Từ lò chứng chỉ chức danh bị phanh phui, Bộ cần rà soát lại 49 đơn vị đặc quyền

09/08/2020 06:20
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy cô giáo mua chứng chỉ, sử dụng chứng chỉ thật nhưng học giả sẽ dạy làm sao cho học sinh tính trung thực, tính thật thà, lòng tự tôn, lòng tự trọng?

Chuyện chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên đã từng làm nóng dư luận, làm nóng nghị trường Quốc hội.

Các loại chứng chỉ đang hành giáo viên được gọi là “giấy phép con”.

Những giấy phép con đang “gây mưa, tạo gió” làm ngành giáo dục chìm sâu trong dị nghị.

Thầy cô giáo mua chứng chỉ, sử dụng chứng chỉ thật nhưng học giả sẽ dạy làm sao cho học sinh tính trung thực, tính thật thà, lòng tự tôn, lòng tự trọng?

Mới đây nhất, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài viết phản ánh “lò sản xuất chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên nộp tiền là có” của một trung tâm liên kết với trường Đại học Vinh.

Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á (Ảnh:V.N)
Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á (Ảnh:V.N)

Có bao nhiêu trường đại học, cao đẳng được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên?

Tính đến ngày 8/4/2019, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tổng hợp danh sách 49 cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng được giao nhiệm vụ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, trong đó có trường Đại học Vinh.[2]

Trường Đại học Vinh tổ chức bồi dưỡng, thi, cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên như thế nào?

Bạn vào cổng thông tin điện tử của Đại học Vinh sẽ thấy thông báo tuyển sinh các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên, giáo viên. [3]

Phần Kinh phí trong Thông báo tuyển sinh các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên, giáo viên của Đại học Vinh (Ảnh chụp màn hình).

Phần Kinh phí trong Thông báo tuyển sinh các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên, giáo viên của Đại học Vinh (Ảnh chụp màn hình).

Theo thông báo, Trường Đại học Vinh tuyển sinh các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên, giáo viên trên khắp cả nước.

Tất nhiên không phải là học viên sẽ về Trường Đại học Vinh để học và thi, mà sẽ học và thi tại các tỉnh, các khu vực. Kinh phí được chia làm ba khu vực: Bắc, Trung, Nam.

Với các khu vực phía Bắc và khu vực các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên, Trường Đại học Vinh tổ chức bồi dưỡng và thi cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên, giáo viên theo hình thức Liên kết đào tạo.

Trường Đại học Vinh phải chịu mọi trách nhiệm về đào tạo bồi dưỡng cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đến các học viên.

Đại học Vinh có vai trò gì trong vụ việc "có tiền là có chứng chỉ"?

Theo quy định Tổng thời gian bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp = 6 tuần x 5 ngày làm việc/tuần x8 tiết/ngày = 240 tiết.

Trong đó phần lý thuyết, thảo luận, thực hành chiếm 176 tiết; phần ôn tập chiếm 10 tiết; phần kiểm tra: 6 tiết; phần tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch: 44 tiết; công tác tổ chức lớp (khai giảng, bế giảng): 4 tiết.

Thế nhưng thực tế tại các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp siêu tốc dành cho giáo viên do Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á (tầng 3, tòa nhà 168, Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) liên kết với Trường Đại học Vinh tổ chức, thời gian và chương trình học bị rút ngắn xuống chỉ còn khoảng từ 1 đến 2 ngày (thứ 7, Chủ nhật hàng tuần). [4]

Nếu tính 8 tiết/ngày, các học viên đã thực hiện tối đa 16 tiết, bằng 1/15 số tiết học theo quy định.

Theo Thông tư Số 13/2017 /TT-BGDĐT: “Điều 8. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng

1. Biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình, tài liệu bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp cho từng đối tượng bồi dưỡng và cung cấp tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập.

2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho từng đối tượng đảm bảo đúng quy định hiện hành.

3. Quyết định danh sách học viên nhập học; quản lý quá trình học tập, đánh giá kết quả học tập và công nhận kết quả học tập của học viên.

4. Thu, quản lý và sử dụng kinh phí bồi dưỡng, cấp và quản lý việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho từng đối tượng theo đúng quy định hiện hành”.[5]

Như vậy, tại các lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở Trung tâm ngoại ngữ Đông Nam Á vi phạm Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 của Thông tư số 13/2017/TT-BGDĐT.

Hay nói cách khác Trường Đại học Vinh đã không tuân thủ đúng quy định về đào tạo bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 của Thông tư số 13/2017 /TT-BGDĐT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài chỉ rõ sai phạm, Đại học Vinh đã phản hồi, thể hiện sự cầu thị, cho rằng:

“Đại học Vinh đã triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học, sử dụng E-Learning trong việc giảng dạy các chuyên đề bồi dưỡng.

Kết hợp giữa giảng dạy truyền thống và giảng dạy trực tuyến, vừa tạo điều kiện cho học viên theo học, vừa tham gia vào việc phòng chống dịch Covid-19”. [6]

Tuy nhiên, thực tế như thế nào, có dạy trực tuyến hay không, phóng sự đã nói rõ, các học viên đều không nhắc đến hình thức học tập này.

Tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 13/2017 /TT-BGDĐT ghi rõ “2. Căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục làm nhiệm vụ bồi dưỡng và nhu cầu của học viên, cơ sở bồi dưỡng được quyền chủ động lựa chọn một trong 2 hình thức: Tập trung, vừa làm vừa học”.[5]

Tổ chức học, thi các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp đang đem lại món lợi khổng lồ cho các đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép, vì vậy các đơn vị triệt để khai thác, liên kết đào tạo ở khắp mọi nơi, đáp ứng như cầu “làm đẹp” hồ sơ của giáo viên.

Vô hình trung chính những đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đang đi bán “giấy phép con” để thu lợi!

Chuyện xảy ra ở Trung tâm ngoại ngữ Đông Nam Á tại tầng 3, tòa nhà 168, đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội trong liên kết đào tạo bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên với Đại học Vinh chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi.

Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhận thấy rõ thực trạng vấn đề quy định chứng chỉ với giáo viên, những chứng chỉ đó không cần thiết cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Những chứng chỉ thật học giả, đang làm méo mó nền giáo dục, cần được loại bỏ, thay đổi càng sớm càng tốt.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tham-nhap-lo-san-xuat-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-nop-tien-la-co-post211405.gd

https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/nha-giao-va-can-bo-quan-ly-giao-duc/Pages/Default.aspx?ItemID=5866

[3] http://vinhuni.edu.vn/dao-tao/seo/thong-bao-tuyen-sinh-cac-lop-boi-duong-theo-tieu-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-giang-vien-giao-vien-80355

[4] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-huong-loi-gi-tu-lop-chung-chi-bao-do-lien-ket-voi-dai-hoc-vinh-post211458.gd

[5] https://thukyluat.vn/vb/thong-tu-13-2017-tt-bgddt-dieu-kien-co-so-giao-duc-cap-chung-chi-boi-duong-vien-chuc-giang-day-55a4b.html

[6] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dai-hoc-vinh-phan-hoi-thong-tin-ve-loat-bai-viet-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-post211475.gd

Lê Mai