Giáo viên biên chế đang hưởng lợi từ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chức danh?

26/07/2020 08:28
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu bây giờ quy định “bằng thật, học giả” cũng coi như sử dụng bằng giả, liệu những giáo viên có đủ hồ sơ đẹp như tranh kia còn được đứng trong biên chế nhà nước?

Từ năm 2015 khi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ ban hành các thông tư liên tịch số 20, 21, 22 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông, nhiều thầy cô đã gọi đây là “giấy phép con” hành giáo viên và dư luận giáo giới có không ít lời than vãn.

Nào là không dùng gì đến ngoại ngữ sao lại bắt chứng chỉ ngoại ngữ?; chỉ dùng một chút kỹ năng tin học để soạn giáo án sao phải đòi hỏi cả chứng chỉ tin học cơ bản?; học vài ngày sao bắt giáo viên đóng nửa tháng lương để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vô bổ?...

Thế nhưng cũng có ý kiến đi ngược lại, giáo viên đang hưởng lợi từ “giấy phép con”, người thiệt thòi chính là phụ huynh, học sinh, những người đang đóng thuế ... để trả lương cho các thầy cô giáo.

Ý kiến có thể trái với mong ước của thầy cô, xin hãy lắng nghe, đừng vội ném đá, thầy cô cũng chỉ là “nạn nhân”, nhưng đọc phản biện để biết mình đang “hạnh phúc”.

Nhiều giáo viên bày tỏ sự không đồng tình với yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. (Ảnh minh hoạ: Thuận Phương)
Nhiều giáo viên bày tỏ sự không đồng tình với yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. (Ảnh minh hoạ: Thuận Phương)

Giáo viên đang hưởng lợi từ giấy phép con?

Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định: Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản gồm 06 mô đun sau:

a) Mô đun kỹ năng 01 (Mã IU01): Hiểu biết về công nghệ thông tin cơ bản (Bảng 01, Phụ lục số 01).

b) Mô đun kỹ năng 02 (Mã IU02): Sử dụng máy tính cơ bản (Bảng 02, Phụ lục số 01).

c) Mô đun kỹ năng 03 (Mã IU03): Xử lý văn bản cơ bản (Bảng 03, Phụ lục số 01).

d) Mô đun kỹ năng 04 (Mã IU04): Sử dụng bảng tính cơ bản (Bảng 04, Phụ lục số 01).

đ) Mô đun kỹ năng 05 (Mã IU05): Sử dụng trình chiếu cơ bản (Bảng 05, Phụ lục số 01).

e) Mô đun kỹ năng 06 (Mã IU06): Sử dụng Internet cơ bản (Bảng 06, Phụ lục số 01).

Để thật sự đạt chứng chỉ tin học “Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin” theo 6 mô đun trên thật sự không dễ.

Với chứng chỉ ngoại ngữ, để đạt được chứng chỉ hãng A1, A2 thôi, hoàn toàn không giản đơn.

Vậy mà thầy cô chỉ cần bỏ ra 2,1 triệu đồng, đi thi, là có [1] cả chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ.

Với chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thầy cô bỏ ra 2,5 triệu đồng nữa; như vậy mất khoảng năm triệu đồng là có có đủ bộ thăng hạng; nghiễm nhiên hưởng lương hạng III; làm việc có thể cứ làng nhàng, chờ thời gian tăng lương.

Đó là một mức giá quá “rẻ mạt” so với học thật sự để đạt được trình độ thực sự và tương xứng với bằng cấp, ở đây bằng thật dù... học giả, thầy cô vẫn có ... bằng!

Điều đặc biệt hơn, khi có hồ sơ đẹp thầy cô được hưởng đặc quyền ... biên chế suốt đời (trừ người tuyển dụng sau 1/7/2020).

Giáo viên các trường ngoài công lập dù năng lực thực tế đầy mình, trải qua các cuộc sát hạch gắt gao mới được cầm phấn; thế nhưng họ phải luôn luôn tự nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng đòi hỏi của nhà trường, nếu không coi chừng bị ... cắt hợp đồng. [2]

Nếu bây giờ có quy định hậu kiểm chứng chỉ, nếu không đạt được chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh theo khung tham chiếu 6 bậc... liệu có mấy giáo viên đang đọc bài này dám nhận mình đạt yêu cầu?.

Nếu bây giờ quy định “bằng thật, học giả” cũng coi như sử dụng bằng giả, liệu những giáo viên có đủ hồ sơ đẹp như tranh kia còn được đứng trong biên chế nhà nước?

Rõ ràng giáo viên đang “hưởng lợi” từ “giấy phép con” khi hưởng lương không đúng năng lực của mình.

Việc cào bằng quy định chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ trên tất cả các bậc học, lớp học, môn học vô hình trung đã làm mất đi tác dụng của nó; tạo nên một thị trường mua bán chứng chỉ; nuôi mầm dối trá trong chính người phải dạy học trò thật thà, trung thực; làm cho quy định chứng chỉ không cần thiết trên thực tiễn, là gánh nặng cho giáo viên, làm lợi cho các trung tâm... bán chứng chỉ.

Thầy cô giáo phải là tấm gương tự học và sáng tạo để học sinh noi theo; thầy cô giáo phải nêu gương mới giáo dục được học trò và xã hội; thầy cô giáo đã hứa là phải làm;

Ai đã đẩy thầy cô vào cảnh trớ trêu học giả ... bằng thật?

Rất cần những người tham mưu hoạch định chính sách giáo dục có tâm, có tầm, đi vào thực tế để có chính sách phù hợp với vùng, miền; phù hợp với bậc học, lớp học, môn học; chính sách phải bám sát cuộc sống.

Người viết tin chắc rằng giáo viên không ai muốn phải sống chung với “bằng thật, học giả”; nhưng vì cuộc sống nên “thế thời, thời phải thế”.

Mong rằng trong thời gian tới nhà nước sẽ có chính sách, quy định về chuẩn giáo viên phù hợp với thực tế cuộc sống, trả thật thà về với thầy cô giáo.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/xa-hoi/dieu-tra-mot-ngay-chay-so-2-ky-thi-to-chuc-len-lut-o-thai-nguyen-745231.ldo

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dung-tin-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-hay-kiem-tra-truc-tiep-giao-vien-post210966.gd

Lê Mai