Giáo viên không thể đơn thương độc mã phụ đạo cho học sinh lớp 1

09/05/2021 06:32
Diệp Lam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệu trưởng có vai trò rất quan trọng, từ định hướng, chỉ đạo chuyên môn, tất cả các nội dung đến tháo gỡ giúp giáo viên.

Tăng cường, tháo gỡ từ đầu năm học

Sau khi rà soát kết quả học kỳ I năm học 2020-2021, một số địa phương còn tình trạng học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ I, các cơ sở giáo dục đã có những hoạt động tăng cường để bổ sung kiến thức cho học sinh.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản chỉ đạo về việc tổ chức dạy phụ đạo cho đối tượng học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán, xuất phát từ con số thống kê, số lượng học sinh này là 2.239 trên tổng số 23.798 học sinh (chiếm tỉ lệ 9,4% - khá cao so với những năm trước đây), rải đều trên địa bàn toàn tỉnh, từ thành thị đến nông thôn.

Các giáo viên dạy lớp 1 đều phải theo sát uốn nắn cho các con. Ảnh minh họa bài viết: D.L

Các giáo viên dạy lớp 1 đều phải theo sát uốn nắn cho các con. Ảnh minh họa bài viết: D.L

Theo quan điểm của Sở, các nhà trường tập trung những học sinh này thành lớp riêng để dạy phụ đạo, giúp các em rèn luyện các kỹ năng về đọc, viết, tính toán. Nếu các trường không bố trí được giáo viên thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách lớp học. Sau khi những học sinh này “bắt kịp” các bạn, nhà trường sẽ chuyển các em về lại lớp học ban đầu. Sau 1,5 tháng triển khai, tỉ lệ học sinh đạt chuẩn kỹ năng đã được kéo giảm từ 9,4% xuống còn 4,9%.

Đây cũng được xem là một giải pháp “rút ngắn khoảng cách” giữa các học sinh trong lớp và góp phần ngăn tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Tuy nhiên, mỗi địa phương, mỗi cơ sở có những cách làm riêng để làm sao đảm bảo chất lượng giáo dục.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, thầy Đặng Văn Bôn (Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) cho biết: “Không riêng đối với lớp 1, Sở có giải pháp chỉ đạo giáo viên một cách thường xuyên liên tục ở cả các khối lớp và bậc học khác. Trong đó, ở nơi thuận tiện, tăng cường thời lượng 2 buổi/ngày, giáo viên có thể phát triển cho học sinh; còn ở những chỗ khó khăn thì tăng thời lượng dạy trên lớp, đặc biệt là lớp 1. Việc phân công giáo viên dạy 2 buổi/ngày tạo điều kiện giúp đỡ học sinh tiếp thu chậm hơn những học sinh khác. Ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện như vậy”.

“Đối với tỉnh Sơn La, 100% giáo viên lớp 1 được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp, bài bản. Sau đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cũng đã đưa nội dung hướng dẫn thực hiện năm học ngay từ đầu năm. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo các cơ sở quan tâm tới lớp 1, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo tổ chuyên môn, theo trường và cụm trường… để thống nhất phương pháp dạy học 2 môn Toán và Tiếng Việt. Theo đó, phòng sẽ thành lập các nhóm cốt cán đi đến các trường tháo gỡ khó khăn về phương pháp dạy học lớp 1 theo chương trình mới.

Bên cạnh đó, xác định lớp 1 là “bản lề”, nên trước khi tổ chức triển khai tập huấn, Sở chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, sẵn sàng vượt khó và tâm huyết. Chúng tôi ưu tiên 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày.

Cuối cùng, đối với vùng khó khăn, ngay từ đầu năm học, Sở đã xây dựng kế hoạch tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số theo thời lượng của Bộ. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận dụng linh hoạt để tổ chức các hoạt động khoá, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tạo môi trường tiếng Việt để các em có vốn tiếng Việt thì sẽ thực hiện tốt cái chương trình Tiếng Việt lớp 1”, thầy Đặng Văn Bôn thông tin thêm.

