Nội dung Khoản 3 Điều 4 quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II còn nhiều bất cập (Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 02 tháng 02 năm 2021).
Thứ nhất, “nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học phổ thông và triển khai thực hiện có kết quả vào nhiệm vụ được giao.”
Thiết nghĩ, đây là quy định bắt buộc cho tất cả viên chức (giáo viên, nhân viên) ở trường công lập, tư thục chứ không chỉ dành cho giáo viên hạng II.
Vì sao giáo viên phổ thông hạng III phải chờ 9 năm để xét thăng hạng II? (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Baokontum.com.vn) |
Thứ hai, “có khả năng điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; cập nhật, vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp dạy học, giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế”.
Chỉ có hiệu trưởng/hiệu phó/tổ trưởng/tổ phó chuyên môn mới có trách nhiệm điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương.
Riêng giáo viên bộ môn thì ai cũng phải vận dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp dạy học, giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế. Nếu không làm được điều này, giáo viên sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và bị chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Luật Viên chức.
Thứ ba, “có khả năng nghiên cứu, cập nhật kịp thời yêu cầu đối mới về kiến thức chuyên môn; vận dụng sáng tạo, phù hợp các hình thức, phương pháp và lựa chọn nội dung học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân”.
Đây là việc làm thường xuyên của giáo viên được thể hiện qua từng học kì, từng năm học, nên quy định nội dung này là không cần thiết.
Thứ tư, “có khả năng đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên”.
Hiện tại, hiệu trưởng/hiệu phó/tổ trưởng/tổ phó chuyên môn có trách nhiệm đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng. Nếu giáo viên hạng II làm thêm nhiệm vụ này thì có thừa không?
Chỉ cần giáo viên có năng lực hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học thì ai cũng có thể làm nhiệm vụ đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật từ cấp trường trở lên, chứ không riêng gì giáo viên hạng II.
Thứ năm, “có khả năng vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”.
Có thể khẳng định, quy định này không hợp lí vì đây là nhiệm vụ bắt buộc của giáo viên tất cả các hạng – có chăng mới ở cụm từ “phẩm chất, năng lực” mà trước đây chưa được đề cập (nhưng nội hàm vẫn vậy).
Thứ sáu, “có khả năng vận dụng có hiệu quả các biện pháp tư vấn tâm lí, hướng nghiệp và công tác xã hội trường học phù hợp với từng đối tượng học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục”.
Tương tự, quy định này cũng chỉ đề ra cho có, bởi giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm hiện đang làm những nhiệm vụ này qua từng ngày.
Thứ bảy, “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.
Không biết khi được thăng hạng II thì giáo viên bậc trung học phổ thông sử dụng ngoại ngữ để làm những công trình khoa học, đề án hay dịch tài liệu nào?
Thứ tám, “được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên”.
Hiện tại, giáo viên dạy các môn ít tiết (không gọi là môn phụ - tác giả nhấn mạnh) như Công nghệ, Thể dục, Giáo dục quốc phòng, Thể dục… thường rất ít khi được hiệu trưởng giao kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm. Vậy làm sao để họ có thể tham gia thi giáo viên chủ nhiệm giỏi?
Thứ chín, “viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng”.
Điều băn khoăn là, căn cứ vào đâu để cho rằng, giáo viên phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) mới được đăng kí dự thi hoặc xét thăng hạng?
Vì sao không phải 3 năm, 5 năm… mà tăng lên 9 năm? Liệu giáo viên dạy 9 năm thì năng lực giảng dạy có hơn giáo viên 3 năm, 5 năm hay không?
Đành rằng giáo viên dạy học trên 9 năm thì có nhiều kinh nghiệm hơn so với giáo viên chỉ mới dạy vài ba năm. Thế nhưng thực tiễn dạy học cho thấy, không phải cứ giáo viên dạy học lâu năm thì chuyên môn hơn hẳn giáo viên dạy ít năm.
Tôi nhận thấy, có giáo viên vào nghề chỉ vài ba năm nhưng năng lực chuyên môn rất tốt, nhiệt huyết với nghề, chất lượng giảng dạy vượt trội, được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh tín nhiệm – như thế họ phải được tham gia thăng lên hạng cao hơn mới phải.
Ngược lại, có giáo viên dạy hàng chục năm nhưng năng lực hạn chế, không chịu học hỏi, ngại đổi mới… thì việc thăng hạng dành cho họ cũng chẳng có ích gì.
Nhìn chung, 9 tiêu chuẩn quy định về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên bậc trung học phổ thông hạng II còn nhiều bất cập nên rất khó áp dụng vào thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Qua bài viết này, kính mong Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ rà soát lại tính khả thi của những quy định để sớm bổ sung, sửa đổi Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP sao cho thiết thực, hợp lí với thực tiễn giảng dạy của giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
//luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-04-2021-tieu-chuan-xep-luong-giao-vien-thpt-cong-lap-198083-d1.html?layout=amp
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.