Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, gần 50 giáo viên hợp đồng tại huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết, trong thông báo số 198/TB – UBND của Uỷ ban nhân dân huyện Đô Lương về “tuyển dụng, tiếp nhận viên chức, hợp đồng lao động các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở huyện Đô Lương” có một số tiêu chí, điều kiện để tuyển dụng giáo viên biên chế cho huyện này vẫn còn nhiều bất cập.
Cụ thể, với điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể cho viên chức ở bậc Trung học cơ sở trong thông báo này nêu ra, thì đối tượng dự tuyển yêu cầu cần đạt 1 trong 2 tiêu chuẩn sau:
Một là, có bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm trở lên đúng chuyên ngành; có điểm đầu vào đạt 22 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên) hoặc được tuyển thẳng; tốt nghiệp loại xuất sắc (hoặc loại khá trở lên của trường đại học Sư phạm 1 Hà Nội).
Hai là, giáo viên tốt nghiệp đại học Sư phạm đúng chuyên ngành, đạt giỏi cấp tỉnh trở lên.
Ngoài ra, tiêu chuẩn chung về tuyển dụng biên chế của thông báo này cũng cho thấy, phạm vi tuyển dụng cũng khá rộng. Đó là, các viên chức hiện đang công tác giảng dạy tại địa bàn khác ngoài huyện Đô Lương nếu có nguyện vọng và hội đủ các tiêu chí nêu trên đều có thể nộp hồ sơ dự tuyển.
Phần yêu cầu trong tiêu chí tuyển dụng viên chức dạy bậc Trung học cơ sở của huyện Đô Lương (Nghệ An) được các giáo viên hợp đồng lâu năm ở đây cho rằng bất lợi với họ. Ảnh: NVCC |
Việc này khiến cho những giáo viên cấp 2 hiện đang dạy hợp đồng với thâm niên công tác hơn chục năm ở đây rất lo lắng vì có nhiều tiêu chuẩn có thể họ không thể đáp ứng được.
48 giáo viên dạy hợp đồng bất ngờ
Cô N.T.T hiện đang là giáo viên hợp đồng tại một trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Đô Lương (Nghệ An) tỏ ra bức xúc, cho biết: “Không riêng tôi, mà trong đợt thông báo tuyển dụng giáo viên biên chế này của huyện, có đến 48 giáo viên thuộc diện dạy hợp đồng như tôi đều thấy rất bất bình.
Bởi lẽ, chúng tôi đều có thâm niên công tác từ 10 năm trở lên ở địa phương nhưng không được huyện xem xét bố trí hết lượng giáo viên này mà tuyển thêm giáo viên mới gây ra tình trạng dôi dư.
Tất cả chúng tôi luôn mong ngóng, chờ đợi rằng sẽ sớm được vào biên chế, nhưng khoảng thời gian từ năm 2013 đến nay thì không có động thái ký mới nữa từ huyện. Nói thật, những đối tượng là giáo viên đã chấp nhận cống hiến hơn chục năm nay ở đây dưới danh nghĩa là giáo viên hợp đồng để có thể trụ vững đến nay cũng là rất tâm huyết với nghề rồi. Riêng tôi cũng bước vào nghề và công tác tại Đô Lương từ năm 2010.
Dù là giáo viên hợp đồng nhưng chúng tôi cũng bỏ ra bao tâm huyết cống hiến. Trong quá trình đó, tất cả chúng tôi cũng nỗ lực, phấn đấu để đạt được nhiều thành tích không thua kém gì những giáo viên thuộc diện biên chế. Thành quả chúng tôi nhận được là rất nhiều bằng khen về giáo viên dạy giỏi huyện hay bằng khen chiến sĩ thi đua. Ngoài ra, không ít giáo viên dạy hợp đồng như tôi đang công tác trên địa bàn huyện Đô Lương còn đạt cả thành tích giáo viên dạy giỏi của tỉnh nữa.
Có những đợt, chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất với huyện để tạo điều kiện cho những giáo viên như chúng tôi được vào biên chế, nhằm ổn định tâm lý cũng như để chúng tôi thêm gắn bó với nghề giáo suốt đời. Nhưng trước đó, Uỷ ban nhân dân huyện Đô Lương cũng trả lời cho chúng tôi rằng, vì huyện chưa có chỉ tiêu nên chưa thể hướng dẫn cho chúng tôi làm các thủ tục chuyển vào diện giáo viên biên chế của huyện được.
