Giáo sư Phạm Phụ đặt nền móng cho hoạt động đào tạo của nhiều ngành học

15/10/2022 09:42
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Giáo sư Phạm Phụ có nhiều đóng góp quan trọng cho chính sách giáo dục đại học nói chung và chính sách tự chủ đại học nói riêng.

Giáo sư Phạm Phụ vừa là nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học thủy lợi, vừa là một chuyên gia giáo dục tâm huyết, với tiếng nói phản biện sâu sắc về chính sách giáo dục đại học ở Việt Nam.

Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho chính sách giáo dục đại học nói chung và chính sách tự chủ đại học nói riêng.

Các vấn đề về "hội đồng trường", "tự chủ đại học" đang được quan tâm hiện nay, nhưng Giáo sư Phạm Phụ đã nghiên cứu sâu từ năm 2000. Ông cũng là một trong những người đầu tiên kiến nghị xây dựng cơ chế hội đồng trường ở trường đại học.

Giáo sư Phạm Phụ là chuyên gia giáo dục tâm huyết, với tiếng nói phản biện sâu sắc về chính sách giáo dục đại học. (Ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Phạm Phụ là chuyên gia giáo dục tâm huyết, với tiếng nói phản biện sâu sắc về chính sách giáo dục đại học. (Ảnh: Thùy Linh)

"Tôi không ngại khi phản biện, bởi mỗi điều tôi nói ra đều dựa trên sự công tâm"

Trong công cuộc cải cách giáo dục đại học, Giáo sư Phạm Phụ luôn đóng góp tiếng nói phản biện khoa học, sắc sảo, có logic, có chiều sâu và kiến nghị những giải pháp khả thi. Ông không bao giờ e ngại, né tránh để đi đến tận cùng của vấn đề.

Những năm tháng đó, Giáo sư Phạm Phụ cũng không ngại lên tiếng chia sẻ cùng báo chí về các vấn đề quan trọng, cấp bách của giáo dục đại học.

Các bài nghiên cứu, phản biện, góp ý của Giáo sư Phạm Phụ về giáo dục đại học đã được ông tập hợp lại thành hai cuốn sách "Về khuôn mặt mới của giáo dục đại học Việt Nam".

Những quan điểm, đề xuất của Giáo sư Phụ về các vấn đề tự chủ đại học, hội đồng trường, quản trị đại học là những vấn đề nóng được quan tâm của giáo dục hôm nay.

Giáo sư Phụ từng chia sẻ: "Tôi không ngại khi phản biện, bởi mỗi điều tôi nói ra đều dựa trên sự công tâm, góp ý xây dựng, luận chính khoa học chính xác và đề nghị cách giải quyết cụ thể".

Trò chuyện cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) – một người đồng nghiệp thân thiết với Giáo sư Phạm Phụ chia sẻ: "Giáo sư Phạm Phụ có rất nhiều đóng góp cho giáo dục đại học, tự chủ đại học và ông đã ra hai tập sách về giáo dục đại học Việt Nam. Mọi người luôn ghi nhận và đánh giá cao những quan điểm của ông trong tiến trình đổi mới giáo dục đại học".

Người sáng lập khoa Quản lý công nghiệp

Là nhà khoa học nghiên cứu và giảng dạy về sử dụng nguồn năng lượng nước, từng công tác ở khoa Thủy lợi nhưng chính Giáo sư Phạm Phụ đã đứng ra sáng lập ra khoa Quản lý công nghiệp, mở chương trình thạc sĩ trước cử nhân, để nơi đây trở thành một trong những đơn vị đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh sớm nhất Việt Nam.

Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống chia sẻ, Giáo sư Phạm Phụ là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, ông từng học thạc sĩ ở Viện Công nghệ châu Á (AIT Bangkok, Thái Lan), ông cũng được biệt phái làm chuyên viên của Việt Nam tại Ban thư ký Ủy ban quốc tế Mekong.

Sau đó, Giáo sư trở về làm việc tại khoa Thủy lợi. Thời điểm đó, khoa Thủy lợi có nhiều sinh viên đậu vào với số điểm rất cao, Sau này có nhiều cựu sinh viên giỏi từ khoa Thủy lợi luôn giữ mối quan hệ gắn bó, cộng tác cùng Giáo sư Phụ.

Đặc biệt, ông có công lớn khi mở ra khoa Quản lý công nghiệp ở Trường Đại học Bách khoa. Giai đoạn đó, Giáo sư Trương Minh Vệ - khi ấy là Hiệu trưởng nhà trường đã rất ủng hộ những ý tưởng mới của Giáo sư Phạm Phụ. Và hai giáo sư đã sang Mỹ để mời một giáo sư danh dự tư vấn cho chương trình Quản lý công nghiệp.

Đây là đóng góp quan trọng, ý nghĩa, vì trước đó, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là một đại học thuần túy về kỹ thuật. Khi có sự xuất hiện của khoa Quản lý công nghiệp, sinh viên Bách khoa được học các môn về quản lý.

Cũng nhờ vậy, những người học kỹ thuật của trường Bách khoa có một sự hiểu biết đáng kể về quản lý. Sự ra đời của Khoa Quản lý công nghiệp cũng góp phần tạo tương tác đào tạo cho các ngành kỹ thuật khác trong trường.

Đây là đóng góp vô cùng quan trọng của Giáo sư Phạm Phụ khi đã đặt nền móng cho hoạt động đào tạo của nhiều ngành học có ý nghĩa đối với nhà trường và đối với xã hội.

Giáo sư Phạm Phụ sinh ra trong một gia đình khó khăn tại Quảng Ngãi, ba mất sớm, mẹ một mình tần tảo nuôi ông ăn học.

Lên 8 tuổi, ông đã học xong élémentaire (lớp 3 hiện nay). Đến năm lớp nhất (lớp cuối tiểu học), ông luôn đứng nhất lớp và được cử đi thi học sinh giỏi cả toán và văn. Học hết cấp I, mẹ bảo ở nhà phụ kéo sợi để dệt vải, nhưng khi đó, khóc nằng nặc đòi được đi học.

Sau đó, ông nhận được suất học bổng 12kg gạo/tháng. Rồi ông vào học ở cả ba ngôi trường nổi tiếng của miền Trung: Lê Khiết - Quảng Ngãi, Phan Đình Phùng - Hà Tĩnh và Huỳnh Thúc Kháng - Nghệ An.

Và rồi, ông trở thành sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội khóa 1 (năm 1956).

Tất cả thành công đến với ông đều do quá trình tự học, tự nghiên cứu.

Ông làm Luận án tiến sĩ về về hệ thống thủy điện mà không có một giảng viên nào hướng dẫn. Chỉ đến khi hoàn thành mới có một Hội đồng được thành lập ở Bộ Giáo dục và Đào tạo để chấm đề tài.

Sau năm 1975, ông tham gia dự tuyển Kỳ thi tiếng Anh để đi học thạc sĩ trở lại tại Học viện Công nghệ châu Á (Thái Lan) - đây cũng là bước ngoặt thay đổi cuộc đời ông. Sau đó, ông được biệt phái làm chuyên viên của Việt Nam tại Ban thư ký Ủy ban quốc tế Mekong.

Linh Trang