Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Học khôn ngoan để dẫn đầu

20/10/2020 06:09
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những học sinh có tính kỷ luật sẽ đạt kết quả tốt hơn những học sinh khác.

LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi đến độc giả bài viết số 108 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Đây là những điều Giáo sư thực sự tâm đắc trong cuốn sách "Học khôn ngoan để dẫn đầu" của tác giả Olav Schewe.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Olav Schewe là tác giả của cuốn sách vào loại bán chạy nhất thế giới, đã bán được hơn 26.000 bản ở Na Uy và đã được dịch ra 18 thứ tiếng.

Sau khi có bằng cử nhân ở Trường kinh tế Na Uy, anh tốt nghiệp Đại học Oxford ở Vương quốc Anh và Đại học Berkeley ở Hoa Kỳ. Anh từng được nhận nhiều học bổng với tổng trị giá 50 triệu USD, trong đó có học bổng danh giá Fulbright.

Tháng 6/2005 khi viết cuốn sách này tại Singapore, anh đã viết trong Lời nói đầu: Mục tiêu của tôi là tạo ra một cuốn sách dễ hiểu và dễ đọc mà có thể tóm gọn lại tất cả những tác dụng này.

Một cuốn sách chứa đựng những lời khuyên tốt nhất dành cho các bạn - những học sinh - để bạn sẽ học được những phương pháp mới mà có thể áp dụng ngay lập tức.

- 75% tri thức đến từ các nhân tố khác ngoài trí thông minh, bao gồm động lực, kiến thức có trước và chiến lược học tập (Sandra Scarr)

- Động lực và cách bạn học như thế nào đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kết quả học tập hơn là bạn thông minh như thế nào (Kou Murayama).

- Một số kỹ năng bạn cần để đạt được điểm cao cũng chính là những kỹ năng bạn có thể sử dụng để thành công trong những lĩnh vực khác của cuộc sống.

Bạn sẽ hưởng lợi nếu giỏi trong việc tiếp nhận kiến thức nhanh chóng, ưu tiên hợp lý, làm việc hiệu quả dưới áp lực và suy nghĩ gần như ở bất cứ nới nào - cả trong công việc hay trong cuộc sống cá nhân.

- Xác định những sự cải thiện tiềm năng và thời gian sẵn có cho việc học bằng cách tạo nên cái nhìn tổng quan mà có thể thể hiện được cách bạn tối ưu hóa 169 giờ trong một tuần:

* Tận dụng thời gian chết để hoàn thành những việc đơn giản.

* Ghi lại mọi cuộc hẹn và deadlines, và bắt đầu hình thành những thói quen; điều này sẽ tiết kiệm thời gian và giúp bạn có nhiều khả năng suy nghĩ hơn.

* Lên kế hoạch cho ngày của bạn và đặt ra một số mục tiêu cho mình trong ngày đó.

* Thời gian rảnh, tập thể dục và ngủ là rất quan trọng để làm việc năng suất, đặc biệt là đối với những công việc dài hạn. Hãy đảm bảo rằng bạn có đủ cả ba thứ trên.

- Để sử dụng thời gian bạn đặt ra cho học tập một cách hiệu quả nhất, điều quan trọng là bạn hãy tập trung làm những việc chính xác và quan trọng:

* Bẻ khóa: Cụ thể hơn là đọc những tài liệu được phát để hiểu được môn học này bao gồm những gì và điểm số được tính như thế nào. Hỏi giảng viên rằng bạn nên học như thế nào với môn này. Nếu có cơ hội, hãy trò chuyện với những sinh viên đã từng học môn này.

* Lập một kế hoạch dựa trên các thông tin này. Hãy làm những thứ quan trọng nhất trước tiên, sau đó làm phần còn lại.

Sử dụng các slides bài giảng như là cơ sở cho những gì cần phải biết, sử dụng sách như công cụ hỗ trợ.

Ưu tiên những bài luận và bài tập hàng tuần. Tập trung vào ghi nhớ và nghiên cứu những kỳ thi trước. Ưu tiên những môn học quan trọng hơn các môn học khác.

