Giật mình vì những lý do "lãng nhách" gây nên bạo lực học đường

02/05/2023 06:40
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Hiệu trưởng có tâm, có tầm, vì học sinh thân yêu, xây dựng môi trường sư phạm đoàn kết, chắc chắn sẽ có cả tập thể giáo viên yêu thương học trò

Vấn nạn bạo lực học đường ở nước ta thời gian qua diễn biến phức tạp, là mối lo của chính các em học sinh, gia đình, nhà trường, xã hội

Thầy cô, gia đình, xã hội lo lắng, thế nhưng một bộ phận học sinh vô cảm, cổ vũ, quay và phát tán các hành vi bạo lực là điều đáng lo ngại hơn.

Tại sao học sinh vô cảm trước đau khổ của bạn bè

Người viết đã trao đổi với một số học sinh đứng xung quanh cổ vũ, quay clip bạn bè trong lớp đánh nhau, những câu trả lời của các em làm người lớn thấy rùng mình.

“Em thấy cũng bình thường thôi mà, “tay bo” vậy đâu có chết ai đâu mà sợ”; “Chúng nó đánh nhau vậy coi sướng hơn, thật hơn trên mạng”; “Thì trước sau gì cũng phải đánh nhau để phân định hơn thua, chứ cãi nhau bạn nào cũng cho là mình có lý”;

“Không đánh nhau không quen, không biết ai là đại ca, cứ cổ vũ cho nó đánh một lần rồi thôi”; “So với bố mẹ đánh em, đánh kiểu đó bõ bèn gì thầy ơi”; “Đánh nhau vậy còn nhẹ, chứ khủng bố trên mạng hay chia bè phái tẩy chay nhau mới đau hơn thầy ơi”; “Chúng em nhờ đánh nhau mà thân thiết đó thầy”…

Có em còn nói thẳng "Đánh nhau vầy còn dễ chịu hơn ánh mắt của cô giáo ... khi nói với mấy bạn không đi học thêm".

Phần lớn học sinh trả lời vô tư, coi đánh nhau là chuyện bình thường, vô cảm trước nỗi đau của người khác vì mình từng đau khổ hơn, trong đó cũng có nguyên nhân từ những hành vi thiếu mẫu mực của thầy cô giáo.

Bên cạnh đó, học sinh cho rằng đánh nhau, bạo lực thể chất không đáng ngại, chỉ sợ bạo lực tinh thần, bạo lực lời nói, bạo lực trên mạng mới là “khủng bố” sát thương nhất.

Ảnh minh họa - Tùng Dương

Ảnh minh họa - Tùng Dương

Mâu thuẫn giữa học trò rất trẻ con, biết được sẽ dễ hóa giải

Cô giáo Nguyễn Thị Minh ở Bà rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Học sinh đánh nhau vì những lý do “lãng nhách”, trong bảng tường trình của các em sau những vụ đánh lộn, đọc mà thấy mắc cười. “Bạn A bĩu môi khi bạn B khen em hát hay, nên em đánh”;

“Bạn A nói mũi em như mũi giả, nên em đánh”; “Bạn A nói sao em tinh nghịch vậy, để chửi bố em (bố bạn này tên Tinh – người viết), nên em đánh”…

Vì thế, giáo viên chủ nhiệm gần gũi với học sinh, nắm bắt được điều gì đang diễn ra trong lớp mình, sau lưng mình, biết được mâu thuẫn của học trò.

Mâu thuẫn giữa học trò rất trẻ con, giáo viên biết được, có chút “nghệ thuật” sẽ dễ hóa giải trong vài nốt nhạc”.

Bạo lực học đường, phòng quan trọng hơn chống

Tùy theo cấp học, nhà trường phải có biện pháp phòng chống thích hợp. Ở trung học cơ sở, bạo lực học đường thường diễn ra nhiều nhất ở đầu năm học, sau khi kiểm tra giữa kì, kiểm tra học kì.

Vì thế, ngay từ đầu năm học, nhà trường cần triển khai ngay công tác phòng tránh bạo lực học đường.

Nhà trường và giáo viên chủ nhiệm nên cho học sinh liệt kê những hành vi, biểu hiện bạo lực học đường, từ đó rút ra kết luận những hành vi không được làm trong trường học.

