VNEN qua góc nhìn tương phản từ hai vị Giám đốc Sở

30/08/2017 07:28
Thuận Phương
(GDVN) - Càng "diễn" VNEN giáo viên càng khổ, học sinh càng thiệt, và các nhà dự án càng có chỗ dựa.

LTS: Cô giáo Thuận Phương, một người đang trực tiếp đứng lớp theo mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) có bài viết mới gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Với góc nhìn của người trong cuộc, cô Thuân Phương muốn chia sẻ đến quý bạn đọc những gì chính mình trải nghiệm và những điều mắt thấy tai nghe, đồng hời đưa ra một số nhận định riêng về các bình luận liên quan đến VNEN trên báo chí những ngày qua.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này và trân trọng cảm ơn cô giáo Thuận Phương. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Tôi thật sự tâm đắc câu nói “Mọi lý thuyết đều trở thành màu xám. Chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi”. 

Năm học mới sắp bắt đầu, trong khi phụ huynh và giáo viên vẫn mong ngóng một quyết định rõ ràng từ cơ quan quản lý giáo dục các cấp, thì trên các diễn đàn, các phương tiện truyền thông hiện nay tranh cãi về VNEN vẫn chưa đến hồi kết. 

Có thể phân ra làm hai thái cực, một bên là những người giỏi lý thuyết “Trường học mới Việt Nam”, nhưng chưa bao giờ thực hành. Một bên là những người hằng ngày đang sống và vật lộn với VNEN. 

Các quan chức lãnh đạo ngành giáo dục, những “chuyên gia VNEN” thì hết lời ca ngợi tính ưu việt của mô hình này. 

Hình minh họa, nguồn ảnh cắt từ clip phóng sự của VTV.
Hình minh họa, nguồn ảnh cắt từ clip phóng sự của VTV.

Còn chúng tôi, những giáo viên hàng ngày trực tiếp giảng dạy và những phụ huynh hàng ngày chứng kiến sự tụt dốc trong học tập của con em mình đều cảm thấy ngao ngán, mệt mỏi và xót xa cho nền giáo dục nước nhà.

Những ngày qua, theo dõi thông tin về VNEN trên báo chí, người viết chứng kiến hai đánh giá, hai góc nhìn khác nhau của 2 vị Giám đốc Sở ở cùng một tỉnh về mô hình VNEN, xin chia sẻ với quý bạn đọc.

VNEN “diễn” là chính

Ngày 28/8/2017 đài truyền hình Việt Nam VTV có phóng sự "Hà Tĩnh dừng mô hình giáo dục VNEN vì nhiều bất cập".

VTV dẫn lời ông Đỗ Văn Khoa - Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Hà Tĩnh, người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh này giao nhiệm vụ khảo sát các trường học VNEN trên địa bàn để báo cáo lãnh đạo phương án xử lý, cho biết:

"Nó cứ theo như bài bản. Đến lớp thì cô sẽ giới thiệu là Chủ tịch hội đồng quản trị (Hội đồng tự quản, có thể ông Văn nhầm tên gọi) lên làm việc.

Hội đồng quản trị giới thiệu chủ tịch, phó chủ tịch, giới thiệu trưởng ban, vân vân. Đại khái nó như một bài học thuộc lòng." 

Cũng theo ông Đỗ Khoa Văn:

Thật khó để đòi hỏi một sự thực chất khi mà ngay trong quan điểm của ngành giáo dục lại cũng đang bộc lộ những mâu thuẫn.

Chẳng hạn cách đánh giá của mô hình Trường học mới VNEN là dựa trên những lời nhận xét.

Thế nhưng thước đo của thi cử, của tuyển sinh, và thậm chí đầu vào của hệ thống trường điểm lại vẫn hoàn toàn dựa trên điểm số. [1]

Ông Đỗ Khoa Văn trả lời phỏng vấn VTV về VNEN, ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV.
Ông Đỗ Khoa Văn trả lời phỏng vấn VTV về VNEN, ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV.

