Năm 2020, tại huyện Thường Tín (Hà Nội) có 7 giáo viên dạy hợp đồng lâu năm được Thành phố Hà Nội xét tuyển đặc cách viên chức. Tuy nhiên, đã có hàng chục giáo viên cũng đi dạy hàng chục năm nhưng từ năm 2016 dù không hề mong muốn đã phải chuyển từ bục giảng ra cổng trường làm bảo vệ.
Trước đó vào năm 2016, 7 giáo viên hợp đồng trên cùng 30 giáo viên hợp đồng khác tại huyện Thường Tín nằm trong diện được xét tuyển làm bảo vệ theo diện Hợp đồng 68.
Tuy nhiên, 7 người này nhất nhất không đồng ý chuyển sang làm bảo vệ mà bám trụ lấy nghề và may mắn đã đến với họ, còn 30 người giáo viên hợp đồng chấp nhận làm nhân viên bảo vệ trường học theo phương án của huyện thì đành tiếc nuối với nghề giáo.
Sau 5 năm làm công việc "không cần bằng cấp" trên, một số cựu giáo viên trên có những chia sẻ với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về sự tiếc nuối, dằn vặt và chấp nhận.
Làm bảo vệ để có lương hưu
6h tối, chị N.T.L (44 tuổi, cựu giáo viên dạy môn Văn, tại một trường cấp 2, huyện Thường Tín, Hà Nội) xách thùng nước gạo có cơm thừa canh cặn xin được để đem cho đàn lợn ăn. Đôi chân thoăn thoắt, dáng người đậm, giọng nói sang sảng của chị có thể khiến nhiều người lầm tưởng chị là nông dân chính hiệu.
Tuy nhiên, đó chỉ là nghề tay trái, công việc hiện tại của chị là bảo vệ trường học, chị đã làm công việc này được 5 năm. Oái ăm, nghề này thì chị cũng làm trái ngành.
Hơn hai chục năm trở về trước, được người mẹ là giáo viên khuyên nhủ thi vào nghành sư phạm để có đồng lương hưu, chị L. nghe lời mẹ.
Sau ba năm đèn sách, khi ra trường, chị L. xin dạy hợp đồng tại trường cấp hai ở Thư Phú (Thường Tín). Một tuần, cô giáo trẻ được dạy 8 tiết học (ba buổi một tuần). Mức lương ban đầu chỉ được hơn 200 nghìn đồng.
Công tác trong ngành được trên chục năm, mức lương cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng. Để kiếm thêm thu nhập, chị chăn nuôi thêm.
Năm 2014, chị và các giáo viên hợp đồng khác trong huyện nhận được Giấy mời của huyện ủy Thường Tín. Sau đó họ có buổi gặp gỡ với lãnh đạo huyện và các ban ngành.
Tại buổi làm việc, một lãnh đạo huyện Thường Tín cho hay, huyện sẽ cắt giáo viên hợp đồng và vị này khuyên mọi người nên chuyển sang làm bảo vệ để vẫn được đóng bảo hiểm, có lương về già.
“Khi đó có người đã khóc, tôi không khóc nhưng sốc”, chị L. nhớ lại.
Về nhà, chị kể lại sự việc cho chồng nghe. Thấy vậy, anh than: “Đó là cơ chế thì biết làm thế nào, có cửa nào để đi được đâu”.
Còn bố mẹ đẻ chị thì khuyên chị “đâm lao” tiếp: “Về già, nếu các con của con làm ăn được thì nó còn nuôi mình, còn không thì mình còn có 1-2 triệu đồng tiền lương để sống”.
Suy đi tính lại, L. đành chấp nhận công việc mới. Ngày 2/9/2016, tức sau một tuần nhận Quyết định về làm bảo vệ, chị mới lấy hết can đảm để sang trường mới nộp giấy tờ này.
“Ngày đầu tiên, tôi sang nộp quyết định thì Hiệu trưởng bảo tại sao chị không sang nộp sớm? Tôi nói, bản thân rất ngại vì từ giáo viên chuyển sang làm bảo vệ”, chị L. nhớ lại.
Ngày 4/9, ngày làm việc đầu tiên, L. được nam bảo vệ đã 60 tuổi vui vẻ bàn giao lại công việc trước khi nghỉ. Tuy nhiên, trong thâm tâm chị biết rằng, chị đã “cướp cơm” của người khác. Cùng về làm bảo vệ với L. còn có một nữ giáo viên hợp đồng khác.
Ngày 5/9, nhà trường tổ chức khai giảng, nữ bảo vệ làm nhiệm vụ hướng dẫn học sinh chỗ để xe và ngồi dự lễ khai giảng.
Sau 3 lần tăng lương, đến nay mức lương của chị L. là hơn 2 triệu đồng. Đây cũng là mức lương của những cựu giáo viên làm bảo vệ khác. (Ảnh: Nguyễn Nhất) |
Kết thúc lễ khai giảng, lãnh đạo nhà trường tổ chức liên hoan và giới thiệu các giáo viên, nhân viên trong trường. Khi nhắc đến tên chị L., nhân viên bảo vệ mới, người phụ nữ này ngại ngùng đứng lên chào mọi người.
Bảo vệ tại trường có 2 người, mỗi người làm 15 ngày đêm. Với chị L., ban ngày chị trực, đêm phải nhờ chồng ra trực cùng để đảm bảo an ninh. Làm công việc được khoảng 1 năm, chị có cuộc "chạm chán" đầu tiên với kẻ trộm.
