Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ cách tuyển sinh, đào tạo Y khoa tại Úc

09/03/2022 06:41
Linh Anh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn không ngạc nhiên khi thấy quan điểm của một số giáo sư rằng để theo học bác sĩ đa khoa, các em sinh viên cần phải học môn Sinh.

LTS: Nhiều đại học ở Việt Nam gần đây mở rộng xét tuyển Y khoa bằng các tổ hợp không có môn Sinh, gây nên cuộc tranh luận khá sôi nổi. Vì Sinh học trước nay được coi là môn thi không thể thiếu nếu muốn ứng tuyển vào ngành Y.

Trước thực tế này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hiện đang là giáo sư y khoa tiên lượng của Đại học Công nghệ Sydney (UTS), giáo sư kiêm nhiệm của khoa Y, Đại học New South Wales và Đại học Notre Dame Australia. Ông cũng là Fellow của Hội đồng Y tế và Y khoa Quốc gia Australia và Viện sĩ Viện hàn lâm y học Australia để lắng nghe chia sẻ về xu hướng tuyển sinh Y đa khoa.

Phóng viên: Nhiều đại học ở Việt Nam gần đây mở rộng xét tuyển Y đa khoa bằng các tổ hợp không có môn Sinh. Ông có đồng tình với cách tuyển sinh như vậy không, thưa Giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Trả lời câu hỏi môn Sinh học có cần thiết cho sinh viên y khoa hay không tôi nghĩ tuỳ thuộc vào chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa của trường đại học. Ở Việt Nam, các trường y thường tuyển sinh từ các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong thời gian học ở trường y, sinh viên học khá nhiều môn liên quan đến sinh học, như sinh học, hoá sinh, lí sinh y học,... Do đó, tôi không ngạc nhiên khi thấy quan điểm của một số giáo sư rằng để theo học bác sĩ đa khoa, các em sinh viên cần phải học môn Sinh.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hiện đang là giáo sư y khoa tiên lượng của Đại học Công nghệ Sydney (UTS), giáo sư kiêm nhiệm của khoa Y, Đại học New South Wales và Đại học Notre Dame Australia (ảnh: NVCC)

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hiện đang là giáo sư y khoa tiên lượng của Đại học Công nghệ Sydney (UTS), giáo sư kiêm nhiệm của khoa Y, Đại học New South Wales và Đại học Notre Dame Australia (ảnh: NVCC)

Còn ở nước ngoài, như Úc này, thì chương trình đào tạo y khoa của họ hơi khác với Việt Nam. Theo tôi biết ở Việt Nam, sinh viên phải học nhiều môn khoa học cơ bản như Toán, Xác suất, Lí, Hoá, và Sinh học. Còn ở Úc, chương trình đào tạo bác sĩ thường nhấn mạnh đến các môn học liên quan đến cơ thể, đến y học, kĩ năng lâm sàng, kĩ năng giao tiếp và thông tin. Do đó, các môn học khoa học cơ bản (Sinh, Lí, Hoá, Toán) không nổi trội như ở Việt Nam.

Là một trong những quốc gia có nhiều trường đại học đào tạo ngành Y tốt nhất thế giới (như Đại học Melbourne, Đại học Sydney...), Australia thu hút nhiều sinh viên quốc tế du học Y khoa. Thưa Giáo sư, ở Australia, môn Sinh học có là môn bắt buộc trong tuyển sinh Y đa khoa không? Nếu không thì môn nào mới là môn bắt buộc?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Nếu nhìn vào chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa ở Úc, tôi thấy môn Sinh học không quá quan trọng như nhiều người nghĩ. Chẳng hạn như ở Đại học New South Wales, chương trình đào tạo y khoa 6 năm được chia thành 3 giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu (2 năm đầu), sinh viên học các môn ở trình độ cơ bản như cơ thể con người; quá trình sinh lão bệnh tử; y tế và xã hội; kĩ năng lâm sàng; kĩ năng thông tin. Sinh viên cũng học về những vấn đề chuyên môn liên quan đến hành nghề y, kể cả y đức.

Đến năm thứ 3, sinh viên phải bỏ ra 9 tháng ở một labo hay bệnh viện để làm nghiên cứu khoa học về một chủ đề mà họ chọn. Những năm sau đó là học về dịch tễ học, y tế công cộng, bệnh lý học, phẫu thuật, sản phụ khoa, nhi khoa, cấp cứu,...

Nhìn như thế sẽ thấy các môn học như Sinh học chiếm phần rất khiêm tốn và được lồng vào các môn học liên quan đến y học. Dĩ nhiên, nếu có kiến thức tốt không chỉ về Sinh học mà còn Hoá sinh và Vật lí thì là một lợi thế vì những kiến thức đó giúp sinh viên hiểu biết hơn về bệnh lí.

Cũng cần nhấn mạnh rằng những năm trong trường y, sinh viên phải học khá nhiều môn học, nên họ không có thời giờ học một cách chuyên sâu. Chẳng hạn như đối với những người bỏ ra cả chục năm để học về sinh học ung thư thì kiến thức về sinh học ung thư trong trường y chỉ mới là bề mặt. Do đó, các hiệp hội y khoa mới có những chương trình đào tạo y khoa liên tục (CME) để giúp cho bác sĩ cập nhật và có thêm kiến thức chuyên sâu sau khi tốt nghiệp.

Xin Giáo sư chia sẻ quy trình tuyển chọn sinh viên ngành y, đặc biệt là Y đa khoa ở Australia khắt khe và chọn lọc ra sao?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Ở Úc có hai chương trình đào tạo bác sĩ: cấp đại học (undergraduate) và sau đại học (post-graduate). Trong chương trình đại học, sinh viên được tuyền từ các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và họ thường trải qua 6-7 năm học.

Trong chương trình sau đại học, sinh viên được tuyển từ các những người đã tốt nghiệp cử nhân bất cứ ngành nào, và họ phải học thêm 4 năm trong trường y. Ở trường Notre Dame chúng tôi có những sinh viên y khoa đã tốt nghiệp tiến sĩ về các chuyên ngành khoa học và kĩ thuật, thậm chí văn học.

Thí sinh của cả hai chương trình đều phải qua một kỳ thi UMAT (dành cho sinh viên chương trình đại học) hay GAMSAT (dành cho sinh viên chương trình sau đại học), và trải qua một cuộc phỏng vấn. Mỗi năm có hơn 10.000 thí sinh thi và phỏng vấn, nhưng chỉ có khoảng 3.000-3.500 thí sinh được tuyển chọn theo học ngành y. Điều này có nghĩa là đạt được điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học hay cử nhân vẫn chưa đủ để được tuyển vào học ngành y.

Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của môn Tiếng Anh trong đào tạo Y đa khoa?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ môn tiếng Anh rất quan trọng trong việc học y khoa và khoa học nói chung. Sinh viên y khoa cần phải đọc các tập san khoa học, đọc sách giáo khoa, mà những y văn như thế thường được viết bằng tiếng Anh.

Y khoa là lĩnh vực có nhiều tiến bộ và có rất nhiều thuật ngữ mới khó mà dịch cho thoát ý sang tiếng Việt, nên cách tốt nhất là làm quen với thuật ngữ tiếng Anh. Do đó, làm quen với các thuật ngữ tiếng Anh là rất cần thiết không chỉ để hiểu, mà còn để cập nhật hoá kiến thức và giao lưu với đồng nghiệp quốc tế.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.

Linh Anh (thực hiện)