* Thường xuyên tự hỏi bản thân liệu cách học có hiệu quả và thích hợp hay không, tạo ra những thay đổi cần thiết.

- Bộ não của con người có một dung lượng lưu trữ gần như không giới hạn. Nhưng để nhớ lại những kiến thức được lưu giữ khi bạn cần nó, điều quan trọng là phải có phương pháp học tập hiệu quả.

Một người bình thường trong suốt cuộc đời mình sử dụng ít hơn1% dung lượng lưu trữ của não.

Hãy đọc sách giáo khoa, ghi chú, tham gia thảo luận nhóm để dọn dẹp đường dẫn trong trí nhớ.

Tỷ lệ ghi nhớ khi có sự tham gia thảo luận nhóm là 50%, khi có luyện tập là 75% và khi dạy lại người khác là 90%.

- Lý do lãng quên kiến thức có thể là do không nhắc lại, không sử dụng những gì đã học, những thứ không thích thường bị dồn nén vào tiềm thức.

Những kiến thức mới có thể bị nhầm lẫn với những điều đã biết (nhất là khi học 2 ngoại ngữ), nên tạo ra những gì để gợi ý nhớ lại một kiến thức nào đó.

- Học tập và ghi nhớ kiến thức được dựa trên một số nguyên tắc cơ bản sau đây:

* Tập trung (chú ý) là điều kiện tiên quyết. Cần tập trung vào một thứ duy nhất ở một thời điểm, không bật tivi khi đang học

* Sẽ không dễ dàng để nhớ những thứ không có ý nghĩa. Ví dụ nhớ được con số 07041776 sẽ khó hơn là ngày 7-4-1776.

* Sự quan tâm thúc đẩy việc học. Nếu bạn ước mơ thành bác sĩ thì việc học Sinh học và Hóa học là chìa khóa.

* Khi kiến thức mới liên kết với những gì đã biết từ trước thì sẽ dễ nhớ hơn. Ví dụ học từ passaporte của tiếng Tây Ban Nha bạn sẽ dễ nhớ khi từ tiếng Anh bạn đã biết là passport (hộ chiếu)

* Sẽ dễ dàng hơn để tìm hiểu thứ gì đó nếu bạn có thể tưởng tượng nó trong tâm trí. Ví dụ bị hỏi chữ gì đứng trước chữ X trong vần chữ cái. Nếu bạn nhớ lại vần chữ cái thì nhớ ra ngay TUVXYZ.

* Tổng quan và logic là sắp xếp một cách chủ động những gì bạn đọc. Ví dụ, nếu bạn muốn nhớ các bang của nước Mỹ thì hãy phân nhóm ra theo khu vực địa lý.

* Thuật lại: thuật lại cho nhau nghe sẽ vui hơn là đặt câu hỏi cho chính mình. Giáo viên biết quá nhiều thứ là do họ đã lặp lại nhiều lần trong quá trình giảng dạy.

- Để tự học có hiệu quả cần nhớ:

* Sự tập trung là điều kiện cần thiết để tự học có hiệu quả.

* Hãy học khi bạn cảm thấy đầy năng lượng nhất (thời gian nào trong ngày, học bao lâu, giải lao lúc nào, ngồi ở đâu, sử dụng tư thế nào…)

- Khi nghe giảng:

* Ngồi học với tư thế tích cực và quan tâm, điều này khiến bạn dễ tiếp thu trong học tập,

* Nên ngồi hàng đầu để có thể nhìn rõ bảng và không bị sao nhãng bởi những người ngồi trước bạn.

* Nên ngồi cạnh các bạn có động lực và không khiến bạn bị phân tán.

* Tự chuẩn bị bằng cách nhìn vào các chương, các slide bài học trước.

* Nếu tiếp thu kém hiệu quả, cần xem xét lại liệu có cần dành thời gian nhiều hơn cho việc học tập môn đó hay không.

- Học theo cặp, theo nhóm:

* Có thể vô cùng hiệu quả, tạo động lực cho bạn, việc học trở nên vui hơn, hiệu quả hơn.

