Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một giáo viên ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An bức xúc về việc bị huyện triệu tập quay trở lại trường, chuẩn bị giảng dạy trực tiếp, nhưng vẫn phải bị đi cách ly, và phải đi xét nghiệm rất nhiều lần.
Giáo viên phải tự bỏ tiền chi phí xét nghiệm Covid
Phản ánh của giáo viên nêu: Theo thông báo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hưng, ngày 4/10 sắp tới, học sinh của huyện sẽ quay trở lại học trực tiếp bình thường. Hiện huyện đang là vùng xanh, thực hiện theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Trung tâm Y tế và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hưng ngày 14/9 đã có công văn 1373, buộc tất cả các giáo viên của huyện đang ở các huyện, thành phố khác của Long An, tỉnh khác hay là ở Thành phố Hồ Chí Minh (quận Tân Bình, Gò Vấp) phải liên lạc với hiệu trưởng, khi trở về phải đi cách ly tập trung, 7 ngày nếu đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng chống Covid-19 hay đã tiêm 1 mũi vắc xin nhưng đến từ vùng xanh, và 14 ngày nếu đã tiêm 1 mũi, đến từ vùng đỏ hay chưa có tiêm gì cả.
Đồng thời, các giáo viên còn phải thực hiện việc kiểm tra nhanh Covid-19 vài lần, kinh phí tự lo.
Thầy giáo này cho biết, nhà thầy nằm trên huyện Vĩnh Hưng (Long An, cũng là vùng xanh, đang thực hiện chỉ thị 15), cách trường dạy chỉ có 8km, bao nhiêu năm nay vẫn đi dạy về nhà trong ngày.
Qua trao đổi với hiệu trưởng thì thầy được thông báo là khi quay trở lại trường dạy thì vẫn phải đi cách ly tập trung trước đó. Sau ngày 4/10 thì phải ở lại trường, còn nếu thứ 7 về nhà thứ 2 quay trở lại trường thì vẫn phải đi kiểm tra nhanh Covid-19, âm tính thì mới được vào dạy học.
Huyện Tân Hưng, tỉnh Long An xét nghiệm Covid-19 cho giáo viên trước khi bắt đầu dạy học (Ảnh: nld.com.vn) |
Thầy giáo này cho rằng, đây là cách làm quá cứng nhắc, phiền hà và gây tốn kém cho các giáo viên.
Giáo viên nào kinh tế khó khăn sẽ được hỗ trợ chi phí xét nghiệm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Dũng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cho biết, dù hiện huyện Tân Hưng là vùng xanh, nhưng vẫn xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nên vẫn còn rất căng.
Các giáo viên dù ở các vùng khác trong tỉnh, hay tỉnh, thành phố ngoài Long An khi về tới huyện Tân Hưng thì vẫn buộc phải có giấy chứng nhận kiểm tra nhanh âm tính với Covid-19 thì mới được qua trạm.
Sau khi đã qua trạm, nếu âm tính thì cho dù đã có tiêm vắc xin thì thầy cô vẫn phải tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, thực hiện đúng yêu cầu 5K của Bộ Y tế, còn nếu thầy cô từ vùng đỏ về trường thì phải tự cách ly tại trường.Trường phải tự tổ chức các bộ phận phục vụ.
Đây là các quy định chung của ngành y tế, chứ ngành giáo dục không tự đặt ra các yêu cầu này. Ngành chỉ hướng dẫn các trường làm cho tốt công việc.
Nếu qua được trạm kiểm soát chống dịch, thì thầy cô sẽ có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nhưng phần lớn giáo viên vẫn ở tập thể trong trường do là giáo viên từ huyện khác về. Các vấn đề liên quan đến sinh hoạt cá nhân thì thầy cô tự phân công phục vụ lẫn nhau.
Về chi phí kiểm tra Covid-19 chiều đi và về thì giáo viên phải tự chi trả, còn nếu là kiểm tra vào dịp đầu năm học chung toàn huyện thì sẽ được miễn phí.
Đồng thời, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Huỳnh Thanh Hiền – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cho biết, sau khi tỉnh Long An khai giảng ngày 17/9, thì huyện huy động các giáo viên về để chuẩn bị cho việc dạy học trực tiếp từ ngày 4/10 sắp đến.
Thế nhưng, các thầy cô vẫn phải làm các thủ tục về y tế. Do huyện đang là vùng xanh, nên những người từ bên ngoài huyện về vẫn phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế là yêu cầu của huyện để bảo vệ vùng xanh.
Sẽ có 3 phương án để thầy cô thực hiệc việc cách ly, cụ thể: Nếu đủ điều kiện thì thầy cô có thể thực hiện việc cách ly y tế tại nhà riêng, hoặc thầy cô có thể thực hiện việc cách ly tại nhà công vụ có nhà vệ sinh riêng, hay thầy cô có thể thực hiện việc cách ly y tế tại trường.
Nếu đã có thực hiện việc cách ly y tế thì bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm. Chi phí thì ai cũng vậy, dân thường hay thầy cô giáo cũng đều phải tự trả tiền.
Thầy cô nào có khó khăn về điều kiện kinh tế thì cứ báo về hiệu trưởng nhà trường. Trường sẽ có báo cáo tổng hợp về Phòng Giáo dục và Đào tạo, trình Ủy ban nhân dân huyện xem xét, có giải pháp hỗ trợ.