Giáo dục, góc nhìn qua lăng kính “đột phá” (phần cuối)

16/09/2020 06:45
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiệm vụ của giáo dục tựu trung lại là đào tạo nhân tài và nhân lực theo yêu cầu của xã hội, nói cách khác, giáo dục làm nhiệm vụ trồng cây tạo nên rừng.

(Tiếp theo phần 1phần 2)

Tiếp theo xin nói về “cây”

Có cây thì mới có rừng, không có cây thì hoặc là đồi trọc hoặc là hoang mạc.

“Rừng” là thể chế, là nhà nước, “cây” là các bộ phận cấu thành.

Với giáo dục, “cây vô hình” là truyền thống giáo dục, là quan điểm của người Việt với giáo dục, là mối quan hệ hữu cơ giữa giáo dục với kinh tế, văn hóa, đạo đức xã hội…

“Cây hữu hình” là người/cơ quan quản lý, là nhà giáo và học sinh, sinh viên…

Không thể có đột phá trong giáo dục nếu tách riêng về “rừng” với “cây”.

Nhiệm vụ của giáo dục tựu trung lại là đào tạo nhân tài và nhân lực theo yêu cầu của xã hội, nói cách khác, giáo dục làm nhiệm vụ trồng cây tạo nên rừng.

“Cây” ở đây là nhân tài và nhân lực.

Đào tạo nhân tài nhằm cung cấp cho đất nước hai nhóm người, nhóm hoạt động trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa,… và nhóm hoạt động trong lĩnh vực quản lý.

Đào tạo nhân lực cũng nhằm cung cấp cho đất nước hai nhóm người, nhóm nhân lực có tay nghề (trình độ) cao và nhóm nhân lực phổ thông.

Có cây thì mới có rừng, không có cây thì hoặc là đồi trọc hoặc là hoang mạc. (Ảnh minh họa: Tcnn.vn)

Có cây thì mới có rừng, không có cây thì hoặc là đồi trọc hoặc là hoang mạc. (Ảnh minh họa: Tcnn.vn)

Đánh giá về nhóm “nhân tài khoa học”, chắc chắn không phải là cực đoan khi quá nhiều ý kiến cho rằng chất lượng của bộ phận đông đảo giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam hiện tại chưa đạt yêu cầu.

Năm 2018, báo Cand.com.vn viết: “Nghịch lý giáo sư, tiến sỹ nhiều nhưng ít công trình công bố quốc tế”. [9]

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn ý kiến Giáo sư Trần Văn Nhung – Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước: “Cả nước hiện đang có khoảng 1.600 giáo sư, 10.000 phó giáo sư (có tính cả những vị đã mất hoặc về hưu). Số lượng giáo sư và phó giáo sư còn nghiên cứu, chính vì thế chỉ chiếm khoảng 1/5. Trong số 1.600 giáo sư chỉ có khoảng 200-300 giáo sư còn đang làm việc, còn nghiên cứu”. [10]

Với đội ngũ tiến sĩ, báo Tienphong.vn trong bài: “Chất lượng tiến sĩ cũng năm, bảy đường” viết: “Sau vụ việc “lò ấp” tiến sĩ bị phát hiện, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư mới nhằm siết chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, trong khi các ngành kỹ thuật, kinh tế chất lượng đào tạo đã có nhiều thay đổi thì khối ngành khoa học xã hội vẫn giậm chân tại chỗ”. [11]

Có một điều khá thú vị, ngày 14/09/2020 vô tình truy cập vào Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, thấy thông tin về một vị lãnh đạo ghi ông có học vị “Phó tiến sĩ…”

Ảnh chụp màn hình thông tin tiểu sử lãnh đạo

Ảnh chụp màn hình thông tin tiểu sử lãnh đạo

Liệu có khả năng bộ phận quản trị Cổng thông tin này không biết hệ thống văn bằng quốc gia của Việt Nam hiện tại không có học vị “phó tiến sĩ” hay nơi đây không có cán bộ chuyên trách đủ khả năng cập nhật lại dữ liệu?

Người viết từng trò chuyện với một số “Tiến sĩ” được đào tạo ở châu Âu từ những năm 80 thế kỷ trước, một số người vẫn muốn ghi học vị là “Phó tiến sĩ”, lý do là … để phân biệt với các “Tiến sĩ” được đào tạo gần đây!

Đấy là vài nét chấm phá về nhân tài làm việc trong lĩnh vực khoa học.

Trong lĩnh vực quản lý, có thời khi giới thiệu một quan chức, bên cạnh chức vụ luôn kèm theo học hàm, học vị, tình trạng ấy ngày nay đã không còn.

Không khó nhận thấy dấu ấn của bốn vị “tiến sĩ” đứng đầu bộ, ngành trong những dự án nghìn tỷ bị “đắp chiếu” có nguy cơ biến thành sắt vụn, phạm tội nhận hối lộ bị truy tố trước pháp luật là Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng,...

Ngày 14/09/2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020”, ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là:

“Còn có biểu hiện nhóm lợi ích móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn bảo kê, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra”. [12]

“Người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước” là ai nếu không phải là những người có đầy đủ các loại bằng cấp, chứng chỉ, được xem là tài giỏi hơn người khác khi tổ chức lựa chọn đưa vào quy hoạch?

Loại “cây” khác là đội ngũ nhà giáo xin không bàn thêm bởi đã có hàng nghìn bài báo được xuất bản trên các phương tiện truyền thông, được đề cập trong các nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật và hội nghị, hội thảo,…

Hai loại “cây” còn lại là cán bộ quản lý giáo dục và người học.

Từng có ý kiến cho rằng đổi mới toàn diện, triệt để giáo dục và đào tạo phải bắt đầu từ cơ quan quản lý cao nhất ngành giáo dục.

Nhiều doanh nghiệp muốn làm ăn phát đạt thường phải thuê chuyên gia kỹ thuật nước ngoài chỉ đạo sản xuất hoặc làm quản lý.

Đội ngũ quản lý giáo dục Việt Nam từ cấp trường đến huyện, trung ương tìm mãi vẫn không thấy bóng dáng chuyên gia nước ngoài.

Có phải trình độ của cán bộ quản lý giáo dục nước nhà không thua kém thế giới nên không cần thuê chuyên gia nước ngoài?

Thế thì vì sao lại tồn tại nghịch lý là các chuyến xuất ngoại học tập kinh nghiệm của lãnh đạo giáo dục (kể cả cấp phòng) lại khá rầm rộ và đã được khá nhiều tờ báo đề cập, chẳng hạn “Hàng chục nhà giáo “xuất ngoại” như…đi chợ! [13]

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đại bộ phận xuất thân từ nhà giáo, họ được đào tạo thêm về quản lý nhà nước, trình độ chuyên viên tại các trung tâm/trường chính trị nhưng rất ít người theo hình thức chính quy tập trung.

Vụ gian lận điểm thi năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đến nay đã khép lại với một số bản án cho một số cán bộ địa phương song chưa thấy nói đến trách nhiệm chỉ đạo, quản lý của những cán bộ liên quan thuộc cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện dùng bằng cấp bất minh nhưng “Chi bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau vừa có Nghị quyết đề nghị lên đảng bộ cấp trên kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Phòng Giáo dục Đào tạo huyện này”. [14]

Vụ “làm ăn” của lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh với Nhà xuất bản Giáo dục về biên soạn sách giáo khoa mà báo chí tốn nhiều giấy mực chắc nhiều người vẫn nhớ.

Các vụ việc nêu trên liệu có phải chỉ là cá biệt?

Loại “cây” khác là người học, số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2019 đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được 3,79 điểm trên thang 10 điểm.

“Lực lượng lao động của Việt Nam có khoảng 55,16 triệu người, chiếm khoảng 59% dân số, song tỷ lệ lao động đã qua đào tạo bằng các hình thức chỉ đạt khoảng 50% tổng lực lượng lao động, gần 80% số người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa có văn bằng, chứng chỉ đào tạo”.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có tới 55,63% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ sơ cấp, phổ thông các cấp, 75% lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. [15]

Những số liệu trên đây được trích trong một bài báo đăng trên Baochinhphu.vn và do đó có thể tin rằng chúng là số liệu đáng tin cậy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ý kiến: “Giáo dục quyết định tương lai quốc gia, dân tộc”.

Vậy một nền giáo dục để cho “gần 80% số người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa có văn bằng, chứng chỉ đào tạo” sẽ đưa “tương lai quốc gia, dân tộc” đến đích nào?

Và không thể không đặt vấn đề ngược lại, vì sao “80% số người lao động từ 15 tuổi trở lên” lại không đi học để có “văn bằng, chứng chỉ đào tạo”? Họ không có điều kiện học tập hay chưa được tạo điều kiện học tập?

Và phải chăng “đột phá” trong giáo dục đào tạo không nằm ở nghị quyết cũng như việc ban hành các đạo luật mà phải là thay đổi tư duy trị quốc?

Tài liệu tham khảo:

[9] http://cand.com.vn/giao-duc/Nghich-ly-giao-su-tien-sy-nhieu-nhung-it-cong-trinh-cong-bo-quoc-te-480433/

[10] http://dangcongsan.vn/noi-hay-dung/thieu-giao-su-tien-si--499315.html

[11] https://www.tienphong.vn/giao-duc/chat-luong-tien-si-cung-nam-bay-duong-1479502.tpo

[12]https://tuoitre.vn/tong-thanh-tra-chinh-phu-tham-nhung-duoc-kiem-che-20200914132808685.htm

[13] http://congan.com.vn/doi-song/hang-chuc-nha-giao-xuat-ngoai-nhudi-cho_82433.html

[14] https://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/se-ra-sao-neu-truong-phong-giao-duc-cung-gian-lan-bang-cap-113664.html

[15] http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Pho-Thu-tuong-Phai-thay-doi-quan-niem-ve-giao-duc-thuong-xuyen/401805.vgp

Xuân Dương