Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của anh Nguyễn Kim Phúc, từng là giáo viên tiếng Anh của Trung tâm ngoại ngữ Speak UP, chi nhánh quận 2, thành phố Hồ Chí Minh trình bày những bức xúc của mình về trung tâm này.
Nghỉ việc gần 1 năm vẫn chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội
Anh Nguyễn Kim Phúc cho biết: Mình đã nghỉ việc theo đúng quy định tại trung tâm từ ngày 12/11/2020, do trước đó đã liên tục bị trì hoãn trả lương và giảm lương.
Tuy nhiên, cho đến nay, tức là đã gần 1 năm kể từ ngày anh Phúc nghỉ dạy ở trung tâm này, Speak UP vẫn kiên quyết không giải quyết số lương còn nợ (khoảng 5 triệu đồng), chốt sổ bảo hiểm xã hội cho anh Phúc và nhiều anh chị em khác.
Không những liên tục tự ý dời ngày thanh toán lương nợ đã cam kết, Speak UP còn trả lời mail khiếu nại của anh Phúc theo một lối hành văn anh cho rằng vô cùng xem thường pháp luật và người lao động.
Trung tâm Speak UP ở quận 1 đóng cửa vào sáng ngày 4/11 (ảnh: P.L) |
Cụ thể là việc thanh toán khoản lương còn nợ đã liên tục bị hoãn, hay chia làm nhiều đợt thanh toán khác nhau.
Đặc biệt, trong một lần gửi email lên Speak UP để hỏi về việc này, phía công ty (quản lý trung tâm) còn trả lời lại cho anh Phúc là ưu tiên hàng đầu hiện nay của phía Speak UP là trả lương cho nhân viên hiện tại, sau đó là tiền thuê rồi mới tới nhân viên cũ.
“Cách duy nhất để đẩy nhanh việc thanh toán lương còn nợ, chốt sổ bảo hiểm xã hội là công ty cần phải tăng doanh thu, có lợi nhuận. Viết đánh giá xấu, nhờ học sinh cũ gửi email, khiếu nại với Phòng Lao Động yêu cầu ngày thanh toán, hoặc kiện công ty sẽ không giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện. Nếu bạn muộn giúp đỡ công ty để nhanh chóng tăng doanh thu, có lợi nhuận để công ty sớm hoàn thành nghĩa vụ với hai bạn, hai bạn có thể giới thiệu học viên cho công ty, hoặc cầu nguyện cho công ty sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này” – trích một email công ty gửi cho anh Phúc.
Ngoài anh Nguyễn Kim Phúc, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thì một số người lao động khác đã từng làm việc tại Speak UP cũng nói rằng, mình nghỉ làm ở đây từ tháng 10 hay tháng 11 năm ngoái, nhưng đến nay, Speak UP vẫn chưa chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Trung tâm đóng cửa, không liên hệ được với lãnh đạo
Nhằm làm rõ sự việc mà anh Phúc và một số người lao động của Speak UP phản ánh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với Giám đốc Speak UP Việt Nam, cũng như người phụ trách nhân sự của Speak UP để hỏi về sự việc.
Tuy nhiên, các số điện thoại này đều có chuông reo, nhưng không có người nghe. Kể cả các số điện thoại cố định của trung tâm cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Ngày 4/11/2021, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến trụ sở chính của Speak UP, nhưng cũng đóng cửa, không có ai làm việc.
Ông Hồ Tấn Minh - Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Speak UP có giấy phép hoạt động do Sở này cấp từ năm 2016.
Còn Speak UP được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép thành lập doanh nghiệp Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vào tháng 1/2016, do ông Thomas là người đại diện pháp luật của công ty này.
Vốn điều lệ của công ty này là 500 triệu đồng. Ban đầu, công ty này đăng ký hoạt động tại đường Cao Thắng, quận 3 (căn cứ theo giấy phép được cơ quan chức năng cấp), nhưng hiện đã chuyển về đường Tôn Thất Tùng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Không chốt, trả sổ bảo hiểm cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động có thể đối diện với hình phạt nào?
Luật sư Lê Bá Thường – Giám đốc Công ty Luật một thành viên Dân Luật Tín Thành phân tích: Theo khoản 5, điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. |
Ngoài ra, cơ quan Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản 1142/NHXH-CST ngày 22/5/2020 chấn chỉnh việc trả sổ bảo hiểm xã hội. Theo đó, nếu người sử dụng lao động có hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận, trả lại những giấy tờ đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ bị phạt tiền đến 20 triệu đồng (khoản 1, điều 11 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Trường hợp nếu đã chấm dứt hợp đồng lao động, thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, để xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp đã được hạch toán, phân bổ tiền nộp của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Người sử dụng lao động mà không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động đúng theo quy định có thể bị phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng với mỗi vi phạm với người lao động, tối đa không quá 75 triệu đồng (khoản 4, điều 40 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Đồng thời, người sử dụng lao động có thể bị truy tố hình sự về tội “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” như sau:
Đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm thì có thể bị xử phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm các chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm (khoản 3,4 điều 216 của Bộ Luật Hình sự năm 2015).
Đối với người sử dụng lao động là pháp nhân thương mại vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 1 đến 3 tỷ đồng (khoản 5, điều 216 của Bộ Luật Hình sự năm 2015).