thời đại nào cũng vậy thôi.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Fukuzawa_Yukichi

[2] https://toplist.vn/top-list/nha-van-hien-thuc-phe-phan-noi-tieng-nhat-viet-nam-giai-doan-1930-1945-5867.htm

[3] https://www.chungta.com/topics/chu-diem/nguoi-viet-xau-xi.html

[4] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Ho_Chi_Minh/2013/24591/Tu-phe-binh-va-phe-binh-theo-tu-tuong-Ho-Chi-Minh.aspx

[5] Nguyễn Hiến Lê, Tự học – Một nhu cầu thời đại, 1954

Nguyễn Thị Lan Hương