* Cần tìm đúng người và duy trì sự tập trung vào việc học tập

* Đồng thuận xem sẽ học gì và học trong bao lâu

* Nhóm không nên đông quá, chỉ nên khoảng 2 đến 6 người là thích hợp

- Phương pháp đọc hiệu quả, hiểu những gì bạn đọc, rút ra những gì quan trọng, ghi nhớ ra sao.

* Không cần đọc tất cả mọi thứ, tập trung vào việc hiểu và duy trì. Sử dụng nguyên tắc SQ3R có nghĩa là:

Survey- Quan sát- Đầu tiên lật quan chương và đọc phần tóm tắt cuối cùng

Question- Hỏi- Tự hỏi bản thân muốn học gì và tại sao nó liên quan.

Read- Đọc

Recite và Review-Trả bài và Ôn tập- Thuật lại những gì bạn đã học được. Có thể làm trong mỗi phần, mỗi trang hay từng tiêu đề. Nếu bạn không thể trả lời được hãy quay về và đọc lại trước khi bạn thử thêm lần nữa.

- Để có thể đọc nhanh:

* Đọc liền 2-4 từ cho mỗi lần dừng lại

* Sử dụng ngón tay như một công cụ hỗ trợ để lướt qua văn bản với một tốc độ đồng đều và hiệu quả.

* Tập trung để không cần quay lại để đọc lại một lần nữa

* Tập dần tăng tốc độ, mỗi ngày tập 20 phút trong 4-6 tuần để tăng gấp đôi tốc độ đọc của bạn. Khi luyện tập hãy tập trung vào tốc độ, khả năng hiểu sẽ đến chậm, nhưng chắc chắn sẽ đến sau khi quen với phương pháp này (tác giả nói đến đọc tiếng Anh)

- Nên ghi những thông tin quan trọng và cần thiết vào trong một cái hộp: Để bạn có một bản tóm tắt từ văn bản hay bài giảng nhằm áp dụng khi xem lại hay ôn tập cho kỳ thi.

* Chỉ ghi chú khi bạn thực sự sử dụng chúng sau này.

* Sử dụng phương pháp tổng quan trong học tập khi bạn ghi chú. Sử dụng sơ đồ phân cấp, danh sách gạch đầu dòng và các khung quanh văn bản. Sử dụng gạch chân, tô màu nền, vẽ biểu tượng vầ dùng nhiều màu sắc.

* Hãy chọn lọc khi ghi chú. Sử dụng cách diễn đạt của mình và nên ngắn gọn.

- Đánh dấu là một hình thức trực quan của ghi chú.

* Không cần đánh dấu mọi thứ, chỉ cần 20% thôi. Có thể dán lên tường, dành 5 phút cho một vài lần trong ngày để nhìn vào nó. Nên sử dụng tờ giấy lớn và đặt theo chiều dọc để có nhiều không gian dọc theo hai bên.

* Viết chủ đề vào giữa và tạo ra các đường dẫn, sử dụng màu sắc, biểu tượng và con số. Chẳng hạn, từ khóa bằng một màu, công thức màu khác, ví dụ là màu thứ ba.

* Hãy hỏi chính mình điều gì quan trọng nhất để đánh dấu. Có thể ghi câu hỏi liên kết với câu trả lời và những thông tin bổ sung.

- Phương pháp ghi nhớ:

* Hình thành sự liên kết giữa nó với cái gì đã biết, phân nhóm các thứ với nhau, xếp câu cần nhớ cho có vần, tạo thành các từ viết tắt (ví dụ 7 màu của cầu vồng là ROYGBTV (đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím).

* Có thể dùng thẻ ghi hai mặt, nhất là học ngoại ngữ (gọi là thẻ Flashcard), Ví dụ một mặt ghi Liên Hiệp Quốc, mặt kia ghi: thành lập năm 1945, trụ sở ở New York, có 193 thành viên.