Giáo viên phải là người hiểu học sinh nhất

Trước giải pháp cho giáo viên (thậm chí ban giám hiệu) đứng lớp dạy phụ đạo cho học sinh lớp 1 chưa đạt chuẩn kỹ năng, cô Nguyễn Thị Bích Huyền (Hiệu trưởng trường tiểu học Ái Mộ A - Long Biên, Hà Nội) bày tỏ:

“Quan điểm của tôi, khi có tỉ lệ học sinh không đạt được yêu cầu chuẩn đầu ra ở mức độ học kỳ I, nguyên tắc đầu tiên để vực được học sinh đó lên là phải biết nguyên nhân tại sao chưa đạt. Mà người nắm rõ được nguyên nhân đó thì phải chính là giáo viên, người trực tiếp dạy các con thì mới biết được các con vướng ở chỗ nào, chỗ nào chưa đạt, chưa đạt vì lý do gì…

Trên cơ sở những chỗ còn yếu của học sinh, giáo viên mới có thể bổ sung những đơn vị kiến thức còn yếu đó. Người dạy các con hằng ngày sẽ là người hiểu các con nhất, sát sao nhất, biết các con yếu ở đâu để vực dậy ở đó.

Đặc biệt, giáo viên là người lo lắng cho chất lượng lớp của mình hơn cả các cấp lãnh đạo. Nếu để một người không biết các con yếu ở đâu thì làm sao vực các con dậy được? Vậy nên, người vực kiến thức cho các con phải chính là đội ngũ giảng dạy cho các con hằng ngày, bằng mọi thời lượng có trong nhà trường.

Bản thân người giáo viên với kinh nghiệm bao nhiêu năm dạy lớp 1 mà để học sinh không đạt yêu cầu thì lương tâm cắt rứt. Song, giáo viên cũng không thể “đơn thương độc mã” mà có thể giải quyết mọi khó khăn này. Trong một lớp sẽ có trẻ thông minh hơn và cũng có trẻ kém hơn.

Trong lúc giáo viên chủ động phân hóa đối tượng học sinh để có phương pháp dạy phù hợp, nhà trường cũng cần có những sự hỗ trợ nhất định, chẳng hạn, tăng cường giáo viên đứng lớp để các giáo viên chủ nhiệm có thêm thời gian kèm cặp cho những học sinh yếu hơn. Nhà trường cũng nên rà soát lại công tác tập huấn giáo viên, về dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018, về giáo dục lớp 1 chung, về công tác đánh giá học sinh…”.

Cô Nguyễn Thị Bích Huyền (Hiệu trưởng trường tiểu học Ái Mộ A - Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Đ.L

Cô Nguyễn Thị Bích Huyền (Hiệu trưởng trường tiểu học Ái Mộ A - Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Đ.L

Theo Hiệu trưởng trường tiểu học Ái Mộ A, vai trò của người đứng đầu nhà trường cũng không thể xem nhẹ: “Tôi cho rằng, câu “Thủ trưởng nào, phong trào nấy” là hoàn toàn chính xác! Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là Hiệu trưởng, người chịu trách nhiệm trước các cấp lãnh đạo về chất lượng học sinh, là người có trách nhiệm lớn nhất trong chuyện này. Hiệu trưởng có vai trò rất quan trọng, từ định hướng, chỉ đạo chuyên môn, tất cả các nội dung đến tháo gỡ giúp giáo viên.

Phần lớn ở các nhà trường, chuyên môn sẽ chạy theo một “ray” nhất định như vậy. Ngoài những văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo chung của ngành, thì tư tưởng, chủ trương của lãnh đạo nhà trường đóng vai trò rất quan trọng, bởi sẽ quyết định việc thúc đẩy và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Sau khi chỉ đạo, ban giám hiệu phải kiểm tra công tác chỉ đạo của mình, bên cạnh chỉ đạo từ phòng, Sở và sự giám sát của nhân dân, Hiệu trưởng đã đề ra giải pháp thì phải tự giám sát việc triển khai.

Nếu Hiệu trưởng làm tốt, giáo viên sẽ chạy theo “guồng” đã định ra, vận hành theo sự nhất quán đó và làm tốt theo. Nếu Hiệu trưởng dễ dãi bỏ qua thì không thể tránh được những tiêu cực xuất hiện”.

Diệp Lam