Gần đây, khi có thông báo tuyển dụng của huyện, chúng tôi mới thấy thật bất ngờ, tại sao khi xét vào diện biên chế, huyện lại không ưu tiên với những giáo viên đã gắn bó lâu năm từ trước. Nếu giờ vẫn khăng khăng để tuyển một đợt giáo viên mới, bỏ qua đội ngũ giáo viên cũ như chúng tôi thì biết bao giờ chúng tôi mới vào được biên chế, và lượng giáo viên hợp đồng như chúng tôi còn dôi dư đến bao giờ?”.
Chọn tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm 1 Hà Nội làm tiêu chí
Cùng chung tâm trạng trong sự việc này, thầy H.A.T cũng đang là giáo viên hợp đồng của huyện Đô Lương cho rằng: “Thời gian gần đây, huyện có ra thông báo có nội dung về điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển công chức của huyện trong đó, khi xem mục đối tượng xét tuyển khiến không ít giáo viên như tôi thấy hụt hẫng.
Ngoài các tiêu chí yêu cầu về bằng cấp, phạm vi tuyển dụng viên chức giáo dục của huyện Đô Lương (Nghệ An) cũng được cho là khá rộng. Ảnh: NVCC |
Cụ thể, trong đối tượng xét tuyển thì huyện mở rộng phạm vi xét tuyển ra, không chỉ đơn thuần là trong huyện nữa, mà tuyển cả giáo viên ở những địa bàn khác có bằng đại học sư phạm, đạt thành tích cao, có nhu cầu muốn về Đô Lương công tác thì vẫn đủ yêu cầu nộp đơn xét tuyển.
Ngoài ra, có tiêu chuẩn riêng với ứng viên bậc Trung học cơ sở như chúng tôi được thông báo này nhắc đến đó là, người dự tuyển ngoài việc có bằng tốt nghiệp đại học thì cần có điểm đầu vào lúc thi vào đại học sư phạm từ 22 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên) hoặc được tuyển thẳng.
Đồng thời, phải tốt nghiệp loại xuất sắc (hoặc loại khá trở lên nếu tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1 Hà Nội). Còn nếu giáo viên nào không học ở trường đại học nêu trên thì cần tốt nghiệp đại học sư phạm đúng chuyên ngành và đạt loại giỏi cấp tỉnh trở lên.
Như vậy, nếu xét về mặt cạnh tranh giữa các đối tượng đăng ký xét tuyển nếu địa phương mà không căn cứ đến các yếu tố ưu tiên dành cho các giáo viên có thâm niên dạy học và thành tích cao và đang hợp đồng từ trước thì các trường hợp như chúng tôi gặp không ít thiệt thòi. Ngoài ra, sức cạnh tranh của chúng tôi có thể không bằng ứng viên mới, nhiều tiêu chí có thể chúng tôi không đáp ứng được vì các lý do khách quan.
Bởi lẽ, thời điểm chúng tôi tốt nghiệp ra trường về cống hiến tại huyện Đô Lương từ những năm 2010 đến nay, hầu hết ra trường đều cầm tấm bằng cao đẳng sư phạm, thậm chí có người còn bắt đầu từ bằng trung cấp. Qua thời gian, chúng tôi mới được học để nâng cấp bằng của mình lên đến trình độ đại học như hiện nay.
Quá trình học nâng bằng hầu như là các giáo viên họ chọn các trường trong tỉnh cho tiện việc đi lại và công tác, đâu có điều kiện để chọn đúng trường đại học Sư phạm 1 Hà Nội như trong thông báo nhắc đến để được hưởng một trong các yếu tố điểm ưu tiên như hiện nay.
Hơn nữa, bằng kinh nghiệm công tác lâu nay chúng tôi nhận định rằng, những đối tượng mới tốt nghiệp ra trường cho dù là với bằng giỏi hay xuất sắc thì kinh nghiệm của họ vẫn cần một thời gian đi dạy thực tế họ cũng mới đúc rút ra được. Nếu lấy xếp loại của tấm bằng sư phạm đó để làm tiêu chí ưu tiên thay cho những giáo viên đã có nhiều năm kinh nghiệm là chưa thật khách quan.
Mong muốn khẩn thiết của những giáo viên như chúng tôi là muốn được huyện xem xét có chế độ ưu tiên để giải quyết hết những trường hợp giáo viên đang dạy hợp đồng từ trước đó, rồi mới tính đến những trường hợp từ các nơi xa xôi khác. Vì dù sao, chúng tôi cũng thân thuộc địa bàn, người dân, học sinh và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy ở địa phương”.