- Hình dung: Não bộ nhớ hình ảnh tốt hơn từ ngữ. Sử dụng trí tưởng tượng để tạo ra một hình ảnh mà bạn muốn học. Ví dụ Amundsen đến Nam Cực trên ván trượt vào năm 1911, bạn nhớ vào đầu năm 1900, nhưng nhớ đến hai cái cái gậy trượt tuyết bạn sẽ nhớ ra con số 11.

- Hệ thống Loci và các hệ thống trực quan khác:

* Để nhớ được các danh sách hay các nhóm từ bạn có thể tạo nên một chuỗi hình ảnh (hệ thống liên kết) và rồi bạn có thể hình dung hình ảnh 1 với 2, rồi 3 với 4 và cứ tiếp tục như thế.

* Tạo ra một câu chuyện với các hình ảnh của bạn, mỗi hành động bao gồm một hình ảnh.

* Tạo ra một hành trình dịch chuyển trực quan (bản ghi nhớ) qua một địa điểm mà bạn biết rõ (chẳng hạn như nhà bạn) và tưởng tượng một hình ảnh cho mỗi điểm dừng (ví dụ như mỗi phòng), điểm dừng này biểu tượng cho từ mà bạn cần ghi nhớ.

Ví dụ nhớ về các thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc các bạn hình dung Cải thảo (Trung Quốc), tháp Eiffel (Pháp), cờ vua (Nga), Harry Potter (Anh) và Tượng Nữ thần tự do (Mỹ).

- Ôn luyện các bài kiểm tra và bài thi:

* Chúng ta nhớ nhiều thông tin về kỳ thi hơn vào những ngày trước kỳ thi hơn là từ đầu học kỳ. Do đó, nên có các buổi học lâu và hiệu quả vào những ngày trước kỳ thi.

* Hãy nghĩ về đầu ra trước khi kỳ thi đến. Viết tóm tắt hoặc giải bài tập từ những kỳ thi trước.

* Lập một kế hoạch học tập cho kỳ thi để bạn có thể quản lý thời gian của mình một cách hợp lý.

- Ngày trước kỳ thi cần lưu ý:

* Tìm mọi thứ bạn cần và chuẩn bị sẵn sàng vào đêm trước kỳ thi

* Chọn trang phục thoải mái và khiến bạn thấy dễ chịu.

* Đói và khát là những kẻ thù cho bài kiểm tra và thi cử. Ăn uống hợp lý trước và có thể trong bài thi.

* Hãy đảm bảo rằng bạn ngủ đủ giấc vào nhiều đêm trước kỳ thi.

- Động lực là tất cả mọi thứ:

* Động lực cực kỳ quan trọng. Động lực mang đế cho ta sự tập trung và có thêm nỗ lực.

* Để tạo động lực cho mình cần: Cố gắng tìm kiếm sự quan tâm và niềm vui trong kiến thức mà bạn đang học. Đặt mục tiêu cho bản thân.

Nghĩ về cảm giác tích cực bạn có khi thành thạo những kiến thức khó hay đạt được những kết quả tốt.

Tự thưởng cho chính mình. Xem việc học của bạn như một đấu trường cạnh tranh, và tìm ra bản năng cạnh tranh của bạn.

- Chịu trách nhiệm cho việc học và kết quả học tập:

* Chịu trách nhiệm cho việc học và kết quả học tập của chính mình. Bằng cách này bạn sẽ trở nên giỏi hơn trong việc tìm ra cách giải quyết cho các thách thức một cách nhanh chóng hơn.

* Đừng kêu than về khó khăn, thay vì thế hãy sáng tạo và tìm cách vượt qua chúng.

- Đặt mục tiêu bản thân:

* Mục tiêu đem đến cho bạn sự thôi thúc và động lực

* Đặt ra cho bản thân nhiều mục tiêu, cả mục tiêu chính và mục tiêu phụ. Điều chỉnh mục tiêu trong quá trình nếu cần thiết.

* Đặt mục tiêu Thông minh, Cụ thể, Tham vọng, Có tính thực tế và Hạn chế thời gian.