Là giáo viên dạy VNEN, chúng tôi hoàn toàn tin rằng Giám đốc sở Đỗ Khoa Văn nói đúng những gì ông mắt thấy, tai nghe.

Điều này cũng giống như những gì Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh từng chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về VNEN.

Đó là những tiếng nói hiếm hoi từ lãnh đạo một số địa phương nghiêm túc thực hiện việc “triển khai VNEN trên tinh thần tự nguyện” theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Và ở đây người viết xin chia sẻ câu chuyện thật 100% ở những ngôi trường đang dạy VNEN trên nhiều miền đất nước từ những ngày đầu tiên nhất.

Mô hình trường học mới VNEN được áp dụng dạy từ lớp 2 đến lớp 5 ở các trường tiểu học. 

Thế nên vào đầu năm học, không chỉ giáo viên mà chính học sinh của lớp 2 luôn cảm thấy áp lực, căng thẳng và mệt mỏi vô cùng. 

Không phải áp lực từ những nội dung kiến thức, mà nó đến từ những công việc hình thức bên ngoài - một đặc thù riêng của mô hình VNEN này. 

Ngay đầu năm học, tôi và các đồng nghiệp dạy VNEN đã, đang phải lo đối phó với kiểm tra dự giờ.

Chỉ nội việc huấn luyện điều hành hội đồng tự quản và các ban báo cáo đã hết giờ, chẳng có thời gian đâu mà học.

Nếu có thời gian, quý bạn đọc hãy cứ vào Google gõ cụm từ “những tiết dạy VNEN” kết quả sẽ cho ra hàng trăm video tiết học theo mô hình này. 

Nếu theo dõi một tiết học, bạn sẽ thấy học sinh rất tự tin. Nào là báo cáo, nào là điều khiển nhóm làm việc, nào là chia sẻ mục tiêu, rồi đến cách đánh giá tiết học…

Xem xong, có lẽ không ít người tỏ ra thích thú và thán phục cách dạy VNEN này.

Nhưng liệu có ai tự hỏi, để học sinh ban đầu làm quen với việc học theo mô hình VNEN, giáo viên đã mất thời gian trong bao lâu? 

Một đồng nghiệp có kinh nghiệm dạy chương trình VNEN cũng phải thốt lên rằng: 

VNEN qua góc nhìn tương phản từ hai vị Giám đốc Sở ảnh 3

VNEN và sự vô cảm với thày cô

“Khoảng 2 tháng mà ngày nào cũng phải luyện liên tục. 

Bài dạy có thể gác lại hôm sau, nhưng không luyện tập thường xuyên học sinh sẽ quên mất và như thế dễ trở thành công cốc”.

Bạn cứ hình dung xem, ngay tiết đầu tiên bước vào lớp, giáo viên phải tập cho các em cách chào, cách giới thiệu về lớp, về hội đồng tự quản;

Giới thiệu về các ban và người phụ trách từng ban, cách để sách giáo khoa xuống góc học tập, lúc nào thì viết bài vào vở, khi nào xuống góc học tập lấy sách về phát cho nhóm; 

Rồi cách đọc mục tiêu bài học, cách chia sẻ mục tiêu trong nhóm, chia sẻ trước lớp ra sao, cách học nhóm thế nào (bao giờ cũng từ cá nhân - nhóm đôi - nhóm lớn). 

Muốn làm được điều này, phải cho các em nhớ kí hiệu học trong sách... cách báo cáo về hoạt động của nhóm, cách nêu nhận xét về mình, về bạn;

Cách kiểm tra hoạt động ứng dụng, cách báo cáo với cô và cả lớp, cách chia sẻ hoạt động cuối tiết như hôm nay bạn học được gì? Có điều gì thắc mắc chưa hiểu? Cách chia sẻ với cả lớp…

Những điều này, giờ nào cũng phải tập. Chỉ cần giáo viên lơ là hay bỏ qua, học sinh sẽ chẳng thể làm được các thao tác “hội họp” như trên. 

