Vòng quay kì diệu của một Sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục

02/12/2018 06:00
Nhật Duy
(GDVN) - Có một điều kì diệu là nếu trơn tru thì mỗi năm đường đi của một cái Sáng kiến kinh nghiệm có thể lọt qua rất nhiều cửa ải ở nhiều phong trào thi đua khác nhau

LTS: Chia sẻ về hành trình kì diệu của những Sáng kiến kinh nghiệm cứ mặc nhiên tồn tại một cách bất biến trong ngành giáo dục từ năm này sang năm khác, nhà giáo Nhật Duy đã có bài viết gửi tới độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hàng chục năm qua, những đóng góp của các Sáng kiến kinh nghiệm cho ngành giáo dục như thế nào chắc mọi người đều biết bởi từ thực tế chứng kiến cũng như đã có hàng trăm bài báo phân tích khá tỉ mỉ ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Nhưng, có một điều kì diệu mà chúng tôi muốn nói thêm là nếu trơn tru thì mỗi năm, đường đi của một cái Sáng kiến kinh nghiệm có thể lọt qua rất nhiều cửa ải ở nhiều phong trào thi đua khác nhau mà ngành đang phát động.

Giáo viên tốn tiền in, nhà trường, phòng, sở giáo dục tốn tiền chấm, tiền phát giải, tiền khen danh hiệu thi đua…nhưng nó gần như chẳng mang lại có hiệu quả gì cho ngành.

Điều tréo ngoe nhất là đa phần các Hội thi của ngành giáo dục hiện nay đều gắn với Sáng kiến kinh nghiệm và việc thực hiện viết Sáng kiến kinh nghiệm mà đạt giải luôn được ưu tiên nhất khi xét thi đua cuối năm ở các nhà trường.

Vậy nên, nếu giáo viên nhiệt tình tham gia các Hội thi thì mỗi năm Sáng kiến kinh nghiệm đó liên tục được “tái bản” nhiều lần để nộp.

Hành trình kì diệu của một Sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục (Ảnh minh họa: thpt-phanthuctruc-nghean.edu.vn).
Hành trình kì diệu của một Sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục (Ảnh minh họa: thpt-phanthuctruc-nghean.edu.vn).

Nơi chúng tôi đang công tác vừa tổ chức xong Hội thi giáo viên giỏi cấp thành phố (huyện) và lại chuẩn bị bước vào Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Nhưng, trước khi 2 Hội thi này diễn ra thì nhà trường cũng đã tổ chức thi giáo viên giỏi cấp trường để giáo viên có đủ điều kiện tham gia thi giáo viên giỏi cấp thành phố.

Cả 3 Hội thi này đều yêu cầu giáo viên phải nộp Sáng kiến kinh nghiệm mới đủ điều kiện để tham gia Hội thi.

Vì thế, trong 1 năm học, nếu giáo viên tham gia đầy đủ các Hội thi giáo viên giỏi thì phải nộp đến 3 lần Sáng kiến kinh nghiệm cho 3 lần thi.

Tất nhiên, các cấp lãnh đạo phải tổ chức 3 lần chấm, giáo viên phải in 3 lần để nộp cho Ban tổ chức Hội thi.

Và, nếu như sang năm, Sở giáo dục tổ chức thi giáo viên giỏi cấp tỉnh thì những sáng kiến kinh nghiệm này nghiễm nhiên lại được in thêm một lần nữa để tham dự Hội thi.

Song hành với Hội thi giáo viên giỏi là thi viết Sáng kiến kinh nghiệm năm nào cũng được phát động.

Tất nhiên, vẫn là Sáng kiến đã nộp trong Hội thi giáo viên giỏi của các cấp lại được nộp sang bên thi Sáng kiến kinh nghiệm.

Vòng quay kì diệu của một Sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục ảnh 2Thông tư còn đó, địa phương nào dám bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm?

Nếu “ngọt ngào” thì Sáng kiến kinh nghiệm này lại bon bon chạy từ cấp trường lên đến cấp sở.

Mỗi lần vượt qua một “cửa ải” là mỗi lần giáo viên lại in và nộp thêm 2 cuốn nữa, cứ thế những sáng kiến liên tục được in đi, in lại trong một năm học.

Dĩ nhiên lại thêm những lần chấm những lần phát thưởng (nếu đạt giải) và cũng là một thành tích để giáo viên đó có thêm cơ hội để xét những danh hiệu thi đua cao hơn.

Phải nói rằng, việc chấm viết Sáng kiến kinh nghiệm hiện nay của ngành giáo dục không thể nào kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng của từng đề tài.

Những Sáng kiến kinh nghiệm có thể được tải từ mạng Internet rồi về “xào xáo”, đảo ngược, đảo xuôi thành sản phẩm cho riêng mình hoặc cũng có thể xin xỏ, hoán đổi cho nhau giữa các địa phương.

Thực tế, việc này xảy ra thường xuyên và được một số giáo viên thực hiện một cách nhuần nhuyễn. Bởi, nhiều giáo viên dạy cùng môn, cùng cấp học với nhau nhưng là anh em, bạn bè của nhau hiện đang công tác ở hai tỉnh, huyện khác nhau thì người ta xin của nhau để nộp nhằm lấy thành tích cho mình.

Vì thế, việc tải trên mạng thì người chấm còn có thể phát hiện được, có cơ sở để không công nhận giải cho những đề tài bị phát hiện sai phạm, không trung thực.

Nhưng, nếu giáo viên xin của nhau thì người chấm rất khó phát hiện ra và đương nhiên những đề tài này sẽ “lừa” được nhiều người, nhiều cấp khác nhau.

Trong năm vừa qua, khi thấy bất cập của Nghị định 56, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88 sửa đổi, không bắt buộc giáo viên cũng như các công - viên chức khác phải thực hiện viết Sáng kiến kinh nghiệm nữa.

Vòng quay kì diệu của một Sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục ảnh 3Các thầy cô chú ý, bắt đầu đua...Sáng kiến kinh nghiệm

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ở ngành giáo dục thì các quy định của Bộ hiện nay lại yêu cầu phải có Sáng kiến kinh nghiệm trong các Hội thi giáo viên giỏi, Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Chính vì vậy, mỗi phong trào phát động thì các nhà trường bắt buộc phải cử giáo viên tham dự.

Và, cùng với phong trào phát động viết sáng kiến kinh nghiệm các Hội thi giáo viên giỏi các cấp thì trong trường mỗi năm cũng phải có ít nhất 2/3 giáo viên tham gia viết Sáng kiến kinh nghiệm để nộp lên trên.

Nếu những Sáng kiến kinh nghiệm có hiệu quả cho việc quản lý, giảng dạy ở nhà trường, cho ngành thì chuyện tốn kém của giáo viên và ngân sách nhà nước cũng là điều hợp lý.

Đằng này, đa phần những Sáng kiến kinh nghiệm hiện nay gần như chẳng mang lại hiệu quả gì và cũng chẳng có mấy ai áp dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bởi, đa phần là xin, là chép, là tự sáng tác để đánh lừa thị giác của người chấm.

Nhưng, việc chi tiền để in Sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên là thật, việc ngân sách phải chi trả tiền chấm cho giám khảo là thật và chi tiền cho khen thưởng hàng năm cũng là thật…

Và, hành trình kì diệu của những Sáng kiến kinh nghiệm cứ mặc nhiên tồn tại một cách bất biến trong ngành giáo dục từ năm này sang năm khác…!

Nhật Duy