- Hãy tìm thấy niềm vui:

* Nếu bạn có thể gia tăng sự quan tâm và tìm thấy niềm vui, sẽ dễ dàng hơn để nghiên cứu và tìm hiểu.

* Để vui vẻ hơn, bạn cần thay đổi thái độ của mình. Hãy nói với chính mình rằng việc học hoàn toàn OK. Hoặc, học với người khác, miễn là bạn làm việc hiệu quả và dồn hết 100% sức lực vào việc học.

- Tin vào bản thân:

* Hãy tin vào bản thân! Tin rằng những kỹ năng của bạn có thể đẩy mạnh các thành tựu và có thể được nâng cao.

* Để tăng thêm tin vào bản thân, hãy nghĩ lại những thời điểm bạn thành công ở một nhiệm vụ khó hay một hoàn cảnh khó khăn.

Thêm vào đó hãy nghĩ về điều bạn muốn làm là gì, tự hỏi bản thân đã có nhiều người như bạn làm nó trước đây chưa? Bạn cũng có thể làm được.

- Hãy lạc quan:

* Những suy nghĩ tiêu cực làm kiệt quệ năng lượng của bạn, những suy nghĩ tích cực làm gia tăng cơ hội thành công.

* Để suy nghĩ một cách lạc quan, sử dụng ngôn từ và câu hỏi hợp lý. “Mình là bậc thầy. Mình sẽ giải quyết chuyện này thế nào?” Mình cười, và kết nối bản thân với những con người tích cực.

* Hãy dự kiến nghịch cảnh, nhưng đừng tập trung vào nó.

- Hãy làm chủ sự lo lắng và căng thẳng:

* Một chút căng thẳng là tốt. Nó đưa đến cho bạn thêm năng lượng và tăng cường sự thể hiện.

* Để giảm bớt những căng thẳng nguy hiểm, hãy giải quyết vấn đề từ gốc rễ và giảm bớt khối lượng công việc. Dành nhiều thời gian hơn và làm việc một cách hiệu quả hơn. Bình tĩnh. Hít thở từ bụng và sử dụng các phương pháp thư giãn như là Thiền.

* Để giảm bớt lo lắng, hãy suy nghĩ tích cực, tự chuẩn bị kỹ lưỡng để giảm thiểu những khả năng thất bại và cắt bớt những điều không chắc chắn bằng cách để bản thân quen với quá trình thi cử. Hãy hình dung các màn giải quyết tình huống thành công và hít thở sâu.

- Giữ tính kỷ luật tự giác:

* Những học sinh có tính kỷ luật sẽ đạt kết quả tốt hơn những học sinh khác.

* Con người có một mức kỷ luật nhất định hàng ngày để phân bố cho công việc, học tập, thể dục, ăn uống và những thứ khác. Nhưng, tính kỷ luật có thể được nâng cao để bạn có thể làm được nhiều việc khác hơn.

* Bạn có thể tránh toàn bộ vấn đề phải rèn luyện tính kỷ luật bằng cách “trói mình vào cột buồm” và xóa bỏ bất cứ lựa chọn nào, xóa bỏ những cám dỗ, nhắc nhở chính mình về mục tiêu và hình thành các thói quen tốt.

- Hãy làm quen với thành công:

* Những thói quen tốt có thể đưa bạn từ một học sinh khá thành một học sinh xuất sắc.

* Để hình thành thói quen mới và duy trì được, bạn phải chuẩn bị bản thân “dấn thân” trong hai tháng.

Sau thời gian này, thói quen mới được hình thành. Nhưng bởi vì nó yêu cầu tính kỷ luật để duy trì, và bởi tính kỷ luật không phải là một nguồn tài nguyên vô hạn, đừng cố hình thành quá nhiểu thói quen một lúc.

- Cuối cùng, hãy nghĩ rằng bạn có thể làm được nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Bạn có thể cải thiện kết quả của mình, và bạn có thể tạo nên tương lai của chính mình. Bạn có tất cả mọi thứ bạn cần phía trong mình. Bạn chỉ cần có mong muốn đưa chúng ra mà thôi.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng