Giáo sư Carl Thayer. |
The Straits Times ngày 12/7 đưa tin, trong ngày cuối của Đối thoại Chiến lược - kinh tế Trung - Mỹ thường niên tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã từ chối kêu gọi của Mỹ về việc phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.
Tiến sĩ Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho rằng Mỹ cần xuất hiện ngay bây giờ với chiến lược áp đặt cái giá phải trả nhằm ngăn cản Trung Quốc thực hiện chiến lược "ép buộc phù hợp" ở Biển Đông.
Ông nói, hành động của Trung Quốc cho đến nay được thiết kế thông qua thủ đoạn phi quân sự, trong khi Bắc Kinh đưa ra thông điệp với láng giềng: Muốn tìm kiếm quan hệ thương mại tốt hơn với Trung Quốc cần phải cung cấp cho Bắc Kinh quyền kiểm soát nhiều hơn đối với an ninh và tài nguyên trên Biển Đông.
Cronin cũng cho rằng tính ưu việt của Mỹ sẽ không bền vững và Washington phải làm nhiều hơn để đối phó với một Trung Quốc đang lên. Kêu gọi cứng rắn của các học giả Mỹ phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng sau Đối thoại Chiến lược - kinh tế Trung - Mỹ tại Bắc Kinh cho thấy 2 nước xem xét vấn đề Biển Đông như thế nào.
Các diễn giả tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 4 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược - quốc tế (CSIS) tổ chức chủ yếu đề nghị Mỹ cần thực hiện một chương trình tính toán lực lượng và biện pháp áp đặt cái giá Trung Quốc phải trả đối với bất kỳ hành động khiêu khích nào ở Biển Đông.
Giải pháp mà các học giả này kiến nghị bao gồm tăng cường các chuyến bay trinh sát của Mỹ có thể nhìn thấy trong các "khu vực tranh chấp" (có nhiều khu vực không hề có tranh chấp, Trung Quốc vẫn nhảy vào gây sự - PV), cung cấp thiết bị cho các đồng minh, tăng cường thăm viếng trao đổi quân sự trong khu vực, thúc đẩy các cuộc tập trận, diễn tập chung.
Thậm chí Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc là kẻ "háu ăn, gây hấn trơ trẽn" ở Biển Đông, nếu Mỹ tiếp tục không hành động sẽ mang lại "cái chết của hàng ngàn vết cắt".
"Chúng ta phải trực tiếp hơn, tích cực hơn, chúng ta phải trao quyền cho bạn bè và các đồng minh của mình trong khu vực để họ tham dự trực tiếp và tích cực hơn", ông nói. Rogers cũng cho rằng đến nay Mỹ đã tỏ ra quá "coi trọng" sự nhạy cảm của Trung Quốc mà trong trường hợp tương tự chưa bao giờ Mỹ bỏ qua với bất cứ quốc gia nào.
Cũng tại hội thảo Biển Đông lần này, Bắc Kinh đã bị các học giả quốc tế chỉ trích về sự miễn cưỡng không chịu đưa tranh chấp hàng hải ở Biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế.
Sau khi thảo luận sôi nổi, trong đó các chuyên gia pháp lý từ Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đưa ra quan điểm của mình, chuyên gia luật pháp Đông Á Jerome Cohen mỉa mai: Một quốc gia có thể nói yêu sách của tôi rất phù hợp với UNCLOS, tòa án không có thẩm quyền, mà tôi cũng không có nghĩa vụ phải nộp thuyết trình yêu sách của mình cho tòa án (Luật Biển Quốc tế)?
Cohen cho rằng, dù tòa án có cho rằng Trung Quốc đúng và họ không có thẩm quyền đi chăng nữa, nhưng Bắc Kinh cũng không nên đánh mất cơ hội làm những gì họ có nghĩa vụ phải làm.
Đại diện các viện nghiên cứu của Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng và cơ quan tình báo quốc gia tranh luận trong 1 giờ về những lựa chọn họ sẽ trình bày với Tổng thống Mỹ. Cuối cùng hành động được đề xuất là "ngoại giao yên tĩnh", Mỹ sẽ nói kín với Bắc Kinh rằng Washington đã có sự chuẩn bị dùng vũ lực để giúp đồng minh hiệp ước Philippines tiếp tế cho tàu của họ một khi họ bị Trung Quốc bao vây ở bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Kết quả như vậy đã khiến một số học giả tham dự hội thảo cảm thấy thất vọng vì nó có quá ít tác động đến Bắc Kinh. Tiến sĩ Carl Thayer, một giáo sư danh dự từ đại học New South Wales cho biết, mỗi khi thấy một tuyên bố chung Trung - Mỹ từ Bắc Kinh, hai bên nhấn mạnh tiếp xúc quân đội song phương là ông có cảm giác Trung Quốc đã móc ngoặc với Mỹ còn Mỹ thì sợ hãi việc phản ứng quá mạnh ở Biển Đông.