Giáo viên phản ánh đề thi HSG Tin học có sai sót, Sở GDĐT Quảng Bình lên tiếng

15/12/2023 11:19
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đã lên tiếng trước thông tin đề thi học sinh giỏi môn Tin học lớp 9 năm học 2023-2024 có sai sót. 

Ngày 5/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, lớp 12 năm học 2023 - 2024. Thí sinh lớp 9 dự thi một trong 9 môn: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Tin học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử.

Khi kỳ thi kết thúc, nhiều giáo viên môn Tin học cho rằng đề thi học sinh giỏi môn Tin học năm nay có sai sót ở câu 3 và câu 4. Theo giáo viên này, ở câu 3 đề thi yêu cầu độ dài tối thiểu là 8. Nếu là 8 thì trong câu ví dụ một không thể có 8 xâu. Kết quả đúng là 3, tuy nhiên, trong đáp án của dữ liệu ví dụ lại là 8. Có nghĩa là ví dụ này không đúng với yêu cầu của bài.

Điều này sẽ dẫn tới việc nếu học sinh căn cứ theo câu ví dụ đề đã đưa ra thì sẽ không biết làm. Còn nếu học sinh bám theo đề mà không theo ví dụ thì khi chấm theo yêu cầu giám khảo sẽ đạt 0 điểm.

Về câu 4, có giáo viên Tin học nhận định đề bài tương đối khó với trình độ học sinh lớp 9. Câu hỏi đưa ra yêu cầu không thể giải được. Cụ thể, với N nhỏ thì học sinh có thể giải theo phương pháp quay lui; Với N lớn trên 80 và k đủ nhỏ để khai báo được mảng, thì có thể giải theo phương pháp quy hoạch động. Tuy nhiên, theo yêu cầu bài toán, nếu lấy N =100 và K = 109 thì không thể dùng một trong hai cách trên để làm.

Đề thi học sinh giỏi môn Tin học lớp 9 tại Quảng Bình năm học 2023-2024. Ảnh: Giáo viên cung cấp.

Đề thi học sinh giỏi môn Tin học lớp 9 tại Quảng Bình năm học 2023-2024. Ảnh: Giáo viên cung cấp.

Liên quan đến vấn đề trên, sáng ngày 15/12, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Nam Giang - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình thông tin:

Công tác thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 là hoạt động chuyên môn hằng năm của Sở và được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ đúng Quy chế thi do Sở ban hành. Trong đó, công tác ra đề thi được thực hiện cách ly triệt để (3 vòng độc lập), đúng theo quy trình. Tuy nhiên, đã xảy ra việc sai sót ở câu 3: Yêu cầu độ dài của mật khẩu trong đề thi sau khi tổ ra đề và phản biện đã thảo luận thống nhất là 6. Nhưng do quá trình sao chép để in ấn có sự nhầm lẫn nên đã sao chép nhầm đề thi trước khi thảo luận nên quy định về độ dài mật khẩu trong đề in sao là 8. Vì vậy, ví dụ trong đề thi chưa đúng với yêu cầu của đề.

Sau khi thi xong có thông tin phản ánh, tổ chấm thi đã tiến hành thảo luận, báo cáo với Hội đồng chấm thi thống nhất và cho điểm tuyệt đối điểm của câu 3 cho tất cả các thí sinh để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Theo kết quả chấm ban đầu, có 3 thí sinh đạt 10 điểm.

Sau khi hoàn tất các khâu của Kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình sẽ làm rõ, kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân và tập thể liên quan đến sai sót nói trên.

Về câu 4, nhóm ra đề đã thảo luận thống nhất là học sinh muốn đạt điểm tuyệt đối thì cần làm được cả hai hướng Duyệt và Quy hoạch động. Học sinh cũng có thể có các phương án thông minh khác như Tham lam và kết hợp các phương án thì mới đạt điểm tối đa. Học sinh làm phương án Duyệt sẽ không thể có điểm đối với điều kiện ở Quy hoạch động.

Do đó, trong quá trình học sinh test ngẫu nhiên, để đảm bảo phương án phân hoạch điểm học sinh, nhóm ra đề phải đặt giá trị của N sao cho phương án Duyệt không thể có điểm ở các test dành cho phương án Quy hoạch động. Nên chọn điểm giữa N=100 là phù hợp. Vì với điểm giữa N<100 thì phương án Duyệt xác suất cao có thể nhận được điểm tối đa, sẽ không phù hợp với yêu cầu phân hoạch điểm của bài toán. Cái quan trọng là khi N tăng thì xác suất giải được của phương án duyệt giảm dần. Đến N=100, K=109 thì xác suất phương án duyệt giải được là thấp. Do đó, chọn mốc N=100 để phân hoạch bài toán.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, việc phản ánh của giáo viên về sai sót ở câu 4 là mang tính chủ quan và không phù hợp.

Phạm Thi