“Lúc đó khoảng 9h tối, hai vợ chồng tôi đang xem tivi thì mất điện, sau đó, chúng tôi thấy tiếng lạch cạch phía sau trường. Khi ra, thì phát hiện có một người đàn ông đang cắt trộm dây điện. Thấy bảo vệ, hắn bỏ chạy thục mạng. Hóa ra hắn đã ngắt cầu dao điện của nhà trường”, chị L. nhớ lại.
Không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản nhà trường, chị L. còn đảm bảo an ninh trật tự trong trường, chị L. từng đứng ra hòa giải nhiều vụ học xô xát của học sinh, tránh để lãnh đạo nhà trường phải bận tâm.
Thấy chị tận tâm trong công việc, lãnh đạo nhà trường tin tưởng giao thêm cho chị công việc tạp vụ như quét dọn các khu nhà hiệu bộ, dọn nhà vệ sinh.
Tháng lương bảo vệ chị nhận được 1 triệu 650 nghìn đồng cộng với tiền lương tạp vụ, chị nhận thêm 1,5 triệu đồng.
Năm 2020, Hà Nội xét duyệt các giáo viên hợp đồng dạy lâu năm, chị L. được một người bạn rủ làm hồ sơ nhưng chị lắc đầu từ chối vì biết chắc mình đã là bảo vệ thì khó được xét.
“Không phải nói đâu xa, nếu như tôi đi dạy thêm thì không trung tâm nào nhận cả, bởi lẽ tôi đang là bảo vệ”, người phụ nữ ngoài 40 tuổi nghẹn ngào.
5 năm giấu gia đình việc làm bảo vệ
Những ngày đầu tháng 5, tiết trời nắng nóng, dịch COVID-19 ở Hà Nội bùng phát, trong khi giáo viên, học sinh được nghỉ để phòng chống dịch, thì chị M. có mặt tại trường để trông coi.
Chị M. gắn bó với công việc bảo vệ khoảng 5 năm qua và đó cũng là quãng thời gian chị giấu giếm gia đình, người thân về công việc hiện tại.
“Ông bà, bố mẹ tôi đều làm giáo viên, tôi thì giảng dạy môn Toán được 19 năm thì "mất dạy". Bởi lẽ 5 năm về trước, tôi cùng hơn 30 giáo viên hợp đồng khác trong huyện buộc phải sang làm bảo vệ để giữ bảo hiểm, lương hưu về già. Điều này là sự sỉ nhục đối gia đình nên tôi phải giấu kín”, chị M. nghẹn lòng nói.
Ánh mắt ngà đục do tuổi tác của người phụ nữ tuổi ngoài 40 này rưng rưng khi nhắc lại chuyện xưa, cái ngày chị cùng những giáo viên hợp đồng khác đến Phòng Giáo dục và đào tạo của huyện để gặp các ban, nghành và lãnh đạo huyện.
Tại buổi gặp gỡ, vị lãnh đạo huyện nói điều khiến hơn 30 giáo viên hợp đồng bị sốc, không thể ngờ đến: “Để mà tuyển thẳng các anh chị vào biên chế của giáo dục thì không có cơ hội. Bây giờ có mỗi cách là chuyển sang bảo vệ thì vẫn giữ nguyên được bảo hiểm…”.
Ở phía dưới hội trường, có những tiếng khóc nấc nghẹn ngào, nhiều người không giữ được bình tĩnh đứng lên nói: “Chúng tôi được ăn học đào tạo đàng hoàng lại chuyển chúng tôi từ giáo viên sang làm bảo vệ, một người có học lại sang ngang hàng với một người…”.
Ngồi ở giữa hội trường, chị M. bần thần, bi quan. Trong suy nghĩ của chị, giáo viên đi làm bảo vệ như là một sự "sỉ nhục" đối với bản thân.
Về phía gia đình, chồng chị biết vợ đi làm giáo viên hợp đồng thì lương “bèo bọt” nên anh cũng không quan tâm. Mọi chi tiêu trong gia đình, anh gánh vác hết. Vì vậy, chị M. cũng bớt được gánh lo toan. Bên cạnh đó, do nhà ở xa nên chị vẫn giấu được chuyện mình làm bảo vệ đến tận bây giờ.
Về phía nhà trường, chị M. chịu nhiều áp lực khi bị dọa là sẽ cắt hợp đồng. Trong đầu chị văng vẳng câu hỏi: “Ở cái tuổi 40 này, kiếm đâu ra việc bây giờ?” và rồi chị đành chấp thuận chuyển việc.
Cũng giống như những tân bảo vệ khác, chị được trải qua một khóa học đào tạo bảo vệ trong vài ngày tại Công an huyện và được cấp chứng chỉ. Ngày đầu tiên đến trường, công việc của chị là đóng, mở cổng trường, đánh trống truy bài…
Nhìn những giáo viên vào lớp, ngồi ở phòng bảo vệ, chị chỉ biết dõi mắt trông theo. Chị nhớ lại những năm tháng vì tình yêu nghề nên đứng lớp với hơn một triệu đồng/tháng.
Trong cuộc trò chuyện, cựu giáo viên này luôn nhắc nhở PV: “Đừng để tên tôi hay bất kì thông tin liên quan đến trường, tôi giấu từng ấy năm rồi, thôi thì sống để bụng chết mang đi, mình không muốn chồng con buồn bã về công việc của mình”.
Nói về tương lai, giờ đây chị cũng chả còn dám ước mơ được quay lại giảng dạy vì đó dường như là điều không thể. Còn việc giảng dạy thêm ở ngoài thì ai người ta thuê bảo vệ.