Lồng ghép phòng tránh bạo lực học đường trong giờ chào cờ bằng các tiết mục kể chuyện từ người thật việc thật, những trường hợp bạo lực đã xảy ra ...

Thực tế, có những cán bộ quản lý thiếu nhiệt tình, thiếu tâm huyết, thiếu năng lực, trên không chỉ đạo, không biết chủ động đề ra giải pháp phòng tránh bạo lực học đường, giáo viên nào đề nghị, tham mưu sẽ bị “để ý”.

Đừng vội quy trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm trong các vụ bạo lực học đường, đừng vội đình chỉ công tác họ, người phải đình chỉ công tác đầu tiên chính là hiệu trưởng nhà trường.

Nếu nhà trường không có động thái chỉ đạo, giáo viên chủ nhiệm muốn quản lý lớp nhẹ nhàng hơn thì nên chủ động làm công tác phòng tránh bạo lực học đường ngay từ đầu năm.

Để giúp học sinh tránh được hành vi bạo lực, cần giáo dục cho học sinh biết xin lỗi, biết cảm ơn với bạn mình, chứ không riêng gì với người lớn, với thầy cô.

Với học trò, chỉ cần bạn mình xin lỗi, cảm ơn, trái tim nhân ái sẽ nẩy lộc, đâm chồi ngay lập tức, hận thù, mưu thuẫn sẽ được hóa giải.

Giáo viên nên hướng dẫn học sinh tuyệt đối không thách bạn đánh mình, đâm mình. Thực tế, có những vụ bạo lực khốc liệt mà người viết chứng kiến, giải quyết, là do bị đối phương thách đánh, thách đâm.

Hãy làm cho cho học trò biết tha thứ là nhiệm vụ của các bạn ấy, trả thù đã có giáo viên chủ nhiệm lo, chỉ cần các bạn báo cho giáo viên chủ nhiệm biết chuyện đã xảy ra.

Khi xử lý bạo lực học đường, phải đề cao tính giáo dục, giảm đi tính trừng phạt, giáo viên tuyệt đối không dùng bạo lực để đáp trả bạo lực.

Người viết xin chia sẻ lại câu chuyện về tình huống mà người viết từng gặp. Một lần học sinh A bị học sinh B “méc”, A xé một trang của cuốn sách chuyện mà B yêu thích trong tiết dạy, người viết đã kêu A đứng lên và nói: “Thầy tin rằng sau khi đọc trang sách mà mình xé, A sẽ biết được những điều hay hơn, trong đó có không nên làm hư hỏng đồ vật của bạn.

Sau khi B bị xé sách, sẽ biết được không nên đọc chuyện trong tiết học”. Quả nhiên cả A và B đều hiểu và xin lỗi nhau, xin lỗi thầy và cả lớp.

Giáo dục học sinh cần ba môi trường: gia đình, nhà trường, xã hội …, nên bạo lực học đường xảy ra là tổng hòa của nhiều nguyên nhân.

Đến với học trò, con đường ngắn nhất là qua trái tim bằng tình yêu thương chân thành, điều này không khó, bất cứ giáo viên nào cũng làm được, dù lương chưa đủ sống ...

Thực tế gần 40 năm dạy học, người viết nhận thấy hiệu trưởng phải là người tiên phong trong phòng, chống bạo lực học đường.

Một ngôi trường đứng đầu là hiệu trưởng có tâm, có tầm, vì học sinh thân yêu, xây dựng được môi trường sư phạm minh bạch, đoàn kết, chắc chắn sẽ có tập thể giáo viên noi gương, yêu thương học trò, vì sự nghiệp giáo dục.

Một lớp học trong tình yêu thương, đoàn kết, vị tha, bắt đầu từ giáo viên chủ nhiệm, chắc chắn lớp đó không thể có bạo lực học đường.

Để bạo lực xảy ra trong trường học, trách nhiệm đầu tiên thuộc về hiệu trưởng, xác định đúng, không đổ lỗi cho giáo viên, có như thế mới triển khai tốt công tác phóng chống bạo lực trong trường học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh