Đề thi, kiểm tra sai, giáo viên, học sinh nên xử lý như thế nào?

20/11/2023 06:50
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên, tổ ra đề, cần rà soát, phản biện thật kĩ đề, thầy cô hãy đóng vai thí sinh giải lại đề, có thể dễ phát hiện được sai sót của đề.

Trước đây, khi điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, mỗi khi đến tiết kiểm tra, giáo viên thường phải ghi đề kiểm tra lên bảng cho học sinh cả lớp đọc và làm bài.

Nói là tiết kiểm tra 45 phút nhưng thực tế thầy cô ghi đề cũng mất hơn 5 phút, nên học sinh phải chịu thiệt thòi.

Ngoài ra, một số giáo viên chữ xấu, ghi đề khó đọc, khiến học sinh đoán già đoán non dẫn đến đọc sai và hiểu sai đề.

Hiện nay, đề kiểm tra, đề thi đã được in sẵn, rất rõ ràng, đẹp mắt, dễ đọc, cuối đề còn có nơi in thêm dòng (giám thị không giải thích gì thêm) để giúp kì kiểm tra nghiêm túc hơn.

Trong đợt kiểm tra giữa kì I vừa qua, người viết nhận được phản ánh của phụ huynh, học sinh, đề kiểm tra môn Toán lớp 7 bị sai.

Một đồng nghiệp có con học lớp 7 chia sẻ: “Trong đề kiểm tra môn Toán lớp 7 vừa qua, đề kiểm tra môn Toán bị sai sót dữ kiện, học sinh không thể giải được.

Sau khi kiểm tra xong, chính giáo viên ra đề cũng như giáo viên dạy Toán khối 7 cũng không phát hiện ra đề sai, cứ thế chấm theo biểu điểm đáp án, làm cho học sinh bị thiệt thòi, không em nào đạt điểm tối đa cả.

Tôi phản ánh với giáo viên bộ môn, giáo viên này mới phát hiện đề sai sót, nhưng vẫn không có một biện pháp xử lý nào cho phù hợp, kể cả lời xin lỗi học sinh”.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Người viết đã từng gặp sự cố đề kiểm tra sai hồi đi học nên nhớ mãi ký ức này. Ngày đó, kiểm tra 1 tiết học kì I môn Toán, trong bài hình học, phát hiện đề không có dữ kiện để giải, các bạn lên hỏi thầy giám thị, thầy bảo giám thị không giải thích gì thêm, đề thế nào các em cứ làm bài như thế.

Sau khi trả bài kiểm tra học kỳ, thầy giáo bộ môn Toán bảo đề thiếu dữ kiện là do thầy … chủ động ra như thế.

Học sinh nào chứng minh được bài thiếu dữ kiện sẽ đạt điểm, để trống bài, không giải, hay không chứng minh đề sai sẽ không có điểm, tôi đang tìm kiếm nguồn để bồi dưỡng học sinh giỏi thông qua bài kiểm tra này.

Dù thầy giáo giải thích như vậy, chúng tôi nghe cũng có lý, nhưng thật tâm không phục, mà chỉ cho rằng thầy đang … ngụy biện cho sai sót của mình, chúng tôi muốn thầy nhận sai, xin lỗi chúng tôi vì đã ra đề sai.

Thực tế, đề kiểm tra, đề thi, có sai sót không thiếu trong ngành giáo dục nước ta, ngay cả đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 vừa qua, đề tiếng Anh vẫn có câu có 2 đáp án đúng....[1]

Người viết cũng đã gặp không ít trường hợp khi kiểm tra đề chung của phòng, của sở, sau khi phát đề 30 phút, có chỉ đạo phải sửa đề, đề phát cho học sinh bị sai.

Phần lớn người phát hiện đề thi, đề kiểm tra bị sai là .. học sinh. Các em đã phản ánh với giám thị, từ đó giám thị phản ánh lên nhà trường và các cấp có thẩm quyền.

Vậy, khi gặp trường hợp đề thi, đề kiểm tra sai, phải xử lý thế nào cho phù hợp?

Để xử lý tình huống đề thi, đề kiểm tra có sai sót, chúng ta cần tùy vào “ngữ cảnh” của kì thi, kiểm tra.

Với các cuộc thi có quy chế thi rõ ràng, trong quy chế thi đã có hướng dẫn xử lý sự cố bất thường, trong đó có trường hợp đề thi có những sai sót.

Ví dụ, trong thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Điều 10 Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia ghi rõ:

Điều 10. Xử lý các sự cố bất thường

1. Trường hợp đề thi có những sai sót, lãnh đạo Hội đồng phải báo cáo ngay với Ban Chỉ đạo thi để có phương án xử lý.

2. Các trường hợp bất thường về đề thi đều phải được báo cáo về Ban Chỉ đạo thi để xem xét, quyết định.[2]

Còn các kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, thường không có quy chế thi, nên trước khi chấm thi, các tổ chấm phải có bước thảo luận đề và đáp án.

Nếu đề có sai sót, theo người viết, câu nào sai sót nên bỏ câu đó ra khỏi biểu điểm, làm lại biểu điểm, là phương án công bằng cho mọi thí sinh.

Trường hợp có học sinh chứng minh được đề ra sai sót, cần có điểm thưởng cho học sinh này, số điểm thưởng cộng thêm đúng bằng điểm của câu có sai sót.

Việc cộng điểm thưởng cho học sinh sẽ giúp hội đồng chấm thi chọn được học sinh xuất sắc nhất, giúp học sinh tự tin, sáng tạo, dám phản biện trong học tập.

Trong các kì kiểm tra, tính chất của kì kiểm tra nhẹ nhàng hơn kì thi, nên các cơ sở giáo dục nên sửa sai sót trong đề thi ngay trong thời gian làm bài của học sinh.

Nếu sai sót của đề chỉ phát hiện sau khi kết thúc giờ làm bài, nên hủy câu hỏi sai ra khỏi biểu điểm để học sinh không bị thiệt thòi.

Với học sinh, khi phát hiện đề thi, đề kiểm tra có sai sót, nên báo cáo với giám thị để giám thị báo cáo với hội lãnh đạo, có chỉ đạo, xử lý cho phù hợp.

Đề kiểm tra, đề thi phản ánh trung thực, khách quan, trình độ chuyên môn của người ra đề, phương pháp dạy, học của địa phương.

Sai sót trong đề kiểm tra, đề thi, không ai muốn cả. Giáo viên, tổ ra đề, cần rà soát, phản biện đề thật kĩ, đơn giản nhất chính là bản thân giáo viên hãy giải lại đề, có thể dễ phát hiện được sai sót của đề.

Về lâu dài, để đảm bảo cơ sở pháp lý xử lý đề sai sót thống nhất, người viết đề nghị các cơ sở giáo dục có quy chế thi học sinh giỏi các cấp, quy chế kiểm tra giữa kì, cuối kì; những giáo viên ra đề sai sót phải chịu một hình thức kỉ luật để răn đe, giáo dục, giúp giáo viên có trách nhiệm cao hơn khi ra đề.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/ban-khoan-1-cau-hoi-co-toi-2-dap-an-dung-cua-de-thi-tieng-anh-tot-nghiep-thpt-post236385.gd

[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-17-2023-TT-BGDDT-Quy-che-thi-hoc-sinh-gioi-cap-quoc-gia-582088.aspx

Nguyễn Mạnh Cường