Xem Vụ trưởng Thành hướng dẫn soạn giáo án mẫu 5512, tôi thấy quá tải thực sự

06/10/2021 13:43
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong video trao đổi kế hoạch bài dạy (giáo án) bồi dưỡng module 4, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành vẫn bảo lưu quan điểm về mẫu giáo án theo Công văn 5512.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết bài dạy không phải thiết kế theo từng tiết mà giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, chủ đề của chương trình môn học, thời lượng thực hiện không phải 45 phút như các bài trong sách giáo khoa hiện nay. [1]

Giáo viên vẫn phải soạn giáo án mẫu 5512 - phụ lục IV

Trong video trao đổi về kế hoạch bài dạy (giáo án) bồi dưỡng module 4, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành thuyết minh các bước cần có khi soạn giáo án theo Công văn 5512.

Theo đó, phần “mục tiêu” giáo viên phải nêu cụ thể các yêu cầu về “kiến thức”; “năng lực”; “phẩm chất”. Tương tự, phần “thiết bị học liệu” giáo viên cũng được yêu cầu nêu cụ thể các thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng trong bài dạy để tổ chức cho học sinh hoạt động nhằm đạt được mục tiêu, yêu cầu của bài dạy.

Ảnh chụp màn hình phần chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành

Ảnh chụp màn hình phần chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành

Thầy Thành nêu ví dụ, “khi nêu thiết bị thí nghiệm thì phải nói rõ đó là bộ thí nghiệm nào, để thực hiện được những thí nghiệm cụ thể nào”.

Tiếp đến, phần “tiến trình dạy học”, giáo viên phải liệt kê 4 hoạt động. Mỗi hoạt động đều có các tiểu mục: “mục tiêu”; “nội dung”; “sản phẩm”; “tổ chức thực hiện”.

Mục “sản phẩm” (hoạt động 1), thầy Thành thuyết minh thêm: “Cái này (sản phẩm) giúp cho thầy cô khi thiết kế một hoạt động học là phải hình dung rõ học sinh phải làm như thế nào, phải thực hiện như thế nào và với việc thực hiện như thế thì học sinh sẽ phải làm ra được sản phẩm gì mà chúng ta phải nhìn được, phải đánh giá được”.

“Cho nên (học sinh) phải làm ra được cái gì, viết ra được cái gì, thậm chí phải nói được cái gì hoặc phải trình bày được cái gì thật là cụ thể”.

Mục “sản phẩm” (hoạt động 2), thầy Thành lưu ý: “Tôi xin nhấn mạnh khi soạn bài thầy cô phải viết cụ thể chứ không phải viết phương án hay nguyên lí, tức là sản phẩm rất cụ thể. Chẳng hạn kiến thức là kiến thức gì hay kết quả giải quyết vấn đề là kết quả như thế nào thì phải viết thẳng kết quả vào đây (giáo án); hoặc kết quả thực hiện nhiệm vụ ra làm sao, rất là cụ thể”.

Mục “sản phẩm” (hoạt động 4), thầy Thành nhấn mạnh: “Đối với phần sản phầm này rất mở bởi vì câu hỏi vận dụng thường giao cho học sinh, tự học sinh phải phát hiện ra vấn đề, tình huống để vận dụng kiến thức vào giải quyết, cho nên đáp án là đáp án mở chứ không giống nhau cho mọi học sinh”.

“Thầy cô phải phân biệt rất rõ giữa hoạt động luyện tập – giao cho học sinh các câu hỏi, bài tập, thí nghiệm thực hành, có thể là những bài khó, bài nâng cao nhưng vẫn ở mức độ luyện tập”.

“Đã là vận dụng thì phải giao cho học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, và như thế học sinh sẽ phát hiện những vấn đề khác nhau để giải quyết. Nhưng nếu là cùng một vấn đề thì mỗi học sinh cũng sẽ có cách thức giải quyết vấn đề khác nhau”.

Như thế, cơ bản kế hoạch bài dạy (giáo án) bồi dưỡng module 4 cũng giống với Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường ban hành ngày 18/12/2020.

Thầy Thành chỉ nhấn mạnh thêm những lưu ý ở mục “sản phẩm” nhằm bảo lưu quan điểm được cho là sẽ giúp học sinh phát huy phẩm chất, năng lực khi học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

4 phụ lục đều gây quá tải cho tổ trưởng chuyên môn

Trên diễn đàn của Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả Nhật Khoa đã thẳng thắn nhìn nhận, không chỉ có kế hoạch giảng dạy (giáo án) ở phụ lục IV Công văn 5512 khuôn mẫu, những phụ lục III (kế hoạch của giáo viên), phụ lục II (kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn), phụ lục I (Kế hoạch dạy học của tổ) cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian, giấy mực và còn dài hơn, do sẽ thực hiện cho cả tổ mà mỗi tổ lại có thể có nhiều môn ghép. [2]

Riêng cá nhân tôi nhận thấy, Phụ lục II (kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn) Công văn 5512 còn quy định rất “hình thức” về mẫu mã.

Cụ thể, Phụ lục II yêu cầu tổ chuyên môn liệt kê đến 8 nội dung như sau:

(1) Chủ đề: Tên chủ đề tham quan, cắm trại, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.

(2) Yêu cầu cần đạt: Yêu cầu (mức độ) cần đạt của hoạt động giáo dục đối với các đối tượng tham gia.

(3) Số tiết: Số tiết được sử dụng để thực hiện hoạt động.

(4) Thời điểm: Thời điểm thực hiện hoạt động (tuần/tháng/năm).

(5) Địa điểm: Địa điểm tổ chức hoạt động (phòng thí nghiệm, thực hành, phòng đa năng, sân chơi, bãi tập, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại di sản, tại thực địa...).

(6) Chủ trì: Đơn vị, cá nhân chủ trì tổ chức hoạt động.

(7) Phối hợp: Đơn vị, cá nhân phối hợp tổ chức hoạt động.

(8) Điều kiện thực hiện: Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, học liệu… [3]

Trong khi đó, Khoản 5 Điều 8 Quy định ban hành kèm Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định: Tổ trưởng bộ môn được giảm 03 tiết/tuần. [4]

Tuy nhiên, để hoàn thành các phụ lục theo quy định của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì tổ trưởng chuyên môn phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức - chứ không phải chỉ 3 tiết/tuần khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Qua bài viết, kính mong Bộ Giáo dục hãy cầu thị lắng nghe tiếng nói của giáo viên để có hướng điều chỉnh, thay đổi sao cho các phụ lục của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH phù hợp, thiết thực hơn với hoạt động chuyên môn ở các nhà trường phổ thông.

Tài liệu tham khảo:

[1]//www.youtube.com/watch?app=desktop&v=o31yL4unszo&fbclid=IwAR1szWf6QlyKPWTXLSdlY-j55eFN9cEfE_RHws3RpD_HOZXLmtc9RqltyHE

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-soan-giao-an-5512-kho-mot-to-truong-chuyen-mon-kho-muoi-post218457.gd

[3] //luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-5512-bgddt-gdtrh-2020-to-chuc-thuc-hien-ke-hoach-giao-duc-cua-nha-truong-204324-d6.html

[4] //luatvietnam.vn/can-bo-con-chuc/quy-dinh-ve-to-truong-to-chuyen-mon-230-28455-article.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên