Ý niệm lịch sử và tình yêu dân tộc

01/09/2012 16:44
Độc giả Trần Đình Tuấn
(GDVN) - Không thể dạy một người biết yêu văn hóa, truyền thống dân tộc, biết quảng bá và phát huy những nét đẹp xa xưa, nếu như anh ta không có ý niệm hay kiến thức về lịch sử.
LTS: Hiện nay, nhiều chuyên gia, giáo viên dạy sử đang bàn tới vấn đề đưa các thông tin chủ quyền biển đảo, nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào môn lịch sử phổ thông. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng nhận được khá nhiều chia sẻ xung quanh vấn đề này. Chúng tôi xin đăng tải tâm sự của độc giả Trần Đình Tuấn, cựu học sinh lớp chuyên văn Trường THPT Phan Bội Châu, hiện đang là du học sinh ngành Quan hệ quốc tế, Budapest - Cộng hòa Hungary.
Ở các nước trên thế giới, môn lịch sử rất được coi trọng
Ở các nước trên thế giới, môn lịch sử rất được coi trọng
Đam mê sử giúp tôi học tốt văn và toán

Tôi học lớp chuyên văn, cái duyên học văn theo tôi suốt 3 năm học thời phổ thông. Nhưng tôi còn có một niềm đam mê đối với môn sử. Những kiến thức học được từ lịch sử sẽ còn theo tôi suốt những chặng đường tôi đi.

Với tôi, mỗi môn học đều có những đặc thù riêng của nó. Và môn sử cũng vậy. Theo tôi, môn sử không đơn thuần chỉ vận dụng trí nhớ mà cần có sự tư duy thực sự, đòi hỏi một phương pháp học đúng đắn. Không thể học giỏi sử nếu không có niềm đam mê với nó, không thể có những học trò thành công với môn sử nếu bên cạnh không có những người thầy tâm huyết truyền đạt tất cả kinh nghiệm và kiến thức, cũng như nhiệt huyết say mê…

Nếu ở môn ngữ văn, người học cần nắm vững tác phẩm, các chi tiết, nhân vật, hoặc từng câu, từng chữ nếu muốn vận dụng làm dẫn chứng thì với lịch sử, người học không đơn thuần chỉ học thuộc lòng như một cái máy sao chép, mà cần một sự thấu hiểu thực sự vấn đề, biết tổng hợp, phân tích và đánh giá, biết cách xâu chuỗi các sự kiện trong một tổng thể cũng như nhìn nhận mối tương quan giữa những tình tiết đã được ghi nhận.
Không phải là một học sinh chuyên sử, nhưng tôi vẫn coi môn sử là một niềm vui lớn của mình. Tôi tìm thấy niềm vui khi học sử. Từng sự kiện, diễn biến lịch sử được tôi ghi nhớ không mấy khó khăn. Và cho đến tận bây giờ, mặc dù môn sử không phải là môn chuyên ngành khi tôi theo học tại Cộng hòa Hungary nhưng tôi vẫn rất yêu và đam mê môn học này.
Tôi biết ơn môn sử bởi môn sử cho tôi nhiều dẫn chứng để vận dụng trong những bài nghị luận xã hội của môn văn. Nhờ những nguồn dữ liệu đã được lịch sử mổ xẻ, bóc tách ấy mà vấn đề và luận chứng trong bài văn của tôi trở nên thuyết phục và đáng tin cậy hơn.

Con số của toán học, và con số ngày tháng trong dữ kiện của lịch sử, mới thoáng qua tưởng như chẳng có liên quan gì tới nhau, nhưng với tôi nó có sự liên kết về phương pháp tư duy. Bởi nếu trong bài làm lịch sử, việc sai sót ngày tháng sẽ khiến bài viết không còn giá trị thì trong môn toán cũng vậy, “sai một li đi một dặm”. Môn lịch sử luôn nhắc tôi cẩn trọng với từng con số khi làm toán…
Lịch sử là khởi nguyên của lòng yêu nước

Khi nhắc đến môn lịch sử, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới hàng loạt các dữ kiện, năm tháng, nhân vật… rất khó có thể nhớ hết. Nhưng thực ra môn lịch sử sẽ không quá khó nếu biết cách học và ghi nhớ. Ví dụ, để nắm chính xác hàng tá các sự kiện, cần sắp xếp chúng theo một trật tự logic và thường theo nhóm sự kiện, hoặc gán chúng với các sự kiện quen thuộc khác.

Làm bài thi lịch sử không phải là việc “chép ra những gì đã học” mà thực sự là cả một quá trình tư duy. Ai cũng có thể nhớ một sự kiện lịch sử, nhưng cái để người này hơn người khác đó là biết cách đánh giá sự kiện đó về mặt hoàn cảnh, không gian, bối cảnh tác động, kết quả và bài học. Một bài làm tốt là bài làm đủ lượng và đủ độ tin cậy về mặt thông tin. Sự kiện lịch sử có thể chỉ vài ba dòng, nhưng phân tích cặn kẽ có thể lên tới hàng chục trang, vậy nên yếu tố lượng bên cạnh yếu tố chất cũng là một điểm đáng bàn đến và lưu ý khi làm bài thi môn lịch sử.

 Học tập, sinh sống trên nước bạn, có rất nhiều điều mới lạ. Tôi ngạc nhiên nhận ra, ở xứ sở của họ, môn sử được chú trọng giảng dạy và người học tiếp cận một cách rất nghiêm túc. Lịch sử là môn học mà người ta thực sự cho rằng là khởi nguyên cho lòng yêu nước ấp ủ và giúp cho ý thức công dân được trưởng thành một cách tự nhiên, tự giác và đầy đủ. Không thể dạy một người biết yêu văn hóa, truyền thống dân tộc, biết quảng bá và phát huy những nét đẹp xa xưa, nếu như anh ta không có ý niệm hay kiến thức về lịch sử. Thật là thiếu sót nếu cứ nhìn vào sự phát triển kinh tế, những lên xuống của tỉ giá hay chứng khoán, mà thiếu đi những bài học bổ ích từ lịch sử. Nói như Nhà chính trị cổ đại Hy Lạp Xi-xê-rông thì lịch sử là “người thầy dạy của cuộc sống”.

Khái niệm “môn chính”, “môn phụ” ở những quốc gia có trình độ giáo dục phát triển cao và tiên tiến là không có. Họ cho rằng tất cả các môn học, hay nghề nghiệp, đều tạo ra giá trị riêng, giữa chúng không có sự phân biệt và so sánh, tất cả đều đáng được tôn trọng. Tôi nghĩ rằng đây là một tư tưởng tiến bộ mà chúng ta cần học hỏi. Nếu sự phát triển là một cỗ xe ngựa, kinh tế là sức kéo, thì lịch sử cũng như các giá trị văn hóa được bảo tồn, trở thành trục bánh xe điều hướng và vận động, để sự phát triển không đi lệch đường hay biến chất…

Dẫu rằng văn hóa phương Tây và phương Đông có sự khác biệt, nhưng tư duy về vai trò của lịch sử trong nghiên cứu và thực tiễn, là điều luôn đáng được ghi nhận, dù ở bất cứ nơi đâu.

Sẽ có lúc, người ta nhận ra và trả lại cho lịch sử giá trị thực sự và chỗ đứng mà nó vốn có. Những nhà giáo dục tâm huyết cũng tin như vậy ở một tương lai không xa, tại những nước đang phát triển.
Độc giả Trần Đình Tuấn