Nhưng một tiết học 35-40 phút, một lớp học có khoảng 6-7 nhóm như thế nên thầy cô chưa kịp dạy kiến thức bài học thì trống đã đánh hết giờ.

Với giáo viên khối 3 trở lên lại không vất vả về những chuyện này.

Theo chia sẻ của một số thầy cô, vì các em học cả năm lớp 2 nên chúng thành những “con vẹt” hết cả. 

Không lo tập tành việc giới thiệu, báo cáo, lại lo dạy thế nào để chúng hiểu bài chứ cứ đi theo VNEN thì lấy kiến thức nào để trò đi thi?

Một giáo viên trẻ lớp 2 đã than với người viết thế này:

“Chị ơi! Em mệt mỏi quá rồi. Hôm qua lớp em có 7 tiết học nhưng em chưa dạy được tí kiến thức nào.

Chỉ mới ổn định, hướng dẫn cho các em một số thủ tục giới thiệu và báo cáo đầu tiên thì đã hết giờ. Dạy kiểu này chắc em tiêu mất”. 

VNEN qua góc nhìn tương phản từ hai vị Giám đốc Sở ảnh 4

Ai "thấu cảm" với học trò, phụ huynh ở lớp VNEN?

Đồng nghiệp nói chẳng sai, vì chính tôi cũng đang muốn “tẩu hỏa nhập ma”.

Mặc dù bản thân có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, chính tôi cũng đang phải "vắt chân lên cổ” mà cũng chẳng kịp cho các em làm bài đã hết cả buổi học. 

Những lúc thế này, chỉ còn biết nhờ đến tinh thần AQ để động viên đồng nghiệp, cũng là động viên chính mình:

“Đừng nản, người ta dạy được mình cũng sẽ dạy được, không sao đâu em ạ”. 

Nhưng vấn đề “dạy được” là dạy như thế nào? mới là câu chuyện đáng phải bàn tới.

Sáng "dạy diễn" VNEN chiều "dạy đuổi" truyền thống

“Bí quyết” này đã trở nên quen thuộc với tất cả giáo viên giảng dạy ở ngôi trường VNEN, giống như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lĩnh về sự hồ hởi của các đồng nghiệp Thái Bình khi biết tin tỉnh dừng nhân rộng mô hình này.

Bởi nếu không dạy như thế “học sinh sẽ chẳng biết gì” nhiều thầy cô đã khẳng định như vậy.

Vậy vì sao sáng phải dạy VNEN nhưng chiều dạy lại theo mô hình truyền thống?

Đơn giản là bởi dạy VNEN chỉ phục vụ cho việc dự giờ. 

Một năm, một lớp học phải dự giờ đến vài chục lần từ cấp tổ, cấp trường, liên trường, cấp phòng, đôi khi cấp sở và có thể đón đoàn thanh tra, tham quan, trao đổi việc dạy học của cấp bộ…

Nếu không chuẩn bị kĩ để đón các tiết dự giờ VNEN thì hậu quả xảy ra với chính giáo viên ấy là vô cùng lớn. 

Ngoài những hình phạt như chuyển trường, hạ thi đua thì “nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Điều này mới là hình phạt kinh khủng nhất. 

Họ sẽ được các lãnh đạo nêu tên trên bất cứ cuộc họp chuyên môn nào của ngành tổ chức, trong những câu chuyện về dạy học ở các hội thi, các hội nghị tổng kết, các lớp học chính trị…

Vì những lẽ đó, thầy cô nào cũng phải ra công rèn rũa cho học sinh cách báo cáo sao cho trôi chảy, trơn tru;

Học trò phải biết cách điều khiển nhóm cho thành thạo, cách nhận xét bạn, cách nói về mình sao cho hay, cho hấp dẫn…để bất kì lúc nào có người dự giờ các em khỏi lúng túng.

Nói chung, các em học sinh VNEN đang bị biến thành những cố máy, học cách làm “chính trị” chứ không phải đi học.

Buổi chiều các thày cô lớp VNEN lại phải dạy lại học sinh theo mô hình hiện hành, hay còn gọi là mô hình truyền thống. Bởi vì phần lớn thời khóa biểu buổi chiều đều được xếp là các tiết bổ sung. 

Đây là cơ hội để giáo viên rèn đọc, rèn viết, rèn tư duy toán cho các em. 

Mục đích của những tiết dạy này là bổ sung kiến thức mà các em không được học hoặc không kịp học trong các tiết học VNEN. 

Mục tiêu cần đạt của những tiết như thế, giáo viên chỉ cần các em hiểu và làm bài tốt. 

Nhờ những tiết học thế này mà học sinh học các trường VNEN mới được như vậy.

Nếu cứ dạy hoàn toàn như mô hình VNEN yêu cầu, tất cả giáo viên chúng tôi đều dám chắc rằng học sinh sẽ học ngày càng yếu đi là điều không phải bàn cãi.

Bởi thế, nếu Ngân hàng Thế giới có công bố kết quả đánh giá VNEN như ai đó đang mong chờ, thì cũng không có gì khác “những tiết học VNEN” quý bạn đọc xem trên mạng internet.

WB cũng đã giới thiệu qua những bản tin và clip được cơ sở “đạo diễn” rất kỹ. [2]

Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới và Ban Quản lý Dự án VNEN đến thăm và làm việc tại Đồng Nai tham quan lớp học VNEN tại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ ngày 28/01/2013, ảnh: thhoangvanthu.com.
Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới và Ban Quản lý Dự án VNEN đến thăm và làm việc tại Đồng Nai tham quan lớp học VNEN tại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ ngày 28/01/2013, ảnh: thhoangvanthu.com.

Chúng tôi không có gì ngạc nhiên nếu các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tin tưởng những báo cáo này, bởi cái họ đang xem là một bộ phim hoàn hảo, một “kết thúc có hậu” của dự án.

Nhưng các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới sẽ không thể hiểu được, tại sao phụ huynh vật vã tìm trường chạy trốn VNEN

Một phụ huynh ở Hà Tĩnh đã thật sự bức xúc khi lên tiếng:

“Có những giờ học sinh tự học, có những bài học sinh tự học nhưng dạy một kiến thức mới thầy giáo không giảng, không hướng dẫn sao học sinh có thể học được?”  [1]

Báo Lao Động ngày 29/8 cho biết, một phụ huynh tại huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An thì nói: 
 
"Tôi có con học VNEN, thấy rất lo lắng về chất lượng. Nhiều phụ huynh cũng muốn bỏ chương trình này, nhưng không biết kiến nghị với ai". 
 
Vừa qua, tại cuộc hội ý phụ huynh toàn trường, phụ huynh trường Tiểu học Hưng Dũng 1 (TP Vinh) đã kiến nghị không tiếp tục dạy VNEN, trở lại chương trình truyền thống hiện hành.
 
Đã nhiều lần, phụ huynh trường này kiến nghị như trên, nhưng không ai giải quyết.
 
"Vừa rồi họp phụ huynh, cô giáo nêu vấn đề bỏ VNEN, phụ huynh ai cũng phấn khởi. Lớp con tôi có 50 học sinh, làm sao học nổi VNEN", phụ huynh này trăn trở. [3]
 
Báo Kon Tum Online ngày 28/8 đưa tin, một chị phụ huynh dù đã thăm hỏi những phụ huynh đi trước, trường nào học VNEN để mà tránh, trường học nào không học VNEN để xin học cho con.

Nhưng rồi cuối cùng mẹ con chị “chạy trời không khỏi nắng”.

Bởi trên địa bàn tỉnh này hiện có tới 44 trường tiểu học (trong đó có khá nhiều trường điểm ở khu vực nội thành phố) và 9 trường trung học cơ sở triển khai mô hình VNEN này. [4]

Trước những thực trạng ấy nhiều tỉnh đã lên tiếng dừng mô hình VNEN. Cụ thể tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu đã ngưng triển khai mô hình VNEN bậc THCS từ năm 2015-2016. 

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này ngừng nhân rộng VNEN từ năm học 2017-2018.

Càng "diễn" VNEN giáo viên càng khổ, học sinh càng thiệt, và các nhà dự án càng có chỗ dựa 

VNEN qua góc nhìn tương phản từ hai vị Giám đốc Sở ảnh 6

Tại sao mô hình Trường học mới thành công tại Colombia?

Báo Đồng Nai ngày 27/8 dẫn lời ông Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Ngọc Thạch nói rằng:

"Tôi khẳng định Đồng Nai vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động dạy và học theo mô hình thí điểm VNEN."

Trong khi đó thầy Đạt Nguyễn, một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai mới nghỉ hưu vừa lên tiếng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, phê phán thói đổ lỗi cho giáo viên từ các nhà quản lý. 

Ông chính là một trong 20 thành viên đi Philippines cùng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển năm 2009 và chứng kiến việc "nhập khẩu" mô hình Trường học mới Colombia (EN) về Việt Nam (thành VNEN).

Cũng chính thầy Đạt đã phải lên tiếng vì những bất cập của VNEN càng ngày càng không thể khắc phục. Nhưng dường như những người đi sau ông không nghĩ thế.

Ông Võ Ngọc Thạch nói với Báo Đồng Nai:

"Khi đi dự tiết học tại các lớp VNEN, tôi thấy phần lớn học sinh có khả năng tự thiết kế giờ học. 

Nhiều em đã có thói quen chuẩn bị bài trước giờ lên lớp, đồng thời thể hiện tìm tòi, thảo luận với các bạn để tìm ra những câu trả lời, đáp án đúng cho bài học. 

Bên cạnh đó, khả năng tự quản của học sinh rất cao.

Đặc biệt, những em học yếu đều được từ bạn bè và thầy cô quan tâm, giúp đỡ chứ không phải bị “bỏ rơi” như lo lắng của một số phụ huynh phản ảnh." [5]

Phải chăng ông Thạch xem quá nhiều "vở diễn VNEN", đến mức ông tin nó là thật? Hay cũng có thể chính vị này đang "diễn"?

Xác minh điều này không khó khăn gì.

Chỉ cần chính quyền tỉnh Đồng Nai cứ giao cho một cán bộ công tâm không nằm trong ngành giáo dục làm trưởng đoàn khảo sát khách quan như Hà Tĩnh đã làm, là mọi thứ sáng tỏ ngay thôi.

Qua một cuộc khảo sát của Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hà Tĩnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh này đã có quyết định sáng suốt: 

Dừng hẳn mô hình VNEN ở cấp trung học cơ sở, ở cấp tiểu học thì lấy ý kiến phụ huynh, và đến thời điểm này 100% trường tiểu học ở Hà Tĩnh không còn tiếp tục VNEN trong năm học mới, vì phụ huynh phản đối.

Ấy thế nhưng “người trong cuộc” là ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh lại không thấy được những gì Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh này đã thấy.

(Ông Trần Trung Dũng đồng thời cũng từng là Giám đốc Dự án GPE VNEN ở cấp sở nếu thực hiện đúng theo tinh thần Công văn số 7366/BGDĐT-GDTH ngày 2/11/2012 về việc hướng dẫn một số hoạt động triển khai Dự án GPE-VNEN do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký).

Ngày 25/8 Báo điện tử Infonet dẫn lời ông Trần Trung Dũng nói rằng:

"Đây là một mô hình tốt, tuy nhiên trong quá trình triển khai một số cơ sở quá máy móc, rập khuôn thì sẽ có những cái không thật phù hợp."

Vị này khẳng định, bỏ VNEN chẳng để lại hậu quả hay hệ lụy gì cả.

Có 3 "hạn chế" trong việc triển khai VNEN, theo vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh: 

Một là, cơ sở vật chất một số  trường chưa đáp ứng được điều kiện (?!); Hai là đội ngũ giáo viên một số trường chưa được đào tạo đến nơi đến chốn;

Ba là chưa làm tốt công tác tuyên truyền. [6]

Phát biểu của ông Dũng đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của giáo viên Hà Tĩnh.

Một nhà giáo tỉnh này đã có bài bác bỏ các quan điểm mà người đồng nghiệp chưa biết mặt này cho là sự "phủi tay", "vô trách nhiệm" của người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh mình một cách thuyết phục, đầy đủ lý lẽ và bằng chứng. [7]

Viết đến đây thiết nghĩ cũng đã quá dài dòng, xin tạm gác máy tại đây để khỏi làm phiền thêm quý bạn đọc.

Chúng tôi cũng cần phải quay về với VNEN để chuẩn bị cho những ngày dài sắp tới, sáng "dạy diễn" VNEN, chiều "dạy đuổi" truyền thống.

Sắp bước vào năm học mới, nhiều bậc phụ huynh vẫn rất lo lắng về việc con em mình có tiếp tục phải học theo mô hình VNEN nữa hay không, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn chỉ đạo các địa phương "triển khai trên tinh thần tự nguyện".

Để giúp quý phụ huynh, quý thầy cô cất lên tiếng nói của mình về mô hình VNEN, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng kính mời quý phụ huynh, quý thầy cô viết bài cộng tác độc quyền với Tòa soạn, thể hiện những gì mắt thấy, tai nghe, cũng như những suy nghĩ, đánh giá về VNEN.

Đặc biệt là việc các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương đã thực hiện chỉ đạo "triển khai VNEN trên tinh thần tự nguyện" của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào, các thày cô giáo và quý phụ huynh có được nhà trường và địa phương hỏi ý kiến, lấy biểu quyết một cách công khai, dân chủ?

Thông tin và bài viết xin gửi về địa chỉ:

doanphuc@giaoduc.net.vn

Quý thầy cô, quý phụ huynh vui lòng gửi kèm thông tin cá nhân (họ tên, đơn vị công tác, số điện thoại, ATM) để Tòa soạn tiện liên hệ và chi trả nhuận bút nếu bài được đăng.

Thông tin của quý vị được chúng tôi cam kết bảo mật theo đúng quy định của luật pháp.

Trên tinh thần khách quan và đa chiều, chúng tôi cũng tha thiết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục Tiểu học, các chuyên gia và cựu quản lý Dự án VNEN hãy lên tiếng trao đổi các vấn đề, trả lời các thắc mắc bạn đọc và dư luận đặt ra trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về VNEN.

Thiết nghĩ trên tinh thần trao đổi cởi mở, thiện chí, khách quan, VNEN tốt hay không, phù hợp hay không với nền giáo dục nước nhà, câu trả lời sẽ được tìm thấy qua quá trình đối thoại.

Đó sẽ là cách tuyên truyền hiệu quả nhất cho VNEN, nếu đây thực sự là một mô hình đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Trân trọng!

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vtv.vn/vtv8/ha-tinh-dung-mo-hinh-giao-duc-vnen-vi-nhieu-bat-cap-20170828095544417.htm

[2]http://www.worldbank.org/vi/news/feature/2012/10/10/vietnam-escuela-nueva-a-new-and-exciting-way-of-learning

[3]https://laodong.vn/ban-doc/phu-huynh-vat-va-xin-cho-con-bo-chuong-trinh-thu-nghiem-vnen-551761.ldo

[4]http://baokontum.com.vn/tieu-diem/ban-khoan-vnen-5457.html

[5]http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201708/van-de-nguoi-dan-quan-tam-mo-hinh-truong-hoc-moi-giup-hoc-sinh-phat-trien-tot-cac-ky-nang-2838396/

[6]http://infonet.vn/giam-doc-so-gddt-ha-tinh-dung-vnen-khong-anh-huong-gi-ca-post235274.info

[7]http://infonet.vn/dung-vnen-so-gddt-ha-tinh-khong-the-phui-tay-nhe-nhang-nhu-vay-post235561.info